vrijdag 2 maart 2018

Pháp : Nạn kim cương giả : Hơn 700 đơn kiện + Ðức : Cấm xe chạy diesel

Brexit : « Thời khắc của sự thật »
Vẫn về thời sự chính trị quốc tế, đàm phán giữa Liên Âu và Anh Quốc về Brexit đang bước vào giai đoạn căng thẳng là tâm điểm chú ý của La Croix, với hàng tựa trang nhất « Brexit : Thời khắc của sự thật ».
Hôm qua, người phụ trách thương thuyết châu Âu, chính trị gia Pháp Michel Barnier, công bố dự thảo « thỏa thuận » cho thấy quyết tâm của Bruxelles đặt ra « nhiều lằn ranh đỏ » với Luân Đôn. Hai trong số các lằn ranh đỏ, để giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối 2020 có thể thành hiện thực, thứ nhất là kiều dân châu Âu được đi lại tự do, giống như với những người tới Anh trước Brexit, và thứ hai là tôn trọng các quy tắc chung được Tòa Án Công Lý của Liên Hiệp Châu Âu bảo trợ.
Bản dự thảo được đưa ra hai ngày trước khi thủ tướng Anh có bài diễn văn được trông đợi về quan hệ tương lai với Liên Âu.
Theo La Croix, điểm nghịch lý của « dự thảo thỏa thuận » này là vạch ra « những vấn đề gây bất đồng nhất », đặc biệt là về biên giới giữa Ai Len - Bắc Ailen. Theo dự thảo của Liên Âu, nếu không có giải pháp nào khác, thì « tỉnh Bắc Ai Len » của nước Anh sẽ vẫn nằm trong thị trường chung và liên minh thuế quan châu Âu, bởi Ai Len là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, hàng hóa vẫn sẽ được vận chuyển tự do giữa Ai Len và vùng Bắc Ai Len (thuộc Vương Quốc Anh) như trong nội bộ Liên Âu.
Về Brexit, Le Figaro có hai bài : « Rexit : Barnier dồn May vào chân tường » và « Nguy cơ Liên Âu ‘‘sáp nhập’’ Bắc Ai Len ». Les Echos thừa nhận đây là vấn đề dễ khiến xung đột giữa Anh và Liên Âu « bùng nổ » nhất, thủ tướng Anh ngay lập tức đã phản đối một giải pháp đe dọa « tính toàn vẹn lãnh thổ theo Hiến pháp Anh », cho dù đại diện châu Âu trấn an đây không phải là mục tiêu của Bruxelles.
Thỏa thuận về Brexit phải hoàn tất vào mùa thu năm nay, để chuẩn bị cho việc ly di giữa Liên Âu và Anh, chính thức có hiệu lực từ 29/03/2019.
Pháp tăng trưởng cao nhất từ 2011
Trở lại Pháp, theo thống kế của INSEE hôm qua, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 2%. Đây là mức tăng trưởng 2% đầu tiên kể từ năm 2011. Theo Le Figaro, so với mức tăng trưởng 1,1%/năm của năm 2016, thời tổng thống Hollande, tốc độ tăng trưởng của nước Pháp năm đầu tiên thời Emmanuel Macron đã tăng gần gấp đôi. Nếu không có các cú sốc đặc biệt từ bên ngoài, tăng trưởng trong năm 2018 dự kiến sẽ giữ cùng tốc độ. Le Figaro giải thích tỉ lệ tăng trưởng 2017 chủ yếu là do đầu tư cho doanh nghiệp tăng vọt, mức tăng trưởng cao này cũng do bối cảnh kinh tế thế giới nhìn chung là thuận lợi.
Le Figaro ghi nhận « điểm tối duy nhất đáng kể » trong bức tranh sáng sủa này là tiêu thụ của các hộ gia đình có phần sụt giảm, do việc mua sắm hàng hóa nói chung, nhưng đặc biệt do khí hậu ấm lên vào mùa thu năm ngoái, khiến việc tiêu thụ năng lượng để sưởi ấm giảm mạnh.
Nạn kim cương giả : Hơn 700 đơn kiện
Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Monde chú ý đến nạn lừa đảo bán kim cương giả trên mạng « không thể tin được » tại Pháp. Theo phóng sự điều tra của Le Monde, hiện tại đã có khoảng 700 người đâm đơn kiện. Nhiều khổ chủ đã bị lừa toàn bộ tiết kiệm của cả đời làm việc. Điều tra được mở ra từ năm 2016 xác định có từ ba đến bốn băng nhóm đứng đằng sau vụ lừa đảo quy mô này. Le Monde thuật lại câu chuyện về một cặp vợ chồng Pháp – làm việc trong nghề xây dựng - bị lừa hai lần, tổng cộng 450.000 euro. Trong vụ mắc bẫy thứ hai, kẻ lừa đảo thậm chí bao tiền cho hai vợ chồng nạn nhân đến thăm cơ sở kinh doanh tại ngoại ô Tel-Aviv, trực tiếp tiếp xúc với các thợ thủ công kim hoàn, để gây lòng tin.
Theo một thẩm phán, tư pháp sẽ còn nhận thêm nhiều đơn kiện mới. Có thể hàng nghìn người đã rơi vào tròng. Le Monde cảnh báo công chúng là các băng nhóm lừa đảo kim cương giả vẫn đang còn hoạt động.
Nông nghiệp Pháp khủng hoảng, nhưng học sinh nghề nông lại đắt hàng
Nông nghiệp tiếp tục là tâm điểm thời sự của các báo Pháp. Le Figaro có xã luận mang tựa đề « Nghi ngờ trong giới làm nông », với tựa lớn trang nhất : « Hố ngăn cách gia tăng giữa chính quyền với nông thôn ». Tờ báo thiên hữu chỉ trích hàng loạt chính sách của chính phủ gây thêm khó khăn cho các vùng nông thôn, như hạn chế tốc độ xe hơi ở 80km/giờ, đóng cửa nhiều trường học ở nông thôn, hay tăng giá xăng dầu… Trong khi đó Libération chú ý đến cuộc chiến giành cử tri giữa lãnh đạo cánh hữu Laurent Wauquier và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen.
Cho dù nông nghiệp Pháp đang trải qua nhiều khủng hoảng, Le Figaro ghi nhận điểm sáng trong đào tạo nghề tại các trường trung học nông nghiệp, với tỉ lệ hơn 90% học sinh sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm, thậm chí được tuyển mộ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là điều rất ít được công chúng rộng rãi biết đến.
Lý do là vì hơn 210.000 học sinh, sinh viên học nghề nông tại Pháp nhìn chung được đào tạo rất tốt, phù hợp với đòi hỏi của thị trường, việc thực tập rất được chú trọng, ngay khi ra trường họ đã có thể làm việc ngay. Mặt trái của nghề nông là thu nhập thường thấp hơn mức trung bình, nhưng đổi lại là nhà nông được sống trong một môi trường trong lành hơn nhiều so với các thành phố (không kể đến các hậu quả liên quan đến hóa chất độc hại trong nông nghiệp - người viết).
Bắc Cực ngang nhiệt độ nước Pháp
Về môi trường, trong lúc nước Pháp chìm trong giá lạnh với đợt gió buốt từ Nga tràn sang, Le Figaro lưu ý đến điều ngược đời là « khí hậu ấm lên đáng kể tại Bắc Cực », với nhiệt độ nhiều nơi ở mức 0°C, tức cao hơn 30 độ so với nhiệt độ trung bình vào thời điểm này của năm.
Cụ thể là, nhiệt độ tại thủ phủ của xứ Greenland (vùng đất tự trị thuộc Đan Mạch) lên đến mức dương, tức hơn 0°C. Theo Le Figaro, hiện tượng nhiệt độ Bắc Cực đang nóng lên có thể sẽ tiếp tục gây ra các đợt lạnh bất thường tại các vùng phía nam, cụ thể như châu Âu, trong tương lai, như đợt giá rét hiện nay tại Pháp.
Cấm Diesel : Chiến thắng của hiệp hội môi trường Đức
Cũng trong lĩnh vực môi trường, Le Monde dành hai bài để giới thiệu về thắng lợi ban đầu của cuộc chiến chống diesel tại Đức. Hôm qua, 27/02, một tòa án cấp bang nước Đức đã ra phán quyết buộc các thành phố phải cấm xe cũ chạy diesel, để hạ mức ô nhiễm không khí. Phán quyết nói trên liên quan đến hàng loạt thành phố lớn của Đức.
Le Monde cũng giới thiệu về hiệp hội môi trường Đức DUH (Deutsche Umwelthilfe), tổ chức đứng đằng sau chiến dịch vận động pháp lý thành công mang tính biểu tượng lớn này. Đức vốn được coi cái nôi của nền công nghiệp xe hơi diesel.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180301-bien-dong-nguy-co-xung-dot-bung-no-do-bac-kinh-gia-tang-banh-truong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten