Thứ bảy, 16/4/2016 | 00:00 GMT+7
Dinh Độc Lập mở cửa thêm 2 phòng cho khách tham quan
Phòng làm việc của Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và phòng ngủ của Tổng thổng VNCH Nguyễn Văn Thiệu trong Dinh Độc Lập sẽ được mở cửa cho khách tham quan.
Bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Hội trường Thống Nhất (Văn phòng Chính phủ) - Đơn vị quản lý Dinh Độc Lập cho biết, từ ngày 28/4 Di tích lịch sử này sẽ mở cửa thêm 2 phòng mới được phục chế để phục vụ khách tham quan. Đó là phòng làm việc của Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ và phòng ngủ của Tổng thổng VNCH Nguyễn Văn Thiệu.
"Trên cơ sở một số hiện vật gốc còn lưu lại và những bức ảnh cũ, 2 phòng này đã được phục chế để khách tham quan thấy được phong cách thiết kế của thập niên 70 và phần nào thể hiện cá tính của từng người qua cách sắp đặt, trang trí phòng", bà Diệp cho biết.
Dinh Độc Lập được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: H.C
|
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016), nhằm đa dạng hóa các hoạt động tại Dinh Độc Lập, đơn vị quản lý cũng ra mắt một số hoạt động theo cách tiếp cận mới về giáo dục bảo tàng, nhằm tạo sự trải nghiệm, chủ động khám phá di sản dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Gồm hoạt động ngoại khóa chuyên đề (dành cho các nhóm, lớp học với số lượng hạn chế) và hoạt động thường xuyên tại câu lạc bộ (dành cho các em đi theo gia đình hoặc tự do).
Dinh Độc Lập (quận 1) có diện tích sử dụng 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, sân thượng, tầng hầm với khoảng 100 phòng, mỗi phòng được trang trí nội thất khác nhau. Nơi đây từng là cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn cũ, nơi ở của gia đình Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Dinh cao 26 m, tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha rợp bóng cây. Các hệ thống phụ trợ bên trong Dinh được trang bị hiện đại gồm điều hòa không khí, phòng chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho... Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Mặt tiền Dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành tại các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam.
Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm là người cho xây công trình này vào năm 1962 từ Dinh Norodom cũ đã được người Pháp xây dựng năm 1868. Đồ án thiết kế tòa nhà là của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome), giải thưởng cao nhất của trường Mỹ thuật Paris.
Ngày 30/4/1975, Dinh Độc Lập là nơi chuyển giao quyền lực của chính quyền VNCH cho chính quyền cách mạng, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm. Tháng 11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc cũng diễn ra tại đây. Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, năm 1976 Dinh đã được Nhà nước đặc cách công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Từ năm 1990, nơi đây mở cửa đón khách du lịch và hiện mỗi ngày có hàng nghìn lượt người trong nước và quốc tế tới tham quan.
Trung Sơn
- Ngôi nhà cổ Ngô Đình Diệm hai lần hỏi mua không được (22/3)
- Ăn xin lê lết trước cửa đền Trần (21/2)
- Thiên tai lịch sử đang hoành hành miền Tây (11/3)
- Nụ cười thường trực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6/4)
- Vụ nổ ở Hà Đông xảy ra như thế nào (20/3)
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dinh-doc-lap-mo-cua-them-2-phong-cho-khach-tham-quan-3388009.html?utm_source=Kinh_Doanh_Doanh_Nghiep&utm_medium=Tin_Trong_Box&utm_campaign=Widget_Thoi_Su
Thứ bảy, 9/3/2013 | 15:35 GMT+7
Không xây cao ốc gần Dinh Độc Lập để bảo tồn
Xung quanh Dinh Độc Lập sẽ bị hạn chế xây cao ốc, giao thông chủ yếu là đi bộ, di tích này đồng thời sẽ được tu bổ, tôn tạo nhằm giữ gìn những giá trị kiến trúc lịch sử.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Dinh Độc Lập, Hội trường Thống Nhất ở TP HCM. Quy hoạch sẽ được thực hiện trên diện tích gần 12,7 ha nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của dân tộc thông qua các di tích hiện có. Đồng thời, tôn tạo kiến trúc cảnh quan để khai thác du lịch, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá - du lịch của thành phố.
Theo đó, trong khu bảo tồn (khu vực bảo vệ I) sẽ tiến hành các hoạt động tu bổ nhằm giữ gìn những giá trị về kiến trúc, đảm bảo giữ nguyên hình thức kiến trúc gốc, tôn tạo các công trình phụ trợ. Tổ chức các hoạt động phục vụ tham quan, tuyên truyền truyền thống lịch sử dân tộc. Tại khu vực tổ chức các hoạt động phát huy giá trị di tích (khu vực bảo vệ II) sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng văn hoá, cảnh quan đảm bảo không làm ảnh hưởng đến di tích gốc. Đồng thời, các công trình cao tầng sẽ bị hạn chế xây dựng xung quanh khu vực bảo vệ I.
Khu vực xung quanh Dinh Độc Lập sẽ hạn chế xây dựng các cao ốc, kiến trúc cũng phải tương đồng với kiến trúc của Dinh. Ảnh: H.C.
Các công trình xây dựng mới chủ yếu trên nền các công trình cũ theo hình thức kiến trúc mái dốc, lợp ngói, phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, hài hòa với các công trình kiến trúc sẵn có như nhà 106 Nguyễn Du, nhà nghỉ của cán bộ, công nhân viên và các công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh Dinh Độc Lập.
Để đảm bảo công tác bảo tồn, quy hoạch quy định khu vực xung quanh di tích bán kính từ 300-500 m (tính từ Dinh thự chính), chiều cao các công trình giảm dần về phía Dinh, hạn chế xây dựng các cao ốc hiện đại; Trong bán kính từ 200-300 m (tính từ Dinh thự chính), giữ nguyên trạng, không tăng chiều cao các công trình đang cao hơn Dinh thự chính (26 m); Còn các công trình xây dựng mới phải có hình thức kiến trúc, màu sắc phù hợp với không gian di tích.
Ngoài ra, nội dung quy hoạch cũng yêu cầu giao thông trong khu vực Dinh Độc Lập chủ yếu là đi bộ (ngoài một số đoạn đường được sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, đường dành cho xe chuyên dụng hoạt động vào một thời gian nhất định trong ngày).
Dinh Độc Lập được người Pháp xây dựng năm 1868 sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ và hoàn thành năm 1871 với tên gọi là Dinh Norodom. Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 m2, diện tích sử dụng 20.000 m2, gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.
Dinh cao 26 m, tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha rợp bóng cây. Bên ngoài hàng rào phía trước và phía sau Dinh là 2 công viên cây xanh. Các hệ thống phụ trợ bên trong Dinh được trang bị hiện đại gồm điều hòa không khí, phòng chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho... Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Mặt tiền của Dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành tại các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Các phòng của Dinh được trang trí nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn mài, tranh sơn dầu.
|
Hữu Nguyên
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/khong-xay-cao-oc-gan-dinh-doc-lap-de-bao-ton-2432745.html?utm_source=detail&utm_medium=box_relatedtop&utm_campaign=boxtracking
Geen opmerkingen:
Een reactie posten