woensdag 23 december 2015

Thái Lan vẫn là đồng minh thiết yếu của Mỹ

Thái Lan vẫn là đồng minh thiết yếu của Mỹ

mediaBinh sĩ Thái Lan và Hoa Kỳ trong lễ khai quân chiến dịch tập trận chung Cobra Gold 15 tại trường dự bị quân sự, tỉnh Nakhon Nayok, ngày 09/02/2015.AFP PHOTO / PORNCHAI KITTIWONGSAKUL
Ngày 16/12/2015, tại Bangkok, lần đầu tiên từ ba năm qua, Hoa Kỳ và Thái Lan mở lại đối thoại chiến lược. Lần cuối cùng mà hai nước mở đối thoại chiến lược là vào tháng 06/2012 tại Washington. Quan hệ giữa hai đồng minh thân cận này đã trở nên phần nào nguội lạnh kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan vào tháng 05/2014. Nhưng Bangkok vẫn là đồng minh thiết yếu của Washington.
Theo thông báo của bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 11/12/2015, cuộc đối thoại lần này sẽ bàn về hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế với Thái Lan. Rất nhiều vấn đề sẽ được nêu lên, từ y tế công cộng, biến đổi khí hậu, thương mại đầu tư, giáo dục, cho đến chống buôn người và tội phạm xuyên biên giới, tình hình Biển Đông…
Sau cuộc đảo chính tháng 05/2014, Hoa Kỳ đã đình chỉ một số viện trợ quân sự cho Thái Lan, cũng như cắt đứt các trao đổi quân sự cấp cao. Nhưng trên thực tế, phần lớn các mối quan hệ quân sự khác giữa Wahsington và Bangkok không bị ảnh hưởng gì. Điều này cũng cho thấy là Mỹ không muốn để cho Trung Quốc khai thác mối bất hòa giữa hai đồng minh này nhằm gia tăng ảnh hưởng lên Thái Lan.
Hợp tác về quốc phòng hiện nay giữa Washington và Thái Lan dĩ nhiên là không thể được so sánh với thời chiến tranh lạnh ( trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đã có đến 50 ngàn quân Mỹ đóng trên lãnh thổ Thái Lan ). Tuy vậy, Thái Lan vẫn là đối tác quân sự thiết yếu của Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Vai trò thiết yếu của Bangkok càng lộ rõ sau cuộc đảo chính tháng 05/2014. Do không có sự hợp tác của Thái Lan, cho nên Hoa Kỳ đã gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai lực lượng cứu hộ đến Nepal sau trận động đất tháng 04/2015. Sau đó, trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya vào tháng 05/2015, Bangkok ban đầu đã từ chối yêu cầu của Mỹ tạm thời đặt phi cơ tuần tra trên biển trên lãnh thổ Thái Lan, trong khi đây vẫn là yêu cầu rất bình thường giữa hai đồng minh.
Tuy Thái Lan từ bao thế kỷ qua vẫn quen với trò « đu dây » giữa các cường quốc, nhưng việc Bangkok tăng cường hợp tác với Trung Quốc sau cuộc đảo chính đã gây lo ngại cho một số nhân vật ở Washington. Vào tháng 11/2015, không quân Thái Lan thậm chí đã tập trận chung với không quân Trung Quốc.
Trước thực tế địa chiến lược đó, Washington phải tạm gác sang một bên những quan ngại về nhân quyền và dân chủ ở Thái Lan để cố duy trì phần lớn các mối quan hệ quân sự với Bangkok. Vào năm 2014, cuộc tập trận Cobra Gold, cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất với Thái Lan là nước chủ nhà đã diễn ra và theo dự kiến cũng sẽ diễn ra trong năm nay.
Mới đây, ngày 29/10, bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo cho phép một hợp đồng bán các tên lửa và phụ tùng trị giá tổng cộng gần 27 triệu đô la cho Thái Lan. Hợp đồng này xác nhận vị trí của Thái Lan là một thị trường vũ khí lớn của Hoa Kỳ. Theo ước tính, trong 5 năm qua, Thái Lan đã mua trên 2 tỷ đô la thiết bị quân sự của Mỹ.
Cuộc đối thoại chiến lược ngày 16/12/2015 được xem là sự kiện đáng kể nhất trong quan hệ giữa hai nước năm 2015, cho thấy là mối quan hệ này đang tiến dần đến bình thường hóa.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151216-tl-hk-qs-pt

Geen opmerkingen:

Een reactie posten