dinsdag 20 maart 2018

Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 + Kỷ lục cầm quyền + Putin : Người kiểm soát toàn diện


Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4


mediaTổng thống Vladimir Putin phát biểu tại tổng hành dinh ban bầu cử của ông tại Mátxcơva (Nga) ngày 18/03/2018.Sergei Chirkov/POOL via Reuters
Không bất ngờ, ông Vladimir Putin đã tái đắc cử tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4, trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/03/2018. Với 76,7% phiếu bầu, đây là chiến thắng lớn nhất trong 3 lần ra tranh cử tổng thống Nga của ông, cho dù tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu không được cao như mong đợi, chỉ đạt khoảng 67%.
Ngay trong đêm qua, người ủng hộ ông Putin đã tổ chức ăn mừng chiến thắng ngay bên cạnh điện Kremlin. Tổng thống tái đắc cử đã xuất hiện trước đám đông với bài phát biểu ngắn gọn trước sự hân hoan cuồng nhiệt của người ủng hộ.
Thông tín viên Daniel Vallot tại Matxcơva ghi nhận không khí của cuộc mít tinh mừng thắng lợi :
"Vladimir Putin tiến ra khán đài cuộc mít tinh với nụ cười rạng rỡ. Tổng thống Nga phát biểu với những người ủng hộ tụ tập trước mặt ông.
“Chiến thắng này là sự thừa nhận công việc đã hoàn thành ! Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc một cách có trách nhiệm và hiệu quả”.
Trong đám đông, Loudmila trong chiếc áo choàng lông chống rét, đến dự mít tinh cùng với 2 người bạn. Cô cho biết rất vui mừng vì “tổng thống của mình” đắc cử : “Tôi rất hạnh phúc. Vladimir Putin đã cống hiến tất cả cho nước Nga. Trước tiên, ông đã trả lại cho chúng tôi Crimée, ông làm cho chúng tôi trở nên mạnh hơn…Đúng là một lãnh tụ thực sự, ông có niềm tin, là một người đàn ông thực thụ !”
Cách đó không xa, một nam thanh niên tỏ băn khoăn về nhiệm kỳ mới của Vladimir Putin. Alexander hy vọng tổng thống Nga sẽ tiến hành những cải cách mà anh cho là cần thiết cho nước Nga: “Cần phải cải cách kinh tế! Chúng tôi bị lệ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và khí đốt. Các doanh nghiệp phải được phát triển. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng”.
Vladimir Putin rời khán đài. Phát biểu chỉ dài vài phút và như thường lệ, ông không nói gì về chính sách mà ông dự kiến thực thi trong vòng 6 năm tới.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180319-vladimir-putin-tai-dac-cu-tong-thong-nga-nhiem-ky-thu-4


Ca khúc khải hoàn, Putin thêm sức mạnh đối đầu với Tây phương

mediaTổng thống kiêm ứng viên tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại trụ sở ban vận động tranh cử của ông tại Mátxcơva ngày 18/03/2018.Sergei Chirkov/POOL via Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 4 với gần 77% số phiếu. Tỷ lệ cao hơn dự báo cho phép chủ nhân điện Kremlin « tự tin » hơn vào lúc quan hệ giữa chính quyền Nga và Tây phương rơi vào khủng hoảng, theo phân tích của AFP và giới chuyên gia.
Lèo lái 145 triệu dân và một lãnh thổ rộng nhất thế giới từ 18 năm qua với tư cách khi là tổng thống, lúc là thủ tướng, cựu trung tá KGB Vladimir Putin vừa thực hiện một kỷ lục của bản thân trong một cuộc bầu cử tổng thống, vượt lên trên mọi dự báo của viện thăm dò chính thức: 76,67%. Chiến thắng này là tín hiệu của « lòng tin tưởng và niềm hy vọng của dân tộc», tổng thống Nga nhận định như vậy.
Bỏ xa các đối thủ còn lại một khỏang cách dài, đại diện của đảng Cộng sản, Pavel Grounidine về nhì với 11,79%, Vladimir Putin hơn bao giờ hết, xứng đáng là người của thời thế, thời thế của nước Nga, tiếp tục lãnh đạo đến năm 2024, lúc 72 tuổi. Chính ông đã đưa nước Nga rối loạn của thời Boris Eltsine, trở lại ngôi vị đại cường trên trường quốc tế, sau bao thủ đoạn chính trị bén nhạy và chiến lược quân sự táo bạo với cái giá là gây căng thẳng chưa từng thấy với Tây phương, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Khởi đầu từ cuộc chiến Syria, khủng hoảng Ukraina và nghi án Nga can thiệp làm thay đổi cục diện bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, xung khắc Đông-Tây trở thành nghiêm trọng hơn từ khi Luân Đôn tố cáo Matxcơva đầu độc một cựu điệp viên Nga tị nạn tại Anh Quốc.
Giữ thái độ im lặng trong suốt hai tuần, từ ngày 04/03 khi xảy ra vụ mưu sát cựu trung tá Serguei Skripal và người con gái, cho đến chủ nhật, ngày bầu cử, tổng thống Putin mới phản ứng. Ông chỉ trích chính phủ Anh « cáo buộc nhảm » nhưng hứa là « sẵn sàng hợp tác » với Luân Đôn để điều tra.
Gian lận ?
Về phần đối lập Nga, thiếu vắng lãnh tụ từ khi cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov bị ám sát trong điều kiện mờ ám vào tháng 02/2015, và luật sư Alexei Navalny bị tư pháp Nga cấm ứng cử, một quyết định "chính trị " theo tố cáo của nạn nhân - phe phản kháng cũng thất bại trong cuộc vận động tẩy chay bầu cử. Tỷ lệ cử tri đi bầu lên đến 67% hơn cuộc bầu cử lần trước gần 5 điểm.
Đối lập Nga và tổ chức phi chính phủ giám sát bầu cử GOLOS cho biết có ít nhất 2900 vụ gian lận thêm phiếu cho Putin và nâng tỷ lệ tham gia . Ngay cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, được Putin cho phép tạm cư sau vụ đánh cắp tài liệu mật và bị tư pháp Mỹ truy nã, cũng xác định là có nhiều vụ gian lận để làm tăng tỷ lệ cử tri đi bầu. Edward Snowden còn phổ biến hình ảnh video cáo buộc và kêu gọi người Nga « đòi hỏi công lý, nắm lấy vận mệnh ».
Thắng lớn, nhờ Tây phương, để tiếp tục đấu với Tây phương
Nhưng vận mệnh của Nga không nằm trong phe dân chủ mà ở trong tay Putin.
Phát ngôn viên của ban vận động tranh cử của Putin tuyên bố "cám ơn Anh Quốc vì một lần nữa người Anh không hiểu tâm lý người Nga". Thượng nghị sĩ Alexei Pouchkov cũng cùng nhận định : "Công kích Putin chỉ gây tác dụng ngược tại Nga".
Báo mạng Politika Segodnia, trích lời chuyên gia Vladimir Chapovarov cùng nhận định: "Không có động cơ nào đủ sức huy động cử tri Nga bằng mối đe dọa toàn diện hay từ Tây phương. Hệ quả là những năm đầu của nhiệm kỳ mới sẽ được tập trung đối kháng với Tây phương".
Các thủ đô Tây Âu khá chậm chạp trong việc chúc mừng tổng thống Nga. Thủ tướng Đức thông báo "sẽ chúc mừng và nói lên những thách thức". Paris, qua thông báo của bộ ngoại giao Pháp, tuyên bố "không nhìn nhận lá phiếu bầu ở Crimée".
Trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp khó khăn và bị trừng phạt, tổng thống Putin không thiếu lập luận, do Tây phương vô tình cung cấp, để huy động đa số dân Nga ủng hộ triệt để, trừ những ai không muốn thấy nước Nga biến thành pháo đài.
Hiến pháp Nga không cho phép tổng thống ở quá hai nhiệm kỳ. Liệu 6 năm nữa, Putin có tái diễn chiến thuật đổi ghế hay không ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180319-tai-dac-cu-ve-vang-putin-them-suc-manh-doi-dau-voi-tay-phuong

Kỷ lục cầm quyền, Putin vẫn còn "khiêm tốn"


mediaTượng bán thân Vladimir Putine theo mầu cờ Nga.REUTERS/Maxim Shemetov
Nếu tái đắc cử, ông Vladimir Putin rất có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ các nhà lãnh đạo « một phần tư thế kỷ cầm quyền » khi mãn nhiệm kỳ năm 2024. Tuy nhiên, tổng thống Nga vẫn còn xa các mức kỷ lục do Fidel Castro (Cuba), Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên) hay Mouammar Kadhafi (Libya) nắm giữ.
Hãng tin Pháp AFP (18/03/2018) lược sơ lại hành trình cầm quyền của ông Putin. Được bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng chính phủ năm 1999, Vladimir Putin được bầu làm tổng thống năm 2000. Sau hai nhiệm kỳ tổng thống, năm 2008, ông giao điện Kremlin cho thủ tướng chính phủ hiện nay là Dmitri Medvedev và trở thành thủ tướng chính phủ. Rồi ông lại trở thành tổng thống năm 2012.
Tưởng Giới Thạch hay Fidel Castro
Thế nhưng, lịch sử đương đại cho thấy là có một vài lãnh đạo cầm quyền đến hơn 40 năm. Kỷ lục tại vị lâu nhất thuộc về cố chủ tịch Cuba Fidel Castro, lên nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 1959, và chỉ nhường lại quyền hành cho em trai Raul sau 49 năm ở vị trí người đứng đầu Nhà nước.
Lãnh đạo theo xu hướng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, ông Tưởng Giới Thạch cũng cầm quyền trong vòng 47 năm dưới nhiều chức danh khác nhau, ban đầu là tại Trung Quốc rồi sau đó là tại Đài Loan khi chạy đến đây tị nạn vào năm 1949.
Á quân thứ hai là lãnh tụ Kim Nhật Thành, điều hành đất nước Bắc Triều Tiên trong vòng 46 năm và xếp thứ tư là lãnh đạo Libya bị lật đổ, ông Mouammar Kadhafi. Người này cai trị đất nước liên tục 42 năm cho đến khi bị giết chết vào tháng 10/2011 sau khi những làn sóng phản đối chuyển thành xung đột có vũ trang.
Trong cuộc tranh tài về kỷ lục nắm giữ quyền lực, các nước châu Phi cũng không kém cạnh : Omar Bongo Ondimba (Gabon) là 41 năm, Teodoro Obiang Nguema (Guinea Nhiệt đới) là 38 năm. Hay như Paul Biya tại Cameroun, vừa mừng thọ 85 tuổi cũng có đến 35 năm cầm quyền. Ông này giờ đang ngấp nghé tranh cử nhiệm kỳ thứ 7.
Tại châu Á, ngoài Tưởng Giới Thạch và Kim Nhật Thành, hiện nay "vô địch" cầm quyền thuộc về thủ tướng Hun Sen của Cam Bốt, liên tục điều hành xứ Chùa Tháp từ 33 năm qua. Theo sau là giáo chủ Ali Khamenei tại Iran cũng có hơn 28 năm cầm quyền.
Nói tóm lại là ông Vladimir Putin, chỉ với 18 năm cầm quyền, vẫn còn phải nỗ lực nhiều mới mong được gia nhập vào câu lạc bộ các nhà độc tài trên thế giới.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180318-truong-ton-quyen-binh-putin-ky-luc-qt


Putin : Người kiểm soát toàn diện


mediaÔng Putin bỏ phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Matxcơva, 18/03/2018.Ảnh : Sergei Chirkov/POOL via Reuters
Bầu cử tổng thống Nga hôm qua, 18/03/2018, kết quả không có gì bất ngờ. Ông Putin – không có đối thủ thực sự - đắc cử lần thứ tư, ngay từ vòng đầu. Báo Pháp dành một số bài cho sự kiện này, đáng chú ý hơn cả là phân tích của La Croix, giới thiệu chân dung của lãnh đạo Nga, sau gần 20 năm cầm quyền, vẫn tiếp tục là một nhân vật bí ẩn.
Bài viết mang tựa đề : « Putin, con người khống chế toàn bộ », mô tả những nét chính làm nên diện mạo Putin. « 17 năm trôi qua, mọi thứ, hoặc gần như tất cả đã được viết về cựu đại tá an ninh Nga, người từng thương thuyết với các tổng thống Mỹ Clinton, George W. Bush, với Brack Obama và với Donald Trump hiện nay. Ông Putin được biết đến như là người đưa nước Nga ra khỏi hỗn loạn, hạ bệ các nhà tài phiệt, giới hạn các quyền tự do xã hội, bóp nghẹt đối lập, mang lại cho Giáo Hội Chính Thống sức mạnh, chấn hưng quân đội. Người tiến hành bốn cuộc chiến tranh (Tchetchenia, Gruzia, Ukraina và Syria hiện nay), người sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, và đảo lộn trật tự thế giới ». Nhưng cho dù Putin được biết đến rất nhiều, lãnh đạo Nga vẫn còn là một ẩn số.
Trên thực tế, cựu sĩ quan an ninh Nga, 65 tuổi, đã hết sức kín đáo trong tất cả những gì liên quan đến đời tư. Ngay từ khi bước chân vào điện Kremlin, nhà chính trị với « cái nhìn sắc lạnh » này đã chọn ba nhà báo, để dựng lên cho mình một tiểu sử, với những nét chính, mà gần như mọi người đều biết. Từ một thiếu niên lêu lổng ở Saint Petersbourg, phát hiện môn judo, học ngành luật, được tuyển vào KGB (mật vụ Nga), thăng tiến tại chính quyền thành phố Petersbourg, đột nhiên được bổ nhiệm đứng đầu KGB, và sau đó trở thành thủ tướng Nga.
Những nguyên tắc của Putin
La Croix tìm cách vén màn bí ẩn che phủ Putin. Theo cựu đại sứ Pháp tại Nga Claude Blanchemaison (tác giả cuốn sách mới ra mắt « Vivre avec Putin/Sống với Putin »), ông Putin nổi tiếng là « biết quyến rũ người khác », đặc biệt nhờ ở thái độ biết lắng nghe, và chịu khó tìm hiểu, trước khi tiếp xúc, để biết được các sở thích của đối tác.
Nét tính cách nổi bật thứ hai của Putin là ông ta duy trì nhiều nguyên tắc bất di bất dịch, bất kể thời thế, bất kể ý thức hệ. Đó là tìm mọi cách để duy trì các nước Liên Xô cũ trong quỹ đạo của nước Nga. Một vấn đề có tính nguyên tắc khác của Putin, đó là không bao giờ, hoặc gần như không bao giờ thay đổi các cộng sự thân cận nhất, trong đó bao gồm chủ yếu là các thành phần « diều hâu », xuất thân từ quân đội và an ninh. Tổng thống Nga nhìn nhận về thế giới chủ yếu qua các báo cáo tình báo.
Về mặt đối nội, ông Putin tìm cách tập trung tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, bằng cách xóa bỏ chính sách tản quyền dưới thời tiền nhiệm Eltsin, và coi việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp Nhà nước kiểm soát nền kinh tế, là điều kiện để thúc đẩy phát triển (kinh tế Nhà nước chiếm đến 70% trọng lượng GDP).
« Theo năm tháng, đứa con thành Petersbourg năm xưa nắm ngày càng nhiều quyền hành, đặc biệt thông qua bộ máy tuyên truyền, đàn áp đối lập có trọng điểm và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu », nhà chính trị học Dmitri Oreshkin nhận xét.
La Croix khép lại bài phân tích với nhận xét ít nhiều hài hước của một cựu cộng sự của Putin : « Trong vòng 18 năm, ông ấy đã chuyển từ môn judo sang môn khúc côn cầu, tóc ông ấy rụng nhiều, Putin đã ly dị. Nhưng não trạng chính trị của ông ấy thì không hề thay đổi. Nước Nga đã thay đổi. Nhưng tổng thống của chúng ta không thay đổi cùng nhịp với đất nước. Có một khoảng cách giữa Putin và xã hội Nga, cho dù chưa đến mức nguy hiểm… Putin vẫn là đồng chí (hay "Tovaritch" – trong tiếng Nga) của chúng ta ».
Nắm quyền bằng mọi giá
Le Monde dành nhiều bài viết về Putin, nước Nga và quan hệ giữa Matxcơva với phương Tây. Bài « Vladimir Putin, hồi V » lưu ý lập trường nắm quyền « bằng mọi giá » của Putin. Chỉ với khoảng vài chục cộng sự, Putin kiểm soát mọi nguồn lực « về kinh tế, hành chính và quân sự », cho phép thống trị đất nước.
Vấn đề lớn nhất, mà Le Monde gọi là « gót chân Asin » của Putin, đó là viễn cảnh chuyển giao quyền lực sau khi nhiệm kỳ lần này kết thúc. Putin chiến đấu đến cùng để nắm quyền, để khẳng định uy lực cá nhân, vượt lên mọi định chế chính trị. Le Monde dự đoán, với việc từ chối chuẩn bị cho một thế hệ kế nhiệm mới, xây dựng hình ảnh mình như người bảo vệ một dân tộc đang lâm nguy, tổng thống Nga sẽ trì hoãn mọi cải cách, buộc nước Nga phải sống liên tục trong trạng thái xung đột.
Nga-Phương Tây : Vòng xoáy kích động truyền thông
Le Monde còn có hai bài bình luận khác về quan hệ Nga – phương Tây. Bài của chuyên gia về Nga Jean Radvanyi, nhấn mạnh đến « vòng xoáy đe dọa » giữa hai bên, đang ngày một trở nên tồi tệ hơn, một lần nữa được kích phát với nghi án cựu điệp viên Nga Skrypal bị đầu độc tại Anh.
Theo tác giả, một mặt cần lên án các hành động phiêu lưu chính trị nguy hiểm của tổng thống Nga, khi chúng đi ngược lại các quy tắc quốc tế, nhưng mặt khác cũng cần kiềm chế, không nên để cho một số phương tiện truyền thông kích động không khí Chiến tranh Lạnh, với các sản phẩm kiểu như bộ phim tài liệu Inside the War Room, về một cuộc Thế chiến thứ Ba, sau biến cố tại Latvia. Phim được BBC sản xuất năm 2016.
Cùng về truyền thông, nhưng về phía Nga, phát triển trên Le Monde, ông Oleksiy Makukhin, thành viên một tổ chức phi chính phủ Ukraina, tố cáo các kênh truyền thông lớn của nước Nga tấn công một cách hệ thống « các giá trị (tự do) của châu Âu », « bóp méo tình hình tại châu Âu ». Hoạt động biểu tình, phản kháng ôn hòa, của nhiều tầng lớp xã hội tại châu Âu, vốn là các hành động biểu thị quyền tự do ngôn luận trong các xã hội dân chủ, được truyền thông Nga mô tả như là hậu quả của tình trạng yếu kém của châu Âu về kinh tế, chính trị, an ninh.
Phố Wall : Mỹ Trung « ly dị », trước giờ Trump nổ súng
Về kinh tế quốc tế, đáng chú ý có bài « Cuộc ly dị Mỹ-Trung tại Wall Street (phố Wall), trước giờ tấn công của Donald Trump ». Nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal dự báo tháng Ba này là tháng « đụng độ lớn ». Washington đã « mài gươm » từ mùa hè năm ngoái để chuẩn bị cho đòn phản công kinh tế, nhằm mục tiêu buộc Bắc Kinh phải giảm bớt 100 tỉ đô la xuất siêu sang Mỹ. Kể từ hai tuần nay, nhiều biện pháp được đưa ra, như đe dọa đánh thuế vào thép và nhôm, và hàng chục tỉ đô la hàng hóa khác.
Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh rút khỏi hàng loạt đầu tư vào các cơ sở, một thời từng được coi là biểu tượng cho quan hệ song phương có đi có lại. Điển hình là việc ra khỏi quỹ đầu tư Blackstone của tỉ phú Schwarzman. Quỹ này được lập ra với mục tiêu thu hút các sinh viên trên toàn thế giới đến theo học tại trường Thanh Hoa (Tsinghua), một đại học danh tiếng của Trung Quốc, để siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, ngăn ngừa « một cuộc chiến không tránh khỏi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ », theo tiên đoán của giáo sư Allison, đại học Havard. Nhìn chung, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ giảm 35% trong năm 2017, đầu tư mới giảm đến mức thấp nhất kể từ 6 năm nay, theo trung tâm tư vấn Rhodium Group.
Trung Quốc : « Vua chống tham nhũng » trở lại
Vẫn về Trung Quốc, Le Monde chú ý đến việc cộng sự hàng đầu của lãnh đạo họ Tập, ông Vương Kỳ Sơn – 69 tuổi - được bầu vào vị trí phó chủ tịch. Le Monde dự đoán « ông vua chống tham nhũng » sẽ chiếm một vị trí trung tâm trong chính trường. Theo truyền thống chính trị dưới thời cộng sản Trung Quốc, chức vụ phó chủ tịch nước thường chỉ mang tính tượng trưng, tuy nhiên với « ông vua chống tham nhũng », cận thần của lãnh đạo Tập Cận Bình, chắc chắn vị trí này sẽ còn quan trọng hơn cả chức thủ tướng.
Le Monde điểm lại các cương vị chủ chốt trong bộ máy chính trị Trung Quốc mà Vương Kỳ Sơn từng đảm nhiệm, đặc biệt là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đầu tiên lên sàn chứng khoán trong những năm 90, phó thủ tướng vào thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, mà ông Vương vào thời kỳ đó không ngừng nhắc lại, đó là « một cơ hội chiến lược » cho Trung Quốc.
Theo Le Monde, vị trí cao cấp này cho phép Vương tránh được mọi hành động trả thù. Bởi sau 5 năm lãnh đạo bộ máy thanh trừng trong đảng, Vương Kỳ Sơn đã hạ bệ tổng cộng « 250 con hổ », tức quan chức cao cấp, và hơn 2 triệu công chức cấp thấp.
Đánh thuế tập đoàn tin học : Liên Âu tuyên chiến với Mỹ
Trong lúc tổng thống Mỹ khởi sự cuộc chiến về thuế trên nhiều mặt trận, với Trung Quốc, nhưng kể cả với các đồng minh, hôm nay, Liên Hiệp Châu Âu khởi sự bàn thảo về chính sách thuế mới nhắm vào các tập đoàn internet lớn, mà tất cả đều là của Mỹ. « Châu Âu sẵn sàng thách thức Donald Trump » là tựa lớn của báo kinh tế Echos.
Theo Les Echos, thuế đánh vào các tập đoàn như Apple, Facebook hay Amazon, có thể mang lại cho châu Âu từ 5 tỉ đến 8 tỉ euro tiền thuế/ một năm. Khoản thuế mới được đề nghị sẽ dựa vào doanh thủ của các doanh nghiệp tại châu Âu, chứ không căn cứ theo trụ sở của các doanh nghiệp, vốn vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lách thuế, bằng cách không đặt cơ sở ở nước sở tại.
Ủy Ban Châu Âu sẽ ra các quyết định đầu tiên về vấn đề này, kể từ thứ Tư. Song song với Liên Hiệp Châu Âu, OCDE (Cơ Quan Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế) cũng vừa công bố một bản báo cáo sơ bộ về thuế với các tập đoàn kỹ thuật số, kết quả làm việc của một nhóm chuyên gia, đại diện cho 110 quốc gia. Theo Les Echos, Hoa Kỳ không chấp nhận việc đánh thuế các tập đoàn Mỹ trong nhóm GAFA.
Vẫn về chủ đề này, Libération có bài « Đối phó với GAFA, cách tự vệ tốt nhất là đánh thuế », cho biết thêm, Liên Âu tuy nỗ lực tìm giải pháp, để việc đánh thuế không làm thui chột các doanh nghiệp nhỏ của châu Âu, mới nổi lên, cụ thể là chỉ đánh thuế với các công ti có doanh thu 750 triệu euro trở lên. Theo Libération, cuộc thảo luận về chính sách thuế của châu Âu sẽ kéo dài đến tháng Sáu, khả năng đạt đồng thuận là không cao. Nguy cơ mà châu Âu phải đối mặt là, nếu không đồng thuận, thị trường châu Âu trong lĩnh vực này sẽ bị chia năm, xẻ bảy với quyết định riêng rẽ của mỗi quốc gia.
Dự án châu Âu : Pháp – Đức nỗ lực thống nhất quan điểm
Để Liên Hiệp Châu Âu tìm được tiếng nói chung, nỗ lực của Pháp và Đức là then chốt. Theo Les Echos, thứ Sáu vừa rồi, thủ tướng Đức có cuộc hội kiến tổng thống Pháp tại điện Elysée. Lãnh đạo hai nước hứa sẽ coi dự án xây dựng châu Âu là ưu tiên số một. Cuộc hội kiến Pháp – Đức được tổ chức, ngay sau khi thủ tướng Đức Agela Merkel chính thức được tái bổ nhiệm, sau 6 tháng thương lượng cam go, để thành lập liên minh với đảng Xã Hội Dân Chủ.
Cùng với cuộc hội kiến Emmanuel Macron – Angela Merkel, hai bộ trưởng Tài Chính Pháp – Đức cũng có buổi làm việc để bàn về các vấn đề cụ thể, như khu vực đồng euro, thống nhất chế độ thuế, thuế nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số, hay kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, một số lãnh đạo châu Âu cũng bắn tiếng với lãnh đạo Pháp-Đức là họ không muốn bị gạt sang lề. Thủ tướng Hà Lan vào hôm qua tái khẳng định sẵn sàng có quan điểm ngược lại với các đề xuất của Paris và Berlin, cụ thể như về ngân sách chung của khối euro, hay việc tăng đóng góp cho ngân sách của Liên Hiệp.
Cũng Les Echos có hai bài viết đáng chú ý khác, về « châu Âu – nền dân chủ tự do duy nhất còn lại », sau khi nước Mỹ của Donald Trump co mình với chủ nghĩa bảo hộ, cần « thức tỉnh trước các đe dọa ».
Lịch sử người da đen Mỹ qua triển lãm búp bê Paris
Trong lĩnh vực văn hóa, Libération giới thiệu về một triển lãm đặc biệt về búp bê Mỹ tại Paris. Triển lãm mang tên « Black Dolls » (tạm dịch là Búp bê da đen). Cuộc triển lãm giới thiệu với công chúng về sưu tập hiếm có về các búp bê của trẻ em da đen ở Mỹ, được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1840 đến 1940, được một nữ luật sư Mỹ sưu tầm từ 20 năm nay.
Chỉ căn cứ vào các dấu vết lưu lại trên các búp bê, cũng có thể nhận ra đằng sau chúng là những cuộc đời thực, những bàn tay nhỏ bé mâm mê, ve vuốt… Tuy nhiên, điều gây xúc động đặt biệt qua trưng bày này là, câu chuyện xung quanh các búp bê cho thấy nhiều mặt khuất trong lịch sử đau thương, gian truân của người gốc Phi tại Mỹ, từ chế độ nô lệ, đến xã hội kỳ thị chủng tộc, trước khi giành được quyền bình đẳng, trên nguyên tắc, với người da trắng.
Khép lại cuộc triển lãm là một bộ phim tài liệu, kể lại một nghiên cứu tại Mỹ trong những năm 1940, cho thấy trẻ em da đen nhìn chung đều chỉ thích búp bê người da trắng, được coi là « đẹp hơn », hay « tốt hơn » là người da đen.
Triển lãm của Deborah Neff tại Maison rouge, quận 12 Paris sẽ mở cửa đến ngày 20/05.
Trang nhất : Châu Âu thách thức Mỹ, phản kháng tại Maroc, chính quyền Syria tổ chức cưỡng hiếp phụ nữ để dập tắt nổi dậy …
Les Echos chạy tựa trang nhất : Châu Âu thách thức tổng thống Mỹ, với dự án tăng thuế các tập đoàn tin học đa quốc gia. Phong trào phản kháng xã hội khắp nơi tại Maroc, quốc gia Bắc Phi vốn được coi là bình yên nhất trong thế giới Ả Rập, tựa của Le Monde.
Libération tố cáo chính quyền Damas sử dụng cưỡng hiếp làm công cụ đàn áp đối lập « một cách có hệ thống », ngay từ năm 2011, với bài phóng sự dài dẫn lời các nhân chứng, và giới thiệu báo cáo của một ủy ban quốc tế về Syria, được công bố ngày 15/03. Do các hủ tục truyền thống, các nạn nhân thường bị gia đình và chồng từ bỏ. Một số người phải tìm đến cái chết.
Tựa chính của La Croix : Tiền từ thiện tại Pháp hơn 7 tỉ đô la một năm, ngang chi phí cho ngành tư pháp. Hồ sơ số một của Le Figaro là tình hình bất ổn tại Mayotte, tỉnh hải ngoại của Pháp, trên Ấn Độ Dương, tê liệt từ một tháng nay, do chính quyền địa phương bất lực trước nạn quá tải nhập cư, đời sống khổ cực. Khoảng 75% trẻ sơ sinh tại bệnh viện có mẹ là dân nước ngoài, mà đa số là người vượt biên.
Trái đất đang khô kiệt nhanh chóng
Về môi trường, Les Echos có bài « Hạn hán : Trái đất đang khô kiệt nhanh chóng », giới thiệu một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về nước, khai mạc hôm nay, tại Brasilia. Bên cạnh vấn đề khí hậu Trái đất nóng lên do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhu cầu sử dụng nước tăng lên rất mạnh là một nguyên nhân khác.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu nước đến 2025 sẽ tăng gấp 60% so với hiện nay, khiến các mạch nước ngầm ngày càng nhanh chóng cạn kiệt. Vấn đề chia sẻ nguồn nước là chủ đề trung tâm của hội nghị quốc tế về nước lần thứ tám.
Pháp : 3 tháng thảo luận công dân về « năng lượng Xanh  »
Từ ngày 19/03/2018, trong vòng ba tháng, 400 công dân Pháp – theo kết quả rút thăm – sẽ thảo luận về chiến lược chuyển sang năng lượng Xanh. 400 công dân bày tỏ ý kiến về « 400 hoặc 500 vấn đề quan trọng », tại chỗ hoặc qua mạng internet, để phục vụ xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết của Pháp và Châu Âu.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180319-putin-nguoi-kiem-soat-toan-dien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten