zondag 3 april 2016

Du Tử Lê viết về "40 năm văn học Việt 1975-2015"


PHAN TẤN HẢI - Du Tử Lê viết về "40 năm văn học Việt 1975-2015"
(06/24/2015 11:59 AM) (Xem: 2229)
Tác giả : Phan Tấn Hải

(Việt Báo ngày 23-6-2015)Nói chính xác, nhà thơ Du Tử Lê chỉ viết sơ lược thôi, vì trước cả khối thông tin tràn ngập của thời sau 1975 với cuộc cách mạng Internet, không ai có thể viết đầy đủ hoặc chi tiết về các sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt từ 1975 tới 2015.
Nhưng 40 năm là một dấu mốc tốt, dấu mốc quan trọng, vì Du Tử Lê đã trải qua dài hơn 40 năm cầm bút, nơi đây ông ngắt khoảng ra để nói về những người sinh hoạt văn nghệ ông quan sát, trong và ngoàì nước -- những người có tác phẩm mà ông đã đọc, có sáng tác âm nhạc mà ông đã nghe, có phim hoặc biên đaọ vũ mà ông đã thưởng thức, có triển lãm tranh mà ông đã xem, có những thành công khi hòa nhập vào dòng chính văn học tiếng Anh hay tiếng Pháp mà ông chứng kiến, có thơ và truyện mà ông đã trân trọng theo dõi.

Cho dù gom trọn 40 năm vào một công trình lớn như thế, ông vẫn bày tỏ cảm nhận về tính bất toàn.

Du Tử Lê tự trình bày về tác phẩm biên khảo của ông có tựa đề “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật (1975-2015)” rằng, trích:
“Cách đây nhiều năm, khi khởi sự viết tập sách này, vì không hề có tham vọng làm công việc giống như “tổng kết” hay “tổng quan” một giai đoạn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT quá rộng lớn nên, chúng tôi đã giới hạn nội dung bằng cách minh thị ngay nơi tựa sách là: “Sơ lược 40 năm VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT (1975- 2015)”.
Chúng tôi cũng không hề có tham vọng đóng vai nhà phê bình văn học mà, chỉ là người thu thập, ghi nhận một số những tác giả hiện diện trong sinh hoạt VĂN HỌC NGHỆ THUẬT giai đoạn vừa kể, không phân biệt hải ngoại hay trong nước.
Việc phê bình, lượng định giá trị tác phẩm của giai đoạn này, tôi trộm nghĩ, là công việc của các nhà phê bình văn học.
 
Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh, những tác giả không có tên trong cuốn sách này, không phải vì đóng góp của họ không đáng kể (đôi khi trái lại) - Tuy nhiên vì những lý do chủ quan hay khách quan, như:
- Thiếu tư liệu. (Hoặc)
- Chúng tôi đã viết xuống, nhưng vì giới hạn số trang do công ty Amazon quy định, nên chúng tôi buộc lòng phải để dành cho một lần in khác.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm cho rõ:

- Có những tác giả khởi nghiệp tự trước thời điểm tháng 4- 1975, như các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tường Giang, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Thánh Thư...; các nhà báo như Đỗ Ngọc Yến, Lê Thiệp, Vũ Ánh, Lê Đình Điểu...; hoặc các nhạc sĩ như Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Trần Quảng Nam... Nhưng họ chỉ được quần chúng biết đến nhiều kể từ ngày định cư tại hải ngoại...

Do đấy, chúng tôi chọn ghi tên họ trong giai đoạn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT 1975- 2015.

- Cũng có những tác giả hiện diện ở nhiều hơn một lãnh vực, thí dụ từ văn xuôi, thi ca tới phát thanh, báo chí như Trần Trung Đạo, Phạm Quốc Bảo, Việt Dzũng... thì, chúng tôi chọn ghi tên họ nơi chương mục mà, dư luận chung cho rằng họ nổi bật nhất.

- Chúng tôi chọn viết, giới thiệu một số tác giả, có thể còn xa lạ với đám đông. Nhưng trong ghi nhận của tôi, họ đã vượt được chính họ về nội dung hay hình thức... Hoặc ở nơi họ, có đôi nét đặc biệt nào đó mà, tôi không thấy ở các tác giả khác.

- Vì hoàn ảnh địa lý / chính trị đặc biệt của đất nước, trong cuốn sách này, chúng tôi cũng thêm một chương tạm gọi là “Những văn, nghệ sĩ vào được dòng chính”, như các nhà văn Lan Cao, Thuận, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, hay biên đạo múa Thắng Đào...

- Lại nữa, tên tác giả được sắp xếp theo alphabetic, căn cứ vào chữ đầu, mà không y cứ theo thời gian bài viết được phổ biến.

Ngoài ra, mọi khiếm khuyết khác không thể tránh khỏi, thuộc trách nhiệm của cá nhân chúng tôi.
Dám mong bạn đọc rộng lòng lượng thứ.”(hết trích)

Chỗ này xin nói thẳng với nhà thơ Du Tử Lê và nơi đây là nhà biên khảo văn học:

-- Ông nói rằng ông “không hề có tham vọng” nhưng công việc của ông đã rất mực công phu, chưa ai vượt qua được khi nói về thời kỳ 40 năm văn học nghệ thuật này;

-- Ông nói rằng ông không đóng vai nhà phê bình văn học, nhưng ngay việc ông lựa chon tác giả để đưa vào bộ sách văn học nghệ thuật – thí dụ, chọn người làm thơ để đưa vào sách, không chọn người làm vè – cũng là một tiến trình sàng lọc cuả nhà phê bình;

-- Việc chọn người đưa vào sách cũng không dựa theo đám đông, mà chọn vì, theo ông, “họ đã vượt được chính họ về nội dung hay hình thức” cũng là một phê bình công phu rồi vậy.

Sự khiêm tốn của Du Tử Lê thực sự chỉ để dè dặt nói về những thiếu sót có thể có. Và dĩ nhiên, ai cùng có thể có thiếu sót.
Phải chăng, Du Tử Lê muốn để giành các thiếu sót trong sách này cho các nhà nghiên cứu khác?

Thí dụ, trong Chương Một về Âm Nhạc,” Du Tử Lê không bàn về cổ nhạc, không nói về vọng cổ hay đàn tranh, đàn bầu… Một phần có thể hiểu, vì riêng chương này đã nói về 12 nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ 1975-2015. Nếu chọn theo tiêu chuẩn “ảnh hưởng” sẽ thấy rằng chỉ có sáng tác tân nhạc là sức mạnh lớn và có những dấu mốc lịch sử thấy rõ.

Đó là lý do, Du Tử Lê viết về các ca nhạc sĩ: Đăng Khánh, Đào Nguyên, Trọng Nghĩa và Mộng Lan, Nguyên Bích, Phạm Anh Dũng, Trần Duy Đức, Trần Quảng Nam, Trúc Hồ, Tuấn Anh, Việt Dzũng…

Vâng, đúng là có nhiều nơi Du Tử Lê không phải là nhà phê bình văn học. Thí dụ, khi viết về một dòng nhạc rất riêng, Du Tử Lê nhìn bằng cặp mắt ngó suốt một cõi thâm sâu, để thấy nhạc và thơ đã trở thành thịt xương trộn lẫn mang tên Trần Duy Đức, trích:

“Họ Trần muốn đi tới những chân trời mà, điểm gặp cũng là chỗ giao thoa giữa thơ và nhạc. Họ Trần muốn đi tới phần ngọn nguồn tinh ròng hay, thẳm cùng đáy sâu thử thách. Nơi những rung động cảm thức không chia hai. Chỉ là một. Sự là-một, rốt ráo của thi-ca vốn chưa từng phân, ly. Chưa từng ngăn cách.

Hôm nay, giữa quê người, ở tuổi ngoài sáu mươi, với hơn hai mươi năm ăn ở thủy chung với thi-ca, chân dung âm nhạc của họ Trần, là chân dung Thi-Ca. Diện mạo đó, không phải là diện mạo song sinh của hai giọt nước, hai cõi đời văn chương và nghệ thuật - - (Mà,) nó đã là một. Một định hình, duy nhất. Một thịt xương, trộn lẫn, duy nhất.

Chính tính bất khả phân kia, nơi đời kiếp âm nhạc mang tên Trần Duy Đức, đã làm thành một Trần Duy Đức, riêng. Rất riêng.”(trang 59)

Trong Chương 2 về Xuất Bản, Du Tử Lê viết về Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Lê Thiệp, Ngụy Vũ, Phạm Quốc Bảo, Vũ Ánh, Vũ Quang Ninh.

Dĩ nhiên là thiếu sót, có thể hiểu được. Tất cả các nhân vật ngành xuất bản này (duy Vũ Quang Ninh có đỉnh cao riêng về sự nghiệp phát thanh) đều là người hải ngoại, không ai trong nước.

Trong đó, có người cựu tù cải tạo nổi tiếng là Vũ Ánh, người khi còn trong trại tù cộng sản đã cùng một số bạn tù làm báo chui, lấy tên báo Hợp Đoàn, và khi bị lộ, riêng Vũ Ánh bị thêm 6 năm cùm và biệt giam. Tới khi sang Hoa Kỳ, Vũ Anh lao vào một say mê mới: tìm đọc hồ sơ mật về chiến tranh Việt Nam do Bộ Ngoaị Giao Mỹ và Ngũ Giác Đài giảỉ mật. Đọc như thế, vừa phải giỏi tiếng Anh, vừa phảỉ có kiến thức rộng để đối chiếu các hồ sơ mật.

Do vậy, Vũ Anh cũng là một hiện tượng làm Du Tử Lê khâm phục, và đã viết trong bài “Kẻ sĩ thời nhiễu nhương / Vũ Ánh/ không còn nữa” nơi Chương 2, trích:

“…Ngồi với nhau chung một ghế salon nơi phòng khách nhà Khánh Hòa, tôi nói với bạn tôi về tài liệu bí mật chiến tranh VN, Ngũ giác đài mới giải mật mà, bạn tôi đang dịch từng kỳ cho báo Sống. Tôi cũng nói với bạn tôi rằng, tôi có theo dõi loạt hồi ký 13 năm tù cải tạo của bạn, hàng tuần... Trước khi có nhiều khách tới, tôi còn kịp nói với ông, lòng khâm phục của cá nhân tôi và, lập trường bất thối chuyển của ông về các vấn đề lớn của đất nước..." (trang 158-159)

Nơi Chương 3 là “Điện Ảnh, Sân Khấu”… Dĩ nhiên, Du Tử Lê không viết đầy đủ về lĩnh vực này. Ông không viết về các vở cải lương. Nhưng chỉ riêng về những người ông đưa vào tuyển tập, hẳn là cũng đủ cho quan tâm nhiều thành phần trong công chúng.

Trong chương này, Du Tử Lê viết về đạo diễn Đinh Anh Dũng, về Lê Đình Ysa người dựng rạp VAALA cho các đạọ diễn gốc Việt chiếu phim trong các dịp đaị hội điện ảnh hàng năm, về Thắng Đào người biên đạo vũ Ballet trên sân khấu Mỹ, và về “những đạo diễn trẻ và Trần Anh Hùng trên màn ảnh thế giới.”

Du Tử Lê trong chương này đã viết về Lê Đình Ysa, trích:

“…Nhưng, những gì Ysa đã làm, theo tôi, nó còn bắt nguồn từ một trái tim lớn. Trái tim của một người trẻ ở quê người, muốn nâng hai chữ Việt Nam lên tầm cao hơn, xa hơn nữa, giữa quảng trường Văn Học Nghệ Thuật thế giới, (từ đôi vai nhỏ bé, gầy guộc của mình!).

Chính điều này, khiến tôi thấy, đóng góp của Ysa cho Việt Nam, đáng trân trọng như bất cứ một đóng góp to lớn nào ở các lãnh vực khác, của những người trẻ Việt khác, nơi quê người, 40 năm qua.

Tôi tin, những đóng góp đó, của Ysa, sẽ còn ở lại với Việt Nam nhiều lần 40 năm, không chỉ nơi quê người mà, luôn cả ở quê nhà, nữa.”(trang 192)

Trong Chương Bốn về Hội Họa, Du Tử Lê viết về các họa sĩ Khánh Trường, Lê Tài Điển, Lê Thánh Thư, Lê Thiết Cương, Vũ Hối. Như thế, nếu nói về điạ lý, các họa sĩ này ở nhiều quốc độ khác nhau ở toàn cầu và có nét vẽ ở các trường phái dị biệt nhau.

Trong bài tựa đề "Khánh Trường, ám ảnh bất toàn trong văn chương và đời sống" nơi Chương 4, Du Tử Lê đã viết, trích:

"Nếu phải chọn một nhà văn tiêu biểu cho trường hợp hay, hiện tượng phức tạp, mâu thuẫn, trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi sẽ chọn Khánh Trường. Nguyễn Khánh Trường.

Tôi chọn Khánh Trường/Nguyễn Khánh Trường không phải vì ông là họa sĩ, cùng lúc nhà văn, cùng lúc nhà thơ và cùng lúc nhà báo.

Nơi quảng trường sinh hoạt văn nghệ của chúng ta trong nước, cũng như hải ngoại, không chỉ có một Khánh Trường vừa vẽ, vừa làm thơ, viết văn, lại còn làm báo nữa. Chúng ta có khá nhiều nghệ sĩ, ở trường hợp này. Đó là những lãnh vực, tự nó, có những mối tương quan liền lạc hữu cơ.

Tôi chọn Khánh Trường có dễ bởi Khánh Trường/Nguyễn Khánh Trường tiêu biểu cho ý niệm khá buồn thảm: Người là con vật bị ngộ nhận.”(trang 209-210)

Nơi Chương 5 về “Những Tác Giả Nhập Được Vào Dòng Chính,” Du Tử Lê viết về:

- Lan Cao, cây bút Việt vào được dòng chính văn chương Hoa Kỳ;
- Nguyễn Mạnh Cường, thành công với nỗ lực đem nhạc tới với th1nh giả Hoa Kỳ;
- Tính nhất thể nghệ thuật nơi tranh Nguyễn Việt Hùng;
- Thuận (Paris), nhà văn thận trọng từng dấu phẩy, dấu chấm.
Trong bài “Tính nhất-thể-nghệ-thuật nơi tranh Nguyễn Việt Hùng” Du Tử Lê viết, trích:

“…Tuy nhiên, ở vị trí người thưởng ngoạn, tôi cho căn bản, cõi giới tranh Nguyễn Việt Hùng vốn là một cõi giới mang tính biểu cảm mạnh mẽ, dữ dội - - Không chỉ qua màu sắc mà, nó còn lung linh nơi những hình tượng, những họa tiết vi tế, tỉ mỉ, công phu… Như những nỗ lực xuyên thấu độ sâu cảm thức. Ông thường dùng nhiều màu nóng, cho những bức tranh sôi động nhiệt hứng của mình. Nhưng ngay cả khi ông dùng màu lạnh để dẫn dắt người xem chìm vào cõi tĩnh lặng thì, độ “nóng” nơi những game màu này của Nguyễn Việt Hùng, cũng vẫn hất ngược người xem vào những địa giới vô thức, nhục cảm.

Lại nữa, với tôi, dường như tương quan giữa thiên nhiên và nhục cảm trong hội họa Nguyễn Việt Hùng cũng đã trộn lẫn, cũng đã hòa tan, để trở thành nhất-thể.

Nói cách khác, cuối cùng, thiên nhiên hay bất cứ tâm thái nào khác, một khi đã đi vào cõi giới hội họa Nguyễn Việt Hùng, cũng đều trở thành nhất thể. Đó là nhất-thể-nghệ-thuật mang tên Nguyễn Việt Hùng, vậy.”(trang 267-268)

Trong Chương Sáu về Thi Ca, Du Tử Lê đã viết về: Nguyễn Tuyết Lộc, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Thanh Văn, Bùi Vĩnh Hưng, Cao Đông Khánh, Đa Mi, Đặng Hiền, Đỗ Hồng Ngọc, Đỗ Tấn Đạt, Đoàn Minh Châu, Hà Duy Phương, Hồ Minh Tâm, Hoàng Thượng Dung, Lê Nguyên Tịnh, Lê Phương Châu, Miên Di, Ngô Tịnh Yên, Ngọc Hoài Phương, Ngưng Thu, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Nguyễn Lâm Thắng, Nguyễn Phương Thúy, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phạm Chu Sa, Phan Tấn Hải, Phương Uy, Trần Kiêm Thêm, Trần Mộng Tú, Trần Thi Ca, Xuyên Trà.

Chúng ta thử lật ra một trang bất ngờ, thí dụ, bài “Vai trò thi-nhãn trong thơ Ngô Tịnh Yên,” trong này Du Tử Lê nhận định:

“Đúng như ghi nhận của nhà thơ Luân Hoán, “Lục bát năm 2000” của Ngô Tịnh Yên, xuất bản năm 2002, đã đem họ Ngô ra khỏi hàng ngũ những người nữ làm thơ cùng thời. Lục bát Ngô Tịnh Yên qua thi phẩm này, cũng đem lại cho họ Ngô một vị trí riêng. Một chỗ ngồi khác.” (trang 391)

Và nơi đây, chúng ta có thể trích thơ Ngô Tịnh Yên:

“Gió đem sợi tóc chẻ hai
Mưa chẻ những giọt ngắn dài vấn vương
Tình yêu chẻ những vết thương
Biệt ly chẻ những con đường lá bay
Hoa hồng chẻ mấy nhánh gai
Đường ngôi chẻ một, bàn tay chẻ mười
Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Củi ngo còn dóm bếp than
Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?”(trang 393)

Và thử mớ ra một trang bất kỳ khác, thí dụ, bài "Khi văn chương Nguyễn Thị Khánh Minh hắt bóng trên dặm trường nhân thế" Du Tử Lê nhìn về nhà thơ nữ họ Nguyễn:

“Nhưng điều tôi biết được, cho đến ngày hôm nay thì, Thi Ca và Nguyễn Thị Khánh Minh chính là một hôn phối lý tưởng. Mỗi phía đã tìm được nửa phần trái tim thất lạc của mình.

Tôi gọi đó là một hôn phối lý tưởng vì, khởi tự cuộc phối ngẫu này, những con chữ đằm đằm chân, thiết ra đời.

Những con chữ được sinh thành từ tình yêu Thi Ca / Nguyễn thị Khánh Minh, khoác nơi tay nó những hình tượng mới mẻ, hắt bóng trên dặm trường nhân thế, những chiếc bóng lấp lánh thương yêu và, những nhịp chuyển, dịch mới, tách, thoát hôm qua.

Dù cho đôi lúc, nghỉ chân nơi dọc đường gập ghềnh trí tuệ cam go, Nguyễn Thị Khánh Minh chợt thấy: “Thương niềm đau từng mặt chữ long lanh…”…”(trang 454)

Cũng nơi đây, xin mời đọc mấy dòng thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh:

“Thơ,

Có khi Nó cõng tôi qua một cơn phiền muộn
Có khi Nó cho tôi một giấc mơ bình yên
Với những lãng quên cần thiết
Đôi khi Nó khiến tôi thành con bé
Nhìn mọi điều với con mắt mơ mộng cả tin
...
Cho tôi bay cao
Chỉ riêng nỗi đau từ chính Nó gây ra
Nó lại không làm gì cả
Chỉ thản nhiên bóc ra từ tôi những hạt lệ..."(trang 456-457)

Nơi Chương Bảy về “Văn Xuôi” Du Tử Lê viết về các nhà văn, nhà phê bình, với: Cao Xuân Huy, Đặng Phú Phong, Đặng Thơ Thơ, Đào Hiếu, Đỗ Vẫn Trọn, Hà Quang Minh, Kha Thị Thường, Lê Đình Đại, Lê Lạc Giao, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết, Phạm Xuân Đài, Trần Hoàng Trúc, Trần Thu Miên, Trần Trung Đaọ, Trần Yên Hòa.

Trong bài “Cao Xuân Huy, tính lương thiện của một nhà văn,” tác giả Du Tử Lê ghi lại suy nghĩ về nhà văn họ Cao:

“Nếu có những người dành cả một đời để viết văn, xuất bản hàng chục tác phẩm chỉ với mục đích mong muốn được đời nhìn nhận là nhà văn mà, thực chất không đạt được thì, Cao Xuân Huy, ngược lại. Ông được văn giới nhìn như một nhà văn đúng nghĩa với tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng,” ấn hành lần thứ nhất năm 1985....

... Tôi cũng không biết có phải định mệnh đã chọn Cao Xuân Huy làm một (trong vài) nhân chứng chiến tranh ở phía khác của chiến tranh? Phía của những sự thật trần truồng và, những vinh quang tự thân không cần thêm son phấn?” (trang 527-582)

Đặc biệt, trong bài viết “Lê Lạc Giao, tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn,” Du Tử Lê đã nhận ra một văn phong lạ ở họ Lê, trích:

“Tôi thấy, tôi cần phải nói ngay rằng, tôi thích lắm cái phong thái điềm tĩnh của họ Lê, trong truyện “Nụ cười buồn mùa hè” và, “Bên này ước vọng”.

Tôi hằng nghĩ, thước đo chuẩn xác nhất tài năng một nhà văn, ở lãnh vực truyện kể là, tính điềm tĩnh.

Vẫn theo tôi, nhà văn chỉ làm chủ được ngòi bút (những xung động) của mình, khi y có được cái phong thái điềm tĩnh. Để không bị lôi tuột, cuốn trôi theo cường lực thủy triều của những đột biến tình cảm lúc sáng tác.

Nếu cần phải cho điềm tĩnh một tên gọi thì, tôi muốn gọi đó là những dấu lặng, cần thiết. (Như những dấu lặng trong âm nhạc).
Chúng cho nhà văn cơ hội nhìn ra, ghi xuống nhiều chi tiết. Những chi tiết giúp Truyện có được sự giầu có. Thậm chí, chiều sâu.
Đọc truyện ngắn Lê Lạc Giao hôm nay, tôi lại trộm nghĩ, có dễ cũng từ phong thái điềm tĩnh kia mà, Lê Lạc Giao đã làm mới được những mô tả, trong cõi-giới truyện ngắn của mình.”(trang 618-619)

Nhìn tổng quan, hơn 700 trang sách nhìn về 40 năm văn học nghệ thuật 1975-2015, nhà thơ Du Tử Lê đã làm một việc rất là cực nhọc, công phu, hy hữu.

Hoàn toàn không dễ để ghi lại như thế, công việc vừa là của nhà biên khảo văn học sử, vừa là giữ vai trò của người thưởng thức nghệ thuật, đánh giá và phê bình.

Trong 4 thập niên qua, đây là tác phẩm công phu nhất để giữ vị trí gần như một Tự Điển Bách Khoa về Các Tác Giả Văn Học Nghệ Thuật.
Độc giả muốn tìm mua sách có chữ ký của tác giả, xin liên lạc với: phanhanhtuyen@gmail.com / Tel: (714) 383.4937
Độc giả cũng tìm mua qua Amazon.com

_
_________

Phụ chú: 
Bạn đọc khắp nơi, có thể order thẳng từ công ty ấn hành sách Amazon, hay nhà sách Tự Lực, Email: buybooks@tuluc.com.
Nếu muốn có chữ ký tác giả, xin vui lòng liên lạc Email: phanhanhtuyen@gmail.com
Hoặc thư về Phan Hạnh Tuyền, địa chỉ: 12751 Lucille Ave., Garden Grove, CA 92841-4711. 
* Tại Việt Nam, chúng tôi có nhận giao sách tận nhà: Liên lạc với Cô Sóc 0902604722

http://dutule.com/D_1-2_2-150_4-7056_5-10_6-1_17-45_14-2_15-2/phan-tan-hai-du-tu-le-viet-ve-40-nam-van-hoc-viet-1975-2015.html

ĐẶNG PHÚ PHONG - Điểm, Sơ Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt (1975- 2015) quyển 2.
(09/12/2015 12:17 PM) (Xem: 2048)
Tác giả : Đặng Phú Phong

Nhà thơ Du Tử Lê vừa mới cho phát hành 40 Năm Văn Học Việt (1975-2015) cuốn 2, tiếp theo tập 1 phát hành trong thàng 4/ 2015. Sách gồm 5 chương: Âm nhạc, Báo chí & Xuất bản, Hội họa, Thi ca và Văn xuôi, viết về 45 tác giả trong và ngoài nước:
Chương 1: Âm nhạc:
- Bản ngã nhị trùng và tố chất nhạc sĩ: Hải Nguyên,
- Nhất Chi Vũ và, những biến đổi nhạc thuật hôm nay (PV).
- Ngọc Uyên, hát như một hành trình đi tìm chính mình.
- Nguyễn Cao Nam Trân, tiếng hát chở quá khứ vào lấp lánh mai sau.
- Nguyên Long: “Thi ca món quà đặc biệt trong lãnh vực văn chương” (PV).
- Phạm Gia Cổn, từ âm nhạc tới Hoàng Hạc.
- Quỳnh Giao, hát, viết như đi tìm chân dung mình qua học thuật.
- Thái Xuân, nữ đại-sứ-tân-nhạc-Việt-xứ-người.
- Trần Dạ Từ và, cuộc cách mạng xanh cho ca khúc.

Chương 2: Báo chí, xuất bản:
- Đoàn Thạch Hãn / Đoàn Kế Tường: Hai tên gọi, một kiếp đời oan nghiệt.
- Phương Dung, và sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng.

Chương 3: Hội Họa
- Ann Phong, người đem được sắc màu Việt Nam tới quảng trường hội họa thế giới.
- Những nẻo đường văn chương, hội họa quyết liệt của Võ Công Liêm.

Chương 4: Thi Ca
- Hư-ảo-hình, làm thành hư-ảo-thơ Đoạn Trường.
- Từ Vương Kim Vân tới Lê Giang Trần: bập bùng những hơi thở buồn!
- Nguyễn Khắc Nhượng, thơ như một cứu rỗi.
- Nguyễn Khôi, Hà Nội, một nhan sắc khác.
- Nguyễn Ngọc Hưng, tấm gương lớn của một nhà thơ vượt cao, trên số phận.
- Nguyễn Ngọc Hạnh, “một đời lụy với câu thơ”.
- Nguyễn Phương Thúy, “Ba mươi nỗi buồn em cổ điển”, một nhan sắc thi ca ẩn hương.
- Tính dịu dàng Việt trong thơ Nguyễn Thị Bích Thoa.
- Những dặm đường xốn xang chữ, nghĩa Nguyễn Thiên Ngân.
- Nguyễn Xuân Thiệp, xương rồng nở hoa cùng “gió mùa”.
- Phạm Thị Ngọc Liên, ngọn pháo bông thi ca, ngày tới.
- Phạm Ngọc, người từ chối xài tiền giả trong thi ca.
- Trả lại chỗ đứng cho thơ Phượng Trương Đình.
- Tạ Tự, thi sĩ đến từ thế giới khác.
- Thiên Giang, những câu thơ mang tính định đề.
- Trần Lê Sơn Ý, những công án thi ca khôn giải đáp?
- Trịnh Sơn, người sớm tìm được cho thơ, cách-nói-khác.
- Nhan sắc mới cho thơ Trúc Thanh Tâm.
- Trương Thị Bách Mỵ, bản lãnh chữ, nghĩa của một người làm thơ trẻ ở VN.
- Tính siêu thực trong lục bát Trương Xuân Thiêm
- Chia tay và, trở về lục bát, qua thơ Sỹ Liêm.
- Võ Chân Cửu, con đường lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa.

Chương 5: Văn xuôi:
- Bùi Bích Hà, trong cõi văn chương nữ giới, quê người.
- Châu Thụy, tái hiện bi kịch vượt biển trong “Vực Xoáy”.
- Lê Minh Hà, Nam Cao thời hiện đại?
- Lữ Thị Mai, trên dặm trường chữ, nghĩa nong chặt ám ảnh và, nỗi niềm trong thơ, văn.
- Những con chữ hân hoan búng mình trên mặt sông chữ, nghĩa Lữ Quỳnh.
- Nam Dao, cái đẹp, ân sủng của đời sống.
- Nguyễn Ngọc Bảo, ngày xuân đỏ đen cùng chữ nghĩa với hội VHKHVN và, trò chơi thả thơ với thơ Du Tử Lê.
- Những tiếng kêu thảng thốt trong văn Nguyễn Chính.
- Nguyễn Hồng, thế hệ nhà văn không có trong tay la bàn!
- Nguyễn Ngọc Tư, hiện tượng tiêu biểu của 40 năm văn xuôi Việt.
- Nguyễn Xuân Tường Vy, “mắt thuyền”. Trôi tới.
- Những ngọn nến văn chương mang tên Phan Thị Vàng Anh.
- Võ Thị Xuân Hà, trầm tích chữ nghĩa, văn chương một thời.

Xem cách Du Tử Lê dùng những tiểu tựa để tóm tắc về mỗi tác giả, người đọc không khỏi thích thú tính chất văn chương gần gũi phù chú của ông. Hình như có một người nào đã nói là ”Nhà thơ Du Tử Lê là một phù thủy chữ nghĩa”, xem ra câu nói này, nếu ta thay vào là Nhà văn Du Tử Lê thì cũng sẽ không làm thay đổi nghĩa của nó..
Để nhấn mạnh thêm đề tựa “ Sơ lược…” tác giả viết trong phần mở đầu:” chúng tôi không phải, (sẽ không bao giờ) tự nhận là một nhà phê bình văn học - Mà, chúng tôi chỉ là người ghi lại ít, nhiều cảm nghĩ của mình về một giai đoạn VHNT Việt phong phú, đa dạng, nhiều hứa hẹn tương lai rực rỡ...”
Về tiêu chí chọn các tác giả trong cả 2 tập, Du Tử Lê cho biết, giống như tập 1 “ chọn giới thiệu một số tác giả có mặt trong sinh hoạt 20 năm VHNT Miền Nam (1954-1975). Nhưng sau 1975 họ mới xuất bản tác phẩm hoặc, được độc giả biết đến một cách rộng rãi hơn. Như nhà văn, nhà thơ Lữ Quỳnh, Võ Chân Cửu, Nguyễn Khắc Nhượng, nhà báo Đoàn Thạch Hãn (tức Đoàn Kế Tường) v.v... “ Ngoài ra, ông cũng cho biết ông: “ đặc biệt chú ý tới những người trẻ. Những người mới cầm bút. Tên tuổi của họ, có thể còn xa lạ với đa số bạn đọc. Nhưng, nếu cá nhân chúng tôi tìm thấy ở nơi họ một hay vài đặc điểm, ít thấy nơi những tác giả khác; hoặc họ cho thấy đã vượt qua được chính họ thì, chúng tôi cũng rất hân hoan dành ưu tiên, cụ thể là một số trang sách đáng kể, cho họ... Như lời chào mừng những dòng nước VHNT đang sung mãn quăng mình về chân trời...”.
Trong suốt hai tập Sơ Lược 40 Năm Văn Học Việt (1975-2015), qua hàng trăm tác giả, “ngòi bút” Du Tử Lê đã bình nhiều hơn phê bằng một bút pháp thật đặc biệt: thoáng, nhẹ nhàng, trang trọng và nhất là có tính chất khẳng định qua những cụm từ (khá nhiều) hết sức là khiêm nhường như : “Tôi e rằng…”, “Trộm nghĩ rằng… ” , “Phải chăng vì thế mà…” trước khi đưa ra nhận định của ông về một tác giả nào đó. Những nhận định hoàn toàn có cơ sở và khoa học. Tôi nghĩ rằng, nếu không nghiên cứu cẩn trọng, nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về tác giả viết đến, Du Tử Lê không thể gửi đến người đọc những tác giả văn, thơ những nghệ sĩ về âm nhạc, hội họa mà trong đó ngoài những tên tuổi quen thuộc còn có những tác giả hãy còn khá mới mẻ trong giới văn học nghệ thuật. Trong những tác giả “mới” này, qua sự chắt lọc kỹ lưỡng của mình, và, cẩn thận hơn nữa, Du Tử Lê đã đem cả kinh nghiệm của mình để giới thiệu tác giả đó bằng bài phỏng vấn với những câu hỏi không “dễ “ chút nào.( Nhất Chi Vũ và, những biến đổi nhạc thuật hôm nay). Với khả năng bay lượn với câu thơ, vận dụng kỹ thuật tinh tế cho thơ của mình, Du Tử Lê đã có thể chỉ ra những sắc thái thật tiêu biểu của những nhà thơ trẻ, mới xuất hiện như khi viết về nhà thơ Phượng Trương Đình : “Điều tôi ngạc nhiên, chú ý và thấy được là, chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng thơ Phượng Trương Đình đã làm một cuộc hóa thân ngoạn mục. Thơ Trương Đình như diều gặp gió: Bay bổng tới những vùng trời cao rộng hơn: Từ khả năng vận dụng chữ nghĩa ở khía cạnh Tu từ học ( Rhetoric) , qua tới những kỹ thuật mang tên Ẩn dụ (Metaphor), Hoán dụ(Metonymy), Biểu dụ (Synecdocher) hay Nghịch dụ (Irony)...” Hay viết về nhà thơ Nguyễn Phương Thúy: “Người đọc sẽ thấy rất nhiều trong ‘con đường thơ Nguyễn Phương Thúy’ những so sánh, liên tưởng thông minh và, ý thức.
Thí dụ, khi một trong những chủ-ngữ của bài thơ ‘Khi ta ba mươi’” là ‘nước biển’. Nguyễn Phương Thúy viết: ‘Chắt từ biển có đôi dòng nước mặn’ (ngụ ý đôi dòng lệ). Rồi ‘Nắng gửi cho em sấy thành hạt muối trắng’.
Chỉ với hai câu thơ này thôi, chúng ta đã thấy ‘liên tưởng của liên tưởng’ đuổi bắt nhau, thành một đoạn phim ba chiều, liên tục. Và, khi muối (hay nước mắt) chất vào quang gánh đi dọc hành trình đời sống thì: ‘Đôi quang gánh đong đưa theo chiếc bóng/Lặng thinh mà như kể hết gian truân’.
Nói cách khác, rõ hơn, Nguyễn Phương Thúy đã không liên tưởng ‘nước biển’ với đất, đá, chim muông hay bất cứ một hình ảnh không tương thích nào khác.
Về phương diện kỹ thuật, theo tôi, cao hơn một bậc, là kỹ thuật nhân cách hóa. Trong “Con đường thơ Nguyễn Phương Thúy” hay thi phẩm “Ba mươi, nỗi em buồn cổ điển”, Nguyễn Phương Thúy không chỉ nhân cách hóa những sự vật cụ thể, mà, Nguyễn còn cho thấy khả năng nhân cách hóa cả những sự kiện trừu tượng, vô hình nữa.
Thí dụ:
Ba mươi năm đủ dài để chăm bẵm giấc mơ”
Hoặc:
Ở phía cuối chân trời hạnh ngộ ốm chênh chao”
(Trích “Nỗi buồn em cổ điển”)
Bên cạnh đó không thiếu những dí dỏm và sâu sắc như khi viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:
Đôi người có ý so sánh văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư với hai nhà văn tiền bối Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Riêng tôi, tôi không thấy một tương cận nào giữa ba tác giả ở hai giai đoạn văn chương, khác nhau quá xa này. Họ chỉ có một điểm đồng quy là sử dụng tối đa ngôn ngữ Nam Bộ. Ngoài ra, nếu Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam gặp nhau ở bối cảnh Nam Bộ thời khai hoang, đất phèn chưa lắng thì, Nguyễn Ngọc Tư lại giới thiệu vùng quê Nam Bộ trong giai đoạn đầu của nỗ lực hiện đại hóa, với tất cả những chông chênh, lệch pha của một thứ tư bản... mới.
Lại nữa, là phụ nữ, nên cách xử dụng động từ, tính từ... của Nguyễn Ngọc Tư, như những cái liếc mắt sắc lẻm dao cau - Một ưu thế khác của Nguyễn trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa. Thí dụ:
Cho dù người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo, đầu ít tóc... nhưng với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái.
Bồ lúa nhà tôi đã cạn từ sau Tết. Điều đó làm má tôi hơi buồn, nhưng người bán vải xăng xái bảo, ‘Cô Hai cứ coi đi, không mua cũng được - rồi ông ta sửng sốt khi thấy má rạo rực khi ướm thử những khúc vải rực rỡ lên người - Chèn ơi, coi nó bình thường vậy mà khoác lên mình cô Hai lại thấy sang quá trời... ’
(Với tôi, động từ “khứa” trong ngữ cảnh “... thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi...” Là một chữ không thể “đắt” hơn mà, ngay với thi ca, chúng ta cũng ít gặp).
Cũng vậy, ở đoạn văn ngắn sau đây, những tính từ được Nguyễn chọn dùng, cũng đậm tính thi ca. (Một thiếu vắng trầm trọng nơi văn xuôi của những cây bút trẻ, hôm nay):
... Những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm...”
Trên đây chỉ là một ít ví dụ điển hình cho một núi nhận định của Du Tử Lê qua hai tập sách dày cộm, dày hơn 1200 trang với hàng trăm tác giả. Mỗi người một vẻ, một sắc thái mà Du Tử Lê đã dày công nghiên cứu để cống hiến cho người yêu văn chương nghệ thuật tìm đọc cũng là những tài liệu quý giá dành cho các nhà nghiên cứu, phê bình một giai đoạn văn học dài 40 năm. Tuy chưa đầy đủ, nhưng đây là một bộ sách giới thiệu được nhiều gương mặt khá tiêu biểu trong 40 năm văn học Việt. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên ghi nhận và cảm ơn công lao của một người thiết tha với văn học của ông. Và, tôi cho rằng, nhiệm vụ của một người làm văn học là chú tâm vào sáng tác, vẫn chưa đủ, mà còn phải có trách nhiệm tìm kiếm, giới thiệu những người có khả năng về văn học nghệ thuật khác nữa.
Nhà thơ Du Tử Lê đã, đang và sẽ tiếp tục làm công việc này, và còn làm tốt!
Đặng Phú Phong
(Nguồn: Nhật báo Việt Báo Online, đề ngày 12 tháng 9-2015)
________
- Độc giả muốn tìm mua sách có chữ ký của tác giả, xin liên lạc với: phanhanhtuyen@gmail.com / Tel: (714) 383.4937
- Độc giả cũng có thể đặt mua thẳng từ Amazon.com hoặc, nhà sách Tự Lực: tulucbooks, Tel.: +17143834937.
   Ở VN, xin liên lạc với cô Sóc:
090-260-4722.

http://dutule.com/D_1-2_2-150_4-7252_15-2/dang-phu-phong-diem-so-luoc-40-nam-van-hoc-nghe-thuat-viet-1975-2015-quyen-2.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten