Nhựa Bình Minh sắp bị người Thái thâu tóm
Trước đó, ngay khi Tổng Công Ty Đầu Tư Và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) đăng ký bán toàn bộ hơn 24.1 triệu cổ phiếu (29.51% vốn điều lệ) nắm giữ tại Công Ty Nhựa Bình Minh (BMP), Nawaplastic Industries lập tức “nhảy” vào đăng ký tham gia đấu giá. Giá khởi điểm của cổ phiếu BMP là 96,500 đồng (khoảng $4.25)/cổ phiếu.
Doanh nghiệp Thái này được ghi nhận đang là cổ đông lớn nắm giữ hơn 16.7 triệu cổ phiếu BMP, tương đương hơn 20.4% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Như vậy, trong trường hợp đấu giá thành công số cổ phần nêu trên, người Thái sẽ sở hữu 49.91% vốn góp tại Nhựa Bình Minh.
Những đợt thoái vốn liên tiếp tại doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam thời gian qua luôn có bóng dáng của người Thái. Truyền thông Việt Nam ghi nhận hầu hết thương vụ đầu tư của người Thái “đều nhắm tới thị trường hàng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam,” với giá trị lên tới hàng tỷ đô la.
Hồi trung tuần Tháng Mười Hai, 2017, công ty của tỷ phú Thái Lan đã chính thức làm chủ Tổng Công Ty Bia, Rượu, Nước Giải Khát Sài Gòn (Sabeco) khi bỏ ra khoảng $4.8 tỷ mua hơn 53% cổ phần.
Trong phiên đấu giá, tin cho hay công ty Vietnam Beverage, một công ty có liên quan tới tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã mua 343.6 triệu cổ phần với mức giá 320,000 đồng (hơn $14). Còn 20,000 cổ phần còn lại được bán cho ông Ngô Vinh Hiển, một nhà đầu tư cá nhân và cũng là một thầy cúng ở Hà Nội.
Tổng giá trị số cổ phần Sabeco bán cho nhà đầu tư tư nhân là 109,000 tỷ đồng, tương đương với $4.8 tỷ. Ông Hiển sau đó “xù,” bỏ tiền cọc mua cổ phiếu Sabeco khiến công luận có suy đoán rằng phiên đấu giá này được sắp đặt trước để hãng bia Sài Gòn về tay người Thái một cách êm thấm và chóng vánh.
Người Thái cũng được ghi nhận đang nắm 19.06% vốn của hãng sữa Vinamilk thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments, hai đơn vị thuộc Tập Đoàn F&N của Singapore nhưng đã bị Tập Đoàn TTC Holdings của Thái Lan mua lại.
Hồi Tháng Tư, 2016, Tập Đoàn Central Group thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Thái Tos Chirathivat cũng chi $1.14 tỷ mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại Big C Việt Nam.
Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp Việt khác “đã bị người Thái mua lại hoặc thâu tóm một phần,” như Xi măng Holcim, Giấy Cellox, Đậu hũ Ichiban…, theo báo Zing.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và là người sáng lập sự kiện “Hội Chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao,” viết trên trang Facebook cá nhân: “Sau bảy năm vận động ‘Ưu tiên dùng hàng Việt’ thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để… bán? Đi hỏi khắp thế gian, xứ nào cũng cố gầy dựng cho được những thương hiệu mạnh nổi tiếng để làm hình ảnh, bộ mặt tiêu biểu của quốc gia. Về chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi tất cả công ty nhà nước? Đúng, nhưng có nhất thiết phải bán bằng được cho nước khác chứ không phải cho nhà đầu tư trong nước? Nếu có ít tiền hơn, bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia liệu có cần cân nhắc? Có ai ngồi đếm được số lượng hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả ba miền Việt Nam được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Hàng Thái thay hàng Tàu, nhưng nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì họ muốn?” (T.K.)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten