woensdag 30 december 2015

Nhật công bố hình ảnh 16 giàn khoan Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp

Nhật công bố hình ảnh 16 giàn khoan Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp

mediaGiàn khoan khai thác khí đốt của Trung Quốc đặt trong vùng Sirakaba của Nhật - Reuters /Kyodo
Chính phủ Nhật Bản hôm qua, 22/07/2015, đã công bố một bản đồ và nhiều hình ảnh các giàn khoan được cho là do Trung Quốc xây dựng gần hải phận với Nhật Bản. Sự kiện này gây thêm trở ngại trong mối quan hệ song phương đã đầy căng thẳng.
Theo Tokyo, tổng số có 16 giàn khoan, trong đó có 12 giàn được thực hiện từ hai năm gần đây. Vào tháng 06/2008, cả hai nước đã ký một hiệp định cam kết cùng nhau phát triển vùng biển được cho là giàu khí đốt này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, quan hệ hai nước ngày càng trở nên căng thẳng liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo và việc khai thác trong khu vực.
Theo tuyên bố trước báo giới của phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga lấy làm tiếc là Trung Quốc đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên trong khi đường hải phận còn chưa được chính thức thiết lập. Rất nhiều lần Nhật Bản đã phản đối thái độ của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh luôn từ chối nối lại đàm phán về bản hiệp định năm 2008, đồng thời vẫn tiếp tục một cách trắng trợn các hoạt động tại đây.
Nhật Bản đánh giá các vùng đặc quyền kinh tế của hai nước phải được phân định ranh giới rõ ràng bằng đường trung tuyến giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đường biên giới phải được lùi sâu hơn về phía quần đảo Nhật Bản.
Ngày 21/07 vừa qua, Nhật Bản đã tố cáo tham vọng biển đảo của Trung Quốc khiến Bắc Kinh tức giận và cho rằng Tokyo đang khích động thêm căng thẳng và thổi phồng cái gọi là « mối đe dọa Trung Quốc ».
Bắc Kinh bị cáo buộc đang tiến hành nhiều hoạt động bồi đắp tại biển Đông, biến các rạn san hô thành hải cảng và nhiều công trình hạ tầng khác để lấn dần ra biển, đồng thời mở rộng chủ quyền bất chấp các nước láng giềng.
Trung Quốc cũng có chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản trên hòn đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, cả hai cường quốc Châu Á đang thể hiện quan hệ gần gũi hơn trong những tháng vừa qua, thông qua hai cuộc gặp gỡ giữ Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20150723-nhat-cong-bo-hinh-anh-16-gian-khoan-trung-quoc-tai-vung-bien-tranh-chap

Nhật cảnh báo nguy cơ Trung Quốc xây dựng giàn khoan mới

mediaBộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani cảnh báo nguy cơ Trung Quốc xây dựng giàn khoan ngoài khơi - REUTERS /Thomas Peter
Trong cuộc điều trần tại Hạ viện, hôm thứ Sáu, 10/07/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo nguy cơ Trung Quốc đang xây dựng một giàn khoan ở ngoài khơi, gần đường phân định biên giới trên biển với Nhật Bản, tại biển Hoa Đông, với mục đích tăng cường tuần tra, khẳng định chủ quyền tại những vùng biển đang có tranh chấp.
Phát biểu tại ủy ban phụ trách an ninh của Hạ viện, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tướng Gen Nakatani nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng một giàn khoan mới tại nơi đang có những hoạt động thăm dò khai thác khí đốt, tuy thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng gây nhiều lo ngại và có thể trở thành một vấn đề an ninh đối với Nhật Bản.
Bởi vì, theo lãnh đạo quốc phòng Nhật Bản, Trung Quốc « có thể lắp đặt trên giàn khoan mới này một hệ thống radar hoặc sử dụng cơ sở này như một bãi đỗ trực thăng, máy bay không người lái, tiến hành các hoạt động tuần tra trên không » ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi đắp, tôn tạo các đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông, để xây dựng sân bay và lắp đặt các hệ thống thông tin, radar, do vậy, các động thái mới của Trung Quốc ở biển Hoa Đông có thể cũng đi theo hướng quân sự hóa vùng biển này.
Theo Washington Post, chính phủ Nhật Bản thuờng xuyên theo dõi vùng biển Hoa Đông và quân đội cũng như lực lượng tuần duyên Nhật Bản tiến hành các hoạt động tuần tra ở đây.
Tuy nhiên, cho đến nay, Tokyo không cung cấp thông tin Trung Quốc đã xây bao nhiều giàn khoan, vị trí, quy mô của các cơ sở này. Từ tháng Sáu 2013, vấn đề này trở nên rõ ràng khi Trung Quốc xây dựng một giàn khoan tại khu vực này.
Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động nói trên, nhưng dường như Bắc Kinh vẫn tiếp tục.
Tại cuộc điều trần ở Hạ viện, ngày 10/07/2015, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố kịch liệt phản đối Trung Quốc tiếp tục hành động đơn phương như vậy.
Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, nhưng hệ thống radar của Trung Quốc đặt trên đất liền không thể theo dõi được toàn bộ vùng này. Chính vì thế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, nếu hệ thống radar được đặt trên dàn khoan mới thì sẽ hỗ trợ cho Trung Quốc nâng cao khả năng cảnh báo, giám sát các hoạt động của quân đội Nhật Bản.
Cho đến nay, đường phân định gianh giới trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc không rõ ràng. Bắc Kinh đã cho xây dựng giàn khoan bên phía Trung Quốc gần sát đường phân định này.
Năm 2004, Trung Quốc đã đơn phương tiến hành thăm dò khai thác khí đốt tại bốn địa điểm trong khu vực này : Đó là Xuân Hiểu (tiếng Nhật là Shirakaba), Thiên Ngoại Thiên (Kashi), Long Tỉnh (Asunaro) và Đoạn Kiều (Kusunoki).
Tháng Sáu 2008, hai nước thỏa thuận khai thác chung tại vùng phân định và hợp tác khai thác khí đốt ở Shirakaba, nằm trên đường phân định. Các cuộc đàm phán về việc cùng khai thác ba địa điểm còn lại vẫn đang được tiến hành nhưng ít tiến triển.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150712-nhat-canh-bao-nguy-co-trung-quoc-xay-dung-gian-khoan-moi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten