dinsdag 15 december 2015

Việt Nam : Tăng lương tối thiểu 12,4%: Cả chủ và thợ đều... kém vui

Tăng lương tối thiểu 12,4%: Cả chủ và thợ đều kém vui

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-09-04
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
luongtoithieu-622.jpg
Hình ảnh minh họa
Courtesy photo

Không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu

Nếu chính phủ chấp thuận đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4% theo phương án của Hội đồng tiền lương quốc gia, thì mức lương tối thiểu cao nhất từ sang năm sẽ là 3,5 triệu đồng. Thật khó tin với mức lương như thế đảm bảo được 80% nhu cầu sống tối thiểu của một người lao động.
Trưa ngày 3/9 Hội đồng tiền lương quốc gia họp ở Hà Nội sau cùng đã bỏ phiếu chấp thuận mức tăng lương tối thiểu 12,4% cho sang năm và sẽ đề xuất Chính phủ tăng lương theo mức tăng này. Trước đó đã có bất đồng quan điểm rất nặng nề giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được cho là đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho giới chủ. Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất mức tăng 16,8%  còn Phòng Thương Mại chỉ chấp nhận mức tăng 10%.
Trả lời Nam Nguyên vào tối 3/9/2015 về thỏa thuận tăng lương tối thiểu 12,4% vừa đạt được, Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy từ Hà Nội nhận định:
Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp phải cố gắng thôi, để bảo đảm như Hội đồng lương của Chính phủ đã nói, kể cả người lao động. Tổng Liên đoàn người ta nói con số đó đạt được 80% nhu cầu của người lao động.
-TS Vũ Ngọc Bảo
“Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp phải cố gắng thôi, để bảo đảm như Hội đồng lương của Chính phủ đã nói, kể cả người lao động. Tổng Liên đoàn người ta nói con số đó đạt được 80% nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên giới chủ hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn như VCCI đã giải trình, hai bên đã phải đi đến thỏa hiệp là mức 12,4%. Về phiá doanh nghiệp chúng tôi thấy là VCCI đại diện cho giới chủ thỏa thuận, thì chúng tôi sẽ phải nỗ lực cố gắng giảm chi phí sản xuất, để có thể chịu được một mức tăng lương cho người lao động 12,4%.”
Nếu nhìn vào cuộc sống cơ cực của người lao động, đặc biệt là ngành sản xuất dệt may, giày dép xuất khẩu nơi thu hút hàng triệu công nhân, thì việc tăng lương để bảo đảm cuộc sống tối thiểu là việc cần thiết. Theo quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động, thì mức lương hiện tại chỉ đáp ứng 74% nhu cầu tối thiểu của một người lao động, do vậy họ đã kiên trì với mức đề xuất tăng 16,8% để có thể bảo đảm 100% nhu cầu sống tối thiểu của công nhân.
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội cho rằng, thật là mỉa mai khi Việt Nam theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa và luôn xưng tụng là nhà nước công nông, nhưng người lao động lại có cuộc sống nghèo khổ. Ông Đỗ Việt Khoa phát biểu:
“Người ta nói tăng lương tối thiểu mà vẫn không bảo đảm cuộc sống thì chính người ta đã thừa nhận là chính quyền này đã thất bại trong việc bảo đảm đời sống cho người ăn lương tối thiểu là đa số người lao động. Đấy là sự thất bại của cuộc cách mạng 70 năm qua ở Việt Nam. Trong khi thế giới người ta phát triển ầm ầm, tăng trưởng kinh tế rất lớn, những nước đi sau Việt Nam cũng đã vượt qua Việt Nam…Hàn Quốc bỏ xa Việt Nam cả hàng chục lần, thì Việt Nam vẫn thừa nhận không ngượng miệng rằng đời sống người dân vẫn chưa được bảo đảm.  Tóm lại đó là sự thất bại của cuộc cách mạng 1945.”

luongtoithieu-400.jpg
Một phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia tại Hà Nội. Courtesy photo.

Theo Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nền kinh tế của Việt Nam bị tụt hậu hàng chục năm so với láng giềng. Thu nhập GDP đầu người quá thấp vì dân số đông, muốn cải thiện tiền lương cho đủ sống thật không đơn giản. Ông nói:
“Chúng ta giống như một công xưởng chế biến của nước ngoài, điều này mang lại việc làm cho người dân Việt Nam, nhưng việc làm với năng suất rất kém. Công nhân dệt may lương 5-6 triệu đồng mỗi tháng, tôi cho là ăn cũng chưa chắc đã đủ chứ đừng nói tới tích lũy. Người lao động rất cực nhọc, đã mấy tuần nay Hội đồng tiền lương muốn tăng lên khoảng 16% cũng không được. Mà 16% với lương 4 triệu thì một tháng tăng lên được mấy trăm nghìn, không đáng bao nhiêu cả. Như vậy rõ ràng là thu nhập thấp, năng suất lao động thấp, tuy xuất khẩu với số lượng lớn nhưng giá trị thực thụ mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Việt Nam thì nó không cao.”
Giáo sư Vũ Văn Hóa đã nói với chúng tôi những suy nghĩ của ông vài ngày trước khi Hội đồng tiền lương quốc gia đạt tới thỏa thuận hôm 3/9 chỉ tăng 12,4% lương tối thiểu cho năm 2016, ít hơn mức 16,8% mà Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất.

“Đừng cho người lao động ăn bánh vẽ”

Trong suốt tháng 8 báo chí Việt Nam có khá nhiều tin bài trình bày quan điểm trái chiều giữa Tổng Liên đoàn Lao động và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam về mức tăng lương tối thiểu 2016.
Báo Lao Động Online ngày 25/8/2015 mạnh mẽ lên tiếng với bài “Đừng cho người lao động ăn bánh vẽ.” Cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động đã lập luận “ Người lao động đi làm là để nuôi sống được bản thân, sau đó là gia đình, nhưng mức lương tối thiểu hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì đi làm để làm gì…” hoặc những tiểu tựa như “Người lao động phải sống được bằng lương”… “Xem lao động là vốn quý thì phải chăm lo”.
Những người am hiểu thời sự Việt Nam nói rằng, Tổng Liên Đoàn Lao động thực chất là cánh tay nối dài của Đảng còn Phòng Thương mại và Công nghiệp thì cũng không khác gì. Trên danh nghĩa một bên đại diện người lao động, một bên đại diện giới chủ để tranh cãi cho ra vẻ dân chủ, chứ kinh tế yếu kém doanh nghiệp chết hàng loạt lấy gì tăng lương 16%-17%.
Thời báo kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 22/7 có bài với tựa lớn “World Bank: Việt nam tăng lương tối thiểu thì giảm tăng việc làm”. Không rõ là bị gỡ xuống hay lý do nào khác, nhưng bài này sau đó không còn truy cập được nữa. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các nghiên cứu về lương tối thiểu tại Việt Nam chỉ ra rằng tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm tăng trưởng việc làm, ở một mức độ nhất định. Qui định về lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa tác động trực tiếp tới 22% lao động Việt Nam làm công ăn lương chính thức, bao gồm những người có hợp đồng lao động theo qui định của Bộ Luật lao động.
Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhận xét, do quá trình thực thi không chặt chẽ, nên nếu lương tối thiểu vượt năng suất  của người lao động thì chủ lao động có thể tuyển lao động không chính thức, không ký hợp đồng để tránh các qui định về lương tối thiểu. Các tác giả cho rằng, việc tăng lương tối thiểu có thể làm dịch chuyển lao động từ khu vực chính thức sang khu vực không chính thức.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nêu thực tế Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một phần là nhờ chi phí nhân công giá rẻ. Cho nên việc tồn tại rủi ro mức lương tối thiểu cao sẽ ngăn cản thu hút đầu tư FDI và việc làm tạo ra nhờ FDI.
Họ nói cũng có phần đúng, bởi lẽ tiền lương là xác nhận giá trị lao động của một con người trên thị trường. Giá trị lao động của anh bao nhiêu thì anh được hưởng đúng bấy nhiêu, nếu bây giờ người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn mà người sử dụng lao động không thỏa mãn được thì anh ta sẽ không làm việc cho họ, có nghĩa là anh ta sẽ mất việc.
-TS Vũ Ngọc Bảo
Liên quan đến vấn đề vừa nêu, TS Vũ Ngọc Bảo Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy nhận định:
“Họ nói cũng có phần đúng, bởi lẽ tiền lương là xác nhận giá trị lao động của một con người trên thị trường. Giá trị lao động của anh bao nhiêu thì anh được hưởng đúng bấy nhiêu, nếu bây giờ người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn mà người sử dụng lao động không thỏa mãn được thì anh ta sẽ không làm việc cho họ, có nghĩa là anh ta sẽ mất việc. Người sử dụng lao động tức ông chủ không có tiền buộc phải sử dụng người khác. Rõ ràng nó sẽ có ảnh hưởng, nhưng tôi cho rằng tăng ở mức 12,4% thì nó chưa nghiêm trọng, tăng theo dự tính của VCCI là 10%, cũng không có biến động nhiều về số lượng người sẽ mất việc làm do việc tăng lương thêm 12,4% như dự tính. Nền kinh tế Việt Nam năm nay ước chứng sẽ tăng trưởng khá hơn dự báo đầu năm một chút, cái đó có thể bù đắp lại được.”
Trong bài viết đăng trên Thời báo kinh tế Saigon Online ngày 1/9/2015, TS Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Saigon, lập luận rằng, về điều kiện kinh tế, trong một thời gian dài, tốc độ tăng năng suất lao động của nền kinh tế rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với tốc độ tăng lương. Chuyên gia này đã trích số liệu quốc tế theo đó, trong giai đoạn 2000-2013, trong khi năng suất lao động của nền kinh tế tăng chưa tới 50% thì mức lương trung bình ở Việt Nam tăng tới 2,8 lần.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh và Thời báo kinh tế Saigon Online, những phân tích vừa nêu cho thấy hai nghịch lý của đề xuất tăng nhanh lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn lao động. Nghịch lý đầu tiên là năng suất tăng rất chậm trong khi mặt bằng tiền lương nói chung tăng nhanh và lương tối thiểu còn tăng nhanh hơn nữa. Trong điều kiện này, không nền kinh tế nào có thể duy trì sự bền vững chứ đừng nói tới nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghịch lý thứ hai là từ hơn 7 năm qua, khu vực doanh nghiệp vừa phải vật lộn để sống sót quan cơn bất ổn vĩ mô, vừa phải oằn lưng chịu đựng gánh nặng chi phí lương tăng nhanh do phải bắt kịp với mức lạm phát rất cao cũng lại do bất ổn vĩ mô gây ra; và giờ đây, vì họ đã hơi gượng dậy được một chút nên được yêu cầu chia sẻ gánh nặng với nhà nước và xã hội.
Vẫn theo TS Vũ Thành Tự Anh và Saigon Times Online, cho dù lập luận của bên đại diện lao động và sử dụng lao động ra sao thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối diện một thực tế là tốc độ năng suất lao động thấp, tốc độ tăng tiền lương cao, khu vực doanh nghiệp suy yếu, và năng lực cạnh tranh suy giảm.
TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh rằng, việc đứng về phía người lao động trong thương lượng tiền lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động là đáng trân trọng…Nhưng theo lời ông, kinh nghiệm cho thấy chính sách tăng lương tối thiểu muốn bền vững phải dựa trên nền tảng cải thiện năng suất và ổn định vĩ mô.
Phân tích của TS Vũ Thành Tự Anh như làm mạnh thêm khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới mà chúng tôi đọc được, đó là lương tối thiểu sẽ hiệu quả nhất nếu được quyết định chủ yếu đựa trên các yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten