maandag 11 april 2016

Thực phẩm độc hại tràn lan ở Việt Nam + Hóa chất độc hại: Thủ phạm chính gây ung thư

Thực phẩm độc hại tràn lan ở Việt Nam
Wednesday, February 06, 2013 3:42:09 PM

Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) -
Bộ Y Tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Khoa Học và Công Nghệ, có trách nhiệm “giữ mâm cơm” cho người dân, nhưng các loại thực phẩm độc hại ngâm tẩm hóa chất gây ung vẫn thư tràn làn khắp nơi tại Việt Nam.
Thịt “lợn sề” tẩm hóa chất một lúc sau biến thành “thịt bò cao cấp.” (Hình: Ðất Việt)

Thậm chí, những thứ thịt giả, trái cây giả, cá giả cũng phổ biến ở Việt Nam. Sức khỏe người dân tại Việt Nam không được nhà cầm quyền các cấp từ trung ương tới địa phương để mắt tới, như lời một bà đại biểu Quốc Hội CSVN than thở.
Gần đến Tết Quý Tỵ, báo Ðất Việt ngày Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013 có một bản tin tường thuật mứt trái cây giả làm bằng nhựa bán ở chợ trong quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Ðồng thời, một phóng sự bằng hình ảnh của báo này biểu diễn nhúng miếng thịt “lợn sề” vào một thứ “phụ gia” bằng một thứ hóa chất gọi là “hoa hiên” không ai biết là gì. Một lúc sau, thịt lợn sề rẻ tiền biến thành “thịt bò cao cấp” mà giá cả khác nhau một trời một vực.
Phóng sự hình ảnh này chứng minh cái thứ “phụ gia” độc hại kia từng bị tố cáo lường gạt người tiêu thụ thực phẩm ở Trung Quốc hồi giữa năm ngoái, nay đang có mặt ở Việt Nam. Những cửa hàng bán thịt hay các tiệm ăn có thể mua chúng dễ dàng ở cửa hàng bán phụ gia tại chợ Bắc Qua, phía sau chợ Ðồng Xuân, Hà Nội.
Ðầu năm ngoái, dư luận người tiêu thụ ở Việt Nam đã bàng hoàng khi tin tức trên một số báo cho biết thịt heo nạc “siêu trọng” trông vô cùng hấp dẫn mua ở chợ có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi gia súc đã nuôi chúng với những loại thuốc kích thích độc hại.
Theo báo Ðất Việt, một ít bột phụ gia “hoa hiên” hòa với nước rồi nhúng miếng thịt “lợn sề” một lúc thì “ngay cả các thớ thịt cũng ngấm đều phẩm màu, khiến miếng thịt lợn đã biến hóa thành thịt bò. Nhiều khách hàng, nếu không để ý kỹ thì cũng không thể nào phân biệt nổi.”
Nguồn tin này nói “những quán ăn (đặc biệt là quán cơm sinh viên) hay các nhà hàng, những người bán thịt lợi dụng công nghệ này để lừa bán cho người tiêu dùng và thu lợi nhuận. Còn người tiêu dùng, nếu không tỉnh táo cũng rất dễ mắc phải cái bẫy này.”
Ðể chứng minh rất khó phân biệt thịt bò thật thịt bò giả phóng viên báo Dân Việt “đã đem miếng thịt được tẩm ướp đi hỏi 6 người. Ðiều bất ngờ là tất cả đều nói: đây là thịt bò, thậm chí thịt bò ngon, và... mua ở đâu mà có màu đẹp vậy?”
Giữa tháng trước, Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm thuộc Bộ Y Tế loan báo hướng dẫn người dân “cách lựa chọn thịt lợn an toàn” khi cơ quan này thấy nhiều tin tức về chuyện người bán thịt dùng nhiều loại hóa chất độc hại bị cấm sử dụng để tẩy rửa “biến thịt thối thành thịt thơm.”
Nhưng làm thế nào để phân biệt “thịt thối” và “thịt thơm” ở chỗ bán hàng để tránh bị lừa gạt thì không ai có khả năng.
Theo báo Ðất Việt ngày 27 tháng 1, 2013, “Phổ biến nhất là bột săm pết, loại hóa chất cực kỳ độc hại nằm trong danh mục cấm của Bộ Y Tế, nhưng nó bán không quá kín đáo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), giá chỉ 60,000 đồng/kg. Sau khi để miếng thịt 3 ngày cho bốc mùi hôi thối, phần mỡ chuyển sang màu vàng, chúng tôi pha 1 thìa bột săm pết vào nước và nhúng miếng thịt vào, chỉ 2 phút sau, miếng thịt đã thay đổi, trở nên mềm, màu sắc tươi mới. Ngay cả màu vàng trên mỡ cũng biến mất, mùi hôi của thịt cũng không còn.”
Ðể có các món bánh mứt bán Tết với giá rẻ nhưng kiếm lời cao nhờ sử dụng hóa chất độc hại, một số “làng nghề làm bánh, mứt phục vụ Tết đang chạy đua với thời gian để sản xuất hàng phục vụ nhu cầu thị trường. Nhưng chất lượng sản phẩm hầu như không ai kiểm soát,” với “3 không”: Không nhãn mác, không hạn sử dụng, không ngày sản xuất. Như làng nghề bánh, kẹo Dương Liễu, La Phù (Hoài Ðức, Hà Nội); làng nghề làm mứt xã Xuân Ðỉnh (Từ Liêm, Hà Nội)...” Bài báo của tờ Dân Việt ngày 27 tháng 1, 2013 viết, “Công nghệ chế biến xin được tóm lược ngắn gọn như sau: Sắn thu mua về, được rửa qua loa rồi nghiền thành bột, đóng thỏi như viên gạch, rồi chuyển qua lò nấu nha. Muốn cho bột sắn phân hủy thành đường, người ta cho vào bột sắn một loại hóa chất không rõ nguồn gốc. Ngoài ra còn có thêm hóa chất tẩy trắng, cứ mỗi 10kg sẽ được hắt vào một muôi thuốc tẩy trắng. Sau đó nha sẽ được cho vào lò để chế biến bánh kẹo. Còn các dây chuyền, nồi đun nấu... cáu bẩn không ai cọ rửa là chuyện không lạ. Mặt hàng chủ lực của các lò nơi đây là kẹo cứng mang hương vị chanh, cam, nho, ổi, lạc... cũng có một số mặt hàng kẹo mềm, mè xửng Huế, thậm chí cả sô cô la loại hảo hạng. Sau đó được đóng thùng xuất ra thị trường.”
Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc Hội CSVN đơn vị Hà Nội nhìn nhận trong cuộc phỏng vấn của báo Ðất Việt hôm Thứ Tư là “việc dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dẫn đến bị ung thư, chết người là có thật. Ðến các bệnh viện bây giờ mà xem, ngày càng nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh ung thư, thật là quá tải.”
Bà này phàn nàn tình trạng nhiều bộ ngành của nhà cầm quyền Hà Nội được giao nhiệm vụ kiểm soát và ngăn chặn thực phẩm độc hại trên thị trường mà tình hình có vẻ ngày một tệ hại hơn.
Ngoài những người cố tình gian dối để kiếm lời nhiều, bà Khánh còn cho rằng, “Lại thêm việc các cơ quan chuyên môn vẫn dung túng trong việc hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.” (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=161485&zoneid=1

Hóa chất độc hại: Thủ phạm chính gây ung thư tại Việt Nam
Sunday, March 27, 2016 5:03:58 PM


Bài liên quan



SÀI GÒN (NV) - Các loại hóa chất độc hại trong thực phẩm đang làm tăng nhanh số người bị bệnh ung thư tại Việt Nam và có thể trở thành nước có tỉ lệ dân số mắc bệnh này cao nhất thế giới.

“Thuốc siêu nạc” được sử dụng trong chăn nuôi heo tồn dư ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. (Hình: VnExpress)
Lời cảnh cáo này đã được thấy từ mấy năm trước, bây giờ lập lại trong sự bất lực của tất cả các cơ quan ban ngành từ canh nông đến y tế và những người đóng vai trò kiểm soát, thanh tra chăn nuôi và thị trường.
Một trong những vấn nạn lớn nhất đang diễn ra là sử dụng chất “tạo nạc” trong thịt heo được các người chăn nuôi sử dụng tối đa. Chất “tạo nạc” là các loại hóa chất salbutamol và clenbuterol thuộc nhóm Beta-agonist được dùng để điều trị bệnh hen suyễn và viêm phế quả với lượng rất nhỏ. Nhưng giới chăn nuôi heo tại Việt Nam lại trộn chúng vào cám để nuôi heo cho lớn nhanh và rất “nạc” để bán được cao giá, lợi nhuận nhiều hơn.
Khi trị bệnh hen suyễn, các hóa chất vừa kể cũng gây ra tác dụng phụ như kích động, co giật, rối loạn nhịp tim, giảm kali trong máu. Thuốc đã được chứng minh gây quái thai ở động vật. Vì người chăn nuôi tại Việt Nam lạm dụng salbutamol và clenburetol để kích thích “tăng trọng, tăng tỉ lệ nạc” cho heo, gà. Hậu quả, người tiêu dùng ăn phải thịt có tồn dư các chất trên có thể dẫn đến ngộ độc, bệnh mãn tính, ung thư, thậm chí tử vong.
Tại cuộc hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” sáng 26 Tháng Ba,theo tường thuật của VnExpress, ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện văn phòng phía Nam của Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam (Vinastas), “nêu lên vấn nạn mang tính quốc gia ở nước ta là việc sử dụng các loại thuốc tăng trọng trong chăn nuôi heo ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng.”
Theo nguồn tin này, từ Tháng Năm, 2011 đến nay, Vinastas khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi heo và gà ở Sài Gòn “phát hiện nhiều loại chứa các chất tăng trọng thuộc nhóm Beta-agonist, trong đó phổ biến nhất là salbutamol và clenburetol, vốn đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.”
Trong năm qua, báo chí tại Việt Nam đăng tải nhiều bản tin cho biết, khi lấy mẫu các lô heo mang tới các lò giết mổ ở Sài Gòn, người ta thấy, tỉ lệ tồn dư chất “tạo nạc, tăng trọng” rất cao và rất phổ biến.
Ngày 19 Tháng Giêng, tờ Tuổi Trẻ kể rằng các cơ quan chức năng “sau chín ngày ra quân (từ 8 đến 17 Tháng Giêng) kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn, đơn vị phát hiện nhiều nguồn thịt heo từ các tỉnh đổ về dính chất cấm với hàm lượng cao ở mức báo động.”
“Ba đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra tồn dư chất cấm trên heo tại năm lò mổ tập trung, cho thấy, trong 59 lô heo được lấy mẫu xét nghiệm có 18 lô, với tổng đàn 864 con heo dương tính với chất cấm sabultamol (tạo nạc, tăng trọng). Trong số năm tỉnh có heo bị dính chất cấm lần này, Bình Thuận chiếm áp đảo tám lô với 456 con heo; Tiền Giang năm lô với 156 con heo; Long An và Đồng Nai hai lô với 222 con heo và Vũng Tàu một lô với 30 con heo. Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt này khá cao ở mức gần 9,400 bbp, tức gấp trên 4,700 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2 ppb trở lên là dương tính).”
Mới đây, ngày 22 Tháng Ba, tờ Tuổi Trẻ cho hay, các loại hóa chất độc hại mà “người Việt Nam đầu độc người Việt Nam” là do chính Bộ Y Tế cho phép nhập cảng với số lượng khổng lồ, nhân danh chữa bệnh hen suyễn nhưng chỉ dùng số lượng rất nhỏ, còn phần lớn đã tuồn ra ngoài bán cho dân chăn nuôi.
“Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết theo số liệu của Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường (C49), Bộ Công An, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9,140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định,” báo Tuổi Trẻ nói.
Thống kê những năm qua cho thấy, trong năm 2000, Việt Nam có khoảng 69,000 ca ung thư mắc mới, đến năm 2015 tăng lên đến 150,000 ca mà các chuyên gia cho rằng thực phẩm bẩn (hóa chất) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chiếm khoảng 35%. Các nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200,000 và trở thành nước có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới. (TN)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=225147&zoneid=1

Thực phẩm Việt, cái gì cũng hoá chất
Saturday, December 15, 2012 1:52:42 PM


Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) -
Khó tránh khỏi các loại thực phẩm bị ướp, tẩm hóa chất độc hại tại Việt Nam, từ trái cây, rau củ đến thịt cá các loại.
Chuối chín vàng nhờ phun hóa chất sau một đêm. (Hình: VietNamNet)

Sau tin “đầu hàng” loại hóa chất “kỳ diệu” biến đu đủ, chuối chín vàng chỉ sau một đêm, mới đây, nhà cầm quyền Hà Nội vừa lên tiếng khuyến cáo người dân “chớ dùng thịt chó.”
Theo báo Pháp Luật và Xã Hội, thịt chó được bày bán trên thị trường đã được “tắm rửa” bằng các loại hóa chất để “trở nên tươi tốt và hồng hào đến phát thèm.” Các nhân viên quán thịt chó còn dùng nhiều phụ gia để chế biến các món thịt chó ngon miệng.
Một cư dân quận Cầu Giấy, Hà Nội thú nhận đã bị chứng “nghiện thịt chó.” Ông và một số bạn bè đến quán thịt chó ở phố Nguyễn Kháng trung bình mỗi tuần ba lần.
Ông Kim Hoàng Giang còn thú nhận: “Vào các dịp lễ, nhất là những ngày cuối năm sắp đến, số lần đi nhậu thịt chó sẽ tăng lên. Ðó là thú ăn uống mà chúng tôi không thể nào nhịn được.” Ông Giang cho hay, bất chấp lời cảnh cáo của chính quyền Hà Nội, họ vẫn phải đến quán thịt chó.
Tuy nhiên, có nhiều người bị đau bụng vì ăn phải thịt chó độc trong một buổi tiệc cưới ở vùng ngoại thành Hà Nội. Sau bữa tiệc, người ta mới biết ra, vài chục con chó chết đã được mua về làm thịt, tẩy rửa bằng hóa chất để làm mất mùi thiu thối, rồi tẩm gia vị thơm lừng.
Một số thương lái cung cấp thịt chó cho các nhà hàng, quán nhậu cho biết đã phải lặn lội đến các vùng quê Thanh Hóa, Nghệ An, kể cả Trung Quốc, Lào, Cam Bốt để thu mua. “Thịt chó ngày càng hút hàng,” một số thương lái cho biết. Có thể vì thế mà các vụ trộm chó kéo dài, dẫn đến các vụ giết tróc lẫn nhau giữa người chủ nuôi chó và giới “cẩu tặc.”
Hóa chất độc hại được bày bán công khai tại Hà Nội. (Hình: Lao Ðộng)

Theo báo Pháp Luật và Xã Hội, chó mắc bệnh dại cũng được làm thịt để tung ra thị trường, kể cả các chú chó ăn phải bã thuốc độc để trộm. Các bác sĩ Hà Nội đã cảnh cáo người ăn thịt chó mắc bệnh và thuốc độc này thường bị ói mửa, đau bụng, tiêu chảy và có thể chết.
Trước đó, sáng ngày 12 tháng 12, Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật Hà Nội lên tiếng xác nhận tin một số tiểu thương ở Hà Nội đã phun hóa chất làm chuối và đu đủ chín vàng hực chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, các cán bộ chi cục này thú nhận hiện nay vẫn chưa xác định được đó là loại hóa chất nào.
Ngày 20 tháng 8, 2012, báo Lao Ðộng báo động rằng, “Liên tục nhiều tháng qua, lực lượng chức năng phát hiện ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến thực phẩm kém chất lượng, đặc biệt có sử dụng các hóa chất cấm và độc hại.”
Bài báo này nói bệnh viện Ung Bướu (Ung Thư) Trung Ương ở Hà Nội thống kê nói mỗi năm Việt Nam có thêm 150,000 người mắc bệnh ung thư, trong đó có khoảng 50,000 người “mắc bệnh do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm.”
Các loại hóa chất độc hại kể cả những thứ nằm trong dánh sách bị cấm nhập cảng hay buôn bán tại Việt Nam vẫn được bầy bán tuy lậu mà như công khai ở các cửa tiệm bán hóa chất từ Hà Nội đến Sài Gòn. Hóa chất dùng làm “phụ gia” bị lạm dụng hay dùng sai đã đành, rất nhiều hóa chất độc hại và bị cấm mà báo Lao Ðộng nói được tuồn từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ “không hề khó khăn.”
Một hàng thịt chó ở Hà Nội. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/GettyImages)

Tháng 5, 2012, nhiều báo ở Việt Nam kêu la về việc nhiều người nuôi heo ở các địa phương từ Sài Gòn đến Ðồng Nai trộn thuốc “tăng trọng” vào thức ăn để cho heo “lớn nhanh như thổi.” Những thứ thuốc độc hại này có tên như salbutamol, clenbuterol...
Cuối năm 2010, báo Kiến Thức báo động “chúng ta đang ăn phải cá ướp phân urê.” Cùng thời gian này một số bản tin kêu ca hạt dưa, ớt bột có màu sắc đỏ tươi vô cùng hấp dẫn nhờ một loại thuốc nhuộm vải Rhodamine B được biết là gây ra bệnh ung thư.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=159157&zoneid=1

Tại sao ở Việt Nam ung thư nhiều đến vậy?!
Wednesday, October 01, 2014 2:05:58 PM


Bài liên quan



SÀI GÒN (NV) - Thực phẩm tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại nhưng việc kiểm nghiệm, kiểm soát lại rất hạn chế. Phải chăng đây là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư nhiều hiện nay?



Một cơ sở dùng thực phẩm ôi, thiu để tái chế rồi bán ra thị trường. (Hình: báo Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên, ngày 30 tháng 9, 2014, tại hội nghị chuyên đề “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong tình hình hiện nay - Thực trạng và giải pháp,” người ta thấy hé mở nguyên nhân vì sao tại Việt Nam bệnh ung thư gia tăng không ngừng.

Tại hội nghị, bà Ðoàn Thị Thanh Xuân, chủ tịch Hội Cựu Thanh Niên Xung Phong Sài Gòn cho rằng, “An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề quan ngại nhất hiện nay của người dân. Bởi họ không biết dùng thực phẩm nào? Mua ở đâu cho an toàn? Người dân nghi ngờ do dùng nhiều thực phẩm bẩn chứa nhiều chất độc hại nên bệnh ung thư ngày càng lan rộng.”

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Sài Gòn thừa nhận: Lượng nông sản, thực phẩm đưa vào tiêu thụ ở thành phố Sài Gòn mỗi ngày chiếm 80%, nhưng chưa kiểm soát được nguồn gốc.

Hiện việc kiểm soát phần lớn là qua thử nghiệm nhanh, lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, nhưng số lượng mẫu lấy không nhiều, không mang tính đại diện. Bởi vậy, tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép, việc giết mổ gia súc gia cầm trái phép vẫn diễn ra. Gia súc gia cầm kém chất lượng vẫn tiếp tục đổ về Sài Gòn qua các cửa ngõ, các tỉnh lân cận, khó kiểm soát; tình trạng dùng nguyên liệu kém chất lượng trong chế biến suất ăn sẵn...

Giáo Sư Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Sài Gòn, nhận xét, “Việc quản lý chất lượng thực phẩm vẫn còn lỏng lẻo. Các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất, phụ gia công nghiệp...vẫn được mua bán tràn lan. Trong khi các phương tiện kiểm nghiệm hiện có chủ yếu dùng để kiểm tra các loại hóa chất cụ thể nghi ngờ nhắm đến, nên không nhận diện được các chất lạ, độc hại khác có trong thực phẩm.”

Ông Hòa đồng ý, “Lượng hóa chất, phụ gia hiện nay rất đa dạng, nên nhà nước không biết cơ sở sản xuất bỏ chất gì để tầm soát, mà chỉ đơn giản tầm soát những chất do Bộ Y Tế quy định. Do đó, công tác tầm soát chủ yếu dựa vào cảnh báo của nước ngoài.

Mặt khác, chờ cho đến khi phát hiện một chất lạ trong sản phẩm thì lúc đó nhà nước mới ban hành quy định kỹ thuật, xem có được sử dụng hay không. Chẳng hạn như vụ các chất tinopal, melamine, 3-MCPD...”

Ngoài ra, do chưa có hệ thống kho lạnh nên không có điều kiện lưu giữ các lô hàng khi thử nghiệm nhanh dương tính chất cấm để chờ kết quả định lượng. Ðiều này dẫn đến việc, khi có kết quả định lượng có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đó đã lưu thông ngoài thị trường.

Ông Sơn dẫn chứng số liệu ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam cứ tăng dần qua mỗi năm: Năm 2012 có 168 vụ, khiến 5,541 người bị ngộ độc, 34 người tử vong; năm 2013 có 5,348 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 163 vụ; và 6 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 56 vụ khiến 1,874 người nhập viện, 16 người tử vong. (Tr.N)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=195912&zoneid=1

Geen opmerkingen:

Een reactie posten