Vì sao Nhật Bản gần như loại bỏ tội phạm sử dụng súng?
- 8 tháng 1 2017
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ tội phạm liên quan đến súng thấp nhất thế giới. Năm 2014, số người thiệt mạng vì súng ở Nhật chỉ là sáu người, con số đó ở Mỹ là 33,599. Đâu là bí mật?
Nếu bạn muốn mua súng ở Nhật, bạn cần kiên nhẫn và quyết tâm. Bạn phải tham gia khóa học cả ngày về súng, làm bài kiểm tra viết và vượt qua kì thi bắn súng với ít nhất 95% tổng điểm. Bạn cũng phải kiểm tra tâm lý và kiểm tra các chất gây nghiện. Hồ sơ tội phạm của bạn được điều tra và cảnh sát tìm kiếm các mối liên hệ giữa bạn với các nhóm cực đoan. Cảnh sát cũng sẽ tìm hiểu về những người họ hàng của bạn - thậm chí là cả đồng nghiệp. Và cùng với quyền từ chối cấp phép sử dụng súng, cảnh sát cũng có quyền tìm kiếm và thu giữ vũ khí.
Đó chưa phải là tất cả. Súng ngắn bị cấm hoàn toàn. Chỉ có súng săn và súng hơi được phép sử dụng.
Luật cũng hạn chế số lượng các cửa hàng bán súng. Ở hầu hết các tỉnh của Nhật, không thể có hơn ba cửa hàng mỗi tỉnh và bạn chỉ có thể mua được đạn mới sau khi trả lại các vỏ đạn đã sử dụng từ lần mua trước.
Cảnh sát phải được thông báo về nơi để súng và đạn dược - và chúng phải được để ở nơi riêng biệt, có khóa và chìa khóa. Cảnh sát cũng kiểm tra súng một năm một lần. Và sau ba năm, giấy phép của bạn hết hạn, bạn lại phải tham gia khóa học và lại phải vượt qua các cuộc kiểm tra.
Điều này giải thích tại sao các vụ nổ súng hàng loạt rất hiếm ở Nhật. Khi giết người hàng loạt xẩy ra, kẻ sát nhân thường sử dụng dao.
Luật quản lý súng hiện nay được ra đời năm 1958, nhưng ý tưởng của chính sách này được khởi nguồn từ hàng thế kỉ trước.
"Kể từ khi súng xuất hiện trong nước, Nhật Bản luôn có những luật quản lý nghiêm ngặt". Ông Iain Overton, giám đốc điều hành của tổ chức "Hành động vì bạo lực vũ trang" (Action on Armed Violence) và là tác giả của cuốn sách Gun Baby Gun, cho biết.
"Nhật là quốc gia đầu tiên thi hành các luật quản lý súng và tôi nghĩ đây là cơ sở để nói rằng súng không có vai trò gì trong xã hội dân sự"
Từ năm 1685, mọi người được trả thưởng khi từ bỏ vũ khí nóng. Chính sách này được Overton miêu tả "có lẽ là khởi đầu cho ý tưởng mua lại súng".
Kết quả của một cuộc khảo sát vào năm 2007 cho thấy có một tỉ lệ rất thấp những người sở hữu súng - 0.6 súng trên 100, so với 6.2 ở Anh và xứ Wales và 88.8 ở Mỹ.
"Khi bạn có súng, bạn sẽ dễ phạm tội nhưng tôi nghĩ đó là về số lượng," theo Overton, "Nếu có ít người sở hữu súng, chắc chắn tỉ lệ bạo lực sẽ thấp"
Cảnh sát Nhật hiếm khi sử dụng súng và họ coi trọng võ thuật. Tất cả cảnh sát đều được hi vọng đạt được đai đen môn võ judo. Họ dành nhiều thời gian tập luyện kendo (chiến đấu bằng kiếm tre) hơn là cách sử dụng vũ khí nóng.
"Đối phó với bạo lực là không sử dụng bạo lực. Phải luôn có sự tiết chế. Trong năm 2015, trên toàn quốc, cảnh sát Nhật chỉ phải nổ súng 6 lần'' nhà báo Anthony Berteaux nói. "Những gì cảnh sát Nhật làm là sử dụng những tấm đệm lớn để cuốn những đối tượng đang gây sự hoặc say rượu thành một cái bánh cuộn nhỏ và mang họ về đồn cảnh sát để giữ họ bình tĩnh trở lại."
Overton nói điều này trái ngược với mô hình ở Mỹ, sự "quân sự hóa cảnh sát".
"Nếu quá nhiều cảnh sát rút súng để đối phó với tội phạm sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang thu nhỏ giữ cảnh sát và tội phạm" ông nói.
Với mục đích nhấn mạnh điều bị cấm trong các cách sử dụng vũ khí không phù hợp, một sĩ quan tự sát bằng súng đã bị kết án hình sự sau khi chết. Ông ta thực hiện việc tự sát trong khi đang làm việc. Cảnh sát không bao giờ được mang vũ khí khi không làm nhiệm vụ. Họ phải để lại súng tại cơ quan sau khi kết thúc ca.
Cách cảnh sát cẩn trọng với vũ khí nóng được phản ánh rõ trong các lực lượng tự vệ.
Nhà báo Jake Adelstein có lần tham gia một buổi tập bắn súng. Khi kết thúc buổi tập, các vỏ đạn được thu thập lại và mọi người rất lo lắng khi không tìm thấy một trong số chúng.
"Một vỏ đạn đã biến mất- một viên đạn đã bị dùng sai mục đích- và không ai được phép rời khỏi vị trí trước khi vỏ đạn được tìm thấy". Ông nói.
Không có sự phản đối nào với các quy định về việc chỉ được dùng súng để giải trí, Bertaux cho biết. "Việc này được bắt nguồn từ tình cảm của những người theo chủ nghĩa hòa bình rằng chiến tranh quá kinh khủng và chúng ta không thể để điều đó xảy ra lần nữa".
"Mọi người cho rằng hòa bình luôn luôn tồn tại và khi bạn có nền văn hóa như vậy, bạn thật sự không cảm thấy cần phải trang bị hay sở hữu bất cứ vật dụng gì có thể phá vỡ sự hòa bình đó".
Trên thực tế, việc mở rộng vai trò của lực lượng tự vệ Nhật Bản trong các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài đã gây ra lo lắng ở nhiều khu vực.
Theo Ian Overton, "sự phản đối đến mức gần như cấm đoán" việc sử dụng súng ở Nhật Bản nghĩa là nước này đang gần trở thành một nơi hoàn hảo. Tuy vậy ông chỉ ra rằng Iceland cũng đạt được một tỉ lệ rất thấp tội phạm liên quan đến súng, mặc dù tỉ lệ sở hữu súng cao.
Henrietta Moore của Viện toàn cầu thịnh vượng (Institute for Global Prosperity) tại University College London hoan nghênh Nhật Bản không coi quyền sở hữu súng là "một quyền tự do dân sự", và từ chối ý tưởng rằng vũ khí nóng là "một cái gì đó bạn sử dụng để chống lại người khác để bảo vệ tài sản của bạn".
Nhưng đối với xã hội đen Nhật Bản, luật kiểm soát súng chặt chẽ là một vấn đề. Tội phạm Yakuza sử dụng súng đã giảm mạnh trong 15 năm qua, nhưng những tên tiếp tục sử dụng vũ khí nóng đang tìm cách khéo léo buôn lậu chúng.
"Bọn tội phạm đóng gói các khẩu súng bên trong cá ngừ để nó trông giống như một con cá ngừ đông lạnh", sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu Tahei Ogawa nói. "Nhưng chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp súng được giấu trong cá."
- Vũ khí 'sát thủ' của người có nét mặt trẻ thơ
- Đại sứ Nga bị giết: Moscow gửi điều tra viên tới Thổ Nhĩ Kỳ
http://www.bbc.com/vietnamese/world-38546334
Geen opmerkingen:
Een reactie posten