Phụ nữ làm lãnh đạo thường 'đơn độc'
- 30 tháng 11 2015
"Nam giới khi làm lãnh đạo thì tất cả mọi người đều hỗ trợ cho người đó, nhưng phụ nữ làm lãnh đạo thường rất đơn độc," Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói trong thảo luận của BBC về bình đẳng giới ở vị trí lãnh đạo, quản lý tại Việt Nam.
Xem thảo luận nằm trong loạt chương trình 100 Phụ nữ của BBC năm 2015 tại: http://bit.ly/1TnM5ybViện trưởng viện Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, trong những nghiên cứu do viện thực hiện về bất bình đẳng giới ở Việt Nam, điều gây bất ngờ nhất và là yếu tố quan trọng của vấn đề này chính là quan niệm về vai trò nam - nữ.
"Dù là trình độ học vấn rất cao, sống ở thành phố, giữ những vị trí quan trọng nhưng họ vẫn giữ quan niệm rằng phụ nữ phải gắn với gia đình, phụ nữ phải làm vợ làm mẹ: cứ làm tốt việc làm vợ làm mẹ đi rồi muốn làm gì cũng được.
"Còn nếu có làm vị trí lãnh đạo cao đến đâu đi nữa mà không hoàn thành nhiệm vụ của người vợ, người mẹ thì vẫn không được coi là người phụ nữ hoàn hảo, vẫn bị coi là có vấn đề và không được mọi người xung quanh đánh giá cao," chuyên gia nghiên cứu về giới nhận xét.
Chủ tịch và Tổng giám đốc công ty Tập đoàn Việt Á, bà Phạm Thị Loan cũng cho rằng, người phụ nữ Việt Nam, "là vợ, là mẹ, người phụ nữ ngoài làm cương vị lãnh đạo ra, còn gánh trách nhiệm mà xã hội phó thác".
Điều quan trọng trong việc cân bằng giữa gia đình, công việc và xã hội là khả năng tổ chức, sắp xếp cuộc sống, theo vị nữ Đại biểu Quốc hội khóa 12 của Việt Nam.
"Nhưng đương nhiên nếu muốn làm được như thế, thì người phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi so với nam giới."
"Nếu là một người vợ mà chỉ biết công việc của xã hội mà quên mất gia đình thì theo quan điểm của tôi, cũng chưa tròn trịa. Nhưng với trách nhiệm gia đình, thì mình có thể không bắt tay vào làm mà mình có thể làm người tổ chức.
"Tôi có bí quyết là mình ở nơi đâu thì mình toàn tâm toàn ý lúc ở đó. Ví dụ như khi tôi ở công ty thì tôi toàn tâm toàn ý với công ty và khi tôi bước ra khỏi cơ quan thì tôi không biết việc của công ty nữa," bà Loan nói.
Tuy nhiên, Giang Phạm, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty chuyên về thương hiệu Gbrand, cho rằng, xã hội hiện đại đã cho người phụ nữ nhiều cơ hội khẳng định bản thân và có được cơ sở vật chất giúp "giải phóng khỏi trách nhiệm nội trợ, hay làm việc bớt vất vả hơn".
Nhưng với những người chồng "tự ti ngay từ đầu thì dù mình có cố mềm mỏng, có cố tỏ ra khiêm tốn hơn thì cũng không giải quyết được vấn đề gì," nhà đồng sáng lập công ty tư vấn thương mại GroupG ở Singapore nói.
Chị Huỳnh Hải Yến cho biết may mắn có được người chồng hiểu tính cách và công việc của vợ, nhưng khác với hai vị khách mời trong chương trình, chủ thương hiệu Nâu Nâu và Thé Spa ở Sài Gòn đôi khi vẫn phải giải quyết công việc ở nhà.
"Hoặc nhiều khi công việc đang bực bội hay nó có vấn đề cũng ảnh hưởng đến tâm trạng khi ở nhà, cũng bị phàn nàn về chuyện đó nhưng sau đó mình thấy sai thì phải xin lỗi."
'Chưa tin phụ nữ làm lãnh đạo'
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng đánh giá bình đẳng giới ở vị trí lãnh đạo tại Việt Nam hiện nay chỉ đáng điểm 4. (Xem đoạn bình luận về thang điểm: http://bit.ly/1lsS0qb)"Ở Việt Nam, người ta vẫn chưa tin phụ nữ làm lãnh đạo và nó cho thấy số phụ nữ làm lãnh đạo thấp hơn mức phải có... Bởi vì ở Việt Nam, phụ nữ bị đánh giá qua vai trò làm vợ, làm mẹ hơn là vị trí lãnh đạo."
Nữ Đại biểu Quốc hội khóa 12, bà Loan cho rằng chỉ nên cho 3.5 điểm. "Cứ đếm từ trên xuống dưới thì thấy, [phụ nữ làm] chủ tịch nước thì chưa thấy, tổng bí thư cũng không, phó thủ tướng được một người, phó chủ tịch quốc hội bây giờ được hai, nhưng trước cũng chỉ được một. Mà đấy cũng chẳng qua do cơ cấu."
Nhưng chính trị và doanh nghiệp rất khác nhau, theo chuyên gia về bình đẳng giới Khuất Thu Hồng. "Trong chính trị người ta không tin phụ nữ. Người ta cho rằng phụ nữ không đủ tầm nhìn xa, không đủ khả năng quyết đoán."
Người đồng sáng lập công ty GroupG ở Singapore. chị Giang Phạm kể lại một số trải nghiệm không thành công do bất bình đẳng giới.
"Khi đi triển khai dự án ở các địa phương, việc mình là nữ gây rất khó khăn trong việc liên hệ công tác vì họ luôn nghĩ là người phụ nữ chỉ là phụ thôi, như làm trợ lý, bưng bê điếu đóm, hỗ trợ. Thậm chí đôi khi người ta còn không muốn tiếp, thời điểm năm 2000, năm 2001 rất khó khăn."
"Còn bây giờ, khi làm dự án Nhà chống Lũ, bên mình để một anh trong nhóm liên hệ cho dự án với các địa bàn địa phương vì người ta thích phải uống rượu, có thể ngồi cà kê với nhau, để nói những chuyện mà người phụ nữ không thể suốt ngày ngồi với người ta để mà nói những chuyện đó được."
"Và rất nhiều nơi có Ủy ban Nhân dân xã làm việc rất tốt, mà tất cả các nơi đó đều có phó chủ tịch xã là phụ nữ. Họ quan tâm đến người dân rất cẩn thận, họ làm việc rất trách nhiệm, rất hiệu quả, nhưng họ chỉ làm phó chủ tịch thôi."
Theo chị Huỳnh Hải Yến, với công việc hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, chị không còn gặp phải những khó khăn đó nữa do đây là "nơi gần như hiện đại nhất về tư tưởng rồi nên cũng dễ và cởi mở hơn".
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho biết, trong lĩnh vực của chị, nhiều người nghĩ, "nghiên cứu dành cho nam giới nhiều hơn phụ nữ. Nó cho thấy quan niệm rất rõ ràng về việc phụ nữ có thể làm được việc gì, nam giới có thể làm được việc gì, hay công việc nào phù hợp hơn với phụ nữ, công việc nào phù hợp hơn với nam giới."
Thay đổi quan niệm
Theo bà Phạm Thị Loan, việc đưa ra số tỷ lệ phụ nữ và nam giới trong Quốc hội Việt Nam cũng đã là một sự cố gắng. Ngay cả với các nước và tổ chức trên thế giới cũng đưa ra con số để phấn đấu đưa phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo cao hơn."Mấu chốt là phải giải quyết vấn đề từ gốc, còn nếu chỉ đưa ra con số bằng tỷ lệ như thế cũng không giải quyết được vấn đề."
"Nhưng thực sự khi nhìn vào tự thân của mỗi phụ nữ, tự thân của mỗi người, thì số phụ nữ vươn ra dám đấu tranh, dám đòi hỏi quyền lợi, dám thể hiện hết mình trong công việc hay trong lãnh đạo thì thực ra có rất nhiều người tự ti. Hơn nữa, nó còn là vấn đề về văn hóa Việt Nam đối với vai trò của người phụ nữ" Chủ tịch của tập đoàn kinh tế Việt Á nói.
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng và nhà quản lý kinh doanh Giang Phạm cùng cho rằng, muốn thay đổi phải bắt đầu từ giáo dục. (Xem các khách mời bàn về giải pháp: http://bit.ly/1NG4IP5)
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những em trai nào khi còn nhỏ làm việc gia đình thì sau này trong mối quan hệ gia đình, khi làm chồng, họ cũng giúp đỡ việc nhà nhiều hơn, mối liên hệ này rất rõ.
"Giáo dục ngay từ nhỏ, giáo dục ở tất cả mọi nơi, truyền thông đại chúng làm sao không nên lặp lại những khuôn mẫu truyền thống về người phụ nữ, cha mẹ cũng không nên phân biệt về giáo dục con trai hay con gái, con gái thì làm việc nhà, con trai thì cho chơi. Hay ở nhà trường cũng phải thay đổi khuôn mẫu," Viện trưởng viện ISDS nhận xét.
Việt Nam đứng thứ 83 trên tổng số 145 quốc gia trong bảng xếp hạng về bình đẳng nam nữ trên thế giới.
Theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Viện Thống kê của Unesco, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hiện thế giới chỉ có một trong số năm viên chức cao cấp hay các nhà quản lý là phụ nữ và tỷ lệ bộ trưởng trong chính phủ là phụ nữ chỉ chiếm 9%.
Truy cập vào đường dẫn: http://bbc.in/1yGABeR để tìm hiểu thêm về chương trình 100 Women của BBC năm nay.
Đây là năm thứ ba BBC thực hiện mùa '100 phụ nữ', là chương trình tìm kiếm giới thiệu các gương mặt nữ trên toàn cầu trong các chương trình thời sự quốc tế của BBC.
Tin liên quan
- Phụ nữ Nhật kinh doanh 'tốt hơn nam’
- Bạn được bình đẳng tới mức nào?
- BBC giới thiệu '100 phụ nữ' năm 2015
- Phụ nữ nước nào 'hạnh phúc nhất'?
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151130_100_women_vietnamese_hangout
Geen opmerkingen:
Een reactie posten