Chủ nhật, 17/4/2016 | 10:00 GMT+7
Tranh cãi về người lính Anh từng tha chết cho Hitler
Câu chuyện về một binh sĩ Anh động lòng trắc ẩn tha cho Hitler trong Thế chiến I làm dấy lên những tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử.
Binh nhì anh Henry Tandey và trùm phát xít Adolf Hiler. Ảnh: BBC
|
Trong cuốn sách có tựa đề "The Blitzed City" của Karen Farrington kể về những cuộc ném bom kinh hoàng của Đức Quốc xã xuống thành phố công nghiệp hàng đầu của Anh là Coventry trong Thế chiến II, có một chi tiết đáng chú ý liên quan đến số phận của lãnh tụ Đức Quốc xã Adofl Hitler.
Theo đó, một nhân chứng của các vụ đánh bom là Henry Tandey, một trong những cựu binh sĩ Anh được vinh danh nhiều nhất trong Thế chiến I, cho rằng ông đã tha mạng cho một người lính Đức bị thương, người đó sau này trở thành trùm phát xít Adolf Hitler, theo Sudinfo.
Sự việc xảy ra vào ngày 29/8/1918. Trong một trận giao tranh giữa quân Anh và Đức tại khu vực gần làng Maroing, nước Pháp, binh nhì Henry Tandey nhìn thấy một lính Đức đang thất thểu trên chiến trường. Anh giương súng ngắm và chuẩn bị bóp cò. Đúng lúc đó, khói bụi tan bớt, Tandey nhận ra đó là một người lính liên lạc, đang bị thương và không được trang bị vũ khí. Ánh mắt tuyệt vọng của người lính Đức đã khiến Tandey động lòng trắc ẩn và hạ súng xuống.
Câu chuyện được chính Hitler xác nhận vào tháng 9/1938, khi Thủ tướng Anh thời đó là Neville Chamberlain trong một nỗ lực ngăn Thế chiến 2 xảy ra đã bay đến Munich gặp trùm phát xít. Hitler mời ông Chamberlain tới biệt thự riêng của mình tại vùng núi Bavaria. Biệt thự của Quốc trưởng Đức được trang trí bằng rất nhiều tác phẩm hội họa, trong đó Thủ tướng Anh đặc biệt chú ý đến một tác phẩm mô tả cảnh chiến trường sau một chiến dịch năm 1914 tại Anh.
Hitler giải thích rằng trong số các nhân vật trong bức tranh có một binh sĩ Anh là Henry Tandey, người đã tha mạng cho Quốc trưởng Đức vào năm 1918. Đó là bản sao của bức tranh do một họa sĩ Italy vẽ và được treo trong phòng bảo tàng Green Howards của đơn vị quân đội nơi Henry Tanday phục vụ.
"Người lính đó sắp giết tôi, tôi đã nghĩ rằng mình không thể nhìn thấy nước Đức một lần nữa. Nhưng thượng đế đã cứu tôi khỏi phát đạn của anh ta", Hitler khẳng định.
Theo yêu cầu của Hitler, sau khi về nước, Thủ tướng Chamberlain đã gọi điện thoại tới nhà Tandey để chuyển lời cảm ơn của Quốc trưởng Đức Quốc xã.
Trái ngược với thái độ của Hitler, câu chuyện trên lại là một gánh nặng tâm lý, ám ảnh suốt cuộc đời binh nhì Henry Tandey.
Sau những trận ném bom kinh hoàng của Đức xuống thành phố công nghiệp Coventry vào tháng 11/1940 khiến hàng nghìn người bị chết, trong số đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, một phóng viên đã hỏi Tandey về hành động tha chết cho Hitler. Tandey tỏ ra rất hối hận.
"Tôi không biết người lính đó sẽ trở thành người như thế nào. Khi tôi chứng kiến đồng bào mình, những phụ nữ và trẻ em vô tội thiệt mạng vì sự tàn bạo của Hitler, tôi đã cầu Chúa tha tội cho tôi vì để hắn sống".
Người lính cõng thương binh trên lưng được cho là Henry Tandey trong bức tranh của viện bảo tàng Green Howards. Ảnh: BBC
|
Nghi vấn
Tuy nhiên tiến sĩ David Johnson, người viết tiểu sử của Henry Tandey, cho rằng câu chuyện này có thể chỉ là sự thêu dệt của Hitler nhằm đánh bóng và "thần thoại hóa" hình ảnh của mình, đồng thời chỉ ra một số điểm đáng ngờ của câu chuyện do Hitler kể lại.
Johnson cho rằng Hitler đã lựa chọn ngày 28/9/1918 làm thời điểm diễn ra câu chuyện bởi đây là ngày có tính biểu tượng cao. Vào ngày đó, binh nhì Tandey đã được tặng huân chương chữ thập Victoria cao quý của quân đội Anh, trở thành một trong những anh hùng được vinh danh trong Thế chiến I.
"Nếu Hitler thực sự được một binh sĩ Anh tha chết thì nhiều khả năng đó không phải là Tandey. Hitler đã lựa chọn một người biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng chiến đấu để nâng cao giá trị của mình", Johnson khẳng định.
Hơn nữa, nếu thời gian Hitler đưa ra là chính xác thì khả năng trùm phát xít có thể nhận ra Tandey qua bức tranh là không cao, vì vào hôm đó Tandey đang bị thương, toàn thân phủ bùn và máu, khác hoàn toàn so với hình ảnh trong bức tranh.
Johnson phân tích rằng Adolf Hitler và Henry Tandey khó có thể giáp mặt nhau vào ngày 28/9/1918, bởi chỉ 10 ngày trước đó, đơn vị của Hitler đang di chuyển cách chỗ của Tandey 80 km về phía Bắc. Đồng thời trong hồ sơ lưu trữ của bang Bavaria thì Hitler được nghỉ phép từ ngày 25-27/9/1918. Như vậy vào ngày 28/9/1918, Hitler có thể vẫn đang nghỉ phép, hoặc đang trên đường trở lại đơn vị, hoặc có mặt tại đơn vị cách Tandey 80 km.
Một điểm đáng ngờ khác là việc truyền thông Anh đưa tin rằng sau khi trở về Thủ tướng Chamberlain đã gọi điện cho Tandey để gửi lời cảm ơn của Hitler. Qua tìm hiểu, Johnson cho rằng điều này khó có thể xảy ra vì thủ tướng Anh là một người cực kỳ bận rộn, đồng thời dữ liệu của công ty British Telecom cho thấy thời điểm đó gia đình Tandey không có điện thoại.
Ngoài ra, bản thân Tandey cũng không chắc chắn 100% rằng người mình đã tha mạng chính là Hitler. Sau khi truyền thông đưa tin về câu chuyện do Quốc trưởng Đức kể, Tandey thừa nhận mình đã tha chết cho một người lính Đức và khẳng định nếu không có thêm thông tin bổ sung thì khó có thể xác định người đó chính là Adolf Hitler.
"Theo cách nói của mọi người thì tôi đã giáp mặt với Hitler. Có thể người ta nói đúng. Nhưng tôi không còn nhớ nữa", Tandey bày tỏ.
Bất chấp những điểm bất hợp lý, câu chuyện về cuộc giáp mặt của anh hùng Thế chiến I Henry Tandey và trùm phát xít Adolf Hitler vẫn được lưu truyền như một sự kiện đã làm thay đổi lịch sử thế giới.
Nguyễn Hoàng
- Siêu pháo V3 - vũ khí phục hận của phát xít Đức (8/4)
- Stg-44 - loại súng uy lực từng bị Hitler hắt hủi (8/3)
- Nghi vấn quanh trận chiến sinh tử giữa hai huyền thoại bắn tỉa (1/4)
- Hàng nghìn kiều bào ở Đức phản đối Trung Quốc ở Biển Đông (11/4)
- Tòa nhà nơi Hitler sinh ra sắp bị sung công (10/4)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/tranh-cai-ve-nguoi-linh-anh-tung-tha-chet-cho-hitler-3385068.html?utm_source=detail&utm_medium=box_mostview&utm_campaign=boxtracking
Chủ nhật, 27/3/2016 | 10:00 GMT+7
Kế hoạch tấn công khủng bố nước Mỹ của Hitler
Kế hoạch khủng bố nước Mỹ của Hitler thất bại do sự mềm lòng của một thành viên trong đội biệt kích quốc xã từng có thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ.
8 thành viên trong đội biệt kích khủng bố nước Mỹ của Đức Quốc xã. Nhóm trưởng Dasch ở hàng trên, bên trái ngoài cùng. Ảnh: Weta
|
Trong khoảng thời gian đầu của Thế chiến 2, tuy không trực tiếp tham chiến, nhưng Mỹ đã có những hỗ trợ đáng kể cho phe Đồng minh bằng cách cung cấp nhiều vũ khí và trang thiết bị hạng nặng cho Anh và quân đội Tự do Pháp. Điều này đã làm Hitler tức giận và ra lệnh cho thuộc cấp bằng mọi cách phài kìm hãm năng suất nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ, theo Swiss military.
Thừa lệnh của trùm phát xít, năm 1942, các nhà chiến lược Đức quốc xã đã vạch ra một kế hoạch tấn công phá hoại nhằm vào các mục tiêu như nhà máy luyện kim, nhà máy phát điện, hệ thống đường ray xe lửa và cầu đường trên toàn nước Mỹ. Trung úy Walter Kappe, chỉ huy đơn vị tình báo số 2, từng có thời gian sống tại Mỹ và công tác trong tổ chức hữu nghị Mỹ - Đức, được giao nhiệm vụ phụ trách kế hoạch.
Tháng 4/1942, sau một thời gian tìm kiếm và sàng lọc, Kappe đã tuyển được 8 thành viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện bắt buộc như thành thạo tiếng Anh và từng có thời gian dài sống và làm việc tại Mỹ.
Các thành viên nhanh chóng được đưa đến một trường huấn luyện đặc biệt, cách Berlin 75 km. Tại đây, trong vòng 3 tuần, họ được huấn luyện các kỹ thuật tấn công phá hoại như sử dụng chất nổ, ngòi nổ hẹn giờ, lựu đạn, súng. Sau đó, họ được cấp một khoản tiền lớn để chi tiêu tại Mỹ trong vòng hai năm.
Ngày 13/6/1942, một chiếc tàu ngầm bí mật chở 4 thành viên đầu tiên bao gồm George John Dasch (nhóm trưởng), Ernst Burger, Richard Quirin và Heinrich Harm Heinck tiếp cận bờ biển Long Island, New York. Nhóm biệt kích được lệnh mặc quân phục Đức để đề phòng trường hợp bị bắt khi xâm nhập thì sẽ được đối xử như tù binh chiến tranh chứ không phải gián điệp. Nếu việc xâm nhập suôn sẻ, họ sẽ chôn giấu đồng phục và nhanh chóng phân tán tới các địa điểm đã định.
Tuy nhiên, khi vừa kịp cất giấu quần áo thì hành tung đáng ngờ của nhóm bị một cảnh sát tuần duyên phát hiện. Nhóm trưởng Dasch tự xưng là ngư dân và hối lộ viên cảnh sát một khoản tiền để anh ta không làm khó dễ.
Sau khi giả vờ nhận hối lộ, viên cảnh sát đã trở về báo cáo cấp trên. Khi đội cảnh sát đặc nhiệm của Mỹ quay lại thì 4 thành viên đội biệt kích Đức đã kịp bắt tàu hỏa đi New York. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu chiến dịch truy tìm những "kẻ khả nghi", nhưng thông tin không được công bố để tránh dư luận hoảng sợ và đánh động các điệp viên Đức. Mặc dù vậy, FBI không biết toán điệp viên này đã đi đâu.
Đến ngày 17/6/1942, 4 thành viên còn lại của toán thứ hai đổ bộ an toàn lên bờ biển Jacksonville, Florida. Sau đó họ lên tàu lửa đi Cincinnati, rồi chia thành hai tốp, một tốp đi về hướng Chicago và một hướng về New York để thực hiện nhiệm vụ mà không ngờ rằng có người đã tiết lộ kế hoạch bí mật.
Các điệp viên Đức xâm nhập bờ biển Mỹ từ tàu ngầm để đảm bảo bí mật. Ảnh minh họa: Wikipedia
|
Đó chính là nhóm trưởng Dasch, người tuy sinh ra tại Đức nhưng vượt biên tới Mỹ từ khi 20 tuổi. Năm 1927, ở tuổi 24, Dasch gia nhập quân đội Mỹ và phục vụ trong phi đội ném bom 72, trước khi xin phục viên danh dự một năm sau đó. Sau khi cưới một phụ nữ Mỹ vào năm 1930, Dasch được nhập quốc tịch Mỹ. Thế chiến 2 bùng nổ, Dasch theo tiếng gọi của quê hương đã quay lại Đức vào đầu năm 1940.
Từ khi quay lại nước Mỹ với vai trò là một đặc vụ, quyết tâm thực hiện kế hoạch phá hoại của Dash bị dao động bởi thành viên biệt kích này từng coi nước Mỹ như quê hương thứ hai của mình. Tâm lý bất an của Dasch càng tăng lên khi nhận ra đây là một kế hoạch "điên rồ" và khó khả thi. Dasch đã bàn bạc với một thành viên khác trong nhóm là Burger về việc đầu thú, và cả hai nhất trí sẽ nộp mình cho FBI.
Ngày 19/6/1942, Dasch phân công Burger ở nguyên vị trí đề phòng các điệp viên khác nghi ngờ, còn anh ta đi tàu hỏa đến trụ sở của FBI ở Washington để trình báo về kế hoạch. Ban đầu các quan chức FBI không tin Dasch, nhưng khi phát hiện số tiền lớn trong phòng khách sạn của anh ta, họ lập tức bắt giữ Dasch.
Những ngày sau đó, Dasch bị thẩm vấn kỹ lưỡng về danh tính của các thành viên trong nhóm cũng như các địa điểm nằm trong kế hoạch tấn công. Dựa theo lời khai của Dash, FBI nhanh chóng bắt gọn ba thành viên còn lại của nhóm cũng như tổ biệt kích đổ bộ lên bờ biển Florida.
Cả 8 biệt kích Đức sau đó đều bị tòa án quân sự Mỹ tuyên án tử hình. Tuy nhiên, giám đốc FBI đã xin Tổng thống Roosevelt giảm án cho Dasch xuống 30 năm tù và Burger xuống tù chung thân vì đã tự thú và có tinh thần hợp tác. Sáu thành viên còn lại bị xử tử trên ghế điện vào ngày 8/8/1942.
Năm 1948, Tổng thống Mỹ Harry Truman ra lệnh thả tự do và trục xuất Dash cùng Burger về Đức, nơi họ không được chào đón và bị coi là những kẻ phản bội bán đứng đồng đội. Ở tuổi 89, Dasch qua đời lặng lẽ ở Đức vào năm 1992 và không hề được ghi nhận bất cứ công lao nào.
Nguyễn Hoàng
- Bên trong 'địa ngục trần gian' tổng thống Mỹ quyết đóng cửa (24/2)
- LHQ hoan nghênh Nga rút quân khỏi Syria (15/3)
- Đức bắt nghi phạm dính líu tới IS tại trại tị nạn (4/2)
- Băng đảng 10.000 thành viên mà kẻ vượt ngục gốc Việt tham gia (29/1)
- Mỹ kêu gọi Nga tránh hành động đơn phương ở Syria (22/3)
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/ke-hoach-tan-cong-khung-bo-nuoc-my-cua-hitler-3374202.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking
Geen opmerkingen:
Een reactie posten