Monday, December 21, 2015 6:03:10 PM
Bài liên quan
Với người Phương Tây, Giáng Sinh là một ngày lễ lớn, đêm Giáng Sinh, người ta dường như quên đi tất cả những nỗi ưu tư đời thường để sum vầy quanh bàn tiệc ấm áp, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Tùy từng quốc gia mà bữa tiệc đêm Giáng Sinh có những nét riêng nhưng không thể thiếu được trên bàn tiệc đó là món Gà Tây, bánh Pudding, bánh Khúc Cây, và kẹo Bạc Hà.
Giống như ngày Tết của người Việt thì có bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, mứt dừa, mứt bí.... những món ăn trong ngày lễ Noel cũng có nguồn gốc riêng. Trải qua nhiều thế hệ, các món ăn này được truyền bá khắp nơi và thay đổi cho phù hợp với thói quen ăn uống của từng dân tộc.
Gà Tây quay
Gà Tây luôn là món có mặt trong tiệc Giáng Sinh và lễ Tạ Ơn (Hình minh họa: Getty Images)
|
Vào thế kỷ thứ XVI, nhà thám hiểm Sebastian Cabot đem gà Tây về nước Anh. Mặc dù khí hậu lạnh không thích hợp với loại gia cầm này, nhưng gà Tây quay vẫn trở thành món ăn phổ biến của người Anh mỗi dịp Giáng sinh về. Trước đó, những người Anh giàu có thường dùng thiên nga, công quay và đầu lợn rừng cho bữa tiệc Noel.
Gà Tây quay nổi tiếng đến nỗi năm 1843, nhà văn Anh Charles Dickens đã mang vào tác phẩm kinh điển của mình, A Christmas Carol. Món ăn truyền thống này được truyền sang Úc vào năm 1788.
Bánh Pudding
Bánh Pudding cho tiệc Giáng Sinh (Hình minh họa: Getty Images)
|
Mỗi độ Giáng Sinh, trên bàn tiệc nhà nhà không thể thiếu chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay khác xa “tổ tiên” xưa của chúng. Vào thế kỷ XV, bánh được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mì, thảo dược, hành, rau, trái cây khô và gia vị.
Khoảng thế kỷ thứ XVI, các loại rau và thịt mất dần. Đến thế kỷ thứ XIX thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng nếu ăn phải phần bánh mì này, họ sẽ gặp may mắn cả năm.
Bánh Khúc Cây
Bánh khúc cây (Hình minh họa: webphunu.com.vn)
|
Truyền thuyết kể rằng, trong lễ hội Yule cổ xưa, người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn và đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời. Người dân tin rằng họ sẽ gặp điềm gở nếu thân cây cháy hết trước lúc kết thúc lễ hội.
Ngày nay, mỗi Giáng Sinh, chúng ta lại có một ổ bánh kem chocolate nâu hình khúc gỗ. Người ta rắc ít chocolate trắng lên tượng trưng cho tuyết. Chuẩn bị chiếc bánh này chắc chắn sẽ đỡ tốn thời gian hơn khúc gỗ Yule xưa kia nhiều.
Cũng có ý kiến cho rằng, theo tục lệ vào đêm trước Noel, người Phương Tây thường vào rừng chặt một khúc cây lớn và đem về nhà làm lễ dâng rượu. Khúc cây được đặt trên lò sưởi, rắc thêm ít dầu, muối, rượu nóng và mọi người bắt đầu nghi thức cầu nguyện. Tương truyền rằng, tiếng lửa kêu tách tách và bột than từ khúc cây đã cháy này sẽ bảo vệ ngôi nhà khỏi thiên tai và sự xâm nhập của ma quỷ.
Dù ở khía cạnh nào thì sự ra đời của món bánh khúc cây nhân ngày Giáng Sinh ít nhiều cũng mang ý nghĩa cầu mong sự an lành, hạnh phúc cho gia chủ.
Kẹo bạc hà hình cây gậy
Kẹo hình cây gậy thường xuất hiện trong mùa Giáng Sinh (Hình minh họa: kienthuc.net.vn)
|
Từ rất lâu, kẹo cây gậy đã trở thành món ăn không thể thiếu trong lễ Giáng Sinh. Thuở ban đầu cây kẹo này có hình dáng thẳng và chỉ có màu trắng. Sau này kẹo được thêm những vằn đỏ, vị bạc hà và được uốn cong một đầu thành hình cây gậy như hiện nay.
Nếu lật ngược cây gậy theo bảng chữ cái tiếng anh, bạn sẽ thấy cây kẹo có hình chữ J, đó là chữ cái đầu tiên của tên chúa Jesus. Màu trắng muốt của kẹo biểu hiện cho sự xuất hiện của Đức Mẹ Đồng Trinh, sự trong trắng vô tội của Chúa.
Độ cứng của kẹo biểu trưng cho ý chí sắt đá, nền tảng vững chắc của nhà thờ và lời hứa cao cả của Chúa. Những sọc nhỏ màu đỏ tượng trưng cho những giọt máu đau đớn mà Đức Chúa phải chịu đựng trước khi ngài chết trên cây Thánh giá.
Chính vì vậy mà kẹo cây gậy Giáng sinh xuất hiện như một biểu tượng thiêng liêng, đồng thời giúp con người hướng đến cuộc sống thánh thiện, tốt đẹp hơn mỗi khi được thưởng thức, thể hiện tình yêu và sự hi sinh của Chúa Jesus.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten