vrijdag 29 april 2016

Ấn Độ-Việt Nam : Đối trọng mới của Trung Quốc ở châu Á

Ấn Độ-Việt Nam : Đối trọng mới của Trung Quốc ở châu Á

mediaChiến hạm Sahyadri của Hải Quân Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng 4 ngày, trong khuôn khổ "chính sác hướng Đông". Ảnh chụp ngày 02/10/2015.CC/Indian Navy
Ấn Độ không còn che giấu tham vọng đóng một vai trò chính trị và an ninh tích cực hơn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là nhận xét của tác giả Sylvia Mishra, trong bài phân tích đăng trên trang mạng nationalinterest.org ngày 25/04/2016.
RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nghiên cứu Quan sát, chuyên gia về chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ Ấn Độ-Hoa Kỳ.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu Sylvia Mishra, vì các lý do chính trị và thương mại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chính sách tư duy chiến lược của Ấn Độ. Nhưng Ấn Độ có thể chưa đủ khả năng hòa nhập một cách khôn khéo vào khu vực, do thiếu chính sách phù hợp, hiện đại hóa quân sự và tốc độ phi mã của nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, New Delhi đã từng bước phát triển trọng lượng chiến lược và kinh tế của mình thông qua “Chính sách hướng Đông” (Act East policy) và theo đuổi chinh sách ngoại giao đa phương.
Đọc thêm: Ấn Độ thách thức Bắc Kinh khi tăng cường quan hệ với Việt Nam
Trong bối cảnh tăng cường an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một quốc gia quan trọng giúp Ấn Độ có thể hiện diện và duy trì vị trí trong khu vực là Việt Nam. Trong vài năm gần đây, vai trò ngoại giao của Hà Nội đã gia tăng trong tính toán chiến lược của New Delhi. Giữa một “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ và một “Chính sách hướng Tây” của Việt Nam, cả hai nước có một cơ hội lịch sử để hình thành sự cân bằng quyền lực ở châu Á.
Ấn Độ-Việt Nam và truyền thống bang giao
Chính quyền Modi đã đánh dấu sự chín chắn trong chiến lược châu Á của Ấn Độ, thể hiện qua việc cam kết tăng cường và nâng mối quan hệ với Việt Nam ở cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, cả hai nước cần phải nỗ lực nhiều hơn để xây dựng chiến lược phối hợp ngoại giao và quân sự một cách rõ ràng hơn và gần gũi hơn. Sự lo ngại trước những yêu sách bành trướng và thái độ ngang nhiên coi thường các nguyên tắc quốc tế của Trung Quốc càng giải thích việc New Delhi và Hà Nội cải thiện quan hệ song phương.
Ấn Độ và Việt Nam đã có nền tảng tảng quan hệ ngoại giao chặt chẽ được Jawaharlal Nehru, vị thủ tướng Ấn Độ đầu tiên và chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh thiết lập trong chuyến công du Ấn Độ tháng 02/1958. Tuy nhiên, cả hai nước cần phải vượt trên cả những nền tảng lịch sử này để xây dựng cơ chế chính trị-quân sự mới hoàn toàn thích ứng với một trật tự châu Á đang phát triển. Tương lai rộng mở cho mọi mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn giữa hai nước, trong các lĩnh vực phát triển hợp tác quốc phòng, ngoại giao, hải quân hay thương mại và đầu tư.
Gần đây, trong chuyến thăm chính thức New Delhi vào tháng 05/2014 của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, các nhà lãnh đạo hai nước tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng thông qua đối thoại an ninh, xây dựng năng lực và hành động nhân đạo rà xóa bom mìn theo quy định của Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus).
Hai nước cũng đã ký một biên bản ghi nhớ về hạn mức tín dụng, theo đó Ấn Độ cho Việt Nam vay 100 triệu đô la để mua trang thiết bị quốc phòng. Nằm trong khoản vay trên có đơn hàng Ấn Độ chuyển giao cho Việt Nam bốn tàu tuần tra ngoài khơi. Những sự kiện này cho thấy, một mặt, Ấn Độ đã sẵn sàng để trở thành một nước xuất khẩu vũ khí ; mặt khác, quốc gia Nam Á này cũng mong muốn góp phần nâng cao năng lực quốc phòng của Việt Nam.
Đọc thêm: Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tàu tuần tra cao tốc
Tuy nhiên, việc New Delhi hỗ trợ Hà Nội hiện đại hóa lực lượng quân sự không phải là điều mới mẻ. Trước đó, dưới thời chính phủ của đảng Liên minh Tiến Bộ Thống nhất (United Progressive Alliance, UPA) đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán chuyển giao các tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos do Ấn Độ sản xuất. Nhưng quá trình đàm phán không mấy tiến triển do đảng Liên minh Tiến Bộ Thống nhất tỏ ra do dự trong việc xuất khẩu vũ khí quốc phòng. Từ hai năm qua, chính phủ của ông Modi cũng đã không thúc đẩy được quá trình này.
Việt Nam cũng đã tìm cách hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải. Cả hai nước đã tham gia vào trao đổi tàu thuyền thường xuyên, trong khi các sĩ quan Ấn Độ huấn luyện cho các lực lượng tàu ngầm Việt Nam. Trước những tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố chủ quyền trên gần hết vùng Biển Đông của Trung Quốc, Việt Nam đã phải nỗ lực để giữ lãnh thổ trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng tiến hành nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên các rạn san hô.
Đọc thêm: Triển khai sang Biển Đông: Tàu chiến Ấn Độ thăm cảng Đà Nẵng
Một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research, SIPRI) nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 46% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu trong vòng 5 năm trở lại đây. Cuộc chạy đua vũ trang cũng chứng tỏ tính thiếu an toàn tại khu vực này, nơi Trung Quốc “bắt nạt” các nước láng giềng nhỏ hơn song lại không bị trừng phạt.
Từ lâu, Ấn Độ rất thận trọng với các bên tranh chấp lãnh thổ. Nhưng dưới thời chính quyền Modi có một sự thay đổi chính sách ngày càng rõ nét. Hiện New Delhi tiếp cận vấn đề này một cách thực dụng hơn và không ngại làm “mếch lòng” Trung Quốc.
Ấn Độ hưởng ứng chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ
Tuyên bố “Tầm nhìn chiến lược” Ấn Độ-Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng với việc ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi chính sách trên. Mặc dù New Delhi đã từ chối nhiều cuộc đàm phán về tuần tra chung ở Biển Đông với Hoa Kỳ, nhưng Ấn Độ đang dần để lộ rõ tham vọng đảm trách vai trò an ninh quan trọng hơn để khôi phục trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực này.
Nhìn xa hơn, quan hệ hợp tác của Ấn Độ với Việt Nam trước hết là sự hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ đối với chính sách “tái cân bằng” của Mỹ. Ấn Độ, Hoa Kỳ và Việt Nam cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc ngăn chặn hành vi thống trị của Trung Quốc trên các tuyến đường thương mại hàng hải, cũng như các yêu sách đòi hỏi chủ quyền và hành vi chiếm đoạt lãnh thổ của Bắc Kinh.
Đọc thêm: Tàu chiến Ấn Độ tới Biển Đông tập trận với các nước Đông Nam Á
Vào thời điểm khi Trung Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa tiên tiến địa đối không trên các đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam coi sự hiện diện của Hoa Kỳ như một lá chắn chống lại sức mạnh quân sự ngày càng hùng hậu của Bắc Kinh. Chắc chắn, quân đội Hoa Kỳ đồn trú trong khu vực sẽ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sức mạnh tại đây. Tuy nhiên, duy trì ngoại giao và sự hỗ trợ an ninh với các nhân tố khác trong vùng như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc sẽ là một lực cản đáng kể. Thêm vào đó là lời cam kết về kinh tế của New Delhi với Việt Nam và các nước châu Á-Thái Bình Dương khác cũng là một yếu tố giúp các quốc gia khác nhìn nhận Ấn Độ như một cán cân tái cân bằng trong vùng.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác thương mại Ấn Độ và Việt Nam vẫn còn chưa phát triển mạnh. Trong khi thương mại của Ấn Độ với Việt Nam ở mức thấp đáng ngạc nhiên, chỉ vào khoảng 8,08 tỉ đô la (năm 2014), thì ngược lại giao thương Việt Nam-Trung Quốc không ngừng tăng, bất chấp những tranh chấp lãnh thổ kéo dài từ nhiều thế kỷ, đạt 66 tỉ đô la (năm 2015).
Theo một báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, có khoảng 1.346 dự án của Trung Quốc đang được thực hiện tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 10,4 tỉ đô la. Như vậy, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ chín trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vẫn theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng mạnh vốn đầu tư : từ 312 triệu đô la vào năm 2012 lên tới 2,3 tỉ đô la vào năm 2013 và cuối cùng là 7,9 tỉ đô la vào năm 2014.
Đọc thêm: Việt - Ấn mở rộng hợp tác dầu khí Biển Đông bất chấp Trung Quốc
Là thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), Việt Nam muốn tận dụng các khoản đầu tư Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, để đáp ứng những ràng buộc kinh tế, giới doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nỗ lực để kiềm chế làn sóng bạo lực và bài Trung Quốc trong những năm gần đây.
Cách Ấn Độ tiếp cận thực tế với Việt Nam nên bao gồm cả quan hệ chiến lược và quốc phòng, cũng như thúc đẩy chính sách thương mại và đầu tư đầy tiềm lực trong các lĩnh vực dệt may, nông nghiệp, dược phẩm, năng lượng, dầu mỏ và khí đốt. Những nỗ lực để xây dựng hợp tác song phương này không chỉ là chìa khoá cho tái cân bằng quyền lực châu Á, mà còn mở đường cho vai trò chủ đạo của Ấn Độ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160428-an-do-viet-nam-doi-trong-moi-cua-trung-quoc-o-chau-a-thai-binh-duong

Việt Nam và Ấn Độ ký tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng

mediaBộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (T) và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh (P)DR
Nhân chuyến công du Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ngày 25/05/2015, đại diện quân đội hai nước đã ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng nhằm tăng cường quan hệ chiến lược song phương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, Tuyên bố chung về Tầm nhìn Quốc phòng giai đoạn 2015-2020, được ký giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và đồng nhiệm Việt Nam Phùng Quang Thanh.
Bên cạnh đó, trước sự chứng kiến của hai Bộ trưởng, đại diện lực lượng tuần duyên hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương. Trước đó, Bộ trưởng hai nước đã có các cuộc hội đàm về hợp tác quốc phòng, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bắt đầu công du Ấn Độ từ Chủ nhật, 24/05. Chuyến công du 3 ngày này diễn ra vào lúc Trung Quốc gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo để khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo nguồn tin báo chí, phía Việt Nam mong muốn Ấn Độ huấn luyện các thủy thủ tàu ngầm, trong khi đó, New Delhi muốn bán tên lửa siêu âm Brahmos cho Hà Nội. Tuy nhiên, theo các quan chức Ấn Độ, dự án này chưa hoàn tất.
New Delhi và Hà Nội đã tăng cường quan hệ kinh tế chiến lược trong bối cảnh Ấn Độ đẩy mạnh chính sách « Hướng Đông » và Việt Nam phải đối phó với các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Năm ngoái, hai nước đã có ít nhất ba cuộc viếng thăm trao đổi cấp cao. Tháng 08/2014, Ngoại trưởng Ấn Độ tới Việt Nam. Sang đến tháng 09/2014, Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam và trong dịp này, New Dehli cấp 100 triệu đô la tín dụng để Việt Nam mua các thiết bị quân sự của Ấn Độ. Đến tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150527-viet-nam-va-an-do-ky-tuyen-bo-chung-ve-hop-tac-quoc-phong

Ấn Độ huấn luyện sĩ quan tình báo Việt Nam

mediaThủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (P) tiếp lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval, Hà Nội, 03/04/2015REUTERS
Lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia Ấn Độ cho biết, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị New Delhi giúp đào tạo sĩ quan tình báo và tăng cường huấn luyện lực lượng Hải quân và Không quân Việt Nam.
 Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ (The Economic Times), số ra ngày hôm nay, 06/04/2015, nhân chuyến công du Việt Nam, lãnh đạo Cơ quan an ninh Quốc gia Ấn Độ, ông Ajit Doval đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh tại Hà Nội, ngày 03/04 vừa qua.
Để thúc đẩy « Chính sách Hướng Đông », Ấn Độ sẽ huấn luyện các sĩ quan tình báo cho Việt Nam, song song với việc tăng cường đào tạo lực lượng cho Hải quân và Không quân Việt Nam. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra các đề nghị này.
Bên cạnh đó, cũng theo yêu cầu của Việt Nam, Ấn Độ sẽ cung cấp các công nghệ quân sự và quốc phòng, hỗ trợ đấu tranh chống tội phạm tin học.
Lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia Ấn Độ cho biết sẵn sàng giúp Việt Nam đào tạo bộ máy quân sự và an ninh.
Ấn Độ đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Hợp tác quân sự song phương bao gồm việc cung cấp các thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, hải quân tập trận chung, huấn luyện chống nổi loạn và chiến tranh du kích.
Trong chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố : « Hợp tác quốc phòng của Ấn Độ với Việt Nam là một trong những quan hệ hợp tác quan trọng nhất. Ấn Độ tiếp tục cam kết giúp hiện đại hóa lực lượng quân sự và an ninh Việt Nam ». New Delhi cũng cho biết sẽ nhanh chóng giải ngân khoản tín dụng 100 triệu đô la để Việt Nam có thể mua các tàu chiến của Ấn Độ.
Cũng nhân chuyến công du Việt Nam của lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia Ấn Độ, trong tuần qua, hai bên đã thảo luận về tình hình Biển Đông. Ám chỉ gián tiếp đến các hành động của Trung Quốc, ông Doval tuyên bố là Ấn Độ chống lại mọi hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng trong vùng biển này và kêu gọi tôn trọng quyền tự do lưu thông.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150406-an-do-huan-luyen-si-quan-tinh-bao-viet-nam

Ấn Độ sắp bán hỏa tiễn chống hạm cho Việt Nam

mediaViệt Nam muốn mua tên lửa chống chiến hạm Brahmos do Ấn Độ và Nga sản xuất RFI /Keo Chhaya
Theo báo chí Ấn Độ, chính phủ của ông Modi đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch xuất khẩu vũ khí do Ấn sản xuất cho các nước bạn. Khởi đầu là việc xuất khẩu tên lửa siêu thanh chống hạm BrahMos cho các nước Đông Nam Á và Nam Mỹ, trong đó có Việt Nam, Indonesia và Venezuela tỏ ý muốn mua.
Theo tờ The Economic Times hôm qua 03/09/2014, quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn trên lãnh vực quốc phòng, và trong những năm gần đây Hà Nội ngỏ ý muốn mua hỏa tiễn BrahMos. Ấn Độ có thể ký hợp đồng bán thiết bị quân sự cho Việt Nam trong chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Ấn Pranab Mukherjee từ ngày 14 đến 17/9 tới.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh do Nga - Ấn hợp tác sản xuất, có thể phóng đi từ một tàu ngầm, chiến hạm, phi cơ hay một giàn phóng hỏa tiễn trên đất liền. Tốc độ của BrahMos đạt 2,5 đến 2,8 Mach - nhanh gấp ba lần hỏa tiễn siêu thanh Harpoon của Mỹ. Trang bị đầu đạn từ 200 đến 300 kg, BrahMos có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 290 km, là loại tên lửa diệt hạm vô cùng hiệu quả.
Trước đó vào giữa tháng Bảy, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, công ty liên doanh Nga - Ấn BrahMos Aerospace đã yêu cầu chính quyền Ấn Độ cho phép xuất khẩu tên lửa BrahMos sang các nước thứ ba, còn phía Nga thì đã bật đèn xanh. Được biết liên doanh BrahMos Aerospace được thành lập từ năm 1998, « BrahMos » là tên ghép của hai con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Matxcơva của Nga.
The Economic Times nói thêm, thỏa thuận Nga - Ấn về việc triển khai hỏa tiễn BrahMos cho phép quân đội hai nước sử dụng loại vũ khí tiên tiến này, cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba. Tờ báo nhấn mạnh, Việt Nam và Nga có quan hệ đối tác từ lâu, và Việt Nam thường mua thiết bị quốc phòng của Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã tuyên bố muốn chuyển đổi từ một nước nhập khẩu 65% thiết bị quân sự sang tự sản xuất và xuất khẩu sang các nước bạn bè. Ngoài hỏa tiễn BrahMos, Ấn Độ cũng có thể xuất khẩu chiến đấu cơ hạng nhẹ Tejas, hỏa tiễn địa-không Akash và hỏa tiễn Prahar. The Economic Times dẫn một số nguồn tin cho biết vũ khí do Ấn Độ sản xuất có giá rẻ hơn Trung Quốc.
Trang tin Russia & India Report hồi cuối năm cũng đã tiết lộ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Ấn Độ đã chính thức đề nghị New Delhi bán hỏa tiễn BrahMos, cũng như giúp huấn luyện phi công Việt Nam điều khiển máy bay Sukhoi-30.
Được biết hỏa tiễn BrahMos sử dụng trên đất liền, trên biển hay từ tàu ngầm có cấu tạo như nhau, còn phiên bản dùng cho phi cơ hiện nay được chế tạo để phóng đi từ máy bay Su-30 MKI. Trang mạng này dẫn một số nguồn tin cho rằng, Ấn Độ tỏ ra sẵn sàng bán tên lửa và huấn luyện phi công, nhưng do dự trước việc đi xa hơn trong hợp tác quân sự với Việt Nam vì Trung Quốc luôn quan sát các động thái của New Delhi trong quan hệ với Hà Nội.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140904-an-do-sap-ban-hoa-tien-chong-ham-cho-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten