maandag 29 mei 2017

Tình ca Nhật Bản tại hải ngoại sau 1975

Tình ca Nhật Bản tại hải ngoại sau 1975

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-04-28
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Nghệ sĩ Nhật Bản Oguri Kumiko biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam, đàn T'rung trong Lễ hội Nhật Bản tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 11 năm 2013.
Nghệ sĩ Nhật Bản Oguri Kumiko biểu diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam, đàn T'rung trong Lễ hội Nhật Bản tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 11 năm 2013.
AFP photo

Sau năm 1975, tại hải ngoại có nhiều bài tình ca Nhật Bản được chuyển sang Việt Ngữ, và từ đây lại truyền về trong nước.
Nhạc ngoại lời Việt sau 75
Giai đoạn 1975 đến 1980 ở hải ngoại là giai đoạn mà nhạc sĩ Nam Lộc, hiện sống tại California, cho là một giai đoạn khủng hoảng của âm nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ từ miền Nam di tản ra nước ngoài không còn có tin thần để sáng tác nữa, nhất là nhạc tình ca:
Hầu như không có một bản tình ca nào mà chỉ có nhạc về quê hương. Rồi cuộc đời cũng phải đi tới, bắt đầu có những nhu cầu, không phải lúc nào cũng là nước mắt, mà bắt đầu có những nụ cười, có tình yêu, mà lúc đó chưa có tình ca. Đối với ca sĩ thì họ có nhu cầu trình diễn, phải có những bản tình ca để họ hát, hát những bài cũ trước 75 thì không nói làm gì nhưng phải có những sáng tác mới. Theo tôi đó là lý do người ta bắt đầu soạn lời nhạc, dịch lời nhạc từ những bài hát tiếng ngoại quốc.”
Song song với sự quen thuộc của nền âm nhạc phương Tây tại miền Nam Việt Nam, nhạc Nhật Bản bắt đầu được người Việt hải ngoại dịch hoặc viết lời Việt. Trong số nhiều bài hát đó phải kể đến bài Ribaibaru của nhạc sĩ, ca sĩ Mayumi Itsuwa, được cố ca sĩ Ngọc Lan trình bày rất thành công, qua tựa đề Trời còn mưa mãi:
Trời còn làm mưa mãi
Cho nhớ thương dâng đầy vơi
Cuộc tình mình ngày qua ngỡ tan như bọt mưa
Nào ngờ đâu ta vẫn mang những vấn vương bâng khuâng ngày tháng
Hỡi những cánh chim về đâu cho ta nhắn tới ai nỗi niềm
Bản thân tựa đề bài hát này lại là một từ tiếng Anh được Nhật hóa, Revival, làm sống lại, nói về một cuộc chia tay với những kỷ niệm cũ.
Từ trước năm 75 đã có một trào lưu nhạc ngoại lời Việt, do đó họ chuyển dịch rất tốt, về âm nhạc cũng như lời lẽ rất đẹp.
- Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Từ hải ngoại các bản nhạc Nhật lời Việt được truyền vào trong nước, được thính giả nồng nhiệt đón nhận, qua ca từ của các dịch giả người Việt hải ngoại cũng như giai điệu mà người ta cảm thấy rất quen thuộc.
Trong cùng thời gian đó, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, hiện sống ở Sài Gòn, thì trong nước vẫn có những người tiếp cận được với những bản tình ca Nhật Bản và dịch ra lời Việt, nhưng điều kiện để họ làm việc đó không thuận lợi như ở hải ngoại:
“Người Việt hải ngoại có một truyền thống, từ trước năm 75 đã có một trào lưu nhạc ngoại lời Việt. Do đó họ chuyển dịch rất tốt, về âm nhạc cũng như lời lẽ rất đẹp. Ở trong nước không phải không làm được, nhưng rõ ràng việc biến đổi âm nhạc như vậy với sự kiểm duyệt ngôn ngữ, đôi khi dẫn tới sự trùng lập ngôn ngữ và nó mang giá trị na ná giống nhau để chạy theo thương mại. Cũng có những ca khúc trong nước dịch khá tốt, nhưng phải nói rằng tác động của âm nhạc Nhật lời Việt của người Việt hải ngoại đặc biệt là ở Mỹ là một xu hướng không chối cãi được.”
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhưng năm 1980 cũng là những năm mà người Việt ở hải ngoại tiếp cận được với nhiều kỹ thuật âm nhạc mới mà trong nước không có được.
Những bản tình ca buồn

000_Del6266993-400.jpg
Ca sĩ Hồng Hạnh biểu diễn trong Lễ hội Nhật Bản tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 17 tháng 11 năm 2013. AFP photo

Cả hai nhạc sĩ Nam Lộc và Tuấn Khanh đều cho rằng chính những nét tương đồng của âm nhạc và văn hóa Việt Nam và Nhật Bản là một điều kiện làm cho có nhiều bản tình ca Nhật được chuyển sang tiếng Việt như vậy:
“Âm hưởng nhạc Nhật và Việt giống nhau lắm. Trước 75 đã có những bài nhạc Việt dịch sang tiếng Nhật. Những bài như Diễm Xưa, Nắng Chiều, căn nhà xinh, đi dự những cuộc thi bên Nhật Bản. Người Nhật rất thích những bài như Không, cũng dịch ra tiếng Nhật. Người Nhật thích âm hưởng nhạc Việt Nam, bởi vậy theo tôi người Việt thích âm nhạc Nhật cũng không có gì lạ, vì hai nền văn hóa và âm nhạc có sự tương đồng.”
“Có thể trong âm nhạc của người Nhật và Việt có những tương đồng ở những khúc đoạn rất rõ ràng, cũng như những cao trào và điệp khúc với sự tương đồng về ngôn ngữ rất gần gũi nhau. Thành ra khi có không ít bài hát Nhật dịch ra tiếng Việt mình cứ tưởng đó là nhạc Việt. Có một điều tôi đã thảo luận với nhạc sĩ Phạm Duy khi ông còn sinh thời là âm nhạc Việt Nam và Nhật trong một thời gian dài được sáng tác theo thể loại đơn âm. Tức là một bài hát được hát lên, không cần nhạc đệm cũng được, giống như một bài ngâm nga, chẳng hạn như nhạc của Trịnh Công Sơn. Người ta có thể sử dụng giàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử, thậm chí có thể sử dụng một guitar. Không cần thiết phải diễn đạt như thế nào cho đúng. Bởi vì bản thân bài hát đã có đủ giai điệu và tinh thần của nó.”
Có thể trong âm nhạc của người Nhật và Việt có những tương đồng ở những khúc đoạn rất rõ ràng, cũng như những cao trào và điệp khúc với sự tương đồng về ngôn ngữ rất gần gũi nhau.
- Nhạc sĩ Nam Lộc
Cũng có nhiều người cho rằng một điều giống nhau giữa những bài hát Nhật Việt nữa là âm hưởng man mác buồn của chúng. Có người giải thích là do hai xứ sở đều trải qua những khoảng thời gian chiến tranh. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng đó là một suy nghĩ đáng chú ý, nhưng ông lưu ý là âm hưởng man mác buồn bao giờ cũng là một đặc trưng của những bản tình ca Việt Nam.
Nhạc sĩ Nam Lộc đồng ý rằng sự buồn bã trong âm nhạc Việt có thể do chiến tranh, nhưng các quốc gia Á châu đồng văn hóa khác thì không hẳn như vậy:
“Theo tôi thì điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng bên Đại Hàn, bên Nhật Bản thì họ trải qua những thời gian tương đối thanh bình hơn Việt Nam mình, cho nên âm hưởng của họ tươi sáng hơn nếu so với sự buồn bã của âm nhạc Việt Nam.”
Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với bà Mayumi Itsuwa, tác giả và là ca sĩ của nhiều bài hát Nhật được dịch sang tiếng Việt, bà trả lời rằng chiến tranh không phải là lý do duy nhất để người ta thích những bài hát buồn, vì cuộc đời cũng đủ những nỗi buồn cho họ.
Một trong những bài hát của bà Itsuwa được nhiều nước châu Á dịch ra là bài Kobito Yo, kể câu chuyện chia tay của một cặp tình nhân. Trong một buổi chiều mưa, cạnh chiếc băng ghế gãy của công viên, cô gái mong chờ người tình quay trở lại mà cười với nhau rằng chia tay chỉ là chuyện đùa.
Bài này được dịch ra lời Việt tại hải ngoại là Hận tình trong mưa, được thích giả trong nước đón nhận với những giai điệu rất buồn, qua giọng hát cũng rất buồn của ca sĩ Ngọc Lan.
Người tình đi xa tít mãi nơi chân trời.
Trời thì u tối, mùa đông đang đi tới ngày dài quá dài.
Mưa đã rơi mù khơi, mưa tơi bời,
Từng giọt mưa trên mái ngói nghe như lời, của tôi khóc cho tôi.

Công chúng Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi, một bản dịch của bài hát này với từ ngữ ít buồn bã hơn, giai điệu mạnh mẽ hơn, được ca sĩ Mỹ Tâm trình bày với một công chúng sinh ra và lớn lên sau chiến tranh:
Người yêu ơi hãy đến với em đêm này
Đừng để em theo cơn gió cuốn mãi cuộc đời bềnh bồng
Cho mắt khô khi Thu sầu gọi thương nhớ
Tìm đâu thấy ước mơ chân tình, để em giữ trong lòng.
Tựa đề bài hát lần này là Người yêu dấu ơi, được bà Itsuwa cho rằng đã được Mỹ Tâm trình bày rất thành công với phong cách của cô, vào năm ngoái 2016, tại Hạ Long, trong lần đầu tiên người ca sĩ Nhật Bản này đến Việt Nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten