zaterdag 5 december 2015

2015: Việt Nam 'chi tiêu... sai' khoảng $2 tỷ + Việt Nam...nghèo mạt vì nuôi công chức

2015: Việt Nam 'chi tiêu sai' khoảng $2 tỷ
Friday, December 4, 2015 6:43:19 PM 



HÀ NỘI (NV) - Trong năm 2015 này, Việt Nam đã “chi tiêu sai” khoảng $2 tỷ! Đó là kết luận của thanh tra Bộ Tài Chính Việt Nam. So với năm ngoái, cơ quan này cho biết “chi tiêu sai” trong năm nay tăng khoảng... 93%!
Một công nhân của công ty môi trường đô thị Cà Mau, nơi đang bị chính quyền thành phố Cà Mau nợ 14 tỷ đồng.
(Hình: Tuổi Trẻ)
Từ đầu năm đến cuối Tháng Mười, thanh tra Bộ Tài Chính thực hiện 116,000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và 6,500 cuộc thanh tra hành chính. Kết quả là họ phát giác có 52,553 tỷ đồng bị “chi tiêu sai.”
Đề cập đến tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, một bài viết công bố những số liệu vừa kể trên trang web của Bộ Tài Chính Việt Nam nhận định: “Tính chất tham nhũng càng ngày càng phức tạp. Thủ đoạn tinh vi hơn. Phạm vi và yếu có tổ chức của các vụ tham nhũng rõ nét hơn. Ngoài ra đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực.”
“Chi tiêu sai” vốn là một vấn nạn tồn tại ở Việt Nam trong nhiều thập niên và càng ngày càng nghiêm trọng. “Chi tiêu sai” đã đẩy Việt Nam vào tình trạng khủng hoảng tài chính, thu không đủ để bù cho chi, phải vay để chi nên nợ nần, bao gồm cả nợ ngoại quốc lẫn nợ trong nước càng lúc càng tăng.
Tin mới nhất cho biết, sau Bạc Liêu (ngân quỹ cạn tiền nhưng vẫn còn thiếu 1,350 tỷ đồng nợ tới hạn phải thanh toán nhưng không trả nổi), nay tới lượt chính quyền thành phố Cà Mau vỡ nợ. Chính quyền thành phố Cà Mau không còn đồng nào và đang mang khoản nợ khoảng 300 tỷ. Tháng này chưa rõ chính quyền thành phố Cà Mau sẽ moi tiền từ đâu để trả lương cho các viên chức, kể cả nhân viên các đơn vị trực thuộc như giáo viên, công nhân vệ sinh...
Tháng trước, khi Quốc Hội Việt Nam họp, các đại biểu từng than vắn, thở dài vì không tìm ra giải pháp nào khả thi để giải quyết tình trạng bội chi càng lúc càng cao và nợ nần càng ngày càng lớn. Một số đại biểu than rằng, sau khi xem xét các tài liệu về ngân sách, họ không biết cắt của ai, chia cho ai!
Ông Trần Văn, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách Quốc Hội, cho biết, thu chi ngân sách mất cân đối từ năm 2011. Năm 2011, ngân sách bội chi 112,000 tỷ đồng, đến năm 2015 bội chi đã tăng lên 226,000 tỷ đồng.
Nợ nần của Việt Nam cũng tăng rất nhanh, từ 1.3 triệu tỷ đồng vào năm 2011 lên 2.7 triệu tỷ đồng trong năm nay. Trung bình, mỗi năm, nợ nần của Việt Nam tăng thêm 20%. Đáng lưu ý là từ năm 2013 đến nay, chính quyền Việt Nam không thể tìm đủ nguồn thu để trả các khoản lãi và các khoản nợ gốc đã đến hạn phải thanh toán. Cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam phải vay nợ mới để trả một phần nợ cũ.
Dù bi đát như thế, nhưng “chi tiêu sai” của năm nay tăng... 93% và đáng lưu ý là từ thủ tướng Việt Nam trở xuống, không có bất kỳ viên chức nào bị kỷ luật hay tự thấy xấu hổ vì kém cỏi nên xin từ nhiệm. (G.Đ.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=218616&zoneid=1

Việt Nam mạt vì nuôi công chức
Monday, December 16, 2013 5:23:59 PM 



HÀ NỘI (NV) .-
Mỗi năm, chỉ riêng tỉnh Quảng Ninh đã phải chi 4,120 tỷ để trả lương cho công chức. Quảng Ninh chỉ có 1.2 triệu dân nhưng có tới 68,000 công chức. Trung bình cứ 16 dân phải nuôi một công chức.
Còng lưng nuôi quá nhiều công chức, ngân sách CSVN không có tiền để thực hiện nhiều dự án công ích. Như trong hình, dân phải du dây qua sông Poko ở huyện Ngọc Hồi tỉnh Kontum. (Hình: VNExpress)
Đó là những con số thống kê mới nhất do lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh công bố. Viên chủ tịch tỉnh này nói thêm rằng số lượng công chức, cũng như chi phí cho việc trả lương để nuôi đội ngũ này chưa tính tới số lượng và chi phí nuôi công chức trong các cơ quan trung ương có trụ sở đặt tại Quảng Ninh như (kho bạc, thuế, công an, kiểm sát,…).

Theo viên chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, trung bình, mỗi phường hoặc xã ở Quảng Ninh có tới 200 công chức. Thậm chí có phường như phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, số lượng công chức tại đó lên tới… 400 người. Hồi giữa năm ngoái, dư luận ở Việt Nam đã bàng hoàng khi thấy báo Nông Thôn Ngày nay cho hay xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa là một xã nghèo với 2,000 hộ dân mà nhà cầm quyền xã có tới 500 cán bộ thuộc đủ mọi ngành.
Công chức đông, chi phí cao nhưng hiệu quả kém vốn là một vấn nạn đã xuất hiện cách nay vài thập niên chế độ Hà Nội hoàn toàn bất lực, không thể giải quyết. Sau các tuyên bố, kế hoạch “tinh giản biên chế”, đội ngũ công chức không những không giảm mà càng ngày càng nhiều hơn trước.
Gần đây, do ngân sách thất thu nghiêm trọng, số lượng – chất lượng của công chức lại được xới lên như một chuyện cần giải quyết ngay để giảm bội chi.
Hồi cuối tháng giêng năm nay, khi thảo luận về việc “cải cách chế độ công vụ, công chức”, một viên Phó Thủ tướng tên là Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Việt Nam có tới 2.8 triệu công chức nhưng 30% không làm gì cả và không có cũng chẳng sao. Viên Phó Thủ tướng này khẳng định phải cải tổ hệ thống công quyền, giảm bớt công chức để nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên tới tháng 9 năm 2013, tại diễn đàn Quốc hội của chế độ, viên Bộ trưởng Nội vụ bảo rằng, chuyện 30% công chức Việt Nam chỉ chơi chứ không làm gì chỉ là… tin đồn. Viên bộ trưởng này bảo rằng, số công chức chỉ ngồi chơi, nếu có cũng chỉ khoảng 1%. Mới đây, sau kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11, tiếp xúc với cử tri, viên Chủ tịch Nhà nước, tuyên bố, ông ta không tin báo cáo của viên Bộ trưởng Nội vụ.
Những cuộc tranh luận qua lại như thế về công chức, cắt giảm nhân sự chưa rõ sẽ tới đâu. Chỉ có một yếu tố rất rõ là đội ngũ công chức Việt Nam vẫn rất đông. Chi tiêu để nuôi đội ngũ này rất tốn kém và khả năng chế độ Hà Nội sẽ sắp xếp lại đội ngũ công chức theo hướng nâng cao hiệu quả, tiết giảm chi phí là điều chưa thấy thì đừng tin.

Trả lời thắc mắc về chuyện tại sao “cải cách chế độ công vụ, công chức” chậm chạp, viên Vụ phó Vụ Công chức - Viên chức của Bộ Nội vụ, phân bua: "Bàn suông thì dễ nhưng đi vào cụ thể thì rất nhạy cảm”. Viên Vụ phó Công chức - Viên chức của Bộ Nội vụ không giải thích thế nào là “nhạy cảm” và vì sao lại “nhạy cảm” nhưng theo báo chí Việt Nam, “cải cách chế độ công vụ, công chức” khó thực hiện bởi hệ thống công quyền là chỗ chứa con, cháu, thân nhân của các công chức cao cấp, trung cấp, đồng thời tuyển dụng công chức là cơ hội để các công chức cao cấp, trung cấp kiếm tiền hối lộ.
Trong khi chờ đợi chế độ Hà Nội thực hiện thành công kế hoạch “cải cách chế độ công vụ, công chức”, dân chúng Việt Nam vẫn phải còng lưng nuôi công chức. Dựa trên các thống kê hàng năm, người ta xác định, trong giai đoạn từ 2001 – 2012, chi tiêu cho hệ thống công quyền - nuôi công chức Việt Nam ngốn 55,37% tổng chi tiêu của cả quốc gia.
Theo các con số được công bố, năm nay, các nguồn thi cho ngân sách của nhà cầm quyền CSVN bị hụt khoảng 65,000 tỉ, trong khi bội chi có thể lên tới 195,500 tỉ. Viên Bộ trưởng Tài chính phân bua rằng, sở dĩ bội chi tăng vọt, trở thành nghiêm trọng là vì chi tiêu của hệ thống công quyền “không ngừng tăng, tăng quá nhanh”.  
Để đủ tiền cho hệ thống phung phí ngân sách và nuôi công chức, chế độ Hà Nội ép dân chúng và doanh giới nộp đủ thứ thuế, phí và lệ phí. Giới nghiên cứu đã thử thực hiện một thống kê và xác định, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ thu thuế.
Căn cứ vào quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính CSVN, người ta cho biết, mỗi năm, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, nguồn thu từ thuế và phí ở Việt Nam chiếm đến 26.2% GDP, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Qũy tiền tệ Quốc tế cũng đã thử so sánh và xác nhận, tỷ lệ thuế, phí trên GDP của Việt Nam cao gấp 1.2 đến 1.8 lần so với các quốc gia trong khu vực. Ngoài chuyện tăng thu, chế độ Hà Nội đã giảm chi tối đa cho các công trình phúc lợi công cộng như cầu, đường, trường học, bệnh viện. (G.Đ)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=179136&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten