maandag 28 december 2015

Những nơi gió rít cuồng nộ nhất Trái Đất

Những nơi gió rít cuồng nộ nhất Trái Đất

  • 28 tháng 12 2015
Image copyright Robert Mora Alamy Stock Photo
Có một số nơi xứng danh là 'địa linh' sinh ra những trận cuồng phong khủng khiếp nhất. Việc trao danh hiệu cho nơi nào sẽ phụ thuộc vào cách tính sức gió mà chúng ta áp dụng.
Dưới đây là một số ứng viên đầu bảng:

Đảo Barrow, Úc

Hòn đảo nhỏ nằm ở ngoài khơi tây bắc nước Úc là nơi từng có một số trận gió dữ dội.
Ngày 10/4/1996, trạm khí tượng tự động không người điều khiển trên đảo đo được một cơn gió di chuyển với vận tốc lên đến 408 km/h. Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đây là cơn gió mạnh nhất từng được ghi nhận từ trước tới nay.
Image copyright Suzanne Long Alamy Stock Photo
Image caption Đảo Barrow Island nằm ở ngoài khơi nước Úc
Cơn gió khủng khiếp này được hình thành do ảnh hưởng của một cơn lốc xoáy nhiệt đới, bão Olivia.
Các trận lốc xoáy nhiệt đới hình thành khi không khí nóng ẩm bốc lên từ bề mặt đại dương, tạo ra vùng áp thấp.
Vùng áp thấp này đẩy mạnh những cơn ‘gió mậu dịch’ thổi về phía xích đạo.
Trong lúc đó, cột không khí dâng cao sẽ chuyển động theo vòng xoáy do hiệu ứng Coriolis, và việc Trái Đất tự quay quanh trục của mình sẽ khiến gió bị đẩy xa khỏi vùng xích đạo.
Cơ chế này tạo ra những trận gió mạnh. Đặc biệt mạnh là các trận gió được gọi là "lốc xoáy" nếu hình thành trên vùng nam Thái Bình Dương, "bão nhiệt đới" nếu hình thành ở vùng bắc Thái Bình Dương, hoặc "bão" nếu hình thành ở Đại Tây Dương.
Trận bão lốc Olivia có lẽ đã tạo ra cơn gió mạnh nhất, nhưng điều đó không khiến cho Olivia trở thành trận bão điên cuồng nhất từ trước tới nay.
Image copyright NASA Modis Rapid Response Team
Image caption Có những khi hai trận bão nhiệt đới được hình thành cùng lúc
Để tính được tốc độ di chuyển của gió, người ta cần dùng tới biện pháp tính toán thích hợp hơn: đo tốc độ gió mạnh nhất duy trì liên tục trong một thời gian cụ thể.
Theo WMO, khủng khiếp nhất từ trước tới nay nếu tính theo cách đo tốc độ gió duy trì liên tục có lẽ là bão nhiệt đới Nancy, được thành hình trên Thái Bình Dương hồi 1961 và đã khiến 170 người thiệt mạng khi đổ vào Nhật Bản.
Nancy được ghi nhận tạo ra gió mạnh di chuyển với tốc độ 346km/h – tuy nhiên các nhà khí tượng bây giờ cho rằng có lẽ vận tốc này đã được dự đoán cao hơn thực tế.
Thế nhưng những trận gió mạnh hơn thế cũng có thể được thành hình trong các trận vòi rồng. Và điều đó có nghĩa là một trong những nơi có gió mạnh nhất trên Trái Đất lại nằm ngay trong lòng nước Mỹ.

Oklahoma

Image copyright Reed Timmer SPL
Image caption Một trận vòi rồng tại Hạt Ellis, Oklahoma hôm 4/5/2007
Vòi rồng là một cột khí xoáy rất mạnh, hút từ mặt đất lên và mở rộng lên phía trên nơi có cơn giông. Khi cột khí này tiếp xúc với nước (nếu ở đại dương), nó sẽ hút bụi nước lên cao tạo thành cây nước.
Theo Phòng nghiên cứu bão quốc gia ở Norman (bang Oklahoma, Mỹ), vòi rồng là dạng bão dữ dội nhất trong khí quyển.
Vòi rồng có thể xảy ra trên khắp thế giới, nhưng Mỹ là quốc gia phải hứng chịu nhiều vòi rồng nhất, đặc biệt ở các tiểu bang đông nam, nơi nổi tiếng với tên gọi ‘Hành lang Bão tố’.
Chỉ tính riêng hôm 27/4/2011, đã có 207 vòi rồng được ghi nhận hình thành ở khu vực này trong vòng 24 giờ.
WMO ghi nhận Oklahoma là nơi có vận tốc gió vòi rồng cao nhất: 302m/h (tức 486km/h) hôm 3/5/1999.
Vấn đề là bão tạo ra những trận cuồng phong, nhưng bão lại chóng tan.
Tuy nhiên, có một nơi gió gào dữ tợn quanh năm.

Nam Đại Dương

Image copyright Gavin Newman Alamy Stock Photo
Image caption Một ngày điển hình tại Nam Đại Dương
Những vành đai gió khổng lồ được hình thành do sự phân bố nhiệt không đều từ Mặt Trời xuống bề mặt Trái Đất.
Các trận gió xoáy tại khu vực này thường mạnh do chênh lệch nhiệt độ. Ở vĩ tuyến 30° bắc và nam xích đạo, ‘gió mậu dịch’ thổi đều đặn.
Tại vĩ tuyến 40° có gió tây và gió đông địa cực bắt đầu xuất hiện ở vĩ tuyến 60°.
Các thủy thủ vòng quanh thế giới đều xác nhận Nam Đại Dương là vùng biển nhiều bão tố nhất, thường xuyên bị khuấy đảo bởi những cơn gió mạnh nhất.
Những vành đai vĩ độ này được đặt tên "gầm rú 40", "hung dữ 50" và "thét gào 60".
Khác với ở bắc bán cầu, những cơn gió tây ở Nam Đại Dương không bị các lục địa cản lại và do đó có thể đạt vận tốc lên tới trên 100m/h (160km/h).
Nhưng lui xuống phía nam thêm một chút nữa, có một lục địa hồi một thế kỷ trước lần đầu tiên được công nhận là nơi lộng gió nhất Trái Đất.

Nam Cực

Image copyright Atomic Alamy Stock Photo
Image caption Một trận bão tuyết ở Cape Denison, phía đông Nam Cực, khoảng năm 1912
Nam Cực là nơi có những cơn gió bất thường: thổi hướng xuống mặt đất (katabatic wind) hoặc thổi dốc xiên từ trên xuống (downslope).
Chúng hình thành do sự kết hợp giữa không khí lạnh và cấu tạo hình khối của Nam Cực.
“Bề mặt lạnh liên tục, nhất là trong suốt mùa đông Nam Cực khi mặt trời luôn ở vị trí bên dưới hoặc chỉ nhô lên tí chút phía trên đường chân trời, tạo nên lớp không khí lạnh đặc quánh nhưng mỏng bên trên bề mặt," John King, khoa học gia thuộc Cơ quan nghiên cứu Nam Cực tại Cambridge, Anh, giải thích.
"Do Nam Cực về căn bản là có hình vòm, lớp không khí này có xu hướng di chuyển ra phía bờ biển," King nói.
Image copyright fruchtzwergs world CC by 2.0
Image caption Gió katabatic
"Việc Trái Đất tự quay quanh trục của nó khiến cho lớp khí này không thổi xiên thẳng xuống mặt đất mà bị đẩy lệch sang bên trái so với hướng di chuyển của nó".
Từ tháng 2/1912 đến tháng 12/1913, các nhà khoa học đã đo vận tốc gió ở Cape Denison, một mũi đá ở Vịnh Commonwealth phía đông Nam Cực. Cho đến nay, đây được coi là nơi gió thổi mạnh nhất trên Trái Đất nếu đo ở tầm ngang mực nước biển.
Giờ gió thổi mạnh nhất được ghi nhận hôm 6/7/1913 với vận tốc 153km/h. Nếu tính theo thang đo sức gió Beaufort thì vận tốc gió trung bình hàng năm tại Cape Denison là ở mức mạnh.
Sir Douglas Mawson, người dẫn đầu đoàn thám hiểm mũi Cape Denison cho hay khu vực này gió bão liên miên suốt năm, kéo dài hàng tuần liền và chỉ tạm dừng trong vài tiếng đồng hồ.
Image copyright Design Pics Inc Alamy Stock Photo
Image caption Chim hải âu ở vùng Cape Denison bay trong gió katabatic
Sự kết hợp của gió cực mạnh và nhiệt độ dưới 0°C khiến cho việc đo đạc sức gió katabatic là điều rất khó khăn.
Chẳng hạn như khi có gió, sức mạnh cuồng phong có thể phá hủy các dụng cụ đo lường và các cột buồm có gắn các dụng cụ đó.
Ngay cả khi chỉ có gió nhẹ, những chiếc máy đo tốc độ gió kiểu hình chiếc cốc cũng có thể bị đóng băng trong tiết trời giá lạnh.
"Có thể dùng thiết bị đo gió siêu thanh, là loại thiết bị cố định thay vì có những phần có thể chuyển động và có bộ phận sưởi để xử lý tình trạng bị đóng băng," King nói.
"Thế nhưng thiết bị này lại không ghi được chính xác khi gió thổi ở vận tốc lớn, là lúc tuyết bị thổi bay đầy trong không trung."
"Nói chung, Nam Cực quả là một nơi đầy thử thách cho công tác đo gió."
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten