maandag 26 maart 2018

Vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc tại Anh Quốc liệu sẽ mở màn cuộc chiến tranh lạnh mới ? + Pháp, Đức, Mỹ ủng hộ thủ tướng Anh + Anh kêu gọi Hội Đồng Bảo An ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga

Vụ đầu độc Skripal liệu mở màn cuộc chiến tranh lạnh mới ?

mediaThủ tướng Theresa May đến thăm hiện trường vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và cô con gái Yulia của ông tại Salisbury, ngày 15/03/2018.REUTERS/Toby Melville
Vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal bị đầu độc tại Anh Quốc bắt đầu mang tầm vóc một cuộc đối đầu Đông-Tây như thời còn Liên Xô cũ. Các nước đồng minh Tây phương đồng thanh lên án Matxcơva trong khi Washington ban hành thêm biện pháp trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.
Ngày 15/03/2018, khi đi thăm Salisbury, thành phố nhỏ ở phía nam Anh Quốc, nơi mà 11 ngày trước, xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và cô con gái Youlia, thủ tướng Anh Theresa May ca ngợi điều mà bà gọi là « tinh thần đoàn kết » của các đồng minh chống lại nước Nga của Putin : vụ đầu độc xảy ra tại Anh Quốc nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào và do vậy, chúng ta đoàn kết với nhau để chống lại.
Trước đó, thủ tướng Anh thông báo trục xuất 23 nhân viên ngoại giao Nga và cho biết hoàng gia Anh cũng như thành viên chính phủ tẩy chay Cúp bóng đá do Nga tổ chức vào tháng 6/2018.
Luân Đôn, Berlin, Paris và Washington ra thông cáo chung khẳng định Nga có trách nhiệm trong vụ mưu sát này vì không có cách giải thích hợp lý nào khác. Các nước phương Tây đòi Nga phải cung cấp thông tin về chương trình « Novitchok » mà theo Vil Mirzaianov, một nhà hóa học Nga hiện nay đang tị nạn tại Mỹ, đã chế tạo nhiều chất độc lợi hại trong thập niên 1980, cuối thời Liên Xô cũ.
Phía Nga cho đây là những cáo buộc vô căn cứ. Hãng Interfax, trích lời thứ trưởng Ngoại Hiao Serguei Riabkov : không hề có chương trình « « Novitchok » dù là dưới thời Liên Xô hay hiện nay.
Theo AFP, bầu không khí xung khắc Đông-Tây còn tăng thêm một nấc khi Washington, ngày 15/03, thông báo một loạt biện pháp mới trừng phạt nước Nga để trả đũa chuyện Nga can thiệp vào bầu cử năm 2016 và nhiều vụ tin tặc. Tổng cộng 19 cá nhân và 5 tổ chức, trong đó có cơ quan phản gián FSB, hậu thân của KGB và GRU, quân báo thời Liên Xô.
Chiến tranh lạnh tái diễn ?
Matxcơva cho biết không khoanh tay ngồi yên. Tổng thống Putin triệu tập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ngoại trưởng Serguei Lavrov nói đến biện pháp « trục xuất » các nhà ngoại giao Anh. Sau đó, Matxcơva thông báo đang chuẩn bị trả đũa Hoa Kỳ.
Sự kiện Anh Quốc ngưng mọi tiếp xúc song phương với Nga, trục xuất 23 nhà ngoại giao, con số lớn nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, thông báo đầu tư 48 triệu bảng Anh để phòng ngừa chiến tranh vi trùng, cộng với hậu thuẫn của các nước đồng minh phải chăng là màn đầu của chiến tranh lạnh ?
Vẫn theo AFP, nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu so sánh với tính nghiêm trọng của vụ đầu độc, phản ứng của Luân Đôn xem ra khá nhẹ nhàng, tuy chưa biết trong tương lai sẽ cứng rắn đến đâu nếu Nga tiếp tục giả mù sa mưa.
Về phần Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tuy sát cánh với thành viên Anh Quốc, cánh tay vũ trang của phương Tây cũng khá ôn hòa. Tổng thư ký Jens Stoltenberg kêu gọi Nga « hợp tác » làm sáng tỏ vụ mưu sát cựu điệp viên nhưng cùng lúc tuyên bố « NATO không muốn chiến tranh lạnh » xảy ra.
Nếu Putin vô can thì sao ?
Cho đến hôm nay, tổng thống Nga Putin giữa thái độ im lặng khó hiểu. Người thì cho là chủ nhân điện Kremlin « im lặng chiến thuật » chờ qua bầu cử sẽ lên tiếng. Người thì suy đoán chính quyền trung ương « có vấn đề ». Trả lời phỏng vấn của Le Monde, cựu tỷ phú dầu hỏa Mikhail Khodorkovski, tị nạn tại Anh sau hơn 10 năm tù trong chế độ Putin lý giải : Vài năm trước, Putin có thể là kẻ chủ mưu.
Nhưng bây giờ, trái với bề ngoài vững chắc, chính quyền trung ương Nga đang « rệu rã không kiểm soát được bên dưới ». Cụ thể là tại Syria, trong khi bộ tổng tham mưu quân đội Mỹ - Nga đã phối hợp hành quân thì trên bộ, lực lượng lính đánh thuê « Wagner » người Nga lại tấn công vào vị trí của lực lượng Kurdistan-Syria, đồng minh của Mỹ, nên bị oanh kích thiệt hại nặng nề.
Nói cách khác, rất có thể Matxcơva thực tâm không muốn quan hệ Đông-Tây xấu đi, không muốn chiến tranh lạnh. Vấn đề là nếu điện Kremlin không kiểm soát được các cơ quan mật vụ của mình, thì liệu trường hợp này có đáng lạc quan hay không ?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180316-vu-dau-doc-skripal-chien-tranh-lanh-pt

Vụ Skripal : Pháp, Đức, Mỹ ủng hộ thủ tướng Anh

mediaThủ tướng Anh Theresa May đến thăm thành phố nơi hai cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Salisbury ngày 15/03/2018.REUTERS/Toby Melville
Trong một thông cáo chung ngày 15/03/2018, bốn nước Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đã lên án mưu toan đầu độc cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và con gái ông ngày 04/03 ở Salisbury, Anh Quốc. Thủ tướng Anh Theresa May đang rất cần đến sự ủng hộ này đúng vào ngày bà đến thành phố Salisbury.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix tường trình :
« Bị mất ổn định do vụ Serguei Skripal, thủ tướng Anh Theresa May kể từ nay cố gắng kiểm soát tình hình và muốn chứng tỏ là bà có mặt ở mọi chiến tuyến. Sau khi thông báo loạt biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Nga, thủ tướng Anh đã đến tận hiện trường ở Salisbury lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga và con gái.
Theo sát là các ống kính truyền hình, bà Theresa May đã đến tất cả những nơi có liên quan đến vụ đầu độc, gặp gỡ và trấn an các thương gia và người dân của thành phố này, và sau cùng đã nói chuyện riêng với viên cảnh sát cũng đang nằm viện do bị nhiễm chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công.
Chuyến viếng thăm chớp nhoáng này đã kết thúc với lời cảnh cáo gởi đến Matxcơva : mọi chuyện sẽ không chấm dứt ở đây và Luân Đôn sẵn sàng tăng cường các biện pháp trả đũa Nga.
Sau một thời gian các đồng minh có vẻ do dự, cuối cùng Anh Quốc mới nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước này. Trong một tuyên bố chung, Pháp, Đức, Mỹ đã cùng với Anh lên án Nga về một hành động « đe dọa đến an ninh của tất cả các nước ».
Nhằm chứng tỏ tính minh bạch thông tin và cũng để cho không còn có ai nghi ngờ, chính phủ Anh đã chấp nhận trao một mẫu chất độc thần kinh cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học, một tổ chức độc lập, để họ phân tích. »
Đáp lại quyết định của Luân Đôn trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, Matxcơva « đương nhiên » sẽ trả đũa với việc trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tại Astana, Kazakhstan hôm nay.

http://vi.rfi.fr/phap/20180316-vu-skripal-phap-duc-my-anh-nga-qt

Vụ Skripal : Anh kêu gọi Hội Đồng Bảo An ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga

mediaĐại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Jonathan Allen (G) phát biểu trong cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An, New York, ngày 14/03/2018.REUTERS/Shannon Stapleton
Lại một lần nữa, Nga bị chỉ trích tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong cuộc họp diễn ra ngày hôm qua, 14/03/2018, theo đề nghị của Anh Quốc. Chính quyền Luân Đôn cáo buộc Matxcơva đã đầu độc cựu điệp viên Nga tại Salisbury vào ngày 04/03. Vụ Skripal, tên của cựu điệp viên, không chỉ làm cho quan hệ Nga-Anh thêm giá lạnh, mà giờ đây còn trở thành một vấn đề quốc tế.
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :
« Sự ủng hộ đầu tiên đến từ Hoa Kỳ, đồng minh kiên định của Anh. Khi đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phát biểu, thì đó cũng là lần đầu tiên, một quan chức chính quyền Mỹ trực tiếp cáo buộc Nga. Bà nói : Hoa Kỳ nghĩ rằng Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ tấn công nhắm vào hai người trên lãnh thổ Anh Quốc, bằng cách sử dụng chất độc thần kinh, nguy hiểm như một loại vũ khí quân sự.
Ngay lập tức, đại sứ Nga Vassily Nebienza đã đáp trả bằng cách mỉa mai sự hiểu biết như một chuyên gia về hóa chất của bà đại sứ Mỹ và phản công : Thật là kỳ lạ khi đưa ra những cáo buộc như vậy nhắm vào chúng tôi. Vậy tại sao bà đại sứ không sử dụng những hiểu biết của mình về hóa học để phục vụ công chúng ? Ai hưởng lợi khi gây ra tội ác này ? Phải chăng vụ đầu độc này thực sự có lợi cho nước Nga ngay trước ngày bầu cử tổng thống và chuẩn bị tổ chức Cúp bóng đá thế giới ? Ngược lại, có những quốc gia sẽ trục lợi qua việc cáo buộc nước Nga.
Về phần mình, đại sứ Anh kêu gọi : Quý vị hãy ủng hộ chúng tôi. Thông điệp này được các đồng minh của Anh lắng nghe, trong đó có Pháp, vốn lo ngại việc phát triển loại vũ khí này. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, một chất độc thần kinh được sử dụng công khai ngay trên lãnh thổ châu Âu ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180315-vu-skripal-anh-keu-goi-hoi-dong-bao-an-ung-ho-cac-bien-phap-trung-phat-nga

Geen opmerkingen:

Een reactie posten