maandag 26 maart 2018

Pháp : chiến lược phát triển tiếng Pháp trên thế giới, hiện giờ đứng thứ 5 sau tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập và tiếng Hindi


Paris đề ra chiến lược phát triển tiếng Pháp trên thế giới


mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) đến thăm một trường học ở Ouagadougou, Burkina Faso, ngày 28/11/2017©ludovic MARIN/AFP
Hôm nay, 20/03/2018, nhân Ngày Quốc tế Pháp ngữ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố một “kế hoạch tổng thể” nhằm phát triển tiếng Pháp trên thế giới.
Ngay từ khi lên làm tổng thống Pháp, ông Macron, nguyên thủ quốc gia Pháp thạo tiếng Anh nhất trong lịch sử của nền đệ ngũ Cộng hòa, đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ việc quảng bá tiếng Pháp và tính đa ngữ. Cách đây 4 tháng, trong bài phát biểu tại Ouagadougou, tổng thống Macron bày tỏ mong muốn tiếng Pháp sẽ là ngôn ngữ hàng đầu ở châu Phi và “có thể” của cả thế giới.
Hiện giờ, trong số các ngôn ngữ được nói nhiều nhất thế giới, tiếng Pháp chỉ đứng hàng thứ 5, sau tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập và tiếng Hindi. Cùng với đà gia tăng dân số, số người nói tiếng Pháp trên thế giới, hiện là 275 triệu người, đến giữa thế kỷ sẽ tăng vọt lên thành 700 triệu, theo như dự báo của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), mà 85% trong số này sẽ là ở châu Phi.
Khối Pháp ngữ là không gian ngôn ngữ có mức tăng nhanh nhất, cụ thể là sẽ tăng 143% trong thời gian từ 2015 đến 2065, theo dự báo của Liên Hiệp Quốc (so với mức tăng 62% của tiếng Anh). Từ đây đến năm 2065, Liên Hiệp Quốc dự báo là sẽ có đến 1 tỷ người nói tiếng Pháp, tức là nhiều gấp 5 lần so với thời điểm 1960.
Hôm nay, ông Macron chọn một nơi mang tính biểu tượng rất cao, đó là Viện Hàn lâm Pháp, để trình bày khoảng 30 biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển tiếng Pháp trên thế giới. Trước các viện sĩ hàn lâm và khoảng 300 học sinh và sinh viên đến từ khắp năm châu, tổng thống cho biết Pháp sẽ hỗ trợ cho hệ thống giáo dục của các nước trong khối Pháp ngữ, đặc biệt là các nước châu Phi, “để các giáo viên có thể làm việc trong điều kiện tốt và để cho con em các nước này được hưởng một nền giáo dục Pháp ngữ có chất lượng”.
Theo ông Macron, đó chính là một trong những điều kiện để cho đến giữa thế kỷ này, khối Pháp ngữ có được 700 triệu người nói tiếng Pháp, như dự báo của OIF. Để tài trợ cho các biện pháp nói trên ở châu Phi, Pháp sẽ tháo khoán các tín dụng bổ sung, ngoài khoản tiền 200 triệu euro mà tháng 2 vừa qua tổng thống Macron đã cam kết là Pháp đóng góp cho tổ chức Đối tác Thế giới vì Giáo dục (PME).
Tổng thống Pháp cũng thông báo việc hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong khối Pháp ngữ để các không gian văn hóa của Pháp và châu Phi có thể giao thoa với nhau dễ dàng hơn.
Không chỉ bó hẹp ở châu Phi, chiến lược của Pháp còn nhằm tăng cường vị thế của tiếng Pháp trong các định chế quốc tế và châu Âu và với mục tiêu đưa tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ được dạy nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau tiếng Anh.
Theo chiều hướng đó, kế hoạch mà tổng thống Macron trình bày hôm nay dự trù khuyến khích việc học ít nhất hai ngoại ngữ, phát triển các lớp song ngữ và nâng cao giá trị nghề nghiệp của các giáo viên dạy tiếng Pháp. Kế hoạch này còn đề ra mục tiêu là đón ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài vào Pháp, trong những điều kiện ngày càng tốt hơn. Cũng trong khuôn khổ chiến lược nói trên, những người tị nạn tại Pháp sẽ được bộ Ngoại Giao hỗ trợ trong việc học tiếng Pháp.

http://vi.rfi.fr/phap/20180320-paris-de-ra-chien-luoc-phat-trien-tieng-phap-tren-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten