Kim tự tháp bảo tàng Louvre : “viên kim cương” trong lòng Paris
Ngày 30/03/2018 là kỷ niệm 30 năm khánh thành kim tự tháp kính bảo tàng Louvre, một viên kim cương trong lòng Paris, tác phẩm thu hút đông khách thăm quan bảo tàng, chỉ sau bức tranh Nàng Mona Lisa của danh họa Léonard De Vinci và tượng thần vệ nữ Milo trứ danh. Nhưng có mấy ai biết “viên kim cương” đó đã từng là một đề tài gây tranh cãi khiến báo chí “tốn biết bao giấy mực”, thể hiện sự đối đầu giữa phe bảo thủ và những người theo khuynh hướng hiện đại, thậm chí là một đề tài “đấu đá chính trị” giữa cánh tả và cánh hữu Pháp trong những năm 1980, dưới thời tổng thống François Mitterrand.
François Mitterrand nhậm chức tổng thống Pháp vào năm 1981. Ông là tổng thống cánh tả đầu tiên của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Vốn là người đam mê văn hóa, chỉ ít lâu sau trở thành ông chủ điện Elysée, François Mitterrand đã yêu cầu bộ trưởng Văn Hóa Jack Lang thực hiện hai việc : Trình ngay lập tức danh sách các dự án lớn về cải tạo Paris và vùng phụ cận, trong đó kiến trúc phải đi đôi với nghệ thuật ; xây dựng trên toàn nước Pháp các « puits de vie », tạm dịch là « giếng khơi cuộc đời », có nghĩa là các trung tâm nghệ thuật và sáng tạo.
Trong số các đề xuất của bộ trưởng Jack Lang, dự án gây nhiều chú ý nhất là hiện đại hóa và mở rộng diện tích bảo tàng Louvre bằng cách di dời trụ sở bộ Tài Chính khỏi tòa nhà cánh Rivoli sang khu phố Bercy và giải tỏa sân Napoléon, vốn thời đó được dùng làm bãi đậu xe.
Ngày 27/07/1981, trong tờ trình gửi tổng thống François Mitterrand, bộ trưởng Văn Hóa Jack Lang viết « Louvre sẽ trở thành bảo tàng lớn nhất thế giới ». Tổng thống Mitterrand trả lời ngắn gọn bằng vài từ ghi bên ngoài lề tờ giấy, theo như thói quen vốn có của ông : «Ý tưởng hay nhưng khó thực hiện (cũng giống như mọi ý tưởng tốt đẹp khác). » Điều này có nghĩa là « Hãy bắt tay vào việc đi nào ! » Sau này, tờ trình của Jack Lang được coi như hòn đá đầu tiên đặt nền móng cho dự án Grand Louvre.
Kiến trúc sư được tổng thống Pháp đích thân mời phụ trách thiết kế là ông Ioeh Ming Pei. Ông François Mitterrand, vào năm 1978, trên cương vị chủ tịch đảng Xã Hội Pháp, trong chuyến thăm Mỹ và làm việc với tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đã có dịp chiêm ngưỡng Bảo tàng nghệ thuật quốc gia ở Washington (National Gallery of Art), công trình có phần đóng góp của kiến trúc sư Ming Pei. Ngay lập tức, ông Mitterrand thấy ngưỡng mộ tài năng của vị kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa. Ming Pei cũng là nhà thiết kế nhiều công trình lớn nổi tiếng trên thế giới như John Hancok Tower, John F. Kennedy Library ở Boston, Bank of China Tower ở Hồng Kông …
Nhận được lời mời của tổng thống Pháp, kiến trúc sư Ming Pei sau 4 tháng nghiền ngẫm cẩn trọng, cuối cùng đã nhận lời thiết kế công trình. Điểm nhấn trong bản thiết kế của ông Pei để hiện đại hóa điện Louvre là xây dựng ngay tại sân Napoléon một kim tự tháp bằng kính trong suốt, cao 21,64m, mỗi cạnh có kích thước 35,24m, theo tỉ lệ thu nhỏ từ kim tự tháp nổi tiếng Kheops của Ai Cập. Cửa vào kim tự tháp là cửa chính dẫn xuống khu đón tiếp, bán vé để từ đó du khách bắt đầu hành trình tham quan bảo tàng.
Kim tự tháp kính thu hút rất đông khách thăm quan bảo tàng, chỉ sau bức tranh Nàng Monalisa của danh họa Léonard De Vinci và tượng thần vệ nữ Milo.RFI/Thuy Duong
Trận chiến Kim Tự Tháp
Thiết kế của Ming Pei được tổng thống Pháp François Mitterrand đánh giá là « hợp lý nhất, tốt nhất và đẹp nhất ». Nhưng cũng giống một số công trình lớn khác ở Paris như tháp Eiffel, trung tâm văn hóa Pompidou, dự án kim tự tháp kính tại điện Louvre khi mới ra đời đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công luận.
Nếu như tháp Eiffel bị ví như « một ống khói nhà máy khổng lồ », « vô ích » và « nực cười », trung tâm văn hóa Pompidou bị bêu riếu là « cái mụn cóc xấu xí », « con quái vật gớm ghiếc », « một sai lầm thế kỷ », thì kim tự tháp Louvre lại bị coi là một tác phẩm chỉ đạt điểm 0 về kiến trúc, thô kệch, từ hình dáng đến chất liệu thiết kế đều phá vỡ cảnh quan, phong cách kiến trúc cổ điển vốn có và làm hỏng cái hồn của điện Louvre, thậm chí kim tự tháp Louvre còn bị gọi là « ngôi nhà của người chết » …
Bộ trưởng Văn Hóa Pháp thời đó, ông Jack Lang, sau này trong cuốn sách « Những trận chiến về Grand Louvre » (2010) về lịch sử dự án mở rộng bảo tàng Louvre - đã nói rằng ông « rất ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội, kịch liệt của những người phản đối » kế hoạch xây kim tự tháp kính. Thậm chí, kim tự tháp Louvre còn bị phản đối dữ dội hơn nhiều so với dự án xây trung tâm văn hoá Pompidou dưới thời tổng thống Pháp Georges Pompidou trước đó.
Còn đối với kiến trúc sư Ieoh Ming Pei, thời điểm khó khăn nhất với ông là tháng 01/1984, khi ông phải trình dự án trước Ủy ban cao cấp phụ trách các công trình lịch sử của Pháp, trong tiếng phản đối la ó, thậm chí cả sự kỳ thị nhắm vào gốc gác Trung Quốc của ông. Ieoh Ming Pei hồi tưởng : « Đó là một phiên họp kinh khủng ! », thậm chí ông còn không thể nào giới thiệu được bản thiết kế như đã định. Khi Ủy ban bỏ phiếu, thiết kế của Ieoh Ming Pei chỉ được thông qua với số phiếu sít sao.
Ngay ngày hôm sau, bản phác họa kim tự tháp Louvre được giới thiệu trên trang nhất nhật báo France-Soir, nhà văn Jean Dutourd, viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp có bài xã luận với tiêu đề « Nước Pháp khốn khổ ». « Trận chiến kim tự tháp » chính thức bắt đầu… Nhiều khiếu nại, kiến nghị, thư ngỏ phản đối kim tự tháp Louvre được gửi đi tới tấp. 7 hiệp hội bảo tồn di sản Pháp đã gửi thư phản đối tới bộ trưởng Văn hóa Jack Lang.
Nhiều tờ báo như Le Figaro, Le Quotidien de Paris … và nhiều chính trị gia, nghệ sĩ cũng lên tiếng phản đối dự án của kiến trúc sư Ming Pei. Thậm chí, vào năm 1984, ca sĩ nổi tiếng Yves Montand của Pháp đã thu âm một ca khúc bông lơn về dự án của Ming Pei. Bài hát « Lettre anonyme à monsieur du musée du Louvre »(Bức thư vô danh gửi ông quản đốc bảo tàng Louvre) mở đầu bằng câu « Có những điều quái đản đang xảy ra ở bảo tàng Louvre … »
Tuy nhiên, theo các thăm dò ý kiến người dân, phần thắng lại nghiêng về Ming Pei, tổng thống Mitterrand cũng rất kiên định trong việc cho triển khai dự án. Thêm vào đó, bộ trưởng Văn Hóa Jack Lang đã khôn khéo tránh để thị trưởng Paris Jacques Chirac phật ý mà phản đối kế hoạch xây kim tự tháp. Vì thế, dự án vẫn được tiếp tục. Sau này, ông Jacques Chirac đắc cử kỳ bầu cử tổng thống Pháp 1995, trở thành người kế nhiệm tổng thống François Mitterrand. Nhân 10 năm kỷ niệm ngày khánh thành kim tự tháp điện Louvre, Jack Lang tiết lộ ông đã thuyết phục thị trưởng Chirac như thế nào :
« Khi mọi người đều biết về dự án xây kim tự tháp, tôi đã tự nhủ :« Phải tránh việc ông Chirac nhảy dựng lên như một con bò tót nhìn thấy chiếc khăn màu đỏ và phải cố gắng né tránh để ông ấy không gây trở ngại. Và tôi đã cố gắng huy động bạn bè, những người được ông ấy đánh giá cao. Chẳng hạn, Jean Prouvé, chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi thiết kế Trung tâm văn hóa Pompidou, phu nhân cố tổng thống tiền nhiệm Georges Pompidou, và vài người khác nữa, để họ nói với ông Chirac rằng « Thưa thị trưởng, ông đừng quyết định quá nhanh, hãy đón tiếp và trao đổi với kiến trúc sư Pei, hãy xem bản mẫu maket rồi từ từ quyết định ».
Ngoài kim tự tháp chính, còn có 3 kim tự tháp nhỏ và 1 kim tự tháp treo ngược nằm dưới lòng trung tâm thương mại Carrousel de Louvre.RFI/Thuy Duong
Thủy tinh kim cương - Thách thức kỹ thuật
Công cuộc xây dựng kim tự tháp kính của Ioeh ming Pei là một cuộc chạy đua với thời gian, trên một công trường khổng lồ, với nhiều thách thức về kỹ thuật. Thủy tinh làm kính phải là loại « thủy tinh kim cương » trong suốt gần như tuyệt đối và không mầu để kim tự tháp không ngả màu xanh dưới ánh mặt trời và dù đứng từ sân nhìn xuống hay đứng từ dưới nhìn lên thì lớp kính đều phải phản chiếu đúng màu vàng óng như mật của các bức tường điện Louvre. Thêm vào đó, phải là kính hai lớp đủ dày nhưng nhẹ và có độ bền, đảm bảo an toàn lâu dài, mặt kính cũng phải được mài phẳng đến tuyệt đối.
Bộ khung kim tự tháp làm bằng 95 tấn thép và 105 tấn nhôm phải thanh mảnh, nhẹ nhàng, nhưng đủ chắc chắn để gánh đỡ 95 tấn kính. Nhiều lời đồn đại cho rằng có tổng cộng 666 miếng kính, và con số 666 là con số của quỷ Satan, nhưng thực ra kim tự tháp được ghép từ 673 tấm kính hai lớp (603 miếng kính hình thoi và 70 miếng kính hình tam giác).
Mặc dù người ta hay gọi là kim tự tháp điện Louvre, nhưng thực ra có tổng cộng 5 kim tự tháp, ngoài kim tự tháp chính, còn có 3 kim tự tháp nhỏ cao 4.92m nằm ở ba phía bao lấy kim tự tháp lớn và một kim tự tháp nhỏ treo ngược, có chóp nằm dưới lòng trung tâm thương mại Carrousel de Louvre. Tất cả đều bằng « kính kim cương ».
Với loại cát trắng mịn chỉ có trong rừng Fontainebleau ở ngoại ô phía nam Paris, với công nghệ sản xuất ít thấy, những lò nung thủy tinh đặc biệt, kiến trúc sư Ming Pei và hãng sản xuất kính Saint-Gobain hàng đầu của Pháp đã hợp tác tạo ra một loại kính đặc biệt, hoàn hảo và chưa từng xuất hiện trên trị trường.
Trong những năm 1990, loại « kính kim cương » cao cấp dùng để xây kim tự tháp Louvre đã trở thành loại kính hạng nhất được các cửa hiệu thời trang, kim hoàn xa hoa săn lùng để làm cửa kính trưng bày hàng. Bên cạnh kim tự tháp là 7 bồn nước để phản chiếu bầu trời và bóng hình những tòa kim tự tháp trong suốt, tăng thêm vẻ lung linh, huyền ảo cho điện Louvre, nhất là khi màn đêm buông xuống.
Kim tự tháp trong suốt, không màu, phản chiếu đúng màu vàng óng như mật của các bức tường điện Louvre.RFI/Thuy Duong
« Viên kim cương hoàn hảo » của điện Louvre và thành phố Paris
Kim tự tháp điện Louvre được khánh thành năm 1989 và gây tiếng vang lớn, tạo một bước ngoặt cho lịch sử bảo tàng Louvre. Vào năm 1999, nhân kỷ niệm 10 năm khánh thành kim tự tháp Louvre, kiến trúc sư Ming Pei, có mặt trước công trình nổi tiếng của mình, đã tự hào phát biểu : « Hôm nay là một ngày rất trọng đại đối với tôi. Tôi vô cùng hạnh phúc khi thấy kim tự tháp đã trở thành một nơi sống động ».
10 năm sau khi ra đời, kim tự tháp vẫn nhận được những nhận xét trái chiều từ các du khách, có người thích thú, tán dương, có người chê bai : « Đâu phải là không hợp lý. Nó không hề làm ảnh hưởng tới vẻ đẹp của công trình xung quanh. Kim tự tháp trong suốt mà » ; « Theo tôi, kim tự tháp bị đặt nhầm chỗ, nó không hợp với các tòa nhà quanh đây » , « Bảo tàng Louvre thì không thể thiếu kim tự tháp được », « Mọi người cần làm quen với nó, tôi cũng sẽ quen thôi ».
Sau 20 năm, kim tự tháp đã góp phần đưa số du khách tới thăm Louvre tăng gần gấp 3 lần, từ 3 triệu lượt khách/năm lên thành 8,5 triệu lượt khách/năm. Giờ đây, sau gần 30 năm tồn tại, kim tự tháp bằng kính tại sân điện Louvre vẫn được coi là một trong những biểu tượng không thể thiếu của Paris, bên cạnh tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris … Viên kim cương đó là một minh chứng cho thấy sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và phong cách cổ điển không phải là điều không thể tồn tại giữa lòng Paris.
Sự giao hòa giữa kiến trúc hiện đại và phong cách cổ điển.RFI/Đức Tâm
Cùng chủ đề
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Conciergerie : Chứng nhân lịch sử hàng đầu của kinh thành Paris
Conciergerie, một tòa nhà tọa lạc trên đảo Ile de la Cité, giữa lòng Paris, với tòa tháp đôi sừng sững bên … -
Phiêu du trong hương vị ẩm thực Pháp - Goût de France
Rượu vang, gan béo, ốc sên, hàu, pho mát, bánh xèo (crêpe), xúc xích Toulouse, choucroute Alsace (cải bắp … -
Paris hậu Đệ Nhị Thế Chiến : Cách mạng nhà ở và tiện nghi sinh hoạt
Trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến, tỉ lệ sinh nở gia tăng mạnh trong nhiều năm, việc phá hủy các khu nhà cũ nát, lượng người nhập cư và … -
Paris phong cách Haussmann : Dấu ấn thời hoàng đế Napoléon III
Paris mang dáng dấp hiện đại như ngày nay, với những đại lộ trải dài, rộng thênh thang, những công trình kiến trúc hoành … -
"Chợ Tầu" quận 13 Paris: Từ vùng công nghiệp thành khu ẩm thực châu Á
“Chợ Tầu” quận 13 Paris, cái tên không có gì lạ lẫm với nhiều người Việt sống tại Pháp, đặc biệt là ở Paris … -
Nàng Marianne, biểu tượng của dân tộc Pháp
Cùng với lá cờ ba màu xanh - trắng - đỏ, khẩu hiệu « Tự do - Bình đẳng - Bác ái », hài hát La Marseillaise …
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
http://vi.rfi.fr/phap/20180330-kim-tu-thap-bao-tang-louvre-%E2%80%9Cvien-kim-cuong%E2%80%9D-trong-long-paris
Geen opmerkingen:
Een reactie posten