Wednesday, September 21, 2011 7:46:10 PM
Hà Giang/Người Việt
Trong một chuyến viếng thăm tỉnh Kiên Giang vào hai ngày 6 và 7 tháng 4 năm 2006, ông Seth Winnick, tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã tìm hiểu qua giới chức địa phương về thân thế một nhân vật từng có thời niên thiếu ở vùng này, đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, khi đó là phó thủ tướng Việt Nam.
Những dữ kiện thu thập trong chuyến đi được ông Seth Winnick tường trình trong công điện ngày 13 tháng 4 năm 2006, gửi về cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Ðốn, vẽ nên chân dung ông Dũng như một người con yêu của Kiên Giang, và giải thích lý do tại sao sự nghiệp chính trị của ông Dũng chỉ trong một thời gian ngắn đã lên như diều gặp gió.
Theo một công điện của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Sài Gòn gửi về Hoa Thịnh Ðốn, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có sự nghiệp chính trị rất thuận buồm xuôi gió, vì được sự hậu thuẫn của cả Lê Ðức Anh, cựu chủ tịch nước, thuộc thành phần bảo thủ, và Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất. (Hình: HoangDinhNam/AFP/Getty Images)
'Người con Kiên Giang'
Công điện cho biết, theo lời ông Bùi Ngọc Sương, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang, ông Dũng ra đời tháng 11 năm 1949 ở tỉnh Cà Mau, và sau đó theo gia đình dọn hẳn về Kiên Giang.
Ông Sương cho hay, cha của ông Dũng là một lãnh đạo cao cấp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), bị giết chết khi ông Dũng còn tấm bé. Sau cái chết của cha, ông Dũng cũng gia nhập MTGPMN. (Lý lịch của ông Dũng ghi rằng ông gia nhập Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam vào năm 1961, khi mới được khoảng mười hai, mười ba tuổi, và gia nhập đảng Cộng Sản vào năm 1967.)
Vẫn theo lời chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kiên Giang, ông Dũng từng là y tá cứu thương cho MTGPMN, và trong thời kỳ chiến tranh, được lên chức đội trưởng đội phẫu thuật Kiên Giang. Ðịa bàn hoạt động của ông Dũng lúc đó là rừng U Minh, nơi một thời là thành trì vững chắc của MTGPMN.
Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, ông Dũng giải ngũ năm 1981 với chức vụ thiếu tá, rồi được đưa về đào tạo ở Học Viện Chính Trị Nguyễn Ái Quốc của đảng CSVN tại Hà Nội, nơi ông đã lấy được bằng cử nhân luật và bằng tốt nghiệp về nghiên cứu chính trị.
Sau khi tốt nghiệp Học Viện Chính Trị, ông Dũng được bổ nhiệm làm phó Trưởng Ban Cán Bộ và Tổ Chức Tỉnh Ủy Kiên Giang.
Một đoạn trong công điện viết:
“Dũng nhanh chóng thăng quan tiến tiến chức trong hàng ngũ đảng cấp tỉnh. Chỉ trong vòng một thập niên, ông được bổ nhiệm làm bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang, đồng thời là thành viên Ðảng Ủy Quân Khu 9.
Năm 1986, tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 6, Dũng được bầu là ủy viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng. Cuối năm 1994, ông được chuyển về Hà Nội để nhận chức thứ trưởng Bộ Nội Vụ (sau này được đổi tên thành Bộ Công An).”
Công điện cũng cho biết, với Kiên Giang, ông Dũng luôn là người con gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn.
Theo giới chức tỉnh Kiên Giang, ông Dũng thường xuyên về thăm quê và cắt cử nhiều người gốc Kiên Giang, hay thuộc đồng bằng Sông Cửu Long vào những vai trò quan trọng tại Hà Nội.
Công điện tiết lộ:
“Một nguồn tin đáng tin cậy tại Kiên Giang nói với Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ rằng, Ủy viên Bộ Chính Trị kiêm Bộ Trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh cũng là người được Dũng đỡ đầu và giúp trở thành người kế nhiệm ông làm bí thư tỉnh Kiên Giang, rồi sau đó ra Hà Nội.”
Cũng theo công điện, một vài người Kiên Giang khác được ông Dũng nâng đỡ.
“Dũng còn bổ nhiệm ông Huỳnh Vĩnh Ái, cựu phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Kiên Giang vào chức phó chủ tịch của Ủy Ban Thể Dục Thể Thao quốc gia, một chức tương đương với Thứ trưởng. Ở chức vụ này, Ái được trao trách nhiệm điều hành việc hợp pháp hóa một số những hình thức cá cược thể thao. Ngoài ra, Dũng cũng đưa cựu giám đốc Sở Y Tế tỉnh Kiên Giang là ông Trần Chí Liêm ra Hà Nội, và giờ đây Liêm là thứ trưởng Bộ Y Tế.”
Tả phù hữu bật
Giải thích con đường quan lộ thuận lợi của Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Lãnh Sự Seth Winnick dùng những cụm từ như “Ties of Blood” hay “Blood Debt” để mô tả thâm tình giữa Nguyễn Tấn Dũng với cả hai cánh tả lẫn hữu của đảng CSVN.
Ông Seth Winnick viết trong công điện:
“Một nguồn tin ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, cha của Nguyễn Tấn Dũng tử nạn vì bị Hoa Kỳ hay quân đội VNCH tấn công ngay giữa lúc đang họp với hai lãnh đạo của lực lượng nổi dậy lúc đó là Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt.”
Công điện giải thích:
“Vẫn theo nguồn tin này, cả Lê Ðức Anh và Võ Văn Kiệt tin rằng họ nợ Dũng một món ‘ân oán’, và có bổn phận phải đền bù cho Dũng.
Ðó là lý do tại sao, dù có lập trường đối nghịch nhau, cả hai, Lê Ðức Anh thuộc thành phần bảo thủ, từng giữ chức chủ tịch nước từ năm 1992 đến 1997, và sau khi về hưu vẫn có rất nhiều thế lực; và Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng và là nhân vật có khuynh hướng cải tổ nặng ký nhất, đều cùng tiếp tay hỗ trợ cho sự nghiệp chính trị của Dũng.”
Công điện còn cho biết các giới chức đồng bằng sông Cửu Long, “dù không lạm bàn về khuynh hướng chính trị của Dũng,” tỏ ra “rất hãnh diện về người con yêu xứ Kiên Giang.”
Công điện ghi rõ nhận xét của người Kiên Giang về Nguyễn Tấn Dũng: “Dũng là một người bộc trực thẳng thắn, dám nói, dám làm, không ngại có những quyết định táo bạo. Thí dụ, ông là người đầu tiên trong nhóm lãnh đạo cao cấp dám gửi con qua học đại học tại Hoa Kỳ.”
Các viên chức Kiên Giang cũng đánh giá rằng, liên hệ của ông Dũng với cả cựu Chủ Tịch nước Lê Ðức Anh và cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt “giúp ông có thế để chống chỏi với áp lực từ cả hai phía bảo thủ và cấp tiến.”
Ngoài thân thế của Nguyễn Tấn Dũng, một công điện khác, từ tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, gửi về cho Bộ Ngoại Giao, ngày 5 tháng 6, năm 2009, cho thấy rõ hơn về con người này, khi mô tả việc Nguyễn Tấn Dũng từng chiếm độc quyền trang nhất của các tờ báo in cũng như báo mạng lớn, để dành cho bài ai điếu của ông, viết trong dịp giỗ đầu của cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt.
Giành giựt chức thừa kế
Công điện cho biết, “chỉ một năm sau cái chết của vị cựu Thủ Tướng cấp tiến Võ Văn Kiệt, giới ủng hộ ông Kiệt than phiền là lãnh đạo đảng cộng sản đương thời hoàn toàn phớt lờ những cải tổ mà ông Kiệt đề nghị, dù muốn bảo vệ di sản của ông.”
Cũng theo công điện, thì mặc dù tỏ ra không mấy tin tưởng vào viễn ảnh của việc cải tổ, giới trí thức Sài Gòn, kể cả những người đã dấy lên phong trào phản đối rầm rộ chính sách khai thác Bô Xít của đảng, cũng công nhận rằng “chủ trương cởi mở và sự thẳng thắn của Kiệt tiếp tục tạo cho họ nguồn cảm hứng để tiếp tục con đường cải cách, và dân chủ hóa Việt Nam mà ông đã vạch ra.”
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ đánh giá cao nỗ lực của Nguyễn Tấn Dũng trong việc “dùng hoài niệm Võ Văn Kiệt” để “làm hồi sinh hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo có khuynh hướng cải tổ.”
Thay vào đó, công điện nhận định rằng, người ta (giới trí thức Sài Gòn) “nói về một khoảng trống trong phe cải cách, bởi vì ngày nay, ngoài ông Kiệt ra, không ai hội đủ cả tinh thần cách mạng lẫn uy tín về cải tổ.”
Một đoạn trong công điện viết:
“Ở Việt Nam, ngày giỗ là một cột mốc quan trọng, và theo truyền thống, trách nhiệm cử hành nghi lễ giỗ hàng năm được trao cho người thừa kế.”
Vì vậy, công điện cho biết, vào ngày 28 tháng 5, giới quan tâm tại Sài Gòn đã “chau mày” trước việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ thị cho tất cả những báo in và các trang báo điện tử lớn, hai ngày trước ngày giỗ của Võ Văn Kiệt, phải đăng một bài viết của Dũng nhân dịp này.
Công điện nêu rõ:
“Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn được cho biết là giới truyền thông nhận chỉ thị trực tiếp từ phủ Thủ Tướng, là bài điếu văn của ông phải được đăng ở trang nhất, và không bài viết nào được đi trước bài của ông.”
Theo nhận định của đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bài viết của thủ tướng “chẳng đặc sắc gì hơn một bài tán dương lãnh đạo tiêu biểu, ca tụng ông Kiệt như một chiến sĩ giải phóng nhiệt thành, nhiều sáng kiến, đi tiên phong trong việc hòa giải dân tộc và cải cách kinh tế.”
Thế nhưng, sau khi bài viết của Dũng được công bố, “một loạt các bài viết khác đua nhau xuất hiện.”
Và, “rất nhiều bài viết cả trên báo 'lề phải' lẫn cộng đồng blog, mô tả ông Kiệt là vị lãnh đạo cuối cùng của ‘thế hệ đổi mới’: một nhà cải cách vĩ đại, hòa giải; nhưng trên tất cả, là một người ủng hộ dân chủ ở một vị trí độc đáo, có nhiều uy tín và dám công khai kêu gọi cải cách.”
Công điện cho biết thêm là những nhà quan sát chính trị tại Sài Gòn nói với tòa lãnh sự Hoa Kỳ là họ “đánh giá hành động của Dũng là một nỗ lực “khôi phục lại hình ảnh của mình như là một người ủng hộ cải cách.” Và, đặc biệt là để “thu hút sự ủng hộ của giới trí thức cổ xúy cải cách, trong thời gian gần đây đã liên tục chỉ trích chính sách khai thác bauxite tại Tây Nguyên của chính quyền.”
Tuy nhiên, công điện kết luận:
“Trong bối cảnh mà ước nguyện và tư tưởng của Võ Văn Kiệt không được mấy tôn trọng trong năm qua, mánh khóe của Dũng không những đã chẳng giúp ông kiếm được tí điểm nào trong giới trí thức mà còn phản tác dụng.”
_______________
Liên lạc tác giả: HaGiang@nguoi-viet.com
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=137443&zoneid=321
Bộ mặt thật của Thủ Tướng
Friday, September 14, 2012 8:09:56 PM
Friday, September 14, 2012 8:09:56 PM
Bài liên quan
Song Chi/Người Việt
Ngày 12 tháng 9, văn phòng chính phủ Việt Nam đã có “công văn hỏa tốc số 7169/VPCP-NC thông báo ý kiến của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm việc đăng tải nội dung chống đảng và nhà nước”.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ra lệnh ‘xử’ các trang mạng ‘chống đảng và nhà nước’. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages) |
Các trang báo mạng cụ thể được nêu tên là Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, Biển Ðông...
Văn bản cũng cấm “Các bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.”
Phản ứng chung của dư luận xung quanh văn bản 7169 ra sao?
Trước hết, đối với những trang mạng bị nêu tên, vô hình trung ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và cái văn phòng chính phủ của ông đã PR ngược cho những trang mạng này, khiến số lượng người truy cập càng tăng lên.
Ðối với dư luận quốc tế và trong nước, hành động nhằm bịt miệng những trang blog nói lên tiếng nói trung thực của người dân cũng như cấm người dân không được đọc những thông tin đối lập, khiến ông thủ tướng càng thêm mất điểm trong mắt mọi người.
Không ai ngạc nhiên khi trong văn bản nêu đích danh quan làm báo là trang blog tập trung chĩa mũi dùi đánh ông thủ tướng nhiều nhất.
Nhưng việc xếp chung Dân Làm Báo, Quan Làm Báo với Biển Ðông-một trang blog khá “hiền lành”, chỉ đề cập đến những vấn đề đang xảy ra trên biển Ðông, âm mưu bành trướng của Trung Quốc, và việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải, đã khiến nhiều người thắc mắc. Phải chăng điều này đã làm lộ ra rằng ông thủ tướng cũng là một người thân Trung Quốc, không muốn ai động chạm đến Trung Quốc?
Nhớ lại khi ông Nguyễn Tấn Dũng mới nhậm chức, nhiều người đã hy vọng rằng ông Dũng vốn là người miền Nam, còn tương đối trẻ, sẽ có tinh thần cấp tiến hơn.
Nhưng chẳng bao lâu, ông thủ tướng đã tự bộc lộ mình là một kẻ độc tài, chuyên chế với hàng loạt nghị định chà đạp lên mọi công ước quốc tế về quyền tự do dân chủ của con người, chà đạp lên cả Hiến pháp Việt Nam:
Nghị định 11 và 12/2008 cấm công nhân không được đình công.
Quyết định số 97/2009/QÐ-TTg “cấm phản biện” đã bị những nhà trí thức hàng đầu trong Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS chỉ trích là “Không phù hợp với thực tế khách quan của đời sống”, “Phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ”. Ðồng thời tuyên bố tự giải thể viện để phản đối.
Nghị định số 136/2006/NÐ-CP cấm khiếu nại tập thể-đã bị Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, người đã bị kết án 7 năm tù trong phiên tòa ngày 4 tháng 4 năm 2011, khởi kiện vì đã ban hành một nghị định trái Hiến pháp và pháp luật.
Nghị định 02/2011/NÐ-CP về kiểm soát báo chí và lĩnh vực xuất bản, nhằm tăng thêm quyền hạn kiểm duyệt của chính phủ đối với người làm báo trong nước, v.v. Có nghĩa là, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bịt miệng từ công nhân, nông dân, trí thức, các nhà khoa học cho tới báo chí!
Và bây giờ, với văn bản số 7169/VPCP-NC, ông Nguyễn Tấn Dũng lại tìm cách bịt miệng mọi thông tin ngoài luồng và bịt mắt cả người dân khi cấm đọc những thông tin này.
Dưới thời ông Dũng, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do tôn giáo càng bị siết chặt. Hàng trăm người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động tôn giáo, blogger... bị sách nhiễu, bị tống vào tù với những bản án nặng nề, phi lý nhất.
Nổi bật là vụ các blogger CLBNBTD bị giam giữ dài hạn không đưa ra xét xử, vụ án của nhóm Lê Công Ðịnh-Trần Huỳnh Duy Thức, Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Mục Sư Nguyễn Công Chính hay vụ 17 thanh niên Công Giáo bị bắt giam...
Bản án dành cho doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức hay Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vụ theo sự nhận định của nhiều người, là có tính chất trả thù cá nhân. Vì những bài viết ký tên Trần Ðông Chấn của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã đánh vào năng lực điều hành quản lý kinh tế quá kém cỏi của ông thủ tướng. Còn Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ thì phạm tội “dám cả gan 2 lần kiện thủ tướng”.
Dưới thời ông Dũng, chế độ công an trị càng trở nên sắt máu. Công an, vốn là con cưng của chế độ, ngày càng hung hãn lộng hành, với hàng chục vụ bạo hành người dân tới chết khi chỉ mới trong giai đoạn đưa về đồn để điều tra, xét hỏi.
Nhìn vào tất cả những điều đó, để thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không thể là một người có tinh thần cấp tiến, cải cách.
So với các đời thủ tướng trước, ông Nguyễn Tấn Dũng là người có nhiều quyền lực nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với sự thành lập của hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh là sân sau của thủ tướng. Ông Dũng cũng “nổi bật” bởi thành tích tham nhũng và khả năng điều hành quản lý kinh tế tệ hại.
Nhờ vào “tài năng” của ông Dũng, nền kinh tế Việt Nam cực kỳ bất ổn, lạm phát phi mã, đồng tiền liên tục bị mất giá, đời sống người dân vô cùng khó khăn, nợ nước ngoài tăng nhanh. Hàng loạt vụ làm ăn thua lỗ, vỡ nợ, phá sản của các tập đoàn kinh tế quốc doanh mà điển hình là vụ Vinashin, Vinalines đã “thổi” bay hàng chục nghìn tỷ đồng Việt Nam, tương đương hàng tỷ đô la Mỹ.
Chưa kể, nhiều “ông lớn” khác như tập đoàn điện lực, dầu khí, xăng dầu, Sông Ðà... cũng đang thua lỗ hoặc thất thoát rất nhiều tiền của. Ngành ngân hàng thì đang khủng hoảng vì nợ xấu...
Dư luận từ trước đến nay, không biết dựa vào đâu, thường cho rằng trong nội bộ đảng CSVN có hai ba phe, phe ông Tổng Trọng bị coi là thân Tàu, còn phe ông Dũng được cho là hướng về phương Tây hơn.
Trang Anh Ba Sàm nhận xét:
“Ngược thời gian, ngay từ khi thủ tướng nhậm chức, cho tới nay, không ít lần ông thể hiện là mình không thân Tàu, mà hướng Tây nhiều hơn, dù đằng sau đó là cái gì, có mấy ai tin hay không.
Nào là chưa sang Trung Quốc ngay, mà là đi vài nước, trong đó có Nhật. Quyết định ‘dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa’ (rồi không thấy gì nữa), tuyên bố ‘dẹp’ doanh nghiệp công an, quân đội (sau cũng thấy im), Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được về hành đạo, lập đàn giải oan chung cho tất cả những người đã khuất vì chiến tranh, không kể chính kiến (nhưng rồi lại xảy ra vụ Tu viện Bát Nhã đến kinh hoàng)... cho tới cả chuyện riêng gia đình-con gái kết hôn với một Việt kiều Mỹ, cha lại là người của VNCH.
... Một thời gian dài sau thì ‘bùng nổ’ khá ngoạn mục cú trả lời chất vấn trước Quốc Hội về biển Ðông, đề nghị ra Luật Biểu Tình, (hé lộ tin) chính thủ tướng ra lệnh thả Bùi Hằng...
Còn cả tin đồn thổi cũng không ít về tư tưởng không thân Tàu và muốn sửa Ðiều 4 Hiến pháp của thủ tướng.”
... Vậy mà, đùng một cái, hai chữ “biển Ðông” lại lù lù trong cái văn bản “chỉ đạo”, như thể làm cho công phu 5-6 năm trời như vậy bỗng một phút thành công dã tràng, ngay giữa thời khắc sinh tử này...
Thực tế ngày càng cho thấy việc nhận định phe nào thân Tàu/bảo thủ, phe nào hướng về phương Tây/cấp tiến, hoàn toàn chẳng có cơ sở nào chắc chắn.
Chẳng hạn như ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù là nhân vật lãnh đạo cao nhất của nhà nước cộng sản chính thức lên tiếng trước Quốc Hội về vụ Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Nhưng ngoài những lời nói này ra, ông Dũng cũng như những ông lãnh đạo khác của Việt Nam chẳng hề có bất cứ hành động mạnh mẽ nào khi Trung Quốc ngày càng lộng hành, lấn lướt Việt Nam trên biển Ðông.
Khác hẳn với tổng thống Philippines trong hoàn cảnh tương tự.
Dư luận cũng chưa quên việc ông Nguyễn Tấn Dũng, cùng với ông Nông Ðức Mạnh trước đó, ra sức ủng hộ dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên ký kết với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Việt Nam dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang tiếp tục lún sâu vào trong quỹ đạo của Trung Quốc, từ chính trị, ngoại giao, cho đến kinh tế.
Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục cam kết giữ vững “hòa bình và ổn định”, tiếp tục tiến trình đàm phán song phương về những mắc mứu trên biển Ðông, không để cho các thế lực thù địch phá hoại chia rẽ tình hữu nghị Việt Trung, v.v và v.v.
Như vậy, cho dù có thể đấu đá nhau, nhưng những nhà lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN vẫn giống nhau trong việc thẳng tay đàn áp nhân dân và nhịn nhục trước kẻ xâm lược, cũng như trong sự chọn lựa thà mất nước còn hơn mất đảng!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=155006&zoneid=97
Geen opmerkingen:
Een reactie posten