dinsdag 26 april 2016

Đông Nam Á đua nhau mua chiến đấu cơ phản lực để chống Trung Quốc + Trung Quốc hung hăng, châu Á tái vũ trang

Đông Nam Á đua nhau mua chiến đấu cơ phản lực để chống Trung Quốc

mediaMột mẫu chiến đấu cơ Rafale của tập đoàn Dassault của Pháp trưng bày tại triển lãm quốc tế Qatar, 31/03/2016.REUTERS/Naseem Zeitoon
Nhu cầu trang bị chiến đấu cơ, nâng cao khả năng phòng thủ của các nước Đông Nam Á ngày càng trở nên cấp bách trước những tham vọng quân sự của Trung Quốc. Triển vọng giành được hợp đồng với những đối tác từ Malaysia đến Việt Nam đang huy động nhiều nỗ lực của các nhà sản xuất.
Tất cả các nhà sản xuất máy bay quân sự trên thế giới đều đã có mặt tại Triển Lãm Quốc Phòng Châu Á tại Kuala Lumpur từ ngày 18 đến 21/04/2016. Đại diện của những tập đoàn Nga, Anh, Pháp hay Mỹ và kể cả Trung Quốc, Pakistan đã bận rộn hơn bao giờ hết.
Là nước chủ nhà, bộ Quốc Phòng Malaysia từ chối bình luận tin cho rằng Kuala Lumpur đang chuẩn bị thay thế một loạt máy bay MiG 29 mua của Nga từ thập niên 1990. Theo một số nguồn tin thông thạo, Malaysia có thể trang bị đến 18 chiến đấu cơ đời mới, tổng trị giá lên tới hơn hai tỷ rưỡi đô la. Có nhiều khả năng trong đợt hiện đại hóa đội chiến đấu cơ này, Malaysia đang hướng tới các loại phi cơ như Saab Gripen của Thụy Điển, Eurofighter Typhon của châu Âu hay Sukhoi Su-30 của Nga. Cũng có thể là Kuala Lumpur còn chú ý cả tới loại chiến đấu cơ cấp thấp hơn do Trung Quốc và Pakistan cùng chế tạo JF-17.
Nhìn sang Indonesia, Jakarta vẫn chủ yếu dựa vào hai đối tác chính là tập đoàn Mỹ Lockheed Martin với loạt F-16 và Rosoboronexport của Nga với loại chiến đấu cơ Su-30 và Su-35.
Một quốc gia Đông Nam Á được các nhà sản xuất chú ý là Việt Nam, do theo giới quan sát, nhu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Việt Nam gia tăng tại các khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Hãng tin Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin thông thạo theo đó, gần đây Hà Nội đã bắt đầu đàm phán với đối tác Thụy Điển Saab và tập đoàn Dassault của Pháp để mua ít nhất 12 chiến đấu cơ.
Từ trước tới nay, Nga vẫn là đồng minh truyền thống của Việt Nam, nhưng Hà Nội đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Và trong chiến lược mới đó, theo lời giám đốc khu vực của tập đoàn Thụy Điển, Kaj Rosander, Saab có nhiều hy vọng. Dù vậy, Hà Nội vẫn tiếp tục đàm phán với tập đoàn Rosoboronexport của Nga để mua chiến đấu cơ loại Su-35.
Đương nhiên, không chỉ Malaysia mà cả Việt Nam đều từ chối xác nhận những tin trên. Cả Việt Nam lẫn Indonesia cùng từ chối trả lời hãng tin Reuters về động cơ thúc đẩy các nước Đông Nam Á trang bị chiến đấu cơ đời mới. Nhưng khi phát biểu một cách không chính thức, Việt Nam và Indonesia đều nhìn nhận : Các nước trong vùng lao vào một cuộc chạy đua và khẩn trương mua chiến đấu cơ để làm đối trọng với Trung Quốc. Bắc Kinh ngày càng gia tăng kiểm soát Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia trong khu vực, chủ yếu là Việt Nam, Philippines,
Nhiều nước Đông Nam Á lo ngại, sau sự kiện máy bay quân sự Trung Quốc vào tuần trước lần đầu tiên đáp xuống đường băng trên Đá Chữ Thập, sắp tới đây Bắc Kinh sẽ còn điều chiến đấu cơ đến tận sát các nước láng giềng.
Báo cáo gần đây của viện nghiên cứu về an ninh, quốc phòng IHS Jane’s ghi nhận : « Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên nhân thúc đẩy các quốc gia khác trong vùng lao vào một cuộc chạy đua vũ trang, tăng tốc tiến trình hiện đại hóa các phương tiện phòng thủ. Philippines, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam thật ra chỉ theo gót Trung Quốc và xu hướng đó chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160425-dong-nam-a-dua-nhau-mua-chien-dau-co-phan-luc-de-chong-trung-quoc

Trung Quốc hung hăng, châu Á tái vũ trang

mediaTàu ngầm Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh - DR
Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên gần hết 90% diện tích Biển Đông. Hàng loạt các hoạt động cải tạo bồi đắp đảo thành các đường băng và các cơ sở khác nhau, thậm chí triển khai cả dàn tên lửa trên những bãi đá ngầm đã được tiến hành. Đây cũng là khu vực trọng yếu cho thương mại thế giới, nơi trung chuyển gần 5.000 tỷ đô la hàng hóa mỗi năm. Theo quan sát của Le Figaro ngày 12/04/2016, "Trước những tham vọng của Trung Quốc, châu Á tái vũ trang”.
Lo sợ trước việc Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi diện mạo trong khu vực, nhiều nước tại đây đang thắt chặt lại hay tái định hình các mối liên minh. Philippines đã nối lại hợp tác với cựu đế quốc Hoa Kỳ, khi chấp thuận cho mở cửa lại 5 khu căn cứ quân sự để đón lính Mỹ. Song song, ngân sách dành cho quốc phòng của Philippines trong năm qua đã tăng thêm 25%, dù vẫn nhận thức được rằng sức mạnh quân sự của mình không thể sánh bằng với các nước khác, nhất là với Bắc Kinh. Trước đó, năm 2014, Washington và Manila còn ký kết một thỏa thuận quốc phòng. Thỏa thuận hợp tác dự trù cả việc tăng cường các đợt tập trận chung hay hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Philippines.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông còn đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với cựu thù Mỹ. Các tranh chấp về quyền đánh bắt hải sản và khai thác các nguồn dầu khí đã làm gia tăng gay gắt sự đối đầu giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Le Figaro nhắc lại trong tuần qua, lực lượng tuần duyên Việt Nam đã chặn bắt một tàu chở dầu của Trung Quốc vì cho rằng đã xâm nhập trái phép vào vùng lãnh hải của nước này. Không chỉ đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt xung quanh các đảo có tranh chấp tại Hoàng Sa, Bắc Kinh còn thực hiện nhiều chuyến bay xâm phạm không phận của Việt Nam đi về hướng đường băng mới vừa được xây dựng trên bãi Đá Chữ Thập ở Trường Sa mà hai bên có tranh chấp chủ quyền.
Hà Nội tố cáo Bắc Kinh đe dọa an ninh khu vực cho là “những chuyến bay này của Bắc Kinh nhằm khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của họ trên quần đảo”. Trước việc Trung Quốc gia tăng những hành động khiêu khích, Việt Nam đã tăng thêm 7,6% cho ngân sách quân sự. Theo đó, Việt Nam dự định mua 12 chiến đấu cơ Su-35 của Nga cũng như là nhiều máy bay chiến đấu khác của châu Âu và Hoa Kỳ, để tăng cường khả năng phòng ngự.
Về phần mình, Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau nhiều năm liên tiếp giảm chi phí cho quân sự, Tokyo quyết định tăng ngân sách cho quân sự hồi năm rồi, đồng thời cho khởi động một trạm ra-đa giám sát trên Biển Đông, gần với Đài Loan.
Với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á thì sao? Le Figaro ghi nhận, thường vẫn nằm ngoài các tranh chấp, nay Malaysia bắt đầu lên tiếng phản đối. Quốc gia láng giềng là Indonesia, tuy không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng vì lo ngại trước hiện tượng hàng trăm tầu cá ngang nhiên đi vào vùng lãnh thổ của mình đã buộc nước này tăng ngân sách cho quân sự thêm 16%.
Cuối cùng là nước Úc, một cường quốc khác trong khu vực. Canberra công khai bày tỏ các quan ngại của mình trước các động thái hung hăng của Trung Quốc. Chi tiêu cho quốc phòng của nước này trong vòng 10 năm tới được dự trù tăng thêm 31 tỷ đô la để tăng cường khả năng đối phó với mối đe dọa trên. Hiện Canberra đang thương thảo với Washington để mua thêm các chiến đấu cơ có tầm hoạt động xa. Bên cạnh đó, Úc cũng dự tính thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ quyền tự do lưu thông trong khu vực… Dẫu biết rằng không quốc gia nào muốn xảy ra điều tồi tệ nhất, nhưng cuộc đua vũ trang này đang làm gia tăng rủi ro làm bùng nổ bất ngờ xung đột.
Biển Đông: Đối đầu Bắc Kinh – Washington
Một hệ quả khác của hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là làm nảy sinh sự “đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington”. Để trấn an các đồng minh của mình trước những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông, Washington liên tiếp đưa ra nhiều sáng kiến, khiến Bắc Kinh nổi giận.
Dấu hiệu căng thẳng đang gia tăng giữa đôi bên là việc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Ashton Carter hủy chuyến thăm Trung Quốc, được lên chương trình từ rất lâu. Đồng thời, việc Hoa Kỳ gởi nhiều chiến đấu cơ và tàu chiến đến gần những bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bồi đắp gây tranh cãi cũng làm cho Bắc Kinh bực mình.
Lầu Năm Góc còn dự tính trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục các cuộc tuần tra. Thông tin này được tiết lộ ngay sau cuộc gặp giữa tổng thống Barack Obama với nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp này, ông Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh cáo không dung thứ bất cứ hành động nào dưới danh nghĩa tự do lưu thông, có nguy cơ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160412-trung-quoc-hung-hang-chau-a-tai-vu-trang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten