donderdag 24 december 2015

Những đêm Đông của người homeless ở Little Saigon

Những đêm Đông của người homeless ở Little Saigon
Tuesday, December 22, 2015 4:54:34 PM



Bài liên quan



Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đêm Đông, càng gần Lễ Giáng Sinh mà nhiệt độ về khuya càng lạnh thì người ta càng ngủ ngon giấc. Ông Lý Trung Hải và Mike Fleming, một da vàng, một da trắng, cùng có những giấc ngủ không tròn vì cái lạnh đêm Đông. Họ là những người vô gia cư, ngủ ngoài đường phố Westminster, trong khu Little Saigon.

Người Mỹ da vàng “sợ” gia đình

Cư dân "bán chính thức" Lý Trung Hải tại Westminster. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Ông Lý Trung Hải, 44 tuổi, “cư dân” Westminster, lắc đầu nói: “Làm sao mà ngủ được, nhất là khi có mưa đêm. Mà nếu nói là lạnh quá tới nỗi mất ngủ thì là nói láo để xin xỏ lòng thương hại của người khác mà thôi. Nhưng rất là khó ngủ. Khó vô cùng.”
Ông có khuôn mặt sáng sủa, dễ gây thiện cảm với người đối diện với nụ cười lém lỉnh và cặp mắt không lẩn tránh.
Ban ngày, ông thường ngồi trước cửa tiệm fast food Lâm Vân, Westminster.
“Trừ những lúc phải trình diện cảnh sát quản chế, tôi ưa ngồi ở đây. Giờ giấc có thể thay đổi nhưng từ Thứ Hai tới Thứ Bảy, ngày nào tôi cũng phải trình diện. Họ bắt tôi học lớp kiềm chế sự nóng giận cũng như để kiểm tra nước tiểu tôi, coi tôi có xài ma túy nữa hay không,” ông cho biết.
Mỗi ngày ông “kiếm” được chừng $25. “Tháng trước, có ngày tôi được $50. Lâu lắm mới được một lần,” ông cười hớn hở.
Món ăn ông thích nhất là thịt heo quay ba rọi ăn với cơm trộn xì dầu.
Rất tiếc là số tiền trợ cấp thực phẩm của ông không thể mua món này được. “Tiền Obama cho tôi, tôi chỉ mua nước, bánh ngọt, bánh mì và thịt nguội thôi,” ông Hải nói. “Ngồi đây, lâu lâu, ông chủ Lâm Vân có cho tôi tô cháo lòng. Ăn ngon. Ông ấy là người tốt.”
Nhìn tổng quát, ông Hải sạch sẽ hơn đa số những người vô gia cư và cách trang phục của ông cũng tươm tất hơn. “Mỗi tuần tôi giặt quần áo một lần và ngày nào tôi cũng lau người trong nhà vệ sinh tiệm cơm tấm Thuận Kiều (Westminster, gần chợ ABC)," ông cười hãnh diện.
Ông tiếp: “Mình ở ngoài đường 24/24 mà nếu không giữ vệ sinh thì rất dễ bị ghẻ ngứa.”

Ông Hải nói: "Đây là những chỗ nứt vì lạnh của tôi." (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Chỗ ngủ của ông là bên ngoài tiệm Phở 2 Tô, Westminster. “Phía trước có ghế xa lông nhưng tôi không bao giờ lên đó ngủ. Mình không muốn làm phiền ai hết,” ông Hải nghiêm nghị nói.
“Thực tình mà nói, con người mình rất mạnh, mạnh hơn mình biết. Phải tới khi mình không có sự lựa chọn thì sức mạnh thực sự của mình mới bộc phát ra ngoài,” ông Hải nói thêm một cách mạch lạc.
“Bữa trời mới trở lạnh mà sương đêm phủ trắng đường tôi mới hiếu thế nào là lạnh thấu xương," ông vừa nói vừa rùng mình.
Từ Seattle, ông đến California được bốn năm. Ba năm qua, ông sống trong cảnh lao tù tại Orang County khi bị bắt vì tội hút sách. “Đúng ra chỉ 'chơi' xì ke thì không tới nỗi bị tới ba năm đâu, nhưng vì tôi có tiền án nên mới bị kết án lâu vậy thôi,” ông giải thích.
Khi được trả tự do khoảng năm tháng trước, ông Hải được chính phủ cấp cho $200. Ông nói: “Tiền này kêu là 'tiền cửa' (gate money).”
Ông cười to rồi nói: “Hồi còn trong tù, tôi tưởng tượng khi được thả sẽ tha hồ ăn món này, món kia. Ai dè, ngồi trong nhà trọ nhìn ra thấy mấy cô gái ăn mặc hở hang đứng ở góc đường, lòng tôi nao nao lạ lùng rồi bụng no ngang, không muốn ăn gì hết.”
Ông Hải còn cha mẹ cùng hai người em trai ở Seattle và vẫn liên lạc với gia đình thường xuyên. “Ba má tôi rất khá giả và kêu tôi về hoài nhưng hiện giờ tôi chưa muốn,” ông kể.
“Tại sao tôi còn do dự, chưa muốn về? Nhiều đêm lạnh quá, tôi rất muốn về chứ. Nhưng đã quá nhiều lần tôi làm ba má khóc vì tôi. Bây giờ, nói thật, tôi mắc cỡ lắm. Mình chưa được một ngày nào báo hiếu mà toàn là 'quậy' cho mọi người điên đầu nên về bây giờ chưa tiện,” ông tâm sự. “Kẹt thêm chuyện nữa là trong hai đứa em tôi, một đứa rất đàng hoàng, chăm chỉ làm ăn. Đứa kia, trời ơi, nó còn 'quậy' hơn tôi hồi đó.”
Ông cương quyết nói “khi nào biết cách khuyên giải em tôi không còn xì ke ma túy nữa và bỏ thói 'cỡi ngựa cầm cung' nữa thì tôi về.”
Khi được hỏi “cỡi ngựa cầm cung” có phải là đi theo băng đảng, ông Hải chỉ ngao ngán thở dài, không trả lời. “Nghĩ mà tội cho ba má tôi,” ông nở nụ cười mếu mó với cặp mắt nhòa lệ.
“Đầu óc tôi không bình thường. Tôi toàn làm những ai thương tôi phải khóc. Tôi chưa bao giờ cố ý mà sao cứ làm vậy hoài,” ông thở dài.
“Lạnh, tôi không sợ vì tôi mặc hai áo len thun bên trong, thêm áo lạnh bên ngoài mà còn nằm trong sleeping bag nữa. Tôi không sợ lạnh mà chỉ sợ nhìn ba má tôi lúc này,” ông Hải nói nhỏ và cúi gầm mặt.

Người Mỹ da trắng 'thà sống một mình'

Cách tiệm fast food “của” ông Lý Trung Hải không xa, trong công viên West Park, Westminster, gần góc đường McFadden và Beach, ông Mike Fleming, 56 tuổi, dừng “chiếc xe di động sản” của mình rồi ngồi bệt bên cạnh cái bàn công cộng bằng kim loại sơn màu xanh lá cây.

Ông Mike Fleming, một họa sĩ không nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Trong xe, ông có một cái chăn bông loại rẻ tiền màu vàng ố ở giai đoạn gần thành nâu. Bên trong cái chăn là “tài sản” đích thực của ông: Một cuốn sách vẽ còn mới.
Khư khư bấu chặt cuốn sách vẽ bằng những ngón tay héo quặt, ông Mike phân trần, da trắng nhưng cuộc sống không nhà đã nhuộm ông thành người có nước da màu “thế giới.”
Gương mặt phong trần của ông hằn sâu những chứng tích của sự khổ đau chất chồng cùng năm tháng. Mỗi khi ông căng môi cố tạo một nụ cười, hai hàm lợi không răng trở thành xiêu vẹo làm cằm ông như dài và nhọn hơn.
Ông “ngụ” giữa bụi cây và chân tường thuộc khuôn viên văn phòng nha khoa “K & P,” Westminster, tại góc đường McFadden và Beach (bên kia đường, nhìn sang hông siêu thị Thuận Phát).
Cũng có trợ cấp thực phẩm hàng tháng nhưng ông vẫn cảm thấy thèm thức ăn. “Một năm rưỡi rồi tôi không có một bữa ăn nóng. Thèm lắm. Tôi biết có những nơi phát đồ ăn nóng nhưng tôi không dám gặp những người quen. Sợ bị rủ rê làm bậy nữa,” ông Mike bày tỏ nỗi lo.
“Đêm qua trời mưa cả đêm nên tôi quấn chăn ngồi dưới mái hiên chứ không nằm trong bụi cây như lệ thường. Tôi phải ngồi vì hai mũi tôi nghẹt cứng, nằm thì không thở được. Tôi không ngủ vì hai hàm tôi nhức buốt, đành phải lảm nhảm một mình cho quên đi,” ông Mike bình thản nói.
“Cái lạnh ban đêm mùa Đông hay cơn mưa đêm qua chỉ là những bất tiện của cuộc sống ngoài đường mà thôi. Sống không nhà, dĩ nhiên là phải chấp nhận tất cả. Nóng thì người tôi ngứa ngáy đến nỗi gãi rách hết da, máu ứa đầy người. Lạnh thì như tôi vừa nói. Hên cho tôi là đêm qua có chút tiền, được uống chút bia nên đêm cũng qua mau,” ông tiếp.
Rồi ông tình thật: “Hôm nào trời thương, tôi kiếm được $20 mua xì ke thì thời tiết không ảnh hưởng gì đến tôi cả.”
Ông Mike nói về mình: “Tôi sống ngoài đường lần này được một năm rưỡi rồi."
Cuộc sống của ông là một sự đọa đày từ thuở bé. Tuổi thơ ông đầy rẫy những lời nguyền rủa của mẹ và những đòn thù chát chúa của cha. Đầu óc ông, có lẽ vì thế, ít nhiều bị ảnh hưởng nên ông chưa bao giờ được cắp sách đến trường. “Nhiều đêm tôi cố moi óc, nhớ lại đã có bao giờ được nghe lời nói yêu thương từ song thân tôi, nhưng dù đêm có dài đến bao lâu, tôi vẫn không nhớ ra được,” ông nhỏ giọng.
Ông Mike nhíu trán: “Gia đình tôi chỉ còn đứa em trai duy nhất ở Dana Point trên đường đi San Diego. Vậy mà lần cuối cùng anh em tôi gặp nhau, nó nói rằng tôi chỉ nên gặp nó khi nào tôi không cần nó giúp đỡ. Không cần nó giúp đỡ? Nó có nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn. Còn tôi thì vô gia cư, gia tài chỉ có mấy tấm hình vẽ bằng bút chì và một cái đầu khùng khùng, điên điên mà nó bắt tôi không được cần nó. Thôi thì tôi đành phải không cần ai nữa hết,” nước mắt rơi lã chã xuống má ông.
Ông trở nên run run, lạc giọng: “Tôi không phải người xấu. Nhưng không hiểu vì sao tôi cứ làm những điều mà cảnh sát không thích. Từ năm 16 tuổi, tôi sống trong tù nhiều hơn bên ngoài. Tôi không phải là tôi phạm nhưng cái đầu tôi như bắt tôi vi cảnh hoài.”
Ông Mike thích sống trong tù hơn vì ở đó, ông không phải đi bộ suốt ngày và tối ngủ ngoài trời. “đặc biệt nhất là tôi có thời gian yên tĩnh để vẽ. Tôi vẽ nhiều lắm. Nhưng lần vừa ra tù kỳ này, mới đêm thứ nhì, người ta lấy trộm hết của tôi, mấy trăm tấm hình và đôi giày người ta vừa cho,” ông tiếc nuối.

Một bản phác họa mới nhất của ông Mike Fleming. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Ông đặt cuốn sách vẽ xuống đất và khoe một bản phác họa một bộ máy xe hơi do ông vẽ lại từ một cuốn tạp chí. “Một người đàn bà tốt vừa cho tôi cuốn sách này chiều hôm qua. Tôi mới vẽ đêm qua. Chắc cả tuần nữa mới xong,” ông hãnh diện nói.
“Tôi thà không cần ai trên đời vì tôi không thích sự nhục nhã nữa. Tôi thích vẽ vì phải có tôi, những bức vẽ mới thành hình. Vẽ hoặc xì ke đều làm cho đêm qua mau và làm tôi không thấy lạnh.” ông kết.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=219648&zoneid=1

Người 'homeless' Việt Nam tội lắm!
Friday, December 23, 2011 7:11:31 PM



Bài liên quan



Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - “Khi Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế mất, tôi đọc được trên báo mấy lời phát biểu của những người 'homeless,' thấy họ rất tội nghiệp.
Người vô gia cư đang chờ nhận thức ăn từ những người có lòng hảo tâm. (Hình minh họa: Người Việt)

Cho nên mặc dù tôi về hưu rồi nhưng tôi vẫn ráng để giúp đỡ họ được chút nào hay chút đó.” Người phụ nữ có tên Hiền Viên, nói bằng giọng Huế lẫn trong sự xúc động, về lý do bà tổ chức phát cơm cho người vô gia cư Việt Nam từ Tháng Tư đến nay.
Có lẽ nhiều người trong cộng đồng vẫn còn nhớ về đám tang của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế, người được xem là bác sĩ của người nghèo, đặc biệt là ân nhân của những người vô gia cư quanh khu vực Little Saigon. Chính từ đám tang này, chính từ lời tâm sự của những người không nhà ở, không nơi nương tựa nơi xứ người, đã tác động mạnh đến tâm tư của bà Hiền Viên, từng là một nhân viên xã hội tại Orange County trước khi về hưu cách đây chín năm.
Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế mất vào Tháng Ba, thì từ Tháng Tư, bà Hiền Viên bắt đầu thực hiện chương trình phát cơm chay cho người “homeless,” mỗi tháng một lần, vào trưa Thứ Bảy tuần cuối cùng của tháng, ngay trước Trung Tâm Y tế Hòa Hợp, nơi phòng mạch cũ của Bác Sĩ Thế, kế thương xá Phước Lộc Thọ.
Người phụ nữ gốc Huế, từng là giáo sư trường Quốc Học Huế trước 1975, cho biết, “Lúc đầu, tôi định chỉ cho họ thức ăn thôi, nhưng sau tôi nghĩ người ta cũng cần có nhu cầu nên tôi cho thêm tiền.”
Bằng khả năng của mình, thời gian đầu, kèm theo mỗi phần cơm, bà Hiền Viên gửi thêm cho người vô gia cư chiếc bao thư có $5 trong đó. Sau, có thêm người thân của bà Hiền Viên giúp đỡ, nên mỗi tháng, tiền trong chiếc bao thư tăng lên được thành $10.
“Nhưng người đó chỉ có thể giúp được năm tháng thôi, nên từ Tháng Giêng sắp tới, mỗi phần quà chỉ còn lại $5. Trừ khi nào có người phát tâm giúp đỡ thêm một cách lâu dài thì đỡ hơn cho những người 'homeless,' và tôi cũng rất cám ơn.” Bà Hiền Viên giãi bày.
Nói về những thức ăn hằng tháng bà mang đến trước Trung Tâm Y Tế Hòa Hợp để phát cho người vô gia cư, bà Hiền Viên cho biết, “Bình thường, sư cô Liên Hoa và một Phật tử tên Mỹ Ngọc nấu cơm chay giúp tôi mang đến cho người 'homeless.' Riêng Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai này, nhiều người đề nghị nên cho họ ăn ăn gà tây, thức ăn cổ truyền ngày lễ, nên tôi nấu ăn ngay tại nhà.”
Trước khi làm công việc phát thức ăn miễn phí cho người vô gia cư Việt Nam ngay tại Little Saigon, bà Hiền Viên đã tham gia những việc làm từ thiện như “phát học bổng, xây trường ở Việt Nam, mùa Tết và Vu Lan thì có phát tiền, phát quà cho người già neo đơn, bệnh hoạn ở làng Viên Ðại, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, làng nghèo lắm.”
Bà vừa nói vừa khóc, “Ai cũng chỉ nghĩ đến người dân nghèo ở quê cha đất tổ thôi, cho đến khi đọc những bài viết về người Việt Nam 'homeless' ở đây thì tôi mới thấy họ cũng rất cần được giúp đỡ. Vì vậy trong sức tôi có thể làm được thì tôi giúp họ thôi.”
Mỗi lần tổ chức phát cơm, bà Hiền Viên đi dán trước bảng thông báo nơi bà sẽ phát, rồi nhờ thêm báo chí, radio thông báo. Chưa hết, “ban đêm đi ra đường nhìn thấy họ thì tôi cũng ghé xe nói cho họ biết là ngày giờ đó có phát cơm.”
Theo lời người phụ nữ tốt bụng này thì thời gian đầu “cũng có người lạm dụng, tức họ không phải là 'homeless' nhưng cũng muốn tới lãnh quà, lãnh tiền.”
“Tôi nghĩ nếu họ muốn lãnh cơm thì thôi cũng được, nhưng tiền thì tôi không đưa cho những người tôi nghĩ không phải là 'homeless.' Lúc này thì bớt đi rồi chứ khi trước thì có sự lạm dụng nhiều lắm. Có người lái xe hơi tới rồi cũng xếp hàng lãnh quà, lãnh tiền. Rồi cũng có nhiều người đi ngang, dù không 'homeless' nhưng thấy thức ăn miễn phí thì họ cũng xin.” Bà Hiền Viên kể.
Khi được hỏi, “Sao những người Việt Nam có tấm lòng làm từ thiện như bà không hợp sức lại làm chung thì sẽ có thêm tiền, thêm sức, và công việc cũng san sẻ được cho nhau?” bà Hiền Viên thật thà đáp, “Tôi không biết được, bởi vì người Việt Nam nhiều người nhiều ý, nên không biết được.”
Nói về ước mơ nhân mùa Giáng Sinh và năm mới sắp tới, người phụ nữ cười hiền lành, “Nếu có ít người 'homeless' đi thì tôi sẽ mừng hơn. Không phải vì mình sẽ ít tốn đi mà mừng vì những người 'homeless' được bớt lần lần đi.”
“Nếu trời thương thì tôi vẫn tiếp tục làm giúp họ, thay vì mình đi mua áo quần, giày dép thì tôi bỏ đi sở thích đó vì tôi về hưu rồi, không cần sắm sửa thêm gì nữa, cho nên nhịn ăn nhịn tiêu một chút thì sẽ giúp được nhiều người khác khó khăn.” Bà nói thêm.
Hai mươi phần thức ăn bà Hiền Viên chuẩn bị phát cho người vô gia cư Việt Nam vào lúc 11 giờ trưa hôm nay, Thứ Bảy, 24 Tháng Mười Hai gồm có gà tây, chuối, nước ngọt, nước lọc và phong bì $10.
Muốn biết thêm chi tiết, có thể liên lạc với bà Hiền Viên qua điện thoại (714)-260-5528.

––––-
Liên lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=142012&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten