Đồng bằng Cửu Long đối phó với nước mặn nhập sâu
Trong nhiều năm trở lại đây, việc nước biển xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô mang lại một mối lo ngại lớn. Mức độ xâm nhập của nước mặn năm nay ra sao ? Tình trạng nước mặn vào sâu là do những nguyên nhân gì ? Và người nông dân cũng như giới nông học và ngành thủy lợi đối phó như thế nào với hiện tượng nước mặn vào sâu ngày càng trở nên phổ biến ?
Mặn vào sâu, dù chưa phải mùa cao điểm
Trước hết, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết về tình trạng mặn vào châu thổ Cửu Long, vựa lúa và là nơi chiếm đến 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam :« Năm nay cái mùa khô nó khốc liệt như năm 2010, làm cho nhiều vùng ven biển nhiễm mặn một cách trầm trọng, và bây giờ chưa phải là cao điểm nhất của mùa mặn, nhưng mặn đã vào sâu trong đất liền vào khoảng gần 60 km. Nó làm cho nhiều vùng canh tác lúa bị nhiễm mặn, một số nơi lúa đã bị chết, làm cho nông dân trở tay không kịp. Bởi vì các nguồn nước trên sông Mêkông đang bị giảm đi rất nhiều.
Tình trạng mặn này làm cho việc cung cấp nước ngọt cho người dân ở các vùng ven biển gặp khó khăn hơn, buộc người dân phải đi mua nước ở vùng xa, phía trên. »
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền đưa ra một số giải thích về hiện tượng mùa khô năm nay nước mặn vào sâu hơn.
« Cái năm trước đấy, mà lũ bé, mưa kết thúc sớm, thì chắc chắn năm sau sẽ là năm hạn hán. Nước bé, lưu lượng thượng nguồn cũng bé, nước về Biển Hồ sẽ ít đi. Cái Biển Hồ ở Campuchia rất quan trọng trong điều tiết dòng chảy. Mùa kiệt thì cái lưu lượng ở đấy nó ra tương đối lớn. Năm ngoái lũ rất là bé, dưới mức trung bình, mưa lại kết thúc sớm, dòng chảy năm nay rất nhỏ, thế nên mặn bây giờ chưa phải là tháng cao điểm mà đã rất sâu rồi. »
Thái Lan, Lào và Cam Bốt cũng dùng nước Mêkông canh tác mùa khô
Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết thêm về nỗi lo ngại của ông trước việc các nước khác trên thượng lưu Mêkông gia tăng sử dụng nước vào mùa khô để trồng trọt :« Trong mùa khô, lưu lượng sông Cửu Long hồi trước 1975, khoảng 2.000 m3/giây, so với lưu lượng tháng 9, 10 là 40.000 m3/s. Còn bây giờ, trong mùa khô, nó không đạt tới 1800 m3/giây. Cái mình lo nhất là, hiện nay vụ lúa đông xuân, tức là mùa khô này bên Thái Lan đang mở rộng diện tích lúa ở vùng Đông Bắc Thái Lan, họ cũng lấy nước sông Cửu Long. Rồi qua đến Lào, nam Lào cũng như Viêng Chăn, họ đều bơm nước sông Cửu Long để tưới cho vụ này. Phía Campuchia, thì ông Hun Sen cũng quyết tâm chỉ đạo cho làm lúa mùa khô. Trước đây chỉ có Việt Nam mới sử dụng nước sông Cửu Long trong mùa khô, còn bây giờ bốn nước sử dụng, do đó việc mặn đi sâu hơn cũng là dĩ nhiên.
Tôi nghĩ, tới đây, nếu các nước dọc theo sông Cửu Long không có nhất trí để mình tính toán khả năng của dòng nước sông Cửu Long trong mùa khô để chia với nhau trong việc xài nước này, mà mạnh ai nấy xài, thì chắc chắn nước chịu thiệt thòi nhiều nhất là Việt Nam. »
Lý giải về ấn tượng trước tính chất nghiêm trọng của việc nước mặn vào sâu năm nay, tiến sĩ Dương Văn Ni đưa ra một lý giảikhác:
« Cái xâm nhập mặn vào đồng bằng sông Cửu Long, thì năm nay so với những năm trước không phải là nặng nề lắm. Về độ sâu, so với một số những năm khắc nghiệt khác, thì nước mặn vô sâu lắm. Nhưng vấn đề là, vì năm nay, diện tích mà người dân canh tác ở vùng ven biển, đặc biệt là canh tác lúa, thì họ mở ra tương đối nhiều, thành thử do đó, theo cảm nhận của người dân, người ta thấy mặn nó xâm nhập nhiều và gây thiệt hại nhiều. »
Đã có nhiều dự án kiểm soát mặn, nhưng nhiều nơi người dân vẫn phải đắp đập tạm
Về các giải pháp để hạn chế tác hại của nước mặn thâm nhập, lãnh đạo Viện Quy hoạch thủy lợi Nguyễn Xuân Hiền đưa ra một số nhận xét chung : « Hiện tại, chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai rất nhiều dự án về kiểm soát mặn ở vùng ven biển rồi. Ví dụ như dự án Gò Công, Nam Măng Thiết vừa hoàn thành, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới. Tức là chúng tôi xây dựng hệ thống cống và đê kiểm soát, ngăn mặn, ngăn triều và đào những kênh tiếp nước từ vùng ngọt ở sông Mêkông chuyển nước vào vùng chúng tôi bảo vệ. Những vùng đã có hệ thống tương đối hoàn chỉnh như Nam Măng Thiết, Gò Công, kết hợp với việc nạp nước trong thời gian triều xuống, thì có thể giải quyết được đủ nguồn nước tưới.
Dự án Bắc Bến Tre cũng tiến hành theo kiểu này, nhưng thiếu kinh phí, nên mới làm được một cống lớn nhất là cống Ba Lai, còn bà con mùa khô này họ đắp đập tạm, họ ngăn những kênh rạch nhỏ, nhưng kênh rạch lớn họ cũng thua, chính vì thế mặn hiện nay ở Bến Tre cũng đang ảnh hưởng. Rồi cái vùng Sóc Trăng cũng đang có dự án.
Đương nhiên là, ngoài hình thức công trình, các hình thức phi công trình cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, tức là có dự báo để bà con không tiếp tục làm vụ tới nữa, làm trễ lại để tránh hạn. Phải kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình. »
Lúa – tôm : mô hình hiệu quả tại nhiều vùng ngập mặn
Nước mặn là mối đe dọa, nhưng nó cũng mang lại cơ hội cho nghề nuôi tôm, cũng như các thủy sản nước mặn khác. Ở rất nhiều vùng dọc theo bờ biển châu thổ Nam Bộ, khu vực chiếm đến 50% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, đã phát triển một mô hình canh tác độc đáo : Trồng lúa nước ngọt và nuôi tôm nước mặn. Sau đây là nhận xét của tiến sĩ Dương Văn Ni, giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An – Cần Thơ:« Từ 2005 đến nay, rất nhiều vùng, người dân bắt đầu mùa nắng lấy nước mặn nuôi tôm, mùa mưa giữ ngọt để trồng lúa, trở thành một vụ tôm, một vụ lúa, trên cùng một miếng đất. Điều này rất là độc đáo. Nhiều nơi, người ta gửi các đoàn nông dân đến để học tập cái mô hình này. »
Về điều này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết ý kiến :
« Mình nên theo cái hệ thống canh tác lúa tôm. Nó có lợi nhất. Không cần phải tốn kém để ngọt hóa làm gì. Bởi vì mình làm 2, 3 vụ lúa không lời bằng mấy vụ tôm, một vụ lúa. Mình nên đi thẳng vô vấn đề : Nên chọn hệ thống một lúa và mấy vụ tôm trong mùa khô. Thì chắc chắn là nông dân được lợi tức cao hơn, hơn là trồng nhiều vụ lúa trên vùng đất như thế, vì rất nguy hiểm, vì nước mặn sẽ làm cho một vụ lúa bị hư. »
Đo độ mặn dựa vào cộng đồng
Để có thể canh tác vừa tôm vừa lúa trên cùng một khu vực, trong bối cảnh môi trường thay đổi liên tục và bất thường, chỉ dựa vào kinh nghiệm mà thiếu đi khả năng đo lường các chỉ số, trước hết là chỉ số mặn của nước, việc canh tác gặp rất nhiều rủi ro. Trong thời gian rất gần đây, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Dương Văn Ni bắt đầu thúc đẩy một hệ thống đo lường số liệu nước mặn dựa vào cộng đồng :« Nếu mà gọi là giải pháp đồng bộ cho cả vùng rộng lớn, thì chúng ta thấy là còn lâu lắm. Nhưng mà cục bộ, thì người dân vẫn có cách để uyển chuyển đối phó. Tôi có thể nêu ra nhiều ví dụ. Mặc dầu về mặt lý luận, người ta không diễn đạt một cách rành mạch, nhưng mà người ta hiểu cái bản chất của đất, nước rất rõ. Và nhiều năm nay, sự giao thoa giữa những cơ quan làm nghiên cứu và người nông dân là cái đặc thù của nông dân đồng bằng sông Cửu Long hàng chục năm nay.
Khoảng hơn một năm nay, chúng tôi khởi hành một dự án, cố gắng chuyển cái khoa học kỹ thuật vào trong cộng đồng. Một trong những cái đó là việc thành lập mạng quan trắc về sự xâm nhập mặn.
Chúng ta biết, người dân khi sản xuất, trước khi quyết định một con giống hay một kỹ thuật nào, thì họ dựa trên hệ thống kinh nghiệm mà họ có. Không may là trong những năm gần đây, môi trường xung quanh thay đổi phức tạp, và khi môi trường thay đổi phức tạp như vậy, thì người dân không nhận ra được liền. Và nếu người ta không nhận ra được liền, mà đưa ra quyết định, thì chỉ khi thiệt hại, thì mới giật mình là quyết định sai. Một ví dụ là, thường khi có gió chướng về, cuối tháng 10, đầu tháng 11, thì theo kinh nghiệm, nước mặn mới xâm nhập vô và người ta bắt đầu chuẩn bị đóng cóng, hoặc ngưng không bơm nước vào ruộng lúa… Nhưng những năm gần đây, mặn xâm nhập không chờ gió chướng, thành thử khi bơm nước vô trong ruộng rồi, mới thấy hôm sau lúa bị héo, mới giựt mình, coi lại, thì nước đã mặn, thì đã thiệt hại rồi.
Dự án này của chúng tôi muốn làm cho người nông dân có một thói quen : Biết một cách cụ thể cái môi trường (canh tác) của mình trước khi đưa ra quyết định. Ở đây chúng tôi bắt đầu bằng độ mặn, nhưng về lâu về dài, chúng tôi sẽ mở ra những cái khác, như độ ngập, độ phèn… Để đo lường độ mặn, chúng tôi chọn các cộng tác viên, từ em bé, cho đến chị phụ nữ, người già… Khi họ đo như vậy, dựa vào mối quan hệ của họ, mình khuyến khích họ chia sẻ thông tin đó với mọi người. Ví dụ như một em bé, sau khi đo, chia sẻ với lớp học…
Cách làm khá đơn giản, tôi chỉ phát cho họ cái tỷ trọng kế. Múc nước vào, thì họ bỏ cái tỷ trọng kế đó vô. Thì khi họ sử dụng được cái giá trị mặn, đầu tiên cho chính họ, và cho những người xung quanh trước, sau đó họ mới dùng điện thoại di động, họ gởi một tin nhắn về cho tôi, thì chúng tôi lập trình để nó về trên máy tính. Sau đó, chuỗi số liệu nhiều ngày như vậy sẽ giúp chúng tôi hiểu được quy luật mặn ngọt xâm nhập vô vùng đó như thế nào. Chúng tôi biết được đầu con kênh nước mặn, thì cuối con kênh bao nhiêu tiếng sau sẽ bị mặn, hoặc mấy ngày sau. Từ những số liệu đó, chúng tôi sẽ lập trình để gửi lại các cộng tác viên tham gia một tin nhắn, ví dụ như, 2 tiếng nữa chỗ anh sẽ bị mặn 5/1.000 hay 10 tiếng nữa sẽ bị mặn đến 10/1.000… Với những công cụ hiện tại, nó là một phương tiện giúp cho chúng tôi có thể hỗ trợ cho cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, để biết cách ứng phó, chọn lựa giải pháp thích hợp.
Có rất nhiều cách để người ta ứng phó với chuyện xâm nhập mặn. Đối với những người ở vườn cây ăn trái, thì động tác khá đơn giản, người ta chỉ cần bịt cái đường nước dẫn mặn vào vườn cây ăn trái thôi. Rồi những người trồng lúa, thì biết mặn như vậy, thôi chờ vài bữa nữa bơm nước vào ruộng không phải là vấn đề gì quá khó khăn. Có nghĩa là từng người dân, từng cái kiểu sử dụng đất, sử dụng tài nguyên của họ, họ biết cách...
Với một mạng cộng tác viên phong phú với những tin nhắn gửi về đều đặn, chúng tôi – những người làm nghiên cứu – sẽ hiểu ra được quy luật nhạt, mặn của một vùng nào đó. Cái thứ hai là, giúp chúng tôi chia sẻ những số liệu đó với các mạng quan trắc của nhà nước. Bởi vì những mạng của nhà nước có các trạm, chúng tốn kém, nhưng được cái là những người theo dõi các mạng đó là những người được đào tạo bài bản, rồi trang thiết bị đắt tiền, chính xác hơn. Nhưng ngược lại, số lượng các trạm không thể nhiều được, do đó khó giải đoán một cách chính xác cho cả khu vực. Như vậy, thì hai mạng : Một mạng do cộng đồng cung cấp thông tin, một cái mạng do nhà nước, bổ sung lẫn nhau thì rất tốt. Tôi hy vọng, với chuỗi số liệu vài năm, sẽ giúp trước hết cho cộng đồng hiểu được môi trường đã thay đổi, và có thói quen trước khi làm gì, thì biết cách đo đạc. »
Khi người trồng lúa muốn nước ngọt hơn, nuôi tôm muốn mặn hơn
Chúng ta biết đồng bằng châu thổ Cửu Long là một trong số các khu vực dễ bị tác động nhất trên thế giới, bởi nước biển dâng, cũng như các biến động khác về môi trường như hạn hán hay mưa lũ và đặc biệt là sự biến đổi dòng chảy. Trên tổng diện tích 4 triệu km², thì có đến gần 2 triệu km² của vùng đồng bằng này bị nước mặn xâm nhập thường xuyên và diện tích này có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, mức độ mặn xâm nhập, cũng như chế độ thủy văn nói chung tại các khu vực nhiễm mặn lại hết sức đa dạng. Tại vùng ven biển châu thổ sông Cửu Long, không phải nơi nào cũng có thể áp dụng hệ canh tác lúa – tôm, do những khác biệt về điều kiện thủy văn. Sự khác biệt này dẫn đến những xung đột lợi ích trong sử dụng nguồn nước mà hiện tại không dễ dàng giải quyết, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền cho biết :« Vùng Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, tức là Gò Công, là những vùng mưa nhỏ, chỉ từ 1.400 mm - 1.600 mm/năm. Những vùng đấy thì không thể trồng được lúa với tôm. Phải riêng ra, ngọt thì ra ngọt, mặn thì ra mặn. Trong chỉ lúa không, phải ngọt hóa, còn phía ngoài thì nuôi tôm không thôi. Còn cái vùng lúa – tôm là ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Những cái vùng ấy là lượng mưa rất lớn. Mùa mưa, thì sử dụng nước mưa trồng một vụ lúa, sau đó đến mùa khô, thì sử dụng nước mặn để nuôi tôm. Quan trọng là phải có lượng mưa lớn để rửa được cái mặn, còn nếu dùng nước bơm thì không kinh tế.
Hiện nay mà xảy ra xung đột về sử dụng nước (giữa các tỉnh), chỉ có ở Bạc Liêu và Sóc Trăng thôi. Bạc Liêu là cái vùng tôm – lúa. Mùa khô họ mở hệ thống cống để lấy nước mặn vào nuôi tôm, mà mặn xâm nhập sâu lại ảnh hưởng đến vùng nước ngọt của Sóc Trăng và ngay cả của Bạc Liêu nữa. Hiện nay, chúng tôi đang xây một hệ thống công trình để tách riêng hai vùng, nhưng vì hạn chế kinh phí nên cũng hơi chậm.
Đầu tư cho công trình rất tốn kém, nên cái vùng còn bị ảnh hưởng (nước mặn) nhiều nhất là U Minh Thượng, U Minh Hạ, đặc biệt là vùng Cà Mau. Vì vùng Cà Mau là không thể tiếp ngọt từ sông Mêkông về được. Mùa này, chủ yếu họ khai thác nước ngầm để sử dụng. Khai thác nước ngầm cho dân sinh không ảnh hưởng lắm, nhưng khai thác cho cả nuôi trồng thủy sản, mà nuôi trồng thủy sản thì lượng nước rất lớn, gây lún, đây là điều chúng tôi rất lo. Hiện nay Cà Mau là vùng khó khăn nhất của đồng bằng sông Cửu Long. »
Tiến sĩ Dương Văn Ni thì nhấn mạnh đến những mâu thuẫn giữa những những người trồng lúa và trồng tôm ngay trong từng khu vực nhỏ :
« Những năm gần đây, việc canh tác của người dân tiến dần ra ngoài biển, đặc biệt là phát triển những vùng nuôi tôm, người ta cần nước mặn, trong khi những vùng trồng lúa cần nước ngọt. Và những vùng nuôi tôm và trồng lúa đôi khi nó đan xen lẫn nhau, và như vậy chuyện quản lý nước giữa các vùng này không được hài hòa lắm. Với những người làm tôm, họ thấy không đủ mặn, trong khi những người trồng lúa lại thấy quá mặn.
(…) Nếu nhìn suốt trong ba mươi năm gần đây, chúng ta thấy một vấn đề rất là rõ. Khoảng chừng 20 năm trước, cái việc mà giữ cho nước ngọt ra gần phía biển để người ta canh tác, nó tương đối dễ dàng hơn. Bởi vì lúc đó, không có nuôi trồng thủy sản nhiều. Nhưng khoảng 10 năm gần đây, việc nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển bắt đầu lấn sâu vào trong đất liền, tạo ra phức tạp trong vấn đề quản lý giữa mặn với ngọt. Thực ra, giữa các cơ quan chức năng, thí dụ như các sở Nông nghiệp, sở Tài nguyên - Môi trường, đặc biệt là sở Nông nghiệp đã có những nỗ lực rất lớn trong những năm gần đây, ví dụ như tìm ra được các giống lúa có khả năng chịu mặn, hoặc bên thủy sản, có những khuyến cáo người dân, lúc nào nên thả tôm, lúc nào không. Nhưng cũng phải thấy là ở Việt Nam, chuyện mà giữa cơ quan chức năng khuyến cáo, với lại chuyện áp dụng của người dân, đôi khi không có đồng bộ. Bởi vì, còn một yếu tố khác nữa chi phối, đó là thị trường, mà thị trường thì không dễ đoán (…). Những cái bất cập trong chuyện không dự báo được thị trường nhiều khi làm người dân ‘‘lờn’’, không chú ý lắm đến các khuyến cáo của những người nghiên cứu, cũng như các cơ quan chức năng. (…) Vấn đề đó là thách thức lớn của đồng bằng sông Cửu Long. »
Giáo sư Võ Tòng Xuân giải thích thêm về những mâu thuẫn nảy sinh mới đây giữa việc mở rộng trồng lúa tại một số vùng vốn bị ảnh hưởng nước mặn nhiều :
« Như vùng Bạc Liêu, có một số nông dân ỷ là có công trình gọi là ‘‘ngọt hóa bán đảo Cà Mau’’, người ta mới được hô hào, khuyến khích làm lúa ngay vùng nước mặn vô. Nhà nước cũng nghe theo cái ngành thủy lợi, bỏ tiền ra rất nhiều, để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau, nhưng mà bây giờ không ngọt hóa được, nước biển vẫn vào. Làm cái này rất là tốn tiền. Bên phía khoa học cũng đã can ngăn dữ lắm, nhưng mà người ta vẫn làm, bây giờ thấy rất rõ là, nó không có đáp ứng được cái mục tiêu mà cơ quan thủy lợi đã đưa ra. Đồng thời nó còn làm cho rất nhiều bà con nông dân bị thiệt hại, bởi vì tưởng đâu là, nghe theo Nhà nước, trồng vụ đông xuân ở vùng ‘‘ngọt hóa’’, nhưng thực ra nước ngọt đâu có đủ, mà mình xuống đó. Trong khi đó, nước mặn ở ngoài nó vô ».
Giống cây chịu mặn và sử dụng tiết kiệm nước ngọt : Cần một quy hoạch tổng thể
Đối với những vùng đất thiếu nước ngọt nghiêm trọng như bán đảo Cà Mau, việc sử dụng các giống cây chịu mặn có thể mang lại một giải pháp có triển vọng, như ý kiến của tiến sĩ Lê Anh Tuấn :« Bên đại học Cần Thơ cũng có một số chương trình nghiên cứu cây lúa hay các cây chịu mặn. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, nếu thử nghiệm thành công thì sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn nước ngọt. »
Còn nhìn chung trên toàn bộ vùng ven biển nhiễm mặn đồng bằng Cửu Long, cần phải có một giải pháp sử dụng tài nguyên nước ngọt tổng thế tiết kiệm và hiệu quả, tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm :
« Chúng tôi nghĩ rằng, về tương lai tình trạng này sẽ có thể lặp lại trong những năm tới, do biến đổi khí hậu và do những hoạt động như các đập thủy điện và mở rộng diện tích canh tác. Chúng tôi cũng đề nghị là các tỉnh phải hợp tác với nhau hơn, để chúng ta bảo vệ nguồn nước của đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời chúng tôi cũng đề xuất là, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm các giống cây, giống lúa có khả năng chịu mặn, sử dụng nước ít hơn, để bà con nông dân có thể sử dụng về lâu, về dài. Đồng thời chúng ta phải có những biện pháp để dự trữ nước mưa.
Sắp tới chúng ta sẽ có những chương trình để hỗ trợ cho những vùng ven biển, tìm cách giữ nước mưa bằng những hình thức khác nhau, từ những cách chứa bằng lu, bằng thùng, hay chứa trong ao, mương, hoặc đào những cái hầm, hoặc làm những túi chứa nước bằng ni lông, hay bằng vải quét cao su, cho bà con có thể giữ nước lâu dài hơn. Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị là, sắp tới sẽ có một quy hoạch về sử dụng tài nguyên nước đồng bằng sông Cửu Long cho hợp lý. Không nhất thiết phải mở rộng diện tích canh tác lúa quá nhiều, đặc biệt là trong mùa khô, để chúng ta có thể bớt phụ thuộc vào nguồn nước ngọt và các vùng bị mặn vừa phải, ta có thể sử dụng các giống lúa chịu mặn. (...) Và có những nơi bà con nuôi cá nước ngọt, chúng ta cũng đề nghị bà con chuyển dần dần sang nuôi cá nước lợ chẳng hạn ».
Chia sẻ dòng chảy Mêkông : Vẫn trong vòng bế tắc
Các thách thức hiện tại đối với đồng bằng Cửu Long, đặc biệt trong vấn đề nước mặn nhập sâu, là rất lớn. Bên cạnh, những hạn chế về kinh phí đầu tư, cũng như trong các nguồn lực khoa học – công nghệ giúp cho việc nắm bắt và dự báo những biến đổi môi trường và các biện pháp đối phó tại chỗ, thì việc thiếu đi các số liệu về dòng chảy của sông mẹ Mêkông là một cản trở vô cùng lớn đối với một quy hoạch tài nguyên nước thực sự hiệu quả, như nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền :« Cái số lượng thượng lưu là thiếu.Trung Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay, họ đã xây được bốn nhà máy thủy điện trên sông chính rồi. Họ đang tiếp tục xây nữa. Hầu như số liệu trên đấy họ không cấp cho mình. Ngay cả Ủy ban sông Mêkông quốc tế cấp tiền cho Trung Quốc để đặt một số trạm trên dòng chính, nhưng họ chỉ cấp số liệu về mực nước thôi.
Chúng tôi tính toán là, đánh giá hiện trạng và đặc biệt là dự báo trong tương lai rất khó. Nếu cái hiện trạng cũng thiếu, rồi tương lai mình cũng không có số liệu chắc chắn, không dự báo được, thì rõ ràng, giải pháp đưa ra có thể là sai, vì số liệu không đầy đủ. Như vậy, đầu tư có thể tốn kém, nhưng hiệu quả trong tương lai không đi theo hướng anh quy hoạch, đầu tư. Cần phải có số liệu tổng thể của toàn đồng bằng để tính toán, cân bằng nước, xem cách điều phối thế nào, thì cái đó phải xem xem toàn lưu vực thì mới giải quyết được.
Các tác động của biến đổi khí hậu rồi các tác động của con người, đặc biệt là các nước thượng lưu kết hợp lại, thì chắc chắn trong tương lai đồng bằng sông Cửu Long của mình còn nhiều khó khăn hơn nữa.
(Riêng về các vùng ở phía ven biển như) Bạc Liêu, thì số liệu trên vùng thượng lưu không quá ảnh hưởng, vì mùa khô Bạc Liêu chủ yếu sử dụng nước mặn để nuôi tôm, mà nước mặn thì rất dồi dào, chỉ cần mở cửa vận hành cống là nước mặn vào ».
Về vấn đề này, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết :
« Phía Việt Nam cần phải gióng lên tiếng chuông báo động. Tôi ở trong mấy hội nghị dính đến tài nguyên nước của vùng sông Cửu Long mở rộng, tôi cũng có phát biểu, nhưng mà tôi nghĩ chưa có thấm thía gì đâu.
Cái dòng sông Cửu Long của mình, nói như bác sĩ Ngô Thế Vinh, dòng sông này nó đương bị ‘‘nghẽn mạch’’, nghẽn mạch thực sự, máu không lưu thông được ! Không có nước ngọt trên kia đưa xuống, thì nước mặn phải kéo vào là cái lẽ dĩ nhiên.
Ủy ban Mêkông rất là bất lực khi nói đến việc sử dụng nước ở từng quốc gia thành viên của Ủy ban này. ».
***
Việc thay đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng phù hợp với môi trường cụ thể, việc quy hoạch một hệ thống thủy lợi đa chức năng, hài hòa giữa mùa khô và mùa nước, nước mặn và nước ngọt, được điều chỉnh và xây dựng với sự tham gia thực sự của người nông dân và đáp ứng thực sự các nhu cầu của người dân, cùng với các biện pháp dự trữ, sử dụng tiết kiệm nước ngọt, được rất nhiều chuyên gia nhìn nhận như là các yếu tố quyết định để đồng bằng Cửu Long có thể vừa tận dụng được các lợi thế của vùng canh tác giáp biển, vừa hạn chế được các tác hại của nước mặn nhập sâu, trong bối cảnh nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm.
Mặc dù tại nhiều nơi, người nông dân cùng với sự hỗ trợ của nhiều nhóm các nhà khoa học, kỹ thuật viên đã có những thay đổi chủ động để thích nghi với các biến đổi môi trường, tuy nhiên, những hạn chế của hệ thống thủy lợi hiện có là một trong các yếu tố chủ yếu khiến người canh tác tại các vùng ngập mặn đồng bằng Cửu Long ở trong tư thế thường xuyên phải đối phó với những biến đổi nhanh chóng và không dễ tiên liệu của môi trường nước. Đó là chưa kể hiểm họa đến từ phía ngoài, do mực nước biển dâng cao đe dọa cả một vùng rộng lớn hơn của đồng bằng châu thổ Nam Bộ, hệ quả của nhiệt độ trái đất tăng lên, và hiểm họa đến từ bên trên, do sự khai thác theo kiểu "mạnh ai nấy làm" trên dòng sông mẹ Mêkông.
RFI xin chân thành cảm ơn Giáo sư Võ Tòng Xuân, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Tiến sĩ Dương Văn Ni và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền đã dành thời gian cho tạp chí hôm nay
Các bài liên quan
Tác động của đập thủy điện hạ lưu Mekong lên đồng bằng Cửu Long
Những giải pháp cho sông Hồng, dòng sông đang bị "bức tử"
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết bảo vệ sông Mekong
Dự đoán các tác động của quy định mới của Chính phủ VN đến nghề trồng lúa
Tài nguyên đất châu thổ Mê Kông – Nam Bộ : tiềm năng và hiểm họa
Cơ sở hạ tầng tác động đến môi trường châu thổ đồng bằng sông Cửu Long
Bờ biển đồng bằng Cửu Long sạt lở nghiêm trọng vì phát triển không đúng cách
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20130320-dong-bang-cuu-long-doi-pho-voi-nuoc-man-nhap-sau
Geen opmerkingen:
Een reactie posten