dinsdag 12 april 2016

Triều Tiên có một mạng lưới hơn 100 nhà hàng Bình Nhưỡng ở nước ngoài để đem về ngoại tệ mạnh cho chính quyền Bình Nhưỡng + Hàn kêu gọi tẩy chay nhà hàng Triều Tiên khắp thế giới

Thứ ba, 12/4/2016 | 11:02 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ ba, 12/4/2016 | 11:02 GMT+7

Thế giới nhà hàng triệu đô của Triều Tiên ở nước ngoài

Triều Tiên có một mạng lưới nhà hàng ở nước ngoài để đem về ngoại tệ mạnh cho chính quyền Bình Nhưỡng.
the-gioi-nha-hang-trieu-do-cua-trieu-tien-o-nuoc-ngoai
Nhà hàng Triều Tiên có tên Arirang ở Trung Quốc. Ảnh: Anna Fifield/The Washington Post
Hôm 8/4, chính quyền Hàn Quốc nói rằng 13 người Triều Tiên đã đào tẩu sang nước này, Washington Post đưa tin. Mặc dù những vụ việc như vậy không phải hiếm, tính chất của cuộc đào tẩu lần này có phần khác, khi tất cả những người này đều là nhân viên một nhà hàng Triều Tiên ở nước ngoài.
Jeong Joon-hee, người phát ngôn Bộ thống nhất Hàn Quốc, cho biết các nhân viên nhà hàng, gồm một nam và 12 nữ, đã tới Hàn Quốc. "Đây là lần đầu tiên một nhóm người Triều Tiên thuộc một nhà hàng cùng nhau tới Hàn Quốc", ông Jeong cho biết.
Vụ việc khiến dư luận chú ý tới một khía cạnh khá khác thường trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên, đó là hoạt động kinh doanh nhà hàng ở nước ngoài. Dù những nhà hàng này có thể đóng vai trò quảng bá Triều Tiên ra thế giới, mục đích quan trọng nhất vẫn là cung cấp ngoại tệ mạnh cho quốc gia bị cô lập về tài chính này.
Có khoảng hơn 100 nhà hàng Triều Tiên khắp thế giới, hầu hết mang thương hiệu chuỗi nhà hàng Bình Nhưỡng (ngoài ra Okryugwan, một nhà hàng nổi tiếng tại Bình Nhưỡng, cũng có chi nhánh ở nước ngoài).
Ban đầu, những nhà hàng này chỉ có tại Trung Quốc, nhưng sau đó mở rộng ra hầu hết khu vực Đông Nam Á trong những năm 1990. Ngày nay, mạng lưới nhà hàng Triều Tiên vươn xa đến những nơi ít ai ngờ tới. Tại Dubai cũng có một nhà hàng Bình Nhưỡng, và thậm chí cả tại Amsterdam cũng từng có một cơ sở, trước khi phải đổi tên và đóng cửa.
Ở góc độ ẩm thực, những nhà hàng này phục vụ một số món đặc trưng của Triều Tiên, như món mì lạnh nổi tiếng, hay còn gọi là naengmyeon trong tiếng Triều Tiên. Các món kimchi của người Triều Tiên cay hơn đáng kể so với các món tương tự ở Hàn Quốc. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là nhiều nhà hàng bán thịt chó. Rượu Triều Tiên cũng được phục vụ, nhưng cũng giống như đồ ăn, mức giá thường cao.
Giải trí cũng là một phần quan trọng không kém các món ăn. Tại các nhà hàng này, nữ nhân viên phục vụ trong trang phục Triều Tiên truyền thống cũng có thể vào vai các nghệ sĩ. Họ biểu diễn nhạc cụ và hát các bài hát Triều Tiên. Những ca khúc này có thể mang màu sắc tuyên truyền, nhưng thực khách thường đơn giản xem đó như một tiết mục giải trí.
Nhìn chung, các thực khách đều hài lòng, cho dù điểm chính khiến họ bị thu hút là sự mới mẻ, thay vì các món ăn. Có một điều đáng chú ý là khách hàng thường được yêu cầu không chụp ảnh, còn nhân viên phục vụ sẽ tránh nói chuyện cởi mở với khách.
Một nữ thực khách từng đến nhà hàng Bình Nhưỡng tại Phnom Penh có chia sẻ trên trang web du lịch Tripadvisor: "Khách tới đây phải chấp nhận ngồi chung với những người hút thuốc, và còn có cả người trông coi và giám sát".
Kiếm tiền
Triều Tiên mở rộng mạng lưới nhà hàng ở nước ngoài từ những năm 1990, khi quốc gia này mất đi sự hỗ trợ từ Liên Xô, và hứng chịu nạn đói khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Bị các lệnh trừng phạt bao vây, chính quyền Triều Tiên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn ngoại tệ mạnh để thanh toán các chuyến hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó, quyết định mở rộng kinh doanh nhà hàng được đưa ra.
Phóng viên người Thụy Điển Bertil Lintner từng viết rằng hoạt động kinh doanh nhà hàng Triêu Tiên là một phần của "Phòng 39", văn phòng đặc biệt đảng Lao động Triều Tiên lập ra để tạo doanh thu. Điều này phần nào có thể lý giải vì sao giá của nhà hàng khá cao.
Năm 2007, một người trốn khỏi Triều Tiên nói với trang web DailyNK rằng các nhà hàng ở Trung Quốc có thể đem về tới 30.000 USD. Một ước tính mới đây hơn của tờ Chosun Daily tại Hàn Quốc thì khẳng định doanh thu từ những nhà hàng như vậy có thể đạt 300.000 USD. Một ước tính khác cho rằng mỗi năm các nhà hàng với 50.000 lao động mang lại 10 triệu USD cho Triều Tiên.
"Những nhà hàng này kiếm thêm tiền cho chính quyền Bình Nhưỡng, đồng thời họ cũng bị nghi là rửa tiền cho các hoạt động thương mại bí mật của Triều Tiên", Lintner trả lời tờ Slate năm 2010. "Các nhà hàng và hoạt động kinh doanh liên quan nhiều đến tiền mặt của họ thường được dùng như nơi trung chuyển tiền mặt, bởi nếu không, các ngân hàng sẽ không chịu nhận tiền gửi".
Với mục đích đó, một số người cho rằng không nên ăn uống tại đây. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã khuyên cư dân nước mình tránh tới những nhà hàng Bình Nhưỡng. Dù vậy, cũng cần biết rằng không phải mọi nhà hàng Triều Tiên đều có liên quan trực tiếp đến chính phủ. Tại bắc Virginia, Mỹ, từng có một nhà hàng do người Triều Tiên đào tẩu mở ra và kinh doanh trong nhiều năm.
Nhân viên
Nhân viên các nhà hàng nằm trong số hàng chục nghìn người Triều Tiên được đưa ra nước ngoài để kiếm tiền cho chính phủ. So với các công việc ở nước ngoài khác như khai mỏ hay khai thác lâm sản, làm việc trong nhà hàng có vẻ là công việc tốt và có thu nhập cao hơn.
Những người được chọn làm nhân viên phục vụ nhà hàng không những phải trẻ, có ngoại hình và nói được ngoại ngữ, họ còn phải có năng khiếu âm nhạc. Bài viết trên trang DailyNK nói rằng họ thường xuất thân từ gia đình có vai vế tại Triều Tiên. Tinh thần yêu nước là yếu tố then chốt.
Các nhân viên được cử tới các nhà hàng sẽ phải làm việc theo hợp đồng kéo dài nhiều năm. Họ ít giao lưu với thế giới bên ngoài, làm việc nhiều giờ mỗi ngày và không được ra khỏi tầm giám sát của người trông coi. Theo Washington Post, họ chỉ được ra ngoài vào một số ngày nhất định và thường đi theo nhóm để trông chừng lẫn nhau.
Những năm gần đây có một số vụ đào tẩu khỏi các nhà hàng Triều Tiên, nhưng hầu hết chỉ mang tính bột phát. Việc các nhân viên một nhà hàng đồng loạt đào tẩu rất hiếm thấy, và có lẽ đòi hỏi sự bàn bạc, phối hợp kỹ càng.
Theo chính phủ Hàn Quốc, những người vừa đào tẩu quyết định trốn đi sau khi xem các chương trình truyền hình Hàn Quốc, và nhận thấy cuộc sống ở đó có vẻ tốt hơn.
Có một số dấu hiệu cho thấy các nhà hàng Triều Tiên đang gặp khó khăn. Đài RFA dẫn các nguồn tin Triều Tiên tại Trung Quốc cho biết nhiều nhà hàng vắng khách do lượng khách Hàn sụt giảm và căng thẳng giữa Triều Tiên và Trung Quốc đang gia tăng. Một vài nhà hàng tại Trung Quốc phải đóng cửa, nhân viên một số cơ sở không được nhận lương.
Hoàng Nguyên
21
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/the-gioi-nha-hang-trieu-do-cua-trieu-tien-o-nuoc-ngoai-3385341.html

Thứ tư, 17/2/2016 | 20:41 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 17/2/2016 | 20:41 GMT+7

Hàn kêu gọi tẩy chay nhà hàng Triều Tiên khắp thế giới

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khuyến cáo công dân nước này không đến các nhà hàng của Triều Tiên ở các nước, một động thái trả đũa mới với vụ phóng tên lửa.
han-keu-goi-ty-chay-nha-hang-trieu-tien-khap-the-gioi
Một ca sĩ tặng hoa cho khách trong nhà hàng Triều Tiên ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AP
Thông báo được Hàn Quốc đưa ra hôm nay cũng cho rằng việc người dân đến các nhà hàng của Triều Tiên không phải là hành vi phạm pháp, theo AP.
Giới quan sát nhận định hành động này mang tính biểu tượng, cho thấy quan điểm cứng rắn hơn của Seoul từ khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa hôm 7/2.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm qua cáo buộc các hành động của Triều Tiên cho thấy nước này không muốn có hòa bình, cảnh báo sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên. Washington cũng kêu gọi các nước cần có các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính nghiêm khắc hơn với Bình Nhưỡng.
Mỹ và Hàn Quốc cho rằng vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên thực tế là để thử nghiệm tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết cấm sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Seoul hôm 10/2 tuyên bố dừng hoạt động ở Khu công nghiệp Kaesong, một biểu tượng cho hợp tác giữa hai miền suốt hơn 10 năm qua.
Ước tính Triều Tiên có khoảng 130 nhà hàng ở các nước, gồm 100 cửa hàng ở Trung Quốc, còn lại là ở Nga, Đông Nam Á và Nam Á, theo một quan chức tình báo Hàn Quốc giấu tên. Hệ thống này được cho là mang lại cho Bình Nhưỡng khoảng 100 triệu USD mỗi năm.
Khánh Lynh
21
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/han-keu-goi-tay-chay-nha-hang-trieu-tien-khap-the-gioi-3356650.html?utm_source=detail&utm_medium=box_recommend&utm_campaign=boxtracking

Thứ tư, 24/2/2016 | 10:04 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ tư, 24/2/2016 | 10:04 GMT+7

Nhà hàng Triều Tiên đìu hiu vì thấm trừng phạt của Hàn Quốc

Sau 19h30, những người phục vụ ở nhà hàng Triều Tiên lớn nhất Trung Quốc đổi vai thành ca sĩ, mặc những bộ váy lụa màu cam và tím, hát nhạc trữ tình.
nha-hang-trieu-tien-diu-hiu-vi-tham-trung-phat-cua-han-quoc
Một buổi biểu diễn trong nhà hàng Triều Tiên Okryugwan ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 18/2. Ảnh: AP
Có những buổi tối, nhà hàng đông nghịt khách, rượu soju liên tục được rót thêm, vài khách say xỉn và hát theo. Họ là khách du lịch Hàn Quốc nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng màn biểu diễn của các nghệ sĩ Triều Tiên, theo AP.
Nhưng không phải tối nay.
Ở một góc phía đông bắc của Bắc Kinh, nhà hàng Okryugwan đang cảm nhận được những ảnh hưởng tưởng chừng như xa xôi của cuộc đối đầu mới nhất trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ khi Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân hồi tháng 1 và phóng tên lửa hồi đầu tháng này, Seoul đã chỉ đạo các công dân Hàn Quốc không được lui tới các nhà hàng của chính phủ Triều Tiên, nơi thu hút một lượng ổn định các khách du lịch Hàn Quốc tò mò và những đồng ngoại tệ quý giá.
Nữ phục vụ người Triều Tiên, Han Anh Min, rót trà cho một trong số ít những bàn có khách trong phòng ăn rộng lớn có sức chứa hàng trăm người.
"Có rất nhiều khách du lịch Hàn Quốc ghé thăm quán chúng tôi nhưng giờ việc kinh doanh chẳng còn được thuận lợi nữa", Han Anh Min nói. Cả một phòng ăn rộng lớn với sức chứa hàng trăm người tối nay chỉ lác đác vài bàn có khách.
"Thời tiết cũng xấu. Và hiện còn thêm những yếu tố khác nữa", Han nói bằng tiếng Trung trôi chảy.
Đó là những gì mà Han, một cô gái 24 tuổi hoạt ngôn luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi của khách sẽ nói khi bàn luận về tình hình chính trị với Hàn Quốc. Nhưng gần như không có câu hỏi nào về việc chính quyền Seoul nhắm tới những nhà hàng được Triều Tiên điều hành ở những quốc gia châu Á khác, chủ yếu ở Trung Quốc. Okryugwan là chi nhánh của một nhà hàng nổi tiếng bên bờ sông Taedong ở trung tâm Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
Giới tình báo Hàn Quốc ước tính, Triều Tiên có khoảng 130 nhà hàng ở nước ngoài, thu về hơn 100 triệu USD mỗi năm, gần bằng giá trị 45.000 lao động Triều Tiên làm ra năm ngoái tại khu công nghiệp Kaesong gần biên giới hai nước.
Hàn Quốc cho rằng doanh nghiệp Triều Tiên tại nước ngoài đã đem về những đồng ngoại tệ quan trọng cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Chính quyền Seoul gần đây đã đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, đồng thời kêu gọi gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng.
Chiến dịch của Seoul nhằm siết chặt kinh doanh của nhà hàng Triều Tiên dường như cũng hiệu quả. Một cuộc khảo sát của nhà hàng Okryugwan gần đây cho thấy, hai trong số năm bàn có khách là người Hàn Quốc đều được chính phủ cảnh báo. Bàn còn lại của khách Trung Quốc và Triều Tiên.
Mặc dù ít khách nhưng nghệ sĩ vẫn hát phục vụ khán giả. Họ ca những bài tiếng Hàn Quốc và Trung Quốc, khoe tài cùng nhạc cụ như accordion, guitar và saxophone.
nha-hang-trieu-tien-diu-hiu-vi-tham-trung-phat-cua-han-quoc-1
Buổi biểu diễn tối 18/2 ở nhà hàng Triều Tiên Ariang tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP
Những tiếng vỗ tay yếu ớt vang lên, người hát giọng nữ cao kết thúc chương trình biểu diễn và được một nhân viên khác tặng hoa. Nhà hàng cho biết các quán Triều Tiên khác trong thủ đô cũng không khá hơn là bao. Chi nhánh tại Bangkok và Phnom Penh cũng tương đối vắng vẻ.
Buổi diễn ở Bangkok kéo dài nửa tiếng, gồm những tiết mục đặc sắc và thay đổi trang phục nhanh như chớp, từ hanbok truyền thống đến các trang phục lấp lánh ngắn theo phong cách của các nhóm nhạc nữ K-pop. Phía sau họ là phông nền chạy hình ảnh hoa, cảnh quan, thảo nguyên và một con sông đầy cá chết.
Những người biểu diễn chơi guitar, saxophone và tam thập lục réo rắt trầm bổng. Chào khán giả rồi quay lưng rời sân khấu, nụ cười của họ lập tức biến mất.
Nổi tiếng phục chu đáo và đồ ăn ngon miệng, các nhà hàng Triều Tiên từ lâu là điểm dừng chân phổ biến của khách du lịch Hàn Quốc tò mò. Họ muốn tìm hiểu tình hình về người láng giềng bị cô lập thông qua đối thoại với nhân viên phục vụ được đào tạo kĩ lưỡng, những người luôn khéo léo né tránh những câu hỏi nhạy cảm.
Một nhân viên được đào tạo tốt như Han, người học kinh tế và bắt buộc phải trở về Triều Tiên sau ba đến bốn năm, đánh giá cao sự tin dùng của người dân địa phương khi họ tích cực mua các sản phẩm Triều Tiên như bia Daedong Giang bia  (6 USD một chai), thuốc lá Daedong Giang (5 USD một gói), và sách tem  (100 USD).
Thực đơn không nhiều món và không hề rẻ, 20 USD một đĩa sushi, 10 USD món thịt chó hầm và thịt bò nướng đắt đỏ tính tiền theo trọng lượng.
"Người Trung Quốc nghĩ gì về Triều Tiên?" Han hỏi một câu thường lệ khi ánh đèn sáng lên. Sau khi khán giả trả lời, Han hô vang: "Tình hữu nghị Triều Tiên - Trung Quốc!" và giới thiệu những bộ sưu tập tem in hình người sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành và cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
nha-hang-trieu-tien-diu-hiu-vi-tham-trung-phat-cua-han-quoc-2
Những món đặc sản Triều Tiên trong nhà hàng Ariang ở Bangkok. Ảnh: AP
Lee Seung Hyun, 25 tuổi, kinh doanh đồ nội thất ở Bắc Kinh, ngồi ở một chiếc bàn phía sau, cùng một người bạn đang dành một tuần đi du lịch ở Trung Quốc. Bất chấp lời cảnh báo của chính phủ, người bạn này quyết ghé thăm nhà hàng vì ông bà của Lee đã rời khỏi Triều Tiên trước khi hai miền chia cắt.
"Chúng tôi đã nghe cảnh báo nhưng anh ấy rất tò mò", Lee nói khi bạn của cô lôi điện thoại ra, trong đó có một loạt tin nhắn cảnh báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tới công dân đi du lịch ở Trung Quốc.
Mặc dù đã tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị, những vị khách này cho biết họ sẵn sàng ra về sau khi các nữ phục vụ, những người ban đầu nói chuyện khá cởi mở về công việc kinh doanh chậm và đồng ý cùng chụp ảnh cùng, lại trở nên lạnh lùng vì hai người từ chối mua bia và thuốc lá.
Cuối cùng, chỉ còn lại một bàn khách người Hàn Quốc.
Rít một hơi thuốc bên ngoài nhà hàng, trợ lý tại Bắc Kinh của một đài truyền hình Hàn Quốc tâm sự đó là bàn của đoàn quay phim chương trình ở Trung Quốc, tất cả ý thức rằng họ không nên tới đây. Anh nhăn nhó khi biết đang nói chuyện với một phóng viên của AP nhưng vẫn tiếp tục. Cuối cùng, anh khẩn khoản hãy quên cuộc đối thoại này đi.
"Thôi nào, hãy cho đồng nghiệp một ân huệ đi", anh nói khi quay trở lại nhà hàng vắng khách. "Chúng tôi không được phép tới đây".
Duyên Nguyễn
31
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè

Geen opmerkingen:

Een reactie posten