vrijdag 2 maart 2018

Báo Pháp : Biển Đông : Nguy cơ xung đột bùng nổ do Bắc Kinh gia tăng bành trướng

Biển Đông : Nguy cơ xung đột bùng nổ do Bắc Kinh gia tăng bành trướng

mediaẢnh ông Tập Cận Bình cạnh Mao Trạch Đông trên đường phố Thượng Hải, ngày 26/02/2018.REUTERS/Aly Song
Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý về nguy cơ Trung Quốc mở rộng bành trướng lãnh thổ, trước hết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau việc đảng Cộng Sản Trung Quốc sửa đối Hiến pháp, cho phép ông Tập Cận Bình lãnh đạo trọn đời.
Le Figaro ghi nhận trước hết phản ứng lo ngại trên các mạng xã hội tại Trung Quốc, sau khi ông Tập Cận Bình có triển vọng sẽ cầm quyền suốt đời. Các bình luận chỉ trích nở rộng đến mức chính quyền Trung Quốc ra lệnh ngăn chặn hàng loạt diễn đạt như « vua tự phong », « tôi không đồng ý » hay tôi sẽ « di cư »… Tuy nhiên, điều mà tờ báo tập trung lưu ý công chúng là, với khả năng quyền lực nằm trọn trong tay ông Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh rất có thể sẽ lựa chọn chiến lược cứng rắn, tăng cường ảnh hưởng trước tiên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, buộc Hoa Kỳ phải lùi bước.
Theo chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondationpour la recherche stratégique), để thống trị thế giới, Trung Quốc trước hết sẽ tìm cách thống trị châu Á. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Thì Ân Hoằng - Shi Yinhong (Đại Học Nhân Dân Bắc Kinh) nhấn mạnh là quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng cạnh tranh với Mỹ về quân sự, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, chinh phục không gian và công nghệ tin học.
Tại Biển Đông, xung đột quân sự có thể sẽ bùng phát, tiếp theo một loạt đụng độ nhỏ, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, cho dù Trung Quốc và Hoa Kỳ không có lợi gì nếu chiến tranh xảy ra. Theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc một trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Washington, chính quyền Tập Cận Bình sẽ « đẩy mạnh hơn nữa » các tham vọng tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, với Việt Nam, Philippines hoặc Malaysia, cũng như gây sức ép mạnh hơn với Đài Loan, mà Trung Quốc khẳng định sẵn sàng « thống nhất » bằng vũ lực.
Mục tiêu cụ thể của Trung Quốc, theo ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu, là « thay đổi tương quan lực lượng về quân sự » với liên minh Nhật-Mỹ, để có thể đi đến chỗ giải quyết các xung đột chủ quyền trên thế thượng phong.
Tuần qua, Hoàn Cầu Thời Báo – tờ báo chính thức của chính quyền Trung Quốc – kêu gọi hãy Bắc Kinh nắm lấy cơ hội tổng thống Mỹ đang còn « hờn dỗi » với các định chế quốc tế, để gia tăng nỗ lực nhằm bảo đảm là « dự án vĩ đại » của Trung Quốc là « không thể nào cản nổi ». Một số chuyên gia cũng dự báo « hoàng đế đỏ » sẽ tỏ ra càng cứng rắn hơn nữa trên trường quốc tế, nếu « hoạt động kinh tế chững lại ».
Tranh cử Indonesia : Tổng thống Jokowi rất được lòng dân
Về chính trị châu Á, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Indonesia vào năm 2019. Cho dù một năm nữa diễn ra bầu cử, nhưng cuộc đấu được coi là đã bắt đầu giữa hai ứng cử viên tiềm năng chủ chốt, trong đó có tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, biệt danh « Jokowi ». Đối thủ của Jokowi là lãnh đạo đảng đối lập Gerindra (đảng Phong Trào vì Nước Indonesia Vĩ Đại), có chủ trương tăng mạnh ngân sách cho quốc phòng, người thất cử trong cuộc đấu 2014.
Theo thăm dò dư luận, nếu bầu cử diễn ra ngày mai, tổng thống Joko Widodo sẽ nhận được 64% phiếu bầu, so với 27% của đối thủ. Cho dù tỉ lệ tăng trưởng của Indonesia hiện tại chỉ là 5%, không được ở mức 7% như hứa hẹn, nhưng ông Jokowi vẫn được lòng dân một phần do chính sách phát triển mạnh cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh y tế.
Bên cạnh đó, tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này có triển vọng sẽ còn tăng mạnh từ đây đến hết nhiệm kỳ của Jokowi, do hơn 225 « dự án hạ tầng ưu tiên » sắp được khởi động. Thứ hạng của Indonesia cũng được cải thiện đáng kể trong bảng xếp loại « Doing Business » của Ngân Hàng Thế Giới.
Chiến thắng của Putin và sự yếu kém của Nhà nước pháp quyền Nga
Cũng về bầu cử, nhưng tại Nga, với dự báo phần thắng chắc chắn nằm trong tay tổng thống Putin, bởi không có đối thủ tầm cỡ nào. Tuy nhiên, Le Monde gắn liền khả năng thắng lợi áp đảo của tổng thống Nga trong cuộc bầu cử 18/3 tới với sự « vắng mặt của Nhà nước pháp quyền ». Tờ báo ghi nhận là đằng sau chiến thắng được dự báo trước của ông Putin là « sự bất lực của Nhà nước Nga, không có khả năng tự hiện đại hóa, và trở thành một bộ máy hiệu quả ».
Le Monde thừa nhận tại nước Nga, có nhiều nỗ lực xây dựng một xã hội hiện đại, nhưng riêng về mặt Nhà nước pháp quyền, nước Nga thời Putin chứng kiến sự trở lại của nhiều « cách vận hành cổ lỗ » trong chính trị. Cụ thể như Hạ Viện Nga bị tổng thống Putin biến thành con rối, nơi chủ yếu để phê chuẩn các sắc lệnh của chính phủ, với trung bình 1.000 sắc lệnh/một năm so với con số 32 ở Mỹ.
Kể từ năm 2003, chính quyền Putin liên tục tiến hành các cải cách hành chính, với việc các bộ nhập vào rồi lại tách ra, trong nội bộ bộ máy, diễn ra nhiều cuộc chiến khốc liệt, cùng với việc chính phủ cho lập ra thêm nhiều hệ thống chỉ đạo song hành. Tuy nhiên, cho dù rất nhiều biến động như vậy, bộ máy hành chính Nga vẫn hoạt động rất kém hiệu quả, nhiều dự án cơ sở hạ tầng phải đội giá rất cao, trong bối cảnh đất nước nhìn chung là vẫn nghèo. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, nước Nga được xếp hạng trong nhóm một phần tư nền dân chủ yếu kém nhất thế giới.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180301-bien-dong-nguy-co-xung-dot-bung-no-do-bac-kinh-gia-tang-banh-truong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten