vrijdag 23 maart 2018

Đầu tư Trung Quốc: Tại sao châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn? + Marseille lọt vào tầm nhắm của Trung Quốc + Tỉ phú Trung Quốc chiếm 10% vốn của Daimler Mercedes


Đầu tư Trung Quốc: Tại sao châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn?


mediaÔng Lý Thư Phúc (Li Shufu) - nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn Geely của Trung Quốc - đại biểu Quốc Hội Trung Quốc, trả lời truyền thông trước lễ bế mạc kỳ họp Quốc Hội ngày 20/03/2018.REUTERS/Stringer
Ngày 24/02/2018, tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ tập đoàn công nghiệp Geely, sở hữu 9,6% cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ Mercedes-Benz và Smart, đã khiến công luận Đức sững sờ.
Theo đánh giá trong bài phân tích của nhật báo kinh tế Les Echos (22/03/2018), thêm một thương vụ của Trung Quốc khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại thực sự, đồng thời đặt câu hỏi « Các nhà đầu tư Trung Quốc : Tại sao châu Âu phải theo dõi chặt chẽ hơn ? »
Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào châu Âu, 75 tỉ euro chỉ trong năm 2016, tương đương với cả tổng đầu tư của 10 năm trước đó. Nổi bật là cảng Pirée của Hy Lạp được bán cho tập đoàn Cosco ; nhà sản xuất robot Đức Kuka bị tập đoàn điện máy gia dụng Midea thâu tóm ; Club Med của Pháp nằm dưới sự điều hành của tập đoàn Phục Tinh (Fosun) ; cổ đông chính của tập đoàn Accor là Cẩm Giang (Jin Jiang) ; nhà sản xuất xe hơi Đông Phong (Dongfeng) chiếm 1/3 vốn của tập đoàn Peugeot ; Ý cũng không phải là trường hợp ngoại lệ với hãng lốp Pirelli cũng bị chuyển sang tay người Trung Quốc vào năm 2015.
Một số quan chức châu Âu tỏ ra lo lắng về các thương vụ thâu tóm nhiều ngành công nghiệp trọng điểm. Với bộ trưởng Kinh Tế Đức, sự kiện, như việc nhà tỉ phú Trung Quốc trở thành cổ đông chính của Mercedes-Benz, « không được là cánh cửa để phục vụ chính sách công nghiệp của các nước khác ».
Đầu năm 2018, bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire lên tiếng « mở cửa không có nghĩa là cướp bóc công nghệ, sự tinh thông và kỹ năng của chúng ta ». Pháp quyết định bổ sung thêm một số lĩnh vực mới - cơ sở dữ liệu, trí thông minh nhân tạo - vào danh sách những lĩnh vực trọng điểm cần giấy phép của Nhà nước để mở cửa cho đầu tư nước ngoài, được ban hành năm 2014, gồm giao thông, năng lượng, truyền thông, nước, y tế, quốc phòng.
Theo Les Echos, dĩ nhiên châu Âu muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải với bất kỳ giá nào, đặc biệt là với các nhà đầu tư Trung Quốc với những lợi ích chiến lược của họ. Thực vậy, theo một nghiên cứu do Đài Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE) công bố vào cuối tháng 01/2018, « các chiến dịch mua lại cổ phiếu nước ngoài của các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng lên nhiều trong những năm gần đây. Điều này cho thấy ý đồ sở hữu kỹ năng và công nghệ của các doanh nghiệp này ».
Đối với tổ chức OFCE, Trung Quốc tiến hành bành trướng theo ba bước để dần tăng cường mối đe dọa công nghiệp đối với các nền kinh tế phương Tây. Bước thứ nhất, về mặt thương mại, Trung Quốc thâu tóm các phần thị trường. Bước thứ hai, Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Bước thứ ba, đang diễn ra hiện nay, là thâu tóm cổ phiếu ở nước ngoài ; đây chính là cách để có được công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng.
Liên Hiệp Châu Âu phải hành động
Les Echos cảnh báo Bruxelles phải hành động trước vòng xoáy Trung Quốc, nếu không muốn chứng kiến công nghệ, kỹ năng, bằng sáng chế... bị đánh cắp. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu lại không có cách tiếp cận chung và không có chung quan điểm về đầu tư nước ngoài. Trong số 28 nước thành viên, chỉ có 12 nước (trong đó có Pháp, Đức, Ý, Anh, Tây Ban Nha) có một ủy ban theo dõi đầu tư nước ngoài.
Paris, Berlin và Roma cùng nhau đề xuất thảo luận tăng cường quy định về vấn đề đầu tư nước ngoài trên quy mô toàn Liên Hiệp. Tuy nhiên, vấn đề có vẻ tế nhị. Công việc nghiên cứu kỹ thuật đã được bắt đầu với kết quả là bản báo cáo mang tên « Sự ngây thơ trước sự cạnh tranh bất chính đã chấm dứt », được trình lên Hội Đồng Châu Âu vào ngày 22/03, cùng với nhiều đề xuất của tác giả bản báo cáo, nghị sĩ châu Âu Franck Proust, một người ủng hộ việc thành lập một cơ chế quản lý.
Hội Đồng Châu Âu hy vọng sẽ nhận được sự ủy nhiệm từ giờ đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên khác lại phản đối cơ chế thanh lọc này, như Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp và một số quốc gia Đông Âu. Lý do chính là dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, trên lãnh thổ châu Âu, sẽ mang lại vốn và lợi ích cho các nước có con đường đi qua. Nhiều nước Đông và Nam Âu sẵn sàng quy phục dưới đồng tiền Trung Quốc, kể cả trong nhiều lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, theo kết luận của Les Echos, cần phải nhanh chóng hành động và ưu tiên lợi ích của châu Âu trước lợi ích ngắn hạn của quốc gia.
Pháp : Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy bị khởi tố
Trở lại thời sự trên trang nhất, tất cả các nhật báo Pháp đồng loạt đưa tin ông Nicolas Sarkozy bị truy tố tối thứ Tư 21/03 vì các tội « nhận hối lộ », « tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử »« tàng trữ tiền biển thủ công quỹ của Libya ».
Ngoài thông tin « Nicolas Sarkozy bị khởi tố » được đưa trên đầu trang nhất, Libération nhận định đây là « cơn địa chấn tư pháp mới đối với ông Nicolas Sarkozy » vì trước đó, cựu tổng thống Pháp từng bị điều tra trong hai vụ khác « Bygmalion »« Bismuth ».
Có cùng nhận định với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos, trong bài viết « Tài trợ của Libya : Sarkozy bị khởi tố », cho rằng cú tăng tốc trong hồ sơ này, do các thẩm phán thuộc bộ phận tài chính điều tra từ 5 năm nay, đánh dấu rắc rối với tư pháp trở lại với ông Sarkozy, người từng bị khởi tố trong vụ « nghe lén » và trong hồ sơ Bygmalion.
Nhật báo thiên hữu Le Figaro dĩ nhiên chỉ đưa ra những phát biểu ủng hộ cựu tổng thống Pháp của các chính trị gia thuộc đảng Những Người Cộng Hòa : « sự dàn dựng ly kỳ », theo đánh giá của cựu thủ tướng Raffarin ; « những lời giải thích chi tiết cho phép khép lại hàng loạt những sai lầm và dối trá », như ý kiến của ông Brice Hortefeux, sau khi rời khỏi trụ sở của cơ quan điều tra OCLCIFF ở Nanterre.
Riêng nhật báo Công giáo La Croix, trong bài viết « Nicolas Sarkozy đối mặt với những cáo buộc », đề cập đến nghi ngờ cho rằng liệu việc tài trợ của chính quyền Kadhafi có liên quan đến quyết định can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 hay không.
Chuyên gia Jalel Harchaoui thuộc trường đại học Paris 8, bác bỏ lập luận này vì khác với những gì người ta vẫn nghĩ, cuộc chiến ở Libya không phải là cuộc chiến của Pháp. Ông nói : « Hoa Kỳ, và đặc biệt là ngoại trưởng Hillary Clinton, muốn chấm dứt chế độ Kadhafi. Quyết tâm này của Mỹ đã chắp cánh cho nước Pháp. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Irak và không muốn tỏ ra là một cường quốc hiếu chiến nữa, nên để cho các nước châu Âu và vùng Vịnh lên tuyến đầu ».
Pháp : Quyền lực của tổng thống Macron đối đầu với « đường phố »
Trên lĩnh vực xã hội, cuộc tổng đình công của nhân viên ngành đường sắt và công chức Pháp được đề cập và bình luận rộng rãi trên các nhật báo. Ngày thứ Năm 22/03 tê liệt : nhà trẻ, trường học đóng cửa vì công chức đình công, các chuyến tầu bị cắt giảm hoặc bị hủy do nhân viên biểu tình phản đối loạt cải cách của chính phủ.
« Một bài trắc nghiệm trên đường phố » là nhận định chính trên các mặt báo. Le Monde chơi chữ : « Công chức và nhân viên ngành đường sắt tiến bước chống Macron ». Khoảng 5,4 triệu công chức được kêu gọi đình công để bảo vệ thu nhập và quy chế của họ với khoảng 150 đoàn biểu tình dự kiến trên khắp nước Pháp.
Bài xã luận của nhật báo Le Figaro tính « cái giá của sự hèn nhát chính trị » mà nước Pháp phải trả : khối nợ như núi của công ty đường sắt SNCF lên đến 54,5 tỉ euro, công chức nhà nước quá thừa với khoảng 5,7 triệu công chức. Vẫn theo bài xã luận, tại một nước Pháp thâm hụt kinh niên từ 4 năm qua, nơi lĩnh vực công xuống cấp, thì sự thay đổi như vậy lẽ ra phải diễn ra từ lâu rồi.
Theo nhận định của bài xã luận trên La Croix, « từ khi lên nắm quyền cách đây một năm, chưa bao giờ Emmanuel Macron lại phải đối đầu với làn sóng phản đối vững chắc như vậy, kể cả trong lĩnh vực chính trị hay trên mặt trận xã hội ». Vấn đề là liệu cuộc tổng đình công ngày thứ Năm có đánh dấu một bước ngoặt hay không ? Liệu các đoàn biểu tình có nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài của công luận hay không ? Trong bối cảnh nước Pháp đang lấy lại được sự năng động nhờ tình hình kinh tế thuận lợi, việc xem xét lại một số quy chế, như quy chế của công chức hoặc nhân viên đường sắt, được cho là cần thiết, ít nhất là vì chi phí và tính cứng nhắc của khu vực này.
Venezuela : Tổng thống Maduro thanh lọc lực lượng quân sự
Từ hai tháng qua, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho tiến hành nhiều vụ bắt giữ hoặc cách chức nhiều nhà lãnh đạo quân đội, phần lớn là các đại diện quan trọng cho chế độ Chavez xưa kia.
Cụ thể, theo nhật báo Le Figaro, ngày 28/02, tổng thống Maduro đã giáng cấp 24 sĩ quan vì tội phản quốc. Đây là lần đầu tiên các sĩ quan quân đội lo ngại về một vấn đề khác, ngoài việc tham gia vào chiến dịch chống ma túy. Bà Rocio San Miguel, chủ tịch Control ciudadanos đánh giá « thông điệp truyền tải tới giới quân nhân rất rõ ràng : Chính quyền sẽ trừng phạt mọi quân nhân không tỏ ra trung thành với cuộc cách mạng ». Ngày 02/03, thêm 9 quân nhân bị giam giữ, và thêm 30 người khác cũng có chung số phận trong tháng Ba.
Vẫn theo nhận định của bà Rocio San Miguel, « nguy cơ đảo chính quân sự từ giờ có vẻ được chính phủ Maduro nhìn nhận một cách nghiêm túc ». Vì trong hệ thống chính trị Venezuela, theo thuyết của cựu tổng thống Chavez, thì « liên minh dân sự và quân sự » đóng vai trò trụ cột, ông Maduro đang có điểm yếu là không xuất thân từ nhà binh mà là tài xế xe buýt trước khi trở thành tổng thống.
Hiện tượng đào ngũ cho thấy sự bất bình trong các doanh trại quân đội ngày càng tăng. Thái độ bất bình trong phe theo khuynh hướng Chavez lại diễn ra vào trước kỳ bầu cử tổng thống Venezuela vào ngày 20/05 tới đây.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180322-dau-tu-trung-quoc-tai-sao-chau-au-phai-theo-doi-chat-che-hon


Marseille lọt vào tầm nhắm của Trung Quốc


mediaMột cảnh thành phố cảng Marseille. Ảnh chụp ngày 23/01/2018.REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Các tạp chí Pháp ra mắt đọc giả tuần này phần lớn dành hồ sơ trang bìa và nhiều bài bên trong cho tình hình xã hội Pháp qua những chủ đề khác nhau. Đáng chú ý nhất có lẽ là hồ sơ trên trang kinh tế của L’Express : « Marseille, đích nhắm mới của Trung Quốc ». Tuần báo Pháp giải thích : Trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, Trung Quốc đang nhắm đến cảng Marseille của Pháp để làm một đầu cầu tiến vào Châu Âu.
Bài viết mở đầu với phần nói về một bộ phịm truyện tình cảm rất ăn khách trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc, lấy bối cảnh là Marseille và vùng Provence, miền Nam nước Pháp : Có đến gần 150 triệu người say mê theo dõi câu chuyện của hai gia đình người Ôn Châu tại thành phố cảng Pháp.
Trong mắt tác giả bài báo, Bắc Kinh có vẻ như muốn chiêu dụ du khách Trung Quốc đến đấy, nhưng giới tài phiệt mới của Trung Quốc thì chẳng cần ai dụ dỗ đã đến Marseille rồi. Trong năm 2017, đã có 25 đoàn đến vùng này của Pháp, so với vỏn vẹn 6 đoàn vào năm trước.
Trong chuyến công du Bắc Kinh ngày 09/01/2018 của thống thống Macron, Pháp đã ký hợp đồng xây dựng một nhà máy hóa chất trị giá 100 triệu euro tại cảng Marseille với tập đoàn Trung quốc Quechen Silicon Chemical.
Nói đến sự hiện diện của Trung Quốc tại Marseille thì còn phải kể đến hàng chục nhà bán sỉ vải sợi, đã dời đến hoạt động ở khu vực thương mại Marseille International Fashion Center 68, rộng khoảng 60.000 mét vuông, và biến Marseille thành trung tâm bán sỉ vải sợi lớn nhất Pháp, ngoài Aubervillliers ở phía bắc Paris.
Tác giả bài báo hóm hỉnh cho là « câu chuyện tình » giữa Bắc Kinh và Marseille đâu phải chỉ mới có vào hôm nay. Vào thế kỷ XIX và cho đến đầu những năm 1960, người Trung Hoa đến Châu Âu đều xuống cảng Marseille sau một hành trình kéo dài cả tháng. Sau đó quan hệ lạnh nhạt đi cho đến khi cựu thị trưởng Robert Vigouroux thắt chặt lại quan hệ nhân dịp Marseille kết nghĩa với Thượng Hải năm 1987.
Theo bài viết, tại Marseille hiện có khoảng 2000 kiều dân Trung Quốc sinh sống, với hơn 500 là sinh viên. Và dấu hiệu thể hiện sự quan tâm của Trung Quốc đối với Marseille là Diễn Đàn Kinh Tế Pháp-Trung lần thứ 12, đầu tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên đã rời vùng Paris để xuống Marseille.
Cái gì làm cho Trung Quốc ngày nay nhắm đến Marseille như thế ?
Tác giả bài viết nhìn thấy một số ưu thế hấp dẫn như số 40.000 công việc làm trong ngành kỹ thuật số, cũng như các ngành nghiên cứu chuyên sâu, mũi nhọn như trong năng lượng hay drone…, một hệ thống viễn thông thuộc loại phát triển nhất.
Trong không đầy 2 thập niên, Marseille đã trở thành điểm đến của nhiều đường cáp ngầm dưới biển, nhất là những đường dây đến từ Châu Á, và thu hút một phần đầu tư quan trọng của thế giới trong lãnh vực này.
Nhưng lợi thế của Marseille trong mắt Trung Quốc trước tiên là vị trí địa lý của thành phố cảng này, và hoạt động của Marseille ngày càng phát triển: 20,4 triệu tấn hàng xuống cảng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm trước, cao gấp đôi mức trung bình ở Châu Âu. Trụ sở tập đoàn vận tải biển thứ 3 thế giới CMA-CGM làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh cũng ở Marseille. Các tập đoàn Trung Quốc đang ráo riết tìm nơi xây kho hàng.
Vị trí của Marseillle khiến cảng này không chỉ là một đầu cầu vào châu Âu mà còn là một cánh cửa tiến vào Bắc Phi và Tây Phi, rất thuận lợi cho kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.
Bài viết trích lời lãnh sự Trung Quốc tại Marseille, công nhận rằng : « Marseillle hiện là thành phố thu hút nhất sự chú ý của chúng tôi, dĩ nhiên là sau Paris ».
Lãnh đạo Marseille rất hoan nghênh công cuộc hợp tác mang lại đầu tư và việc làm cho thành phố cảng, tuy nhiên một số người không khỏi đắn đo, thận trọng.
Xử lý sao đối với những thành phần thánh chiến hồi hương ?
Về thời sự châu Âu, Courrier International đã dành trang bìa và hồ sơ chính cho một vấn đề nhức nhối cho nhiều quốc gia phương Tây hiện nay : Đó là xử lý thế nào đối với những công dân nước mình đi tham gia thánh chiến ở Irak hay Syria, nay trở về nước.
Tuần báo Pháp tự hỏi trên trang bìa là phải chăng đối với thành phần đã đi thánh chiến, chuyện trở về nước là điều bất khả ? Câu hỏi này được đặt bên trên một bức tranh minh họa cho thấy ba bóng người màu đen trên phông nền màu đỏ lửa, một người đàn ông, một phụ nữ và một đứa bé, cả ba đều mang trên lưng một vật thể có hình dạng một trái lựu đạn. Lời giải thích kèm theo nêu bật vấn đề đang được tranh cãi gay gắt : Xét xử các chiến binh thánh chiến và gia đình của họ, giúp họ khôi phục lại cuộc sống bình thường, hay ngăn họ trở về nước ?
Bài xã luận của Courrier International khẳng định rằng « Cần phải xét xử các phần tử thánh chiến » và giải thích vì sao phải làm như vậy.
Trích một câu nói của Gandhi, biểu tượng của chủ nghĩa bất bạo động, theo đó « Nếu cứ áp dụng phương châm mắt đền mắt, thì cả thế gian sẽ trở thành đui mù », tờ báo nêu bật bài toán khó đang đặt ra cho các nền dân chủ phương Tây : Làm gì với hàng trăm kẻ thánh chiến đã bỏ đi tham gia chiến đấu, một tay cầm súng AK, một tay cầm dao, nhân danh một vương quốc Hồi Giáo giả hiệu và ngày nay đang tàn lụi ?
Làm gì với những thanh niên cực đoan, với những bộ não chỉ biết giết chóc, với những cánh tay cầm vũ khí sẵn sàng sử dụng bạo lực chưa từng thấy mượn danh tôn giáo ? Phải làm gì với những phụ nữ đó, đã ra đi từ Pháp, Anh, hoặc Đức, để sinh ra thế hệ chiến binh Hồi Giáo tương lai ?
Và phải làm gì trước một công luận hoang mang, một đám đông thẫn thờ vì bị tổn thương sâu bên trong bản thân mình, và sống trong nỗi sợ hãi là những kẻ gọi là đã ăn năn đó lại nổi lên thành những phần tử thánh chiến ?
Đối với Courrier International, có một nguyên tắc đó là tuyệt đối không bao giờ được quên rằng « sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta chính là đến từ việc thượng tôn luật pháp. »
Hiểm họa mới : Hồi Giáo cực đoan ngay trong lực lượng an ninh Pháp
Cũng bàn về các thành phần Hồi Giáo cực đoan, tạp chí L’Express đã nêu lên một hiện tượng đang khiến cho ngành an ninh Pháp hết sức lo ngại : Đó là khả năng một số nhân viên cảnh sát và hiến binh ngả theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan.
Theo L’Express, hiện đã có khoảng vài chục cảnh sát và hiến binh Pháp bị giám sát chặt chẽ vì bị tình nghi là đang chuyển biến theo chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan, và một đạo luật mới sẽ cho phép trừng phạt những người này, thậm chí sa thải họ một cách dễ dàng hơn.
Tờ báo đã nêu lên một vụ mới xẩy ra gần đây : Ngày 16 tháng Giêng vừa qua, các cơ quan tình báo đã bắt giữ một người đàn ông 23 tuổi đã « tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech » trong một đoạn video quay vào mùa thu năm ngoái trước lá cờ đen của tổ chức này. Trên mạng Internet, người này tỏ ý muốn mua vũ khí, và khi khám soát nhà của thanh niên này, người ta tìm thấy « những sản phẩm có thể được sử dụng để chế tạo chất nổ ».
Điều đáng nói, theo L’Express, là nếu cảnh sát không biết gì về nghi phạm này, thì hiến binh lại biết rất rõ anh ta. Lý do rất đơn giản : anh ta nguyên là trợ lý hiến binh tình nguyện.
Theo L’Express, trường hợp trên không phải là duy nhất, và đó đang là một ác mộng cho Bộ Nội Vụ Pháp, với một kịch bản như sau : « Một cảnh sát viên hay hiến binh chạy theo xu hướng Hồi Giáo cực đoan và quyết định hành động giúp thánh chiến, cung cấp thông tin cho "anh em" của mình, tiết lộ danh tánh và địa chỉ của đồng nghiệp, mở cửa kho vũ khí cho các phần tử thánh chiến, hoặc sử dụng ngay vũ khí của mình để gây ra một vụ tàn sát. » Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra vì cảnh sát giờ đây đã có quyền mang súng theo người ngoài giờ làm việc.
Cho đàn ông nghỉ hộ sản khi vợ sinh : bí quyết thúc đẩy bình quyền nam nữ
Cũng đề cập đến Pháp, nhưng trái với đồng nghiệp Courrier International hay L’Express, tuần báo L’Obs đã giành trang bìa cho một vấn đề nhẹ nhàng hơn : Quyền nghỉ « hộ sản » của những người đàn ông khi vợ sinh con. Quan điểm của tờ báo đã được nêu bật trong hàng tựa lớn ở trang bìa « Quyền nghỉ hộ sản của người làm cha : Chìa khóa cho quyền bình đẳng nam nữ ».
Tạp chí L’Obs đã nhắc lại rằng chính phủ Pháp vừa cho mở ra cuộc tranh luận về việc nên hay không nên biến việc cho đàn ông nghỉ phép để chăm sóc con nhỏ khi vợ vừa mới sinh thành một chế độ bắt buộc ? Nên hay không nên kéo dài thời gian được nghỉ phép trong trường hợp đó ?
Đối với L’Obs, nếu người cha có điều kiện chăm sóc đứa bé tương tự như người mẹ, cách nhìn nhận sự việc sẽ thay đổi, và phụ nữ sẽ có thể được hưởng một quyền bình đẳng nam nữ thực sự trong công việc.
Hồ sơ dài 10 trang của L’Obs rất lý thú, và cho ta biết nhiều điều về các nước đi tiên phong trong việc cho đàn ông nghỉ hộ sản như là Iceland hay Thụy Điển. Tại Iceland, quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ cho người cha nghỉ hộ sản khi vợ sinh, thì thời gian nghỉ là 9 tháng cho cả hai vợ chồng, được phân bố như sau : ba tháng đầu tiên cho người vợ, ba tháng cho người cha, và ba tháng cho cả hai người, phân chia tùy theo sắp xếp của chính họ. Con số này cao hơn rất nhiều so với vỏn vẹn 14 ngày tại Pháp.
Bạo lực trong trường học tại Pháp
Trong hồ sơ trang bìa, L’Express chú ý đến các thành phố khác của Pháp, những nhấn mạnh đến góc độ xã hội : tình trạng bất an do bạo lực trong trường học, với một ví dụ được nêu bật trong hàng tựa : « Một trường trung học trong tình trạng chiến tranh ».
Đó là trường hợp của trường trung học chuyên nghiệp Gallieni ở thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp với lời kêu cứu của các giáo viên : « Nhà Nước Cộng Hòa đang bỏ rơi chúng tôi ! ».
Theo L’Express, tại trường học này, các giáo viên tố cáo một tình trạng bạo lực chưa từng thấy đang đe dọa từ học sinh đến giáo viên và nhân viên, và dĩ nhiên là tác hại đến giáo dục.
Tuần báo Pháp đã đọc được một bản phúc trình chính thức trong đó có những số liệu thống kê cho thấy rõ tình trạng bất an của trường này : từ 60 đến 80 học sinh đang phải chịu chế độ giám sát tư pháp ; một số có vũ khí trên người ; 95% người được hỏi (học sinh và nhân viên) đã xác nhận mình là nạn nhân của bạo lực ...

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180203-marseille-lot-vao-tam-nham-cua-trung-quoc


Tỉ phú Trung Quốc chiếm 10% vốn của Daimler Mercedes : Đức quan ngại


mediaTỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), chủ nhân tập đoàn Geely. Ảnh chụp tại Berlin ngày 20/10/2016.REUTERS/Hannibal Hanschke/File Photo
Bộ trưởng Kinh Tế Đức ngày 26/02/2018 lên tiếng cảnh báo, cho rằng sự kiện một tỉ phú Trung Quốc vừa thâu tóm một phần vốn quan trọng trong tập đoàn ô tô Daimler của Đức có thể « gây ra vấn đề », trong bối cảnh dư luận đang quan ngại trước tham vọng của Bắc Kinh ở châu Âu.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Stuttgart Zeitung, bà bộ trưởng Đức Brigitte Zypres, xác định: « Chúng ta phải đặc biệt cẩn thận. (...) Nếu một doanh nghiệp cạnh tranh có chân trong hội đồng giám sát của tập đoàn Daimler, điều đó có thể là một vấn đề », cần phải có lời giải thích.
Tập đoàn công nghiệp Geely, thuộc sở hữu của tỉ phú Trung Quốc Lý Thư Phúc (Li Shufu), ngày 23/02 vừa qua đã bất ngờ giành được một phần quan trọng trong vốn tập đoàn ô tô Đức Daimler, công ty mẹ của hai hãng xe Mercedes-Benz và Smart nổi tiếng, và đã trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler.
Tập đoàn Trung Quốc, cũng ở trong lãnh vực sản xuất xe hơi, đã mua được 9,6% cổ phần của Daimler, qua mặt một quỹ đầu tư Kuwait vốn chỉ nắm giữ 6,8% cổ phần Daimler, và hơn xa nhóm Pháp-Nhật Renault-Nissan chỉ có 3,1%.
Đối với vị bộ trưởng Đức, quốc gia châu Âu này vẫn là « một nền kinh tế mở cửa cho đầu tư nước ngoài », nhưng việc mở cửa không có nghĩa là trở thành « cửa ngõ phục vụ cho chính sách công nghiệp của các nước khác ».
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, tập đoàn Geely Trung Quốc đã bỏ ra 7,3 tỉ euro (tương đương với 9 tỉ đô la Mỹ để sở hữu gần 10% cổ phần của Daimler.
Đây không phải là lần đầu tiên mà tập đoàn Trung Quốc tìm cách mua lại các hãng chế tạo xe hơi châu Âu. Geely đã từng nuốt hãng Volvo của Thụy Điển, một hãng chế tạo loại xe taxi đặc thù của Luân Đôn, và hiện đã kiểm soát hãng chế tạo xe đua nổi tiếng Lotus của Anh.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180226-berlin-quan-ngai-sau-vu-gan-10-von-tap-doan-xe-hoi-daimler-roi-vao-tay-trung-quoc

Thủ tướng Đức cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu

mediaThủ tướng Đức Angela Merkel tiếp đồng nhiệm Macedonia Zoran Zaev tại Berlin, ngày 21/02/2018.REUTERS/Axel Schmidt
Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm qua, 21/02/2018 đã không ngần ngại nêu tên Trung Quốc khi nhắc nhở rằng không nên gắn liền các khoản đầu tư vào các nước châu Âu với những yêu sách chính trị.
Trong một cuộc họp báo chung tại Berlin với thủ tướng Macedonia Zoran Zaev, bà Angela Merkel xác định rõ : « Tôi không phản đối việc Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại… và đầu tư. Chúng ta gắn bó với thương mại tự do... nhưng phải trên cơ sở có đi có lại ». Đối với thủ tướng Đức, thái độ cởi mở, thông thoáng về mặt thương mại không thể chỉ một chiều, mà phải đến từ mọi phía.
Và người lãnh đạo một trong hai đầu tầu của châu Âu nhắc nhở : « Câu hỏi đặt ra là ... các quan hệ kinh tế có bị gắn liền với các vấn đề chính trị hay không ? vì nếu như vậy, bà Merkel nhấn mạnh : « Điều đó không nằm trong tinh thần tự do thương mại ».
Theo hãng tin Pháp AFP, Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào sáng kiến ​​khổng lồ gọi là « Những Con Đường Tơ Lụa Mới » trong đó có trục Á-Âu nối liền Trung Quốc với châu Âu. Sáng kiến này đã khiến châu Âu thêm lo ngại về ảnh hưởng chính trị đang tăng lên của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và cơ sở hạ tầng quan trọng tại châu Âu, mà ví dụ điển hình là việc mua cảng Piraeus ở Hy Lạp lợi dụng thời cơ Athens bị khủng hoảng tài chánh. Hy Lạp nằm trong số các nước Nam Âu và Đông Âu sẵn sàng nhận tiền đầu tư của Trung Quốc, kể cả vào các lãnh vực chiến lược.
Một cách cụ thể, nhiều quốc gia châu Âu sợ rằng các nước Balkan, vì được hưởng lợi từ đầu tư Trung Quốc, cho nên sẽ có xu hướng bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu.
Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng lên tiếng cảnh báo về việc một số nước châu Âu quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc, mà « đôi khi làm tổn hại đến quyền lợi của châu Âu ».
Trước đó, vào tháng Tám năm 2017, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã cảnh báo tại Paris rằng : « Nếu chúng ta không xây dựng một chiến lược châu Âu chung (để đối phó với Trung Quốc) thì Trung Quốc sẽ thành công trong việc chia rẽ châu Âu ». Đây cũng là mong muốn của Paris.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180222-thu-tuong-duc-canh-bao-ve-anh-huong-chinh-tri-cua-trung-quoc-o-chau-au

Geen opmerkingen:

Een reactie posten