vrijdag 23 maart 2018

Mỹ tạm miễn thuế nhập khẩu thép nhôm đối với Liên Hiệp Châu Âu + Châu Âu họp thượng đỉnh tìm đối sách chống Mỹ

Mỹ tạm miễn thuế nhập khẩu thép nhôm đối với Liên Hiệp Châu Âu

mediaTừ trái sang phải: Robert Lighthizer (Hoa Kỳ), Cecilia Malmstrom (Liên Hiệp Châu Âu) và bộ trưởng Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Hiroshige Seko (Nhật Bản) tại cuộc đàm phán về thương mại, Bruxelles, ngày 10/03/2018.REUTERS/Stephanie Lecocq
Ngày 22/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định miễn áp thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm cho đến ngày 01/05 đối với nhiều đối tác thương mại của Hoa Kỳ : Liên Hiệp Châu Âu, Achentina, Úc, Brazil, Canada, Mêhicô và Hàn Quốc. Nhưng chính giới của Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra thận trọng về quyết định này của nguyên thủ Hoa Kỳ.
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gởi về bài tường trình :
« Viễn cảnh chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương tạm lùi xa, giới doanh nghiệp châu Âu dĩ nhiên là thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chính giới tỏ ra thận trọng vì hiểu rằng sự hòa dịu giữa châu Âu và Hoa Kỳ sẽ không kéo dài. Việc miễn thuế đối với thép và nhôm nhập vào thị trường Mỹ chỉ là tạm thời, trong khi chờ kết quả đàm phán giữa Ủy Ban Châu Âu, đại diện cho 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với đại diện thương mại của Hoa Kỳ.
Washington đã ấn định hạn chót của các cuộc đàm phán này là 30/04. Từ đây đến đó hai bên phải đạt được thỏa thuận. Phía châu Âu đang lo ngại về những đề nghị của phía Mỹ đổi lấy việc miễn thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.
Phát biểu hôm qua bên lề thượng đỉnh châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc nhở các nhà thương thuyết châu Âu là không nên nhượng bộ Hoa Kỳ quá nhiều, đến mức đi ngược lại những cam kết của Liên Hiệp Châu Âu về khí hậu và xã hội. »

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180323-hoa-ky-thue-nhap-khau-thep-nhom-lhca-qt

Châu Âu họp thượng đỉnh tìm đối sách chống Mỹ tăng thuế nhập khẩu nhôm thép

mediaỦy viên LHCÂ đặc trách về thương mại, Cecilia Malmstrom. Ảnh chụp ngày 14/03/2018.REUTERS/Vincent Kessler
Ngày 22/03/2018, Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles để thảo luận việc Hoa Kỳ quyết định đánh thuế nhập khẩu thép nhôm, trong lúc ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Cecilia Malmstrom đang cố gắng thuyết phục Washington miễn áp dụng thuế đánh vào thép của châu Âu.
Liệu châu Âu có tìm ra được giải pháp hay phải chấp nhận lao vào một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ ? Từ Bruxelles, thông tín viên Laxmi Lota gửi về bài tường trình :
« Pháp đòi được miễn áp dụng thuế của Hoa Kỳ vô điều kiện. Đức nói đến khả năng thỏa hiệp. Đối với ông Yannick Jadot, nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Xanh, nếu như hiện nay, thép của châu Âu có tránh được thuế của Mỹ, thì trong tương lai, một lĩnh vực khác cũng sẽ bị liên lụy, do vậy, chiến tranh thương mại là hiển nhiên và Liên Hiệp Châu Âu phải tự vệ.
Ông nói : « Rõ ràng là Donald Trump muốn thay đổi trật tự thương mại quốc tế chỉ để phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ, và trong mọi trường hợp, phục vụ lợi ích chính trị của ông ta. Do vậy, không nên ngây thơ, cần phải biết bảo vệ các ngành công nghiệp của châu Âu. Điều đó có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu phải phát triển chính sách ngoại giao thương mại chung. Liên Hiệp Châu Âu đã rất đoàn kết trong hồ sơ này và đó là một tin tốt đẹp bởi vì nếu không, tất cả chúng ta đều thua thiệt. »
Châu Âu đã chuẩn bị một danh sách các sản phẩm có thể bị đánh thuế nếu Hoa Kỳ không thay đổi ý kiến. Ngày mai, thứ Sáu, các mức thuế mới của Hoa Kỳ sẽ được áp dụng.
Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại thông báo đã tiến hành các cuộc thảo luận với chính quyền Trump với hy vọng đạt được các kết quả sớm nhất mà cả hai bên có thể chấp nhận được. »
Cũng liên quan đến cuộc chiến thương mại, AFP cho biết chính quyền Donald Trump ngày 22/03 sẽ thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ. Phía Bắc Kinh cũng cho biết sẽ có những phản ứng tương thích trước các đòn trừng phạt của Hoa Kỳ.


http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180322-chau-au-hop-thuong-dinh-tim-doi-sach-chong-my-tang-thue-nhap-khau-nhom-thep

Donald Trump bảo hộ mậu dịch: Món hời cho Bắc Kinh?

mediaMột xưởng thép của Trung Quốc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.REUTERS/Stringer
Ngày 08/03/2018, Donald Trump đã ký sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% trên thép và 10% trên nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Một số nguồn tin thân cận với giới chức có thẩm quyền còn tiết lộ là Washington dự trù áp đặt các hạn chế trên đầu tư Trung Quốc đánh thuế trên một loạt các sản phẩm từ Trung Quốc. Cho dù vậy, tuần báo Pháp Courrier International ngày 15/03 đã trích dẫn tuần báo Mỹ Bloomberg Businessweek (New York)cho rằng : xu hướng bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ rốt cuộc chỉ làm lợi cho Trung Quốc.
Lý do mà tờ báo nêu ra rất đơn giản : Khi đánh thuế nhập khẩu trên thép và nhôm, Washington đã quay lưng lại các nước thân hữu mà lẽ ra Mỹ nên liên minh để ngăn chặn Trung Quốc.
Nhôm thép Mỹ đúng là bị Trung Quốc đe dọa
Theo tờ báo Mỹ, phải công nhận rằng lập luận của Donald Trump có điểm đúng. Đó là ngành thép và nhôm của Mỹ đã thực sự bị sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc tàn phá.
Đối mặt với áp lực quốc tế, Bắc Kinh đã đóng cửa một số nhà máy thép, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006, bất chấp việc công bố nghị định đẩy mạnh việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp có năng suất dư thừa. Đối với nhôm, toàn cảnh cũng tương tự.
Donald Trump và giới thân cận với ông cũng đúng trên một điểm khác: sức mạnh kinh tế là một vấn đề an ninh quốc gia. Đây là một vấn đề mà rõ ràng là Trung Quốc đã hiểu hơn cả Hoa Kỳ.
Bắc Kinh thường buộc các công ty nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc là phải chuyển giao tài sản trí tuệ - điều quý giá nhất của của họ - cho Trung Quốc. Chương trình « Made in China 2025 » của Bắc Kinh có cao vọng phát triển năng lực quốc gia trong một loạt công nghệ tiên tiến để giảm lệ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng như Mỹ và Nhật Bản.
Đối với tờ Businessweek, cần phải công nhận giá trị của những lập luận nói trên, chứ không nên chỉ xem việc áp thuế là biện pháp câu phiếu cử tri hay phô trương cơ bắp...
Trung Quốc tạo ra vấn đề nhôm thép, nhưng Trump làm Mỹ bị chê trách
Có điều là việc đánh thuế nhôm thép có một hệ quả nghiêm trọng : Chính vì tổng thống Donald Trump mà sự chê trách của thế giới lại chĩa vào Hoa Kỳ, chứ không phải là vào Trung Quốc.
Viện lý do an ninh quốc gia để biện minh cho sắc thuế trên kim loại, đã vẽ đường cho các nước khác cũng làm như vậy, đồng nghĩa với việc rút đi sợi chỉ đầu tiên của mạng lưới các hiệp định thương mại mà người Mỹ đã phải mất hàng chục năm trời mới dệt nên được.
Và việc áp dụng các rào cản thuế quan đó đối với tất cả các nước, như ông Trump đã đe dọa, có nguy cơ là làm suy yếu mặt trận thống nhất của các đối tác thương mại của Washington, một mặt trận cần thiết để đối phó với Trung Quốc và buộc họ phải thay đổi thái độ. Roland Rajah thuộc Viện Lowy tại Úc phân tích:
« Sáng kiến đánh thuế sẽ bị coi là bằng chứng mới nhất và rõ ràng nhất là nước Mỹ của ông Trump không phải là đối tác kinh tế đáng tin cậy ».
Những người chống lại biện pháp đánh thuế luôn nhắc lại rằng Trung Quốc chỉ là nhà cung cấp thép thứ 11 của Mỹ, và đứng thứ 4 về nhôm. Theo Tom Orlik, chuyên gia bộ phận kinh tế của hãng Bloomberg, thuế nhôm thép của Mỹ là một đe dọa ở mức « không phần trăm » đối với nền kinh tế Trung Quốc...
Nguy cơ chiến tranh thương mại lộ rõ giữa Mỹ và đồng minh
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, ngày 02/03 đã có tuyên bố theo phong cách Donald Trump : « Chúng ta sẽ áp đặt thuế đối với các hàng nhập (từ Mỹ) như mô tô Harley-Davidson, rượu Bourbon, quần jean Levi. Chúng ta cũng có thể ngu ngốc như họ. Chúng ta phải ngu ngốc như vậy ».
Tổng thống Mỹ đã đáp trả, dĩ nhiên là trên Twitter, là nếu châu Âu dùng biện pháp trả đũa, Hoa Kỳ cũng sẽ làm như vậy bằng cách đánh thuế, lần này là trên ô tô nhập khẩu.
Ngày 05/02, Donald Trump đã nói trên Twitter rằng Canada và Mexico có thể được miễn thuế nếu chấp nhận đàm phán lại một Hiệp định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA « mới và đúng đắn ». Tuyên bố này rủi thay đã làm suy yếu lập luận đánh thuế là vì nhu cầu an ninh quốc gia.
Vào lúc mà các lãnh đạo phương Tây đang chơi trò ai sẽ là người người ngốc nhất, thì Trung Quốc vẫn tương đối kín đáo, đúng như phương châm mà Napoléon từng nêu lên : « Không bao giờ làm gián đoạn công việc của kẻ thù đang phạm sai lầm ».
Quan điểm thô thiển về thương mại
Nếu Donald Trump không ngừng tấn công các đồng minh của mình, đó là do quan niệm của ông, theo đó thương mại là một cuộc chiến, tức là dứt khoát phải có kẻ thua. Trong quan điểm kinh tế của Trump, xuất khẩu là tốt còn nhập khẩu là xấu. Sự tồn tại của thâm hụt thương mại là bằng chứng cho thấy đối tác chơi xấu.
Trong thực tế, một giao dịch quốc tế là một quan hệ có lợi cho cả hai bên, bằng không thì sẽ không có giao dịch. Đối với mọi quốc gia, có thặng dư thương mại với đối tác này và thâm hụt với đối tác khác là một điều bình thường. Chẳng hạn như mỗi hộ gia đình đều có một "thâm hụt thương mại" với các siêu thị, các bác sĩ hoặc nha sĩ, và "thặng dư" với ông chủ trả lương.
Nói như vậy, nhưng việc Hoa Kỳ thường xuyên bị thâm hụt với phần còn lại của thế giới là một điều không lành mạnh. Các hiệp định thương mại tốt hơn có thể Mỹ giúp giải quyết vấn đề bằng cách loại bỏ các rào cản đối với hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Hoa Kỳ. Trên điểm này thì Donald Trump có lý.
Nhưng vấn đề là những khoản thâm hụt lại bắt nguồn từ việc người Mỹ không tiết kiệm để có đầu tư cần thiết vào công nghiệp, nhà ở, đường xá… : Nước Mỹ đi vay vốn để tiêu dùng, thay vì chi trả nhập khẩu với tiền thu nhờ xuất khẩu.
Tiền lệ không hay khi viện đến an ninh quốc gia
Đối với Bloomberg Businessweek, khi viện đến an ninh quốc gia, Hoa Kỳ đã đặt ra một tiền lệ không hay. Theo bà Nicole Lamb-Hale, nguyên trợ lý bộ trưởng Thương Mại trong chính quyền Obama và hiện là giám đốc một bộ phận trong văn phòng tư vấn tình báo kinh tế Kroll : « Lý do an ninh quốc gia thường chỉ được viện ra trong những trường hợp ngoại lệ… Các nước khác giờ đây có thể tự nhủ : "Nếu Hoa Kỳ làm như vậy, chúng ta cũng có thể làm như vậy" ».
Khi lớn tiếng đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại, Trump đã làm phức tạp công tác phối hợp cần thiết để đối phó với các chính sách đầu tư và thương mại mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.
Năm ngoái 2017, Jean Claude Juncker đề xuất một hệ thống cấp châu Âu để truy nguyên nguồn gốc các khoản đầu tư trực tiếp vào châu Âu. Về phần mình, Australia đã tiến hành kiểm kê cơ sở hạ tầng nhạy cảm của mình để đánh giá tốt hơn những rủi ro mà việc bán [cho người nước ngoài] các tài sản nhất định có thể đe dọa an ninh của đất nước.
Hoa Kỳ từ nay có nguy cơ mất ưu thế đạo đức trong thương mại và đầu tư. Washington đã cáo buộc Trung Quốc trong nhiều năm là sử dụng an ninh quốc gia như là một cái cớ. Daniel Rosenthal, một chuyên gia về vấn đề này của văn phòng tư vấn Kroll, đã than là Mỹ « đang làm mất uy tín của mình bởi vì bây giờ Mỹ cũng làm y như Trung Quốc ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180319-donald-trump-bao-ho-mau-dich-mon-hau-cho-bac-kinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten