dinsdag 26 april 2016

Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) : đầu tư 45 triệu đôla xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tất cả thiết bị đo đều đạt tiêu chuẩn Đài Loan + Chọn cá hay... gang thép ?

Formosa: 'Nước thải đúng tiêu chuẩn'

  • 25 tháng 4 2016


Image copyright AFP
Image caption Formosa nói hiện chưa có quyết định thanh tra của chính quyền
Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) nói với BBC họ đầu tư hơn 45 triệu đôla vào hệ thống xử lý nước thải và đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam.Ngày 25/4 ông Chang Fu-ning nói với phóng viên BBC ở Đài Loan Cindy Sui qua điện thoại: "Chúng tôi đầu tư 45 triệu đôla xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Tất cả thiết bị đo đều đạt tiêu chuẩn Đài Loan."Theo tất cả các thử nghiệm của chúng tôi, kết quả cho thấy nước thải đủ tiêu chuẩn do chính phủ đưa ra.
"Nhà máy xử lý nước thải có công suất 45.000 tấn mỗi ngày nhưng hiện nhà máy chỉ thải ra 10.000 tới 12.000 tấn mỗi ngày nên nhà máy chắc chắn có thể xử lý được tất cả nước thải ra. Chúng tôi chưa vượt quá công suất xử lý.
"Đây là hệ thống đánh giá chất lượng nước 24 giờ và chúng tôi cũng có công nhân thường xuyên lấy mẫu nữa."
Ông Chang cũng nói không thể có chuyện đường ống có vấn đề hay bị rò rỉ vì mới chỉ được đưa vào sử dụng hồi tháng Chín năm ngoái.
Theo ông Chang, các quan chức môi trường Việt Nam đã cử đoàn 20 người tới làm việc với nhà máy trong các ngày thứ Năm, thứ Sáu và Chủ Nhật.
"Họ kiểm tra việc xử lý nước thải và hệ thống xả thải và hệ thống kiểm tra chất lượng nước của chúng tôi.
"Chúng tôi kiểm tra chất lượng nước bằng các máy tính trong hệ thống tự động cũng như qua kiểm tra chất lượng nước của công nhân.
"Chính quyền cũng chỉ định công ty tới kiểm tra nước của chúng tôi."
Trong lúc đó cùng ngày 25/4, báo Người lao động dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành liên quan "khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm."
Ông Phúc cũng đề nghị chính quyền địa phương "giúp người dân sớm ổn định cuộc sống" và "không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản."

'Không thể họp báo'



Nói về vấn đề cá chết trên biển mà ông cho rằng bắt đầu từ hôm 7/4, ông Chang bình luận:
"Có hai nhà máy điện ở đây. Chính quyền không chỉ kiểm tra chúng tôi mà cả hai công ty này nữa. Chúng tôi không phải là nhà máy duy nhất ở đây.
"Các công ty nhỏ không bị kiểm tra. Những công ty lớn như chúng tôi có hệ thống kiểm soát nội bộ.
"Hiện chưa có kết quả kiểm tra của chính quyền nhưng các báo dẫn lời người dân địa phương nói có lẽ [thủ phạm] là chúng tôi vì chúng tôi là nhà máy lớn nhất ở đây.
"Trước khi có kết quả chúng tôi không thể có họp báo được."
"Trước khi chính phủ xác định nguyên nhân gây ra vấn đề, tôi không thể nói đó không phải do chúng tôi.
"Nhưng nếu người ta muốn tới thanh tra hay lấy mẫu thì chúng tôi sẵn sàng."

Chọn cá tôm hay thép?

Trong khi đó ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc Đối ngoại của Formosa được kênh truyền hình VTC 14 dẫn lời nói:
"Nhiều khi được cái nọ thì phải mất cái kia...
"Đương nhiên mình cố gắng trên mọi phương pháp làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của nhà nước...
"Nhiều khi mình không được cả hai, mình phải lựa chọn.
"Tôi muốn bắt cá bắt tôm hay tôi muốn xây ngành thép hiện đại."

Tin liên quan

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160425_formosa_reaction

Có khó xác định nếu cá chết vì xả thải của Formosa?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-04-22


Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

ca-chet-hang-loat-formosa-622.jpg
Ống nước thải đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra biển của Formosa.
Courtesy Tiền Phong

Báo chí và công luận Việt Nam sôi nổi về hiện tượng cá chết hàng loạt, có thể tới hàng trăm tấn, dọc bờ biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh xuống Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Sẽ xác định được nguyên nhân?

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi là việc tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt có quá khó hay không, mà các cơ quan chức năng đã mất nhiều thời gian vẫn chưa công bố kết quả. Từ Hà Nội, TS Nguyễn Ngọc Sinh nhận định:
Nhưng chắc chắn trước sau cũng sẽ xác định được thôi. Hơn nữa, bây giờ mình cứ cho là chỗ đó chưa tiếp cận được và phải tìm cách tiếp cận… thực ra nếu nguyên nhân từ chỗ đó thì không phải là khó lắm để mà xác định.
-TS Nguyễn Ngọc Sinh
TS Nguyễn Ngọc Sinh: Theo tôi vấn đề không hề đơn giản vì cá chết trên diện rộng, biển thì mênh mông, rồi các chất thải ở trên bờ, ở ngoài biển..v..v.. mấy ngày hôm nay Tổng cục Môi trường triển phân tích đánh giá. Như tôi được biết là chưa có kết luận, nhưng tôi đặc biệt chia sẻ đây là vấn đề không hề đơn giản.
Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, nơi đầu tiên phát hiện cá chết là ở Vũng Áng Hà Tĩnh, có thể nó bắt nguồn ở đây. Nhưng đoàn công tác Bộ NN không thể vào kiểm tra khu công nghiệp Vũng Áng là nơi có nhà máy thép Formosa sản xuất thép, chất thải rất độc hại và đường ống xả thải họ nói là đường kính 1 mét, đặt sâu dưới biển 17 mét và dài tới 1,5km. Việc không kiểm tra vì không vào được, chuyện này là bất cập vì phải đợi lệnh Thủ tướng… như thế việc bảo vệ môi trường quá khó khăn?
TS Nguyễn Ngọc Sinh: Tôi nghĩ ở đâu cũng có những khó khăn của nó, bởi vì ngoài những qui định liên quan tới bảo vệ môi trường, còn có những qui định khác liên quan đến quản lý đất đai, cũng như các lĩnh vực khác. Nhưng chắc chắn trước sau cũng sẽ xác định được thôi. Hơn nữa, bây giờ mình cứ cho là chỗ đó chưa tiếp cận được và phải tìm cách tiếp cận… thực ra nếu nguyên nhân từ chỗ đó thì không phải là khó lắm để mà xác định.
Tuy nhiên tôi cũng xin lưu ý là, hình như hiện tượng cá chết hàng loạt không chỉ xảy ra ở bờ biển Việt Nam đâu, rất nhiều nơi khác nữa trên thế giới. Thành ra rất cần bình tĩnh, khẩn trương nhưng bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân, để xác định cho đúng và có thể giải quyết được.
Nam Nguyên: Thưa, Tiến sĩ có thiên về một giả thiết nào hay không? Trên báo chí các chuyên gia đưa ra rất nhiều giả thiết như vì cyanure, rồi các chất độc hại khác… nói chung đều nhắm Khu Công nghiệp Vũng Áng.


ca-chet-622.jpg
Cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung thuộc ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

TS Nguyễn Ngọc Sinh: Chưa có đủ thông tin, dĩ nhiên tôi cũng mong muốn giải quyết nhanh. Không phải chỉ để giải quyết cho vụ này, mà  cho cả những tình huống khác nữa có thể sẽ xảy ra, thành ra phải rất khẩn trương. Nhưng cũng phải hết sức thận trọng, nếu không mình sẽ rất dễ gọi là võ đoán vào một khả năng nào đó, khi mà không có đủ các số liệu. Như thế rất không có lợi.
Nam Nguyên: Thưa TS, có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng ngành môi trường có vẻ không có đủ quyền lực cần thiết và không được phối hợp chặt chẽ.
TS Nguyễn Ngọc Sinh: Vâng, sự phối hợp thì chúng ta đã nhiều lần đề cập tới rồi, là chưa được tốt và còn nhiều thứ cần phải cải tiến. Thế còn quyền lực của cơ quan này, cơ quan kia là do luật qui định. Tất nhiên trong ngành, chúng tôi cũng muốn là có đủ quyền lực hơn để có thể giải quyết đến nơi đến chốn mọi công việc… đây là một công việc mang tính xã hội mà.

Chính sách mâu thuẫn?

Nam Nguyên: Thưa, khi đã đánh giá tác động môi trường như dự án Formosa, tất cả đã hoàn chỉnh để dự án thành hình và đã vào sản xuất một phần. Nhưng việc kiểm tra hệ thống xử lý chất thải rắn hoặc nước xả thải, thì sẽ phải vào kiểm tra định kỳ. Ai sẽ vào kiểm tra, có thể vì lý do gì đó mà lơ là hay không. Như vụ ở Đồng Nai ngày trước liên quan tới nhà máy bột ngọt, thì cũng vì không kiểm tra, họ đã tự động xả ra môi trường mà không qua hệ thống. TS Nhận định gì?
Phải cân đối qua thực tiễn giải quyết xem là cần phải điều chỉnh như thế nào, giữa một bên mong muốn phát triển mạnh và một bên là phải kiên trì vấn đề bảo vệ môi trường để cho nó hài hòa.
-TS Nguyễn Ngọc Sinh
TS Nguyễn Ngọc Sinh: Điều này gọi là hậu đánh giá tác động môi trường, đây là một trong những việc rất được quan tâm, làm sao để cho việc đó được thực hiện một cách có hiệu quả nhất, có hiệu quả cao. Tuy nhiên lực lượng không phải lúc nào cũng đủ quân số và trang thiết bị, rồi thì các nhà máy đôi khi họ cũng cố tình để mà lẩn tránh việc kiểm tra đó.
Một mặt họ yêu cầu muốn vào kiểm tra phải thông báo trước để họ sẵn sàng. Nhưng mặt khác khi mình thông báo trước, thì nếu họ cố tình thì họ lại tìm cách để lẩn tránh chuyện đó. Thế thì cũng đang có nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết thật tốt khâu hậu kiểm tra. Thí dụ như bắt các cơ sở sản xuất ấy tự trang bị các thiết bị về monitor trong khi người ta không vào kiểm tra được, hoặc là thực hiện kiểm tra đột xuất của các lực lượng. Và quan trọng hơn nữa là vận động quần chúng để người ta phát hiện ra những việc không tuân thủ theo pháp luật, hay báo cáo đánh giá tác động môi trường đã đưa ra… Như thế công việc đến nay rất cố gắng, nhưng tôi hiểu rằng chưa được như mong muốn của nhiều người.
Nam Nguyên: Thưa TS, Việt Nam trải thảm đỏ để phát triển kinh tế mời gọi các dự án đầu tư, rất nhiều dự án hàng trăm triệu, hàng tỉ đô la. Nhưng các ngành công nghiệp như dệt may hay sắt thép khi sản xuất sẽ có chất thải rất độc hại. Có thể làm gì để hài hòa giữa phát triển kinh tế mời gọi đầu tư và bảo vệ môi trường?
TS Nguyễn Ngọc Sinh: Trong khi hoạch định chính sách thì luôn luôn có những mâu thuẫn trái chiều từ các luồng khác nhau. Ý kiến như anh vừa nói là một luồng, còn một luồng khác lại cho rằng chúng tôi quá chặt chẽ trong quy định đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược và như thế thậm chí làm cản trở việc đầu tư, đấy cũng là một luồng khác.
Vì thế phải cân đối qua thực tiễn giải quyết xem là cần phải điều chỉnh như thế nào, giữa một bên mong muốn phát triển mạnh và một bên là phải kiên trì vấn đề bảo vệ môi trường để cho nó hài hòa. Bây giờ nói nhận xét như thế nào, thì phải có đánh giá đầy đủ chứ chỉ dựa vào một số sự kiện thì không chính xác được.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Nguyễn Ngọc Sinh đã trả lời phỏng vấn.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten