donderdag 22 maart 2018

Ngày « Ẩm Thực Pháp » (Goût de France) 21-3-2018 trên toàn thế giới + Thực phẩm ‘‘sạch’’ đủ nuôi toàn thế giới ? + Pháp lãng phí thực phẩm mỗi năm từ 12-20 tỷ euro

Ngày « Ẩm Thực Pháp » toàn thế giới

mediaNgày 21/03/2018 : Ẩm Thực Pháp được vinh danh khắp năm châu.RFI/ Carlotta Morteo
Hôm nay, 21/03/2018, trong khuôn khổ sự kiện "Goût de France", khoảng 3.300 hiệu ăn tại hơn 150 quốc gia, giới thiệu với khách hàng nhiều thực đơn theo kiểu Pháp. Năm nay đối tượng được vinh danh là ẩm thực vùng Nouvelle - Aquitaine (miền tây nam), đặc biệt với các loại rượu vang Bordeaux nổi tiếng.
Theo AFP, ngoài Pháp, ba quốc gia tham dự đông đảo nhất vào chiến dịch quảng bá truyền thống ẩm thực đầy quyến rũ và phong phú của nước Pháp là Ba Lan, Hy Lạp và Brazil. Riêng tại Pháp, hơn 1.300 hiệu ăn tham gia.
Đây là lần thứ tư, sự kiện « Goût de /Good France » hay "Ẩm Thực Pháp" được tổ chức, theo sáng kiến của bộ Ngoại Giáo Pháp và nhà đầu bếp nổi tiếng Alain Ducasse.
Trái ngược với quan niệm phổ biến, « Goût de / Good France » không chỉ là dịp quảng bá cho các hiệu ăn lớn, có tên tuổi, mà rất nhiều cửa hiệu nhỏ và các quán ăn khiêm tốn cũng có thể tặng khách hàng những bữa ăn chất lượng cao.
RFI đã trò chuyện với hai chủ quán Paris, tự coi mình có sứ mạng đưa ẩm thực cao cấp đến với đông đảo công chúng.
Tại quán « Tempero », một bistro nhỏ ở quận 13 Paris, của cô Alessandra Montagne, người Pháp gốc Brazil, phóng viên ghi nhận các món ăn hấp dẫn với giá rất rẻ. Alessandra Montagne giới thiệu với du khách « một thực đơn rất giản dị vùng Paris ». Chủ quán Tempero cho biết Ngày Ẩm Thực Pháp là một cơ may cho phép cô giới thiệu với thực khách đặc sản các địa phương vùng Paris, mà cô đã « phải lòng » ngay từ khi đặt chân đến Pháp.
Stéphane Jégo – người xứ miền tây Bretagne - là chủ quán « L'ami Jean », quận 7, nổi tiếng là bistro xứ Basque (miền nam) xưa nhất ở Paris. L’ami Jean có thể đón khoảng 100 khách cùng lúc. Các món ăn, đồ uống của L’ami Jean đa dạng và mới lạ, hướng đến một công chúng rất rộng. Stéphane Jégo tâm sự « điều cốt yếu của ẩm thực cao cấp đó là sự chia sẻ, lòng hiếu khách… ».
Như một bằng chứng của lòng hào phóng, chủ quán L’ami Jean quyết định chia sẻ một phần lãi của Ngày Ẩm Thực Pháp cho một tổ chức phi chính phủ bảo vệ sức khỏe và môi trường. Bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ các nguồn thực phẩm, bảo vệ chất lượng của Ẩm Thực.

http://vi.rfi.fr/phap/20180321-ngay-%C2%AB-am-thuc-phap-%C2%BB-toan-the-gioi

Thực phẩm ‘‘sạch’’ đủ nuôi toàn thế giới ?

mediaNhãn mác một sản phẩm táo BIOẢnh : Chính phủ Pháp
Cách nay mươi năm, thực phẩm « sạch » hay thực phẩm tự nhiên (người Pháp gọi là hàng « Bio ») thường được cho là chỉ dành cho một thiểu số trong xã hội, có điều kiện sống khá giả. Nhận thức về vấn đề này nay đã thay đổi rất nhiều. Tại nhiều quốc gia phát triển, thị phần thực phẩm được nuôi trồng theo phương thức tự nhiên đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu công phu trong thời gian gần đây đặt vấn đề : Liệu nông nghiệp « sạch » có thể trở thành nền nông nghiệp chủ đạo của thế kỷ 21, đủ sức nuôi 10 tỷ dân cư trên hành tinh ?
Bài « Hàng Bio có thể nuôi được thế giới ? », trên tạp chí Pháp « Khoa học và Tương lai » (Science et avenir, tháng 2/2016), giới thiệu kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà nông học, đại học tiểu bang Washington (WSU) (1). Dựa trên việc tổng hợp, đối chiếu ít nhất 70 nghiên cứu trên quy mô toàn cầu trong thời gian gần đây, nghiên cứu của đại học WSU nhấn mạnh trước hết đến năng suất của thực phẩm sạch (organic).
Thứ nhất là năng suất của « nông nghiệp (thuận) tự nhiên » (nông nghiệp sinh thái) vẫn còn tương đối thấp so với « nông nghiệp chuyên canh » (hay "nông nghiệp quy ước"/"agriculture conventionnelle", tức nền nông nghiệp chủ đạo hiện hành, cơ giới hóa cao độ, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón), từ 8% đến 25%. Gạo, đậu nành (hay đậu tương), ngô nằm trong số các thực phẩm sạch có năng suất cao nhất, chỉ kém từ 6% đến 11%. Khoảng cách lớn nhất là lúa mì hay hoa quả, với chênh lệch năng suất xấp xỉ 30%. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều đồng thuận hơn trong việc các chủng loại cây trồng tự nhiên, nếu được chọn lọc tốt, có khả năng kháng cự tốt hơn với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong một kỷ nguyên mà các hệ quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu (2).
Về vấn đề này, nhà nông học Pháp Jacques Caplat có quan điểm triệt để hơn. Với cuốn sách phổ biến khoa học mới, ông khẳng định thực phẩm sạch có thể đủ chu cấp cho từ 9 tỷ đến 12 tỷ dân cư hành tinh (3).
Về chất lượng, theo WSU, 12 nghiên cứu so sánh các thực phẩm tự nhiên với thực phẩm quy ước, được công bố từ năm 2000, cho thấy ưu thế của thực phẩm sạch, ví dụ như về hàm lượng vitamin C, oméga 3 hay các chất chống ô-xy hóa… Thực phẩm sạch còn có ưu điểm là tránh cho người tiêu thụ các thuốc trừ sâu độc hại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu tổng hợp nói trên của WSU, tác động đến sức khỏe con người của thực phẩm có chứa các thành phần độc hại trong thuốc trừ sâu (ở các thực phẩm quy ước) còn chưa được chỉ ra rõ ràng.
Những lợi ích kinh tế và sức khỏe chưa tính hết của hàng "Bio"
Nhìn chung, các nhà khoa học Đại học Mỹ WSU ghi nhận 2 ưu thế không thể bác bỏ được của nông nghiệp sinh thái. Thứ nhất là bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, đất đai, ít thải ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, thứ hai là, cùng với việc môi trường được bảo vệ, nông nghiệp sinh thái cũng mang lại một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn cho người làm nông, đặc biệt do ít bị tiếp xúc với các thuốc trừ sâu độc hại.
Về mặt hiệu suất kinh tế, các tác giả WSU ghi nhận : Một nghiên cứu duy nhất hiện nay về 55 quốc gia, thuộc năm lục địa, và trải dài trong suốt gần nửa thế kỷ, cho thấy thực phẩm sạch mang lại doanh thu cao hơn từ 22% đến 35% so với thực phẩm quy ước cùng loại, với điều kiện người tiêu thụ chấp nhận mua đắt hơn. Tuy nhiên, thực phẩm sạch có xu hướng ngày càng rẻ hơn. Bên cạnh đó, nếu tính gộp cả các khoản tiết kiệm như ở không tác hại môi trường như thực phẩm quy ước, hàng « bio » tỏ ra ngày càng hiệu quả hơn về kinh tế.
Bên cạnh 2 ưu điểm nói trên, nhiều lợi thế khác của nông nghiệp tự nhiên cũng được nhấn mạnh, như tạo thêm nhiều việc làm (như do việc giảm bớt cơ khí hóa trong canh tác nông nghiệp) tạo điều kiện tăng cường quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ, giúp cho các vật nuôi có một đời sống tốt hơn…
Công trình của nhóm tác giả WSU kết luận : nông nghiệp canh tác theo lối tự nhiên sẽ có một vị trí hết sức quan trọng trong thế kỷ 21. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, bên cạnh việc nhân loại chuyển hướng sang nông nghiệp Bio, cần phải hạn chế nạn lãng phí thực phẩm (ước tính lên tới 1/3 tổng sản lượng toàn cầu), cải thiện phương thức phân phối, hãm mức tăng dân số…
Nhà nông học Jacques Caplat đi xa hơn khi nhận định rằng, nông nghiệp tự nhiên hoàn toàn có thể thay thế được nông nghiệp chủ đạo hiện nay. Nhà nông học Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh tiết kiệm diện tích của nông nghiệp tự nhiên, đi liền với việc thay đổi thói quen tiêu thụ của xã hội. Một cơ sở nghiên cứu tại thành phố Rennes, miền tây nước Pháp, đưa ra một so sánh đáng chú ý. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm  theo nền nông nghiệp chủ đạo hiện nay, Rennes với hơn 200.000 dân phải cần đến một vành đai nông nghiệp bao quanh rộng tới 15 km. Trong khi đó, với lối tiêu thụ hàng Bio (ít thịt hơn), Rennes chỉ cần 8 km vành đai nông nghiệp.
Hàng Bio ngày càng hấp dẫn
Trên toàn thế giới, diện tích nông nghiệp tự nhiên tăng gấp rưỡi trong vòng một thập niên qua (5). Năm 2014, tổng diện tích nông nghiệp tự nhiên là 43,7 triệu hecta, tăng nửa triệu hecta so với 2013. Úc là quốc gia dành nhiều đất nhất cho nông nghiệp tự nhiên : 17,2 triệu hecta (chủ yếu cho chăn nuôi). Xét trên toàn thế giới, diện tích nông nghiệp sinh thái chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng tại các quốc gia phát triển, như ở Liên Hiệp Châu Âu, tỷ lệ này là rất lớn. 5% đất nông nghiệp của châu Âu là cho nông nghiệp sạch, diện tích này ở một số nước như Áo (19,4%), Thụy Điển (16,2%), CH Séc (11%) hay Ý (10,8%) còn lớn hơn nhiều. Năm 2014, tổng doanh thu của thị trường thực phẩm sạch là hơn 60 tỷ đô la, Mỹ đứng đầu với 27 tỷ euro, tiếp theo đó là Đức (7,9 tỷ) và Pháp (4,8 tỷ).
Một gian giới thiệu về nông nghiệp tự nhiên, đi kèm với một quán ăn BIO nhỏ, Triển lãm Nông Nghiệp Paris, tháng 3/2016.RFI/Trọng Thành

Riêng trong năm 2015, đất cho nông nghiệp tự nhiên tại Pháp tăng hơn 17%. Nhiều mặt hàng thực phẩm Bio tăng vọt như trứng (15%), sữa (12%)… Đồ Bio bán tại các siêu thị cũng tăng gần 10%. Hơn 70% căng tin nhà trường cung cấp các món ăn Bio. Tại Pháp, lĩnh vực thực phẩm tự nhiên sử dụng hơn 100.000 lao động, với thời gian toàn phần.
Ngày 09/05/2016, nước Pháp khánh thành một khu vực lớn dành cho hàng Bio tại Chợ Quốc Tế Rungis (vùng thủ đô Paris), chợ thực phẩm được xem như lớn nhất thế giới.
Trong cuộc thi đua giữa hai nền nông nghiệp, một bên là nông nghiệp thâm canh cơ giới hóa cao (đã trở thành truyền thống), sử dụng khối lượng rất lớn phân bón, thuốc trừ sâu, một bên là nông nghiệp canh tác theo lối tự nhiên, thì nền nông nghiệp (thuận) tự nhiên - dù diện tích và thị phần còn nhỏ  - đã tỏ ra có sức bật lớn trong những năm gần đây, đặc biệt tại nhiều quốc gia phát triển, cũng như tại một số quốc gia đang trỗi dậy.
Nghịch lý trong "xứ sở thần tiên của Alice" 
Để so sánh hai nền nông nghiệp, nhà báo Stephane Foucart, phụ trách mảng khoa học của báo Le Monde, đưa ra một hình ảnh ví von hài hước. Nền nông nghiệp chủ đạo hiện nay giống với một hiện tượng kỳ lạ trong « xứ sở thần tiên » của Alice (chuyện kể của nhà văn Anh Lewis Caroll), nơi mà để có thể đứng nguyên tại chỗ, cần phải chuyển động không ngừng, như lời khuyên của nhân vật « Nữ Hoàng Đỏ ». Nền nông nghiệp thâm canh hiện nay cũng vậy : Rất nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu đổ vào, nhưng năng suất từ 20 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ.
Bài viết của Le Monde được đăng tải vào lúc Thượng Viện Pháp bắt đầu xem xét dự luật về đa dạng sinh thái (ngày 10/03/2016), trong đó có công luận đặc biệt chú ý đến đề xuất cấm thuốc trừ sâu có chứa chất « Neonicotinoid » (gọi tắt là « neonic »), kẻ thù của loài ong (6). Dự luật này, đã được Hạ Viện thông qua, dự kiến cấm ngay các loại thuốc trên kể từ năm 2018. Nhiều người lo ngại về thay đổi nhanh chóng này, trong lúc nền nông nghiệp Pháp bị coi là chưa có các phương pháp thay thế, để đối phó với sâu bệnh.
Theo tập đoàn hóa-dược Bayer, thiếu thuốc trừ sâu, sản lượng nông nghiệp có thể giảm từ 15% đến 40%, tùy theo loại cây. Tuy nhiên, quan điểm này cũng bị nhiều người phản đối. Theo họ, ví dụ như ngay tại Đức, việc thuốc trừ sâu bị cấm đối với cây lương thực trong mùa đông, nhưng sản lượng không giảm. Đức vẫn tiếp tục là quốc gia xuất khẩu số hai châu Âu. Theo một nghiên cứu mới đây, được công bố trên tạp chí Science, việc bảo vệ và làm gia tăng số lượng các loài côn trùng thụ phấn, năng suất của cây trồng có thể tăng 20% so với trung bình.
Báo Libération có bài nhấn mạnh đến những nguy hại vô cùng lớn của thuốc trừ sâu đối với ong, loài động vật được tính là mang lợi từ 206 tỷ đến 506 tỷ euro cho nông nghiệp, hàng năm. Việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu với các độc tố - bị coi là ngày càng nguy hại hơn - khiến loài vật này, cùng nhiều sinh vật hữu ích khác, đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Triết lý, phối hợp với thiên nhiên thay vì chống lại thiên nhiên, có vẻ như ngày càng được nhiều người thấm thía.
Nhân loại trước ngã ba đường : Tiếp tục nền nông nghiệp lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, với vô số hiểm họa trước mắt và dài hạn, hoặc chuyển sang một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, với nhiều lợi thế như trên.
----
(1) Nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu John Reganold và Jonathan Wachter công bố trên Nature Plants, số 2/2016.
(2) Bài ‘‘1000 đô thị’’ toàn cầu ra tay vì khí hậu".
(3) Cuốn "Nông nghiệp sinh thái đủ sức nuôi nhân loại/ L'agriculture biologique pour nourrir l'humanité" (2012).
(4) Bài "Lãng phí thực phẩm: Pháp thiệt hại mỗi năm từ 12-20 tỷ euro".
(5) Theo số liệu Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Sinh Thái (FiBL) và Liên Đoàn Quốc Tế các Phong Trào Nông Nghiệp Sinh Thái (IFOMA), công bố đầu năm 2016.
(6) Bài "Sự diệt vong của ong và cuộc chiến chống thuốc trừ sâu" và "Cơ quan LHQ chỉ đích danh 5 thuốc trừ sâu gây ung thư".

http://vi.rfi.fr/phap/20160511-thuc-pham-%E2%80%98%E2%80%98sach%E2%80%99%E2%80%99-du-nuoi-toan-the-gioi

Lãng phí thực phẩm: Pháp thiệt hại mỗi năm từ 12-20 tỷ euro

 Lãng phí thực phẩm: Pháp thiệt hại mỗi năm từ 12-20 tỷ euro
 
Tại Pháp, mỗi người vứt từ 20-30 kg thức ăn/năm. AFP PHOTO MYCHELE DANIAU

    Xà-lách, bánh mì, trái cây, rau củ, thịt cá... mỗi năm, mỗi hộ gia đình Pháp vứt 1/4 lượng thực phẩm. Lượng sản phẩm vứt đi đó gây thiệt hại mỗi năm khoảng 500 euro trên một đầu người. Tại những cơ sở sản xuất thực phẩm chuyên nghiệp, tình trạng ghi nhận cũng khá nghiêm trọng. Hơn 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra đã bị vứt bỏ hay lãng phí, vì nhiều nguyên nhân như điều kiện bảo quản, vận chuyển hay chế biến tại chỗ.

    "Nước Pháp tuyên chiến với "vấn nạn" lãng phí thực phẩm", như hàng tựa ghi nhận trên nhật báo Le Monde số ra ngày 28/08/2015. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Môi trường Pháp, bà Segolène Royal đã gây áp lực lên các nhà phân phối thực phẩm lớn. Lồng trong bối cảnh đạo luật chuyển tiếp năng lượng, điều khoản 103, được thông qua ngày 22/07 /2015, cam kết được ký giữa các bên ràng buộc các nhà phân phối lớn (trên 400m²) phải ký một hiệp ước với các hiệp hội chuyên thu nhặt các sản phẩm không bán hết được.
    Cam kết ghi rõ "các cách thức theo đó các loại thực phẩm dư thừa sẽ được ban tặng hay cho không cho các hiệp hội này" . Tuy nhiên, nhiều báo cáo gần đây cho thấy các nhà phân phối lớn chưa phải là những thủ phạm hàng đầu của tình trạng phung phí thực phẩm. Mà chính các hộ gia đình tại Pháp mới là nguyên nhân hàng đầu của hiện tượng lãng phí. Thức ăn thường bị vứt vào thùng rác, đôi khi vẫn còn nguyên bao bì, hạn sử dụng vẫn còn hiệu lực.
    Mỗi người Pháp vứt từ 20-30 kg thức ăn/năm
    Một núi rác thải mà người ta khó có thể hình dung ra được. Theo một báo cáo của Cơ quan Môi trường và Năng lượng (Ademe) công bố năm 2007, nước Pháp lãng phí mỗi năm 1,2 triệu tấn thực phẩm. Đương nhiên số liệu đưa ra vẫn chưa có gì chính xác, do có khá nhiều nghiên cứu được thực hiện theo từng phương pháp khác nhau, nên kết quả đạt được cũng rất biến động.
    Tuy nhiên, một nghiên cứu do Wrap, một chương trình chống rác thực phẩm của chính phủ Anh quốc thực hiện được công bố trong cùng năm thì cho là con số lãng phí thực phẩm thật sự tại Pháp có thể lên đến hơn 3 triệu tấn. Dù kết quả có thể nào, thì "vấn nạn" lãng phí thực phẩm cũng đáng báo động tại Pháp.
    Từ những kết quả nghiên cứu, các chuyên gia ước tính bình quân mỗi người Pháp phung phí từ 20-30 kg thức ăn/ năm, trong đó có 7 kg là vẫn còn đóng nguyên bao bì. Nhưng chính những thói quen xấu đã làm tăng lượng rác thải thực phẩm tại Pháp lên gấp 4 lần. Báo cáo đệ trình cho Bộ Môi trường năm 2012, cho biết hơn 7 triệu tấn thực phẩm đã bị cho vào thùng rác, trong năm 2010.
    Phung phí thực phẩm : Pháp thất thoát từ 12-20 tỷ euro/ năm
    Trong số các loại thực phẩm bị vứt đi, trái cây chiếm 19% và rau củ là 31% là những nạn chân chính của sự lãng phí. Do tính chất dễ hỏng, người tiêu thụ không ngần ngại vứt vào sọt rác các loại hoa quả hay rau củ dù chỉ mới chớm hỏng một chút. Tiếp đến là các loại thức uống, chủ yếu là sữa và rượu (24%) và các loại tinh bột từ những bữa ăn thừa mứa là 12%. Phần còn lại, bao gồm các loại thịt cá (4%) và các thức ăn chế biến sẵn (2%), theo như một khảo sát của Cơ quan Môi trường và Năng lượng (Ademe).
    Vấn đề là trong bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là tại Châu Âu khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, tình trạng lãng phí thực phẩm cũng gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế đất nước. Trong một nghiên cứu gần đây, được Bộ Môi trường và Bộ Nông nghiệp Pháp trích dẫn lãng phí thực phẩm làm cho nền kinh tế Pháp bị thiệt hại từ 12-20 tỷ euro mỗi năm.
    Cụ thể, nếu chỉ tính riêng phần thức ăn, bình quân mỗi đầu người lãng phí khoảng 100 euro/ năm. Nếu cộng thêm các khoản như chi phí gián tiếp có liên quan đến vận chuyển, tồn kho, chế biến và xử lý rác thải..., chi phí thiệt hại từng người lên đến 159 euro/năm/ người, tức khoảng trên 400 euro/người/năm. Đó là chưa kể đến tác động về môi trường, thông qua việc phát thảo khí ga gây hiệu ứng nhà kính.
    Các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần gây lãng phí?
    Nếu như quy định mới ban hành của bà Bộ trưởng Pháp nhắm vào tình trạng phung phí thực phẩm ở các siêu thị lớn, các khảo sát lại cho thấy một kết quả ngược lại: Các hộ gia đình Pháp đứng đầu danh sách những người phung phí thức ăn. 67% rác thải thực phẩm đến từ các gia đình. Lãnh vực dịch vụ ăn uống xếp hàng thứ hai với tỷ lệ là 15%. Tiếp đến là các hộ tiểu thương và các nhà phân phối chiếm 11%, các khu chợ 6% và ngành công nghiệp thực phẩm xếp cuối bảng với tỷ lệ là 2%.
    Tuy nhiên, sự phung phí ở các hộ tiểu thương và các nhà phân phối một phần cũng do những quy định ràng buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, không cho phép những khối này được quyền cho, hay nhượng những phần sản phẩm gần hết hạn sử dụng cho các tổ chức từ thiện, theo như nhìn nhận của côMarie Pourrech, chủ tiệm Maison Bastille trên làn sóng đài RFI Pháp ngữ:
    "Chúng tôi buộc phải phung phí thức ăn vào cuối ngày thứ Sáu hàng tuần, do chúng tôi đóng cửa các ngày cuối tuần. Đó là những thứ không bán hết được, chẳng hạn như các món ăn trong ngày, một vài sản phẩm tươi sống, trái cây... Chúng tôi buộc phải vứt vào thùng rác, chúng tôi không để ngoài đường cho người khác lấy. Bởi vì, chúng tôi không được phép, do vấn đề xuất xứ sản phẩm (...) Bình quân mỗi tuần chúng tôi vứt khoảng 50 euro. Do đó, vì phải tuân thủ đúng các quy định để không có rủi ro xảy ra ngộ độc thực phẩm, chúng tôi buộc phải vứt những thức ăn đôi khi vẫn còn tốt".
    Dư luận được đánh động
    Làm thế nào hạn chế được vấn nạn lãng phí thực phẩm đang là vấn đề thời sự nóng cho nhiều người dân Pháp. Ý thức được tầm mức của vấn đề, nhiều sáng kiến tập thể cũng như là cá nhân cũng đã được đề ra. Việc bà Bộ trưởng Môi trường gây áp lực lên các nhà phân phối cũng đã đạt được một kết quả khả quan. Tuy bị xếp là tác nhân gây lãng phí hàng thứ ba, nhưng nhiều hãng phân phối lớn như Carrefour, AUchan, Leclerc, hay Casino đã bắt đầu liên kết với các tổ chức từ thiện như Restos du Coeur, Ngân hàng thực phẩm và Secours Populaire để thu gom và chọn lọc trái cây và hoa quả phải bị bỏ đi rồi tinh chọn và phân phối lại.
    Thu nhặt chất thải hữu cơ để có thể tái sử dụng là trọng tâm của một sáng kiến chống lãng phí thực phẩm. Chẳng hạn như tại một trường học ở quận 2, Paris, các em học sinh học cách tách rác thải với thức ăn thừa. Ông Eric Van Meenen, giám đốc Quỹ các trường học quận 2 Paris, giải thích:
    "Khi không thể dùng hết phần ăn của mình, các em sẽ phải tách chọn các phần còn lại trên đĩa ăn. Những loại rác thải nào không thể tái sử dụng thì để vào một thùng rác. Đó là các loại bao bì bằng nhựa như hủ yaourt, hủ fromage tươi, các gói nhỏ đựng sốt cà, mù tạt, ... Những phần thức ăn còn dư thừa trên đĩa, chính các nhân viên phục vụ trong căn tin sẽ phụ trách việc thu gom, cho vào một loại túi nhựa trong, sao cho vẫn thấy rõ được các loại thức ăn thừa mứa bên trong. Những rác thải thực phẩm này sẽ được các nhà cung cấp dịch vụ thu gom về và mang đến các nhà máy sản xuất khí méthane để biến đổi chúng thành chất mùn cho nông dân hay khí đốt cho năng lượng".
    Đầu bếp giỏi là không có lãng phí thực phẩm
    Nếu như điều kiện an toàn thực phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lãng phí mỗi năm hơn một tấn thức ăn (chiếm tỷ lệ 15%) trong ngành dịch vụ ăn uống, thì theo ông Christian Constant, một đầu bếp danh tiếng tại Paris, trên làn sóng đài Europe 1còn khẳng định vai trò của trách nhiệm của người làm nhà hàng. Khi nói đến mối liên hệ của giữa người đầu bếp với tình trạng phung phí thực phẩm, ông Christian Constant đã nhấn mạnh rằng: "Một người đầu bếp giỏi không vứt một cái gì hết. Khi anh đứng bếp, anh phải tiết kiệm mọi thứ. Tất cả đều có thể tái sử dụng", dù là đôi khi cũng không hẳn như thế.
    Theo ông, việc ngành dịch vụ ăn uống lãng phí đến 15% lượng thực phẩm đó là vì các chủ hàng ăn không tự đứng bếp. Ông giải thích: "Tôi mua và tôi tự chuẩn bị tất, do đó tôi không bỏ phí thứ gì. Khi tôi mua thịt gà tại Landes, tôi mua nguyên con. Lòng gà tôi thu lại rồi cùng với cánh gà tôi nấu làm nước dùng. Do đó, để là một đầu bếp giỏi thì không được lãng phí. Đó cũng là điều tôi thường nhắn nhủ với các đầu bếp của tôi. Những ai bỏ phí thường họ bán một sản phẩm không do chính họ chế biến. Những người đó có khả năng là họ vứt thức ăn".
    Về phần các hộ gia đình, có ý kiến cho rằng người tiêu thụ nên thay đổi thái độ mua sắm. Chính việc mua trữ quá nhiều thực phẩm, bị dụ dỗ bởi các chương trình khuyến mãi và ít khi chú ý đến hạn sử dụng tối đa cũng đã dẫn đến việc vứt thực phẩm vào trong sọt rác. Vì thế, đối với ông Christian Constant, những gì ông nhận định trong lãnh vực dịch vụ ăn uống cũng phải được áp dụng tương tự cho các hộ gia đình:
    "Nếu như tôi có thể đưa ra một lời khuyên, thì đó là các bạn hãy tự đi chợ, lên danh sách các món cần mua trước khi hãy đặt chân vào siêu thị. Như vậy, bạn sẽ không bị cám dỗ mua những thứ sản phẩm để rồi bạn cất vào trong tủ lạnh và sẽ không bao giờ dùng đến".
    Tiết kiệm thực phẩm cũng làm tăng lợi nhuận
    Xu hướng tiết kiệm và tái sử dụng thức ăn đang là một trào lưu mới trong làng ẩm thực tại Pháp. Nhằm khẳng định sự khác biệt với nhiều hàng quán chuyên bán các sản phẩm đã qua chế biến, nhiều quán ăn đã chọn phương cách « fait de la maison » (tự chế biến) như là một phong cách ẩm thực riêng. Khách đến đặt món ăn, rồi nhà hàng mới chế biến. Khẩu phần cho thực khách cũng được định lượng.
    Như vậy, không những thực khách vừa được thưởng thức các món ăn tươi, lại vừa bụng, tránh được tình trạng thừa mứa trên đĩa. Đồng thời trên góc độ kinh tế, người mở quán cũng tiết kiệm được nguyên liệu, góp phần tăng thêm lợi nhuận. Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ quán ăn « Mai Ly », là một trong số quán ăn Việt Nam theo trào lưu này.
    Tuy là mới mở quán được 4 năm nay, nằm ở một vùng khá hẻo lánh tại Ille-Sur-Tet, một xã nhỏ ở miền tây nam nước Pháp, nhưng quán ăn của chị lúc nào cũng đông thực khách. Nhân nói về chuyện lãng phí thức ăn, chị Tuyết chia sẻ cùng với ban Việt ngữ đài RFI vài kinh nghiệm.

    Chị Nguyễn Thị Tuyết, Ille-Sur-Tet 02/09/2015 Nghe

    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    http://vi.rfi.fr/phap/20150902-tc-phap-xh-tp

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten