vrijdag 25 december 2015

Pháp : Không khí đầm ấm ngày lễ Giáng sinh

Pháp : Không khí đầm ấm ngày lễ Giáng sinh

mediaNoel là lúc mà các gia đình Pháp quay quần bên bàn ăn với những món truyền thống.Reuters
Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư sang Pháp du học từ những năm 1970. Ông đã đón lễ Noel đầu tiên trên xứ người tại vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp. Không khí đầm ấm, phong tục tập quán của một gia đình ngoan đạo để lại cho nhà nghiên cứu người Việt này những kỷ niệm khó quên.
Khi có con, rồi lại có cháu, nhà nghiên cứu Nguyễn Dư luôn tạo lại bầu không khí đầm ấm trong gia đình mà ông đã được hưởng trong mùa Noel đầu tiên khi đến Pháp. Trả lời ban Việt ngữ đài RFI ông cho biết gia đình năm nay đón lễ Giáng sinh như thế nào.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư-Lyon. 24/12/2015 Nghe


http://vi.rfi.fr/phap/20151224-phap-khong-khi-dam-am-ngay-le-giang-sinh

Pháp : Bàn tiệc Noel 2015 thịnh soạn hơn năm trước

mediaCảnh sát Pháp tăng cường an ninh trên đại lộ Haussmann, Paris, nơi có nhiều cửa hàng lớnREUTERS/Eric Gaillard
Đợt khủng bố ngày 13/11 vừa qua đã làm cho dân Pháp tâm lý bất an. Họ không thích lui tới những chốn quá đông người tụ họp, cho dù các biện pháp an ninh đã được tăng cường tối đa. Báo Les Échos (22/12/2015) cho rằng, tâm lý đó đã tác động đến nhịp độ mua sắm, nhất là tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, mùa lễ Giáng Sinh cũng là dịp để cho mọi nhà nghỉ ngơi hưởng thụ, điều mà dân Pháp vẫn thường làm khi có chút thời gian rảnh rỗi. Còn theo Le Figaro, có nhiều dấu hiệu cho thấy dân Pháp năm nay sẽ ăn Noel thịnh soạn hơn năm trước.
Còn vài ngày nữa đã tới Noel, nhưng dân Pháp vẫn chưa mua xong các món quà mà họ sẽ biếu tặng cho con cái, người thân hay gia đình. Theo thăm dò của cơ quan Harris Interactive được báo Les Échos trích dẫn, 45% dân Pháp tức gần một nửa số người được hỏi ý kiến, vẫn chưa mua đầy đủ các món quà trên danh sách biếu tặng. Gia đình càng có đông thành viên, thì tỷ lệ này lại càng cao, lên tới gần 60%.
Nhịp độ mua sắm vẫn chưa phục hồi 100%
Riêng tại thủ đô Paris, năm tuần lễ sau đợt khủng bố ngày 13/11/2015, nếu như các sinh hoạt đã được phục hồi, thì ngược lại nhịp độ mua sắm cho mùa Noel vẫn còn chậm so với những năm trước. Cơ quan nghiên cứu thị trường Deloitte đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến của hơn 1.300 người tiêu dùng, cho thấy là năm nay (2015), dân Pháp mua sắm muộn hơn nhiều so với năm rồi (2014), trễ từ hai đến ba tuần.
Tuy nhiên, truyền thống tặng quà Noel là điều không thể tránh khỏi, mua trễ còn hơn không mua gì cả. Cho nên vào những ngày cuối cùng trước đêm Giáng Sinh, cơ quan Harris Interactive dự báo là lượng khách đi mua sắm sẽ đông hơn thường lệ, tăng từ gấp đôi đến gấp ba lần tại các cửa hàng lớn.
Để tránh cảnh chạy đua, chen lấn tại các cửa hiệu, có lẽ người tiêu dùng ở Pháp cũng nên nghĩ tới việc mua sắm trên mạng, kèm theo cước phí giao quà tận nhà nhanh nhất là 2 giờ, chậm nhất là nội trong 24 tiếng đồng hồ. Quà tặng cũng có thể là một dịch vụ (dưới dạng voucher) chứ không nhất thiết là phải biếu tặng hiện vật : lớp dạy nấu ăn, hai giờ thẩm mỹ viện spa và mát xa, một bữa tiệc thịnh soạn, một tấm bưu thiếp hay bản đồ đặc trưng cho nơi mà người nhận quà sẽ được đi nghỉ trong thời gian tới.
Tiệc Noel ngon và sang hơn
Tâm lý bồn chồn lo lắng khiến cho dân Pháp ít còn muốn ra phố, ngược lại họ sẽ thích quây quần lại với nhau, tổ chức vui chơi tiệc tùng ở nhà. Vì thế cho nên, bàn tiệc Noel của người Pháp năm nay được dự đoán là sẽ có nhiều món ăn ‘’sang và ngon’’ hơn những năm trước.
Theo cơ quan nghiên cứu Nielsen, trong hai tuần lễ sau đợt khủng bố 13/11, doanh thu của các siêu thị chuyên bán thực phẩm ở Paris và vùng phụ cận đã thụt lùi 2%. Nhưng càng tới gần Noel, thì mức mua sắm càng tăng trở lại, lên khoảng 4% (đặc biệt là trong những ngày cuối tuần 05/12 và 06/12 cũng như 12/12 và 13/12).
Qua việc phân tích doanh thu các siêu thị hầu bắt mạch thị trường, người ta thấy ngay là các món ăn dành cho mùa Noel đã tăng đều đặn từ đầu tháng 12 trở đi. Khối lượng rượu champagne bán ra được nhân lên gấp ba lần, lượng tiêu thụ hàu tươi (huître / oyster) nhờ có khuyến mại, cũng nhân lên từ gấp 10 đến 20 lần, trong đó có cả các mâm hải sản mà người Pháp đặt mua trước và chờ được giao hàng đúng vào đêm 24/12.
Về các món ăn truyền thống trên bàn tiệc Noel, món ốc nhồi bơ tỏi tăng gấp 10 lần. Bánh bûche (có hình khúc gỗ) và gan ngỗng béo (foie gras) cũng tăng gấp 20 lần. Chỉ có món cá hồi hun khói (saumon fumé) tuy khởi sắc nhưng lượng tiêu thụ vẫn còn chậm so với cách đây ba năm.
Chợ Rungis : 860 triệu euro doanh thu trong tháng 12
Một bài phóng sự tại chợ Rungis chuyên về thực phẩm bán sỉ cũng cho thấy là người Pháp năm nay tuy có thể ăn ít hơn, nhưng về chất lượng thì bàn tiệc của họ sẽ sang hơn. Gà trống thiến, gà gô xám (perdrix) hay thịt nai và thịt heo rừng, hải sản thì có các món sò điệp, cầu gai, cua biển, các loại tôm tươi kể cả tôm hùm đều được đưa vào thực đơn đêm 24/12.
Cầu kỳ hơn nữa có món phô mai sữa dê (theo kiểu salidou) tức là ăn với một chút đường caramel trộn bơ muối. Món gan ngỗng béo trộn cacao ngâm rượu cognac năm nay cũng được người tiêu dùng hưởng ứng. Đối với các thương gia chuyên bán sỉ, mùa Noel tương đương với một phần tư thậm chí một phần ba doanh thu hàng năm của họ. Theo đà này, chợ Rungis sẽ đạt mục tiêu gần 860 triệu euro chỉ riêng cho tháng 12.
Biện pháp phòng chống khủng bố thiếu hiệu quả
Đợt khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015 vừa qua đã buộc nước Pháp ban hành tình trạng khẩn cấp. Hơn năm tuần lễ sau khi được áp dụng, các biện pháp tăng cường an ninh, phòng chống khủng bố thật sự đã đem lại những kết quả nào ? Trong bài xã luận hôm nay 22/12/2015, báo Libération điểm lại dưới dạng tổng kết tạm thời các điểm quan trọng nhất.
Tính từ trung tuần tháng 11, đã có hơn 3.000 vụ khám xét nhà dân trong khuôn khổ điều tra. Các vụ khám xét ấy đã giúp cảnh sát tịch thu nhiều loại vũ khí trái phép. Tuy nhiên, theo Libération, biện pháp này cũng có phần hạn chế. Chỉ có một phần các nghi can là có liên quan tới các tổ chức Hồi giáo cực đoan, biện pháp này đôi khi cũng được áp dụng với những thành viên các tổ chức chống toàn cầu hóa, điều đó đi ra ngoài khuôn khổ do luật pháp ấn định.
Biện pháp thứ nhì nhằm quản thúc tại gia các đối tượng ‘’khả nghi’’ cũng không mang lại kết quả gì nhiều. Theo Libération, ngành tình báo Pháp thiên về phương cách nghe lén điện thoại và theo dõi trên mạng, để giúp phá vỡ các đường dây tuyển mộ chiến binh Hồi giáo hay các âm mưu tiến hành khủng bố.
Biện pháp thứ ba đòi tước bỏ quốc tịch những kẻ dính líu vào các tổ chức khủng bố cho dù là kẻ thừa hành hay là đầu não xúi giục các vụ tấn công, cũng đang gặp vấn đề. Trái với cam kết, chính phủ Pháp rốt cuộc đã nhượng bộ sau khi Tham chính viện tỏ thái độ dè dặt trước việc áp dụng biện pháp này.
Trong trường hợp nghi can là người song tịch, vấn đề lại càng tế nhị hơn, và đòi hỏi phải xem xét lại Hiến pháp. Theo Libération, nhiều biện pháp cần được điều chỉnh lại, một mặt để tăng thêm hiệu quả, mặt khác để tránh vi phạm quyền lợi của công dân Pháp.
Tây Ban Nha : Con tàu chưa có người lái
Về kết quả bầu cử Tây Ban Nha, các tờ báo Pháp tuy chạy tựa khác nhau nhưng hầu như đều có cùng một nhận định. Theo đó, sự kiện đảng cầm quyền cánh hữu mất đa số tuyệt đối và buộc phải liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ, trong khi các đảng phái này có đường lối trái ngược nhau, còn cánh tả thì hoàn toàn bị chia rẽ. Hai yếu tố đó mở ra một giai đoạn bấp bênh, thương lượng có thể sẽ rất căng thẳng gay go.
Tựa của các tờ báo Pháp có thể được dùng làm kết luận. "Tây Ban Nha có nguy cơ lâm vào bế tắc", hàng tít đậm của Le Monde. "Cầm quyền đã khó, liên minh lập chính phủ càng khó hơn", tựa lớn của báo Le Figaro. "Nếu không tìm ra sớm người cầm tay lái, Madrid đứng trước nguy cơ con tàu Tây Ban Nha bị bỏ trống", nhận định của tờ báo Libération.
Các tập đoàn Nhật lao đao
Về kinh tế Nhật Bản, vụ tai tiếng tài chính của tập đoàn Toshiba, liên quan tới việc che giấu thua lỗ bằng cách gian lận sổ sách, đang làm rúng động dư luận xứ hoa anh đào. Theo phụ trang kinh tế báo Le Figaro, không chỉ có một mình Toshiba, mà nhiều tập đoàn công nghiệp khác của Nhật Bản cũng đang bị lung lay, chao đảo.
Một dấu hiệu cho thấy đà tuột dốc này là thương hiệu màn ảnh tivi Sharp của Nhật Bản kể từ nay do một tập đoàn Trung Quốc (Hisense) khai thác. Các công ty khác như Sony hay Panasonic thì mất hẳn ưu thế trên thị trường quốc tế, trước sự áp đảo của các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo Le Figaro, ngoài hậu quả kinh tế của đợt sóng thần năm 2011, các tập đoàn Nhật Bản còn bỏ lỡ cơ hội phát triển thị trường smartphone, và điều đó tác động trực tiếp đến Canon và Nikon, bởi vì đa số người tiêu dùng giờ đây sử dụng smartphone để chụp ảnh chứ ít còn dùng camera.
Chỉ có ngành chế tạo đầu máy chơi game video cũng như sản xuất các trò chơi điện tử mới có đủ sức trụ vững. PlayStation 4, Wii và DS vẫn thống lĩnh thị trường và nhờ vậy mà Sony cũng như Nintendo bù đắp lại được những khoản thất thu.

http://vi.rfi.fr/phap/20151222-phap-noel-xh-db

Geen opmerkingen:

Een reactie posten