donderdag 11 mei 2017

Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In+chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên + sẵn sàng thăm Bắc Triều Tiên

Hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mục tiêu chung của Tập Cận Bình và Moon Jae In

mediaTổng thống Hàn Quốc Moon Jae In điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại dinh tổng thống Nhà Xanh, Seoul, ngày 11/05/2017Blue House/Yonhap via REUTERS
Tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm nay 11/05/2017 đã có cuộc điện đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc khẳng định với báo chí là hai nhà lãnh đạo đặt mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.
Cuộc điện đàm của tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong những tháng qua do Hàn Quốc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ.
Tổng thống Moon Jae In - vốn là người khá dè dặt trong việc triển khai lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc - đã nói với Tập Cận Bình là ông « ý thức » được những lo ngại của Trung Quốc và đề nghị có thêm thảo luận song phương để có thể hiểu thêm về hồ sơ trên.
AFP trích lời phát ngôn viên của tân tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc điện đàm 40 phút, tân tổng thống Moon Jae In cũng đề xuất cử đoàn đại biểu tới Bắc Kinh để thảo luận về lá chắn tên lửa THAAD và hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Còn chủ tịch Tập Cận Bình đã chính thức mời đồng nhiệm Hàn Quốc sang thăm Bắc Kinh.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170511-phi-hat-nhan-hoa-bac-trieu-tien-muc-tieu-chung-cua-tap-can-binh-va-moon-jae-in

Moon Jae In, vận hội mới trong quan hệ liên Triều ?

mediaTổng thống tân cử Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu sau kết quả bỏ phiếu, Seoul, ngày 9/05/2017.Seo Myeong-gon /Yonhap via REUTERS
Trong 5 năm tới đây kể từ thứ Tư 10/05/2017, Hàn Quốc do một vị tổng thống cánh tả có chủ trương mềm dẻo và cởi mở với chế độ Bình Nhưỡng, lãnh đạo. Liệu thay đổi chính trị này, lật qua trang sử « cứng rắn » của bà Park Geun Hye, sẽ giúp tình hình bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng, cho dù gây bất bình trong nội bộ Hàn Quốc và đồng minh Hoa Kỳ ?
Trong lễ nhậm chức, tân tổng thống Moon Jae In (Văn Tại Dần) tuyên bố ông là đại diện của mọi người dân Hàn Quốc chứ không phải chỉ riêng cho 41% cử tri ủng hộ ông. Nhắc lại cam kết trong suốt mùa tranh cử, tân tổng thống Hàn Quốc cho biết sẵn sàng đi ra miền bắc để đối thọai với chính quyền Kim Jong Un nếu « hội đủ các điều kiện ».
Như vậy, kể từ hôm nay, Hàn Quốc đi theo một đường lối ôn hòa với Bắc Triều Tiên, khác với chính sách cứng rắn của nữ tổng thống bị truất phế Park Geun Hye, mà cũng là chủ trương của tổng thống Mỹ Donald Trump. Cũng khác với người tiền nhiệm Barack Obama, tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ « đơn phương xử lý kể cả bằng vũ lực mối đe dọa của Bắc Triều Tiên ». Theo lập luận của chế độ Bình Nhưỡng, vì lo sợ bị Mỹ tấn công, nên phải chế tạo bom hạt nhân để tự vệ.
Đường lên miền bắc gian nan
Ngoài sự kiện lật qua trang sử nhiệm kỳ tai tiếng của người tiền nhiệm, quá trình hoạt động của tân tổng thống Moon Jae In cho phép đông đảo dân chúng tin tưởng là ông là người của tình thế. Sinh năm 1953, cha mẹ là người miền bắc tị nạn chiến tranh, luật sư nhân quyền Moon Jae In dành một thời tuổi trẻ tranh đấu chống độc tài Park Chung Hee, thân phụ của nữ tổng thống mới bị truất phế. Ông cũng là người thân cận của cố tổng thống Roh Moo Hyun, tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Il - Roh Moo Hyun vào đầu tháng 10 năm 2007, tiếp nối chính sách « Vầng Thái Dương » của cố tổng thống Kim Dae Jung trong thập niên 1990. Theo giới phân tích, các vị tổng thống cánh tả ở Hàn Quốc bắt chước mô hình « Ostpolitik » (chính sách hướng Đông) của thủ tướng Tây Đức Willy Brandt trong quan hệ với Đông Đức, trong thập niên 1970.
Một trong những quyết định đầu tiên của tân tổng thống ngay sau khi nhậm chức là bổ nhiệm ông Suh Hoon làm giám đốc cơ quan tình báo. Sĩ quan tình báo gạo cội, từng tham gia vào kế hoạch tổ chức hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, tuyên bố với báo chí là « còn quá sớm để nói đến thượng đỉnh lần ba nhưng đó là chuyện cần thiết ».
Hàn Quốc cũng cần đồng minh Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Moon Jae In cho rằng đã đến lúc Seoul phải có tiếng nói độc lập trong chính sách an ninh chung liên quan đến tồn vong của quốc gia. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo là tân tổng thống sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, theo chuyên gia Robert Kelly, đại học Busan, khác với tình hình 20 năm về trước, Bắc Triều Tiên ngày nay đã có bom hạt nhân và tên lửa.
Thứ hai, chủ trương hòa giải với Bình Nhưỡng là đi ngược xu hướng chung tại Hoa Kỳ, vẫn xem Bắc Triều Tiên là mối nguy hiểm thực thụ, đe dọa an ninh thế giới và sinh mạng của 28.000 quân Mỹ ở Hàn Quốc. Các đơn vị này vừa bảo vệ Hàn Quốc, nhưng cũng vừa là một trụ cột trong chiến lược toàn cầu của Washington.
Hệ thống lá chắn chống tên lửa tầm trung cao THAAD đã được bố trí xong trước ngày bầu cử, đặt tân tổng thống Moon Jae In trước sự đã rồi.
Cuối cùng là nội bộ Hàn Quốc. Xem mọi nhượng bộ với Bắc Triều Tiên là nguy hiểm, các đối thủ của tân tổng thống tố cáo ông là « cảm tình viên » của cộng sản, cho dù ông sinh ở miền nam.
Cẩn trọng và để giải tỏa mọi ngộ nhận, vài giờ trước lễ tuyên thệ, ông Moon Jae In gặp các dân biểu bảo thủ của đảng Tự Do Hàn Quốc, những người lên án ông « giao nộp » đất nước cho Bắc Triều Tiên một khi lên nắm quyền.
Hư hư thực thực
Tuy nhiên, theo AFP, chính sách « Vầng Thái Dương » có thể phục vụ chiến lược của Mỹ. Vào lúc mọi kết quả thăm dò ý kiến cho thấy ứng cử viên cánh tả chiến thắng, ngày 01/05 vừa qua, tổng thống Donald Trump, với tâm cơ khó lường, đột nhiên tuyên bố « sẵn sàng tiếp Kim Jong Un ». Chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong Chang, viện Sejong lý giải : Washington và Seoul phối hợp đòn cương nhu đối phó với Bình Nhưỡng.
Ông Trump là cây gậy, ông Moon là củ cà rốt, để đòi Bình Nhưỡng tuân thủ nghị quyết Liên Hiệp Quốc, bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, một nhà ngoại giao ở Seoul cũng nói thế.
Vấn đề là liệu Kim Jong Un có thích ăn cà rốt hay không ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170510-moon-jae-in-van-hoi-moi-trong-quan-he-lien-trieu

Tân tổng thống Hàn Quốc sẵn sàng thăm Bắc Triều Tiên

mediaTân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc họp báo tại phủ tổng thống, Seoul, ngày 10/05/2017REUTERS
Tân tổng thống cấp tiến Hàn Quốc Moon Jae In của đảng Dân Chủ vừa tuyên thệ hôm nay 10/05/2017, trong bài diễn văn nhậm chức đã cho biết sẵn sàng đến Bình Nhưỡng để đối thoại. Thái độ cởi mở với Bắc Triều Tiên cho thấy việc ông Moon lên nắm quyền là một bước ngoặt ngoại giao trong khu vực.
Từ Séoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias cho biết thêm chi tiết :
« Không phải chờ đợi lâu : vừa mới đắc cử, ông Moon Jae In đã tuyên bố sẵn sàng gặp gỡ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nếu hoàn cảnh cho phép. Ông cũng nói sẽ bay sang Washington, Bắc Kinh và Tokyo nếu cần.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae In đã nhắc đi nhắc lại là ông muốn tái lập đối thoại với Bình Nhưỡng, cũng như các dự án hợp tác kinh tế chung đã trở thành con số không sau 10 năm phe bảo thủ cầm quyền tại Séoul.
Về điểm này, ông Moon có thể xung đột với Hoa Kỳ, vốn đòi hỏi tăng cường chính sách trừng phạt. Vấn đề gai góc là việc bố trí hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ tại Hàn Quốc cũng có thể gây căng thẳng.
Nhưng dù sao đi nữa Moon Jea In vẫn có thể tìm được một điểm chung với Donald Trump : tổng thống Mỹ mới đây tuyên bố sẽ « hân hạnh » gặp Kim Jong Un « nếu các điều kiện được hội đủ ». Tân tổng thống Hàn Quốc đã trả lời rằng ông hoan nghênh « cách tiếp cận thực dụng này » để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân ».
Tổng thống tân cử đã bổ nhiệm Lee Nak Yon, nguyên là nhà báo và cựu dân biểu vào chức vụ thủ tướng. Tân giám đốc cơ quan tình báo là Suh Hoon, người từng đóng vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị hai cuộc họp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007. Theo hãng tin Yonhap, ông Moon Jae In sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay.
Về đối nội, ông Moon phải đối mặt với nhiều thách thức, mà trước hết là hậu quả của xì-căng-đan tham nhũng đã khiến người tiền nhiệm là nữ tổng thống bảo thủ Park Geun Hye bị truất phế. Vụ này đã đưa ra ánh sáng quan hệ mờ ám giữa chính quyền và các đại tập đoàn đang thống trị nền kinh tế thứ tư châu Á. Trong bài diễn văn hôm nay, ông Moon Jae In có nhắc đến chủ đề này và hứa hẹn một xã hội « bình đẳng về cơ hội ». Ông cũng hứa : « Tôi lên cầm quyền với bàn tay trắng, và tôi cũng sẽ ra đi với đôi bàn tay trắng ».

Moon Jae In : Từ đấu tranh vì dân chủ đến tổng thống Hàn Quốc
Ứng cử viên trung tả, Đảng Dân Chủ, Moon Jae In đã đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 09/05/2017, với 41,4% phiếu. Chiến thắng của cựu luật sư nhân quyền, người chủ trương đối thoại với Bình Nhưỡng, đã chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của đảng bảo thủ.
Cuộc đời của tổng thống tân cử Hàn Quốc gắn liền với biến động của lịch sử đất nước. Ông Moon Jae In sinh năm 1953, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, nhưng không có hòa bình bởi đó là điểm khởi đầu đất nước bị chia cắt hai miền Nam – Bắc.
Ông là con cả trong một gia đình có 5 người con, từ miền Bắc chạy vào Nam lánh nạn chiến tranh từ năm 1950. Cả gia đình cuối cùng đến định cư tại Busan, thành phố cảng lớn ở phía đông nam đất nước. Sống trong một gia đình nghèo, cũng bị chịu những nỗi đau ly tán như bao gia đình Triều Tiên khác, ông Moon luôn mơ ước một ngày bán đảo Triều Tiên được thống nhất.
Sự nghiệp của ông Moon cũng đã qua những bước thăng trầm. Từng là luật sư bảo vệ nhân quyền, rồi trở thành nhà đấu tranh vì dân chủ.
Năm 1972, bước chân vào trường Đại học Kyung Hee, Seoul, được 3 năm, Moon Jae In đã bị bắt và bị đuổi khỏi trường vì tổ chức sinh viên biểu tình chống chế độ độc tài Park Chung Hee, cha của cựu tổng thống Park Geun Hye vừa bị phế truất.
Được tự do, ông lại lao vào đấu tranh chống lại vụ đảo chính Chun Doo Hwan năm 1979 để rồi một lần nữa lại bị ngồi tù năm 1980.
Hai năm sau đó, ông thi đỗ làm luật sư và mở văn phòng luật tại Busan, chuyên về nhân quyền và luật dân sự. Ông chỉ thực sự bước chân vào con đường chính trị từ năm 2003, khi được bổ nhiệm làm chánh văn phòng cho cựu tổng thống Roh Moo Hyun. Năm năm sau, phe bảo thủ lên nắm quyền với tổng thống Lee Muyng Bak. Moon Jae In chỉ trở lại chính trường vào năm 2012 với nhiệm kỳ dân biểu.
Cuối năm 2016, vụ « bê bối Choi Soon Sil » thao túng quyền lực tổng thống bung ra, đảng đối lập của ông đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi phế truất tổng thống Park Geun Hye. Sự phẫn nộ của dân chúng với chính quyền bảo thủ đã đưa Moon Jae In lên lãnh đạo đất nước.
Mong ước của người dân muốn thay đổi toàn bộ diện mạo chính trị, kinh tế và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã được trao cho ông Moon Jae In, một người vẫn được mô tả là thực dụng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170510-tan-tong-thong-han-quoc-san-sang-tham-bac-trieu-tien

Geen opmerkingen:

Een reactie posten