zaterdag 24 oktober 2015

Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn chỉ trích dự luật tôn giáo Việt Nam

Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn chỉ trích dự luật tôn giáo Việt Nam
Friday, October 23, 2015 3:42:39 PM

Bài liên quan



HÀ NỘI, Việt Nam (NV) - Tờ Le Monde của Pháp vừa có một phóng sự ghi nhận suy nghĩ của một số tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tại Việt Nam về dự luật tôn giáo: Không ai hoan nghênh dự luật này.




Giáo dân biểu tình bên ngoài một phiên tòa xử tám giáo dân Công Giáo ở Hà Nội
năm 2008. (Hình minh họa: Frank Zeller/AFP/Getty Images)
Trước đây, trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc soạn thảo dự luật tôn giáo là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo. Song khi dự luật được công bố để mời gọi dân chúng góp ý thì nhiều người khẳng định, dự luật vừa kể chỉ gây thêm lo ngại.
Trong bài viết “Tại Việt Nam, người Công Giáo được yêu cầu phải thỏa hiệp với chính quyền” trên tờ Le Monde, phóng viên Bruno Philips kể và RFI lược thuật thì dù buổi gặp Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, có một “phiên dịch” do chính quyền cử đi theo ông Philipis, vị chủ chăn của tổng giáo phận này vẫn chỉ trích dự luật tôn giáo một cách thẳng thừng.
Với thứ tiếng Pháp được mô tả là “chải chuốt,” vị hồng y nói trực tiếp với ông Philips rằng, Công Giáo Việt Nam hoàn toàn bất ngờ về nội dung dự luật tôn giáo bởi nó phủ nhận sự hiện diện một cách hợp pháp của các tổ chức tôn giáo trên thực tế dù tự do tôn giáo là quyền đã được minh định trong Hiến Pháp.
Theo vị hồng y, quan hệ giữa Công Giáo Việt Nam và chính quyền “khá tốt đẹp” tại các thành phố lớn nhưng ở các tỉnh thì không được như vậy. Hội đồng điều hành các giáo xứ có thể bị cấm họp. Những tài sản của Công Giáo Việt Nam bị tịch thu tại miền Bắc sau năm 1954 và tại miền Nam sau năm 1975 vẫn chưa được trả lại. Nếu dự luật tôn giáo trở thành luật, các mắc mứu sẽ trở nên nan giải hơn.
Theo nhận định của Hồng Y Nhơn, chuyện trở thành khó hiểu khi một mặt, chính quyền Việt Nam tỏ ra cởi mở hơn đối với tôn giáo nhưng mặt khác lại muốn có một bộ luật kiểm soát tôn giáo như dự luật tôn giáo. Vị hồng y này bảo đó thực sự là một bước lùi so với những tiến bộ đã từng đạt được.
Tổng Giám Mục Bùi Văn Đọc, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam kiêm tổng giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, nói thêm, mọi thứ đang thay đổi nên cần phải xây dựng những cây cầu nối các tôn giáo với chính quyền chứ không phải là dựng lên các bức tường.
Theo ông Philips, không riêng Công Giáo mà những tôn giáo khác như Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo... cũng nghi ngại dự luật tôn giáo.
Bà Trần Thị Liên, một người nghiên cứu về tôn giáo, nhận định chính quyền Việt Nam không muốn có lực lượng nào cạnh tranh về chính trị nên duy trì sự kiểm soát toàn bộ các hoạt động tín ngưỡng, khống chế tôn giáo qua việc kiểm soát chuyện tấn phong hàng giáo phẩm.
Ông Philips cũng đã trao đổi với các viên chức Việt Nam chịu trách nhiệm về tôn giáo.
Giới ngoại giao Việt Nam phủ nhận các nghi ngại từ bên ngoài về tự do tôn giáo tại Việt Nam còn những viên chức này thì phủ nhận các nghi ngại từ bên trong.
Ông Dương Ngọc Tấn, phó Ban Tôn Giáo Chính Phủ, vẫn khăng khăng bảo rằng dự luật tôn giáo là một “tiến bộ” vì “nhìn nhận các tổ chức tôn giáo, mang lại cho các tổ chức này sự tự do rộng rãi” và đã là luật thì phải xác định cái gì có thể làm và cái gì không thể làm.
Ông Đỗ Quang Hưng, một trong những người tham gia soạn dự luật, cho rằng, dự luật đã mở rộng sự tự do, ví dụ cho phép tù nhân có quyền thực hành tín ngưỡng. (G.Đ.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216366&zoneid=1

Công Giáo VN khuyên chính quyền viết lại dự luật tôn giáo
Tuesday, May 05, 2015 2:37:10 PM 

Bài liên quan


HÀ NỘI (NV) - Việt Nam cần viết lại dự luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Ðó là ý kiến của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam sau khi chính quyền Việt Nam đề nghị lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” cho dự luật này.
Chính quyền Việt Nam chỉ dành hai tuần cho lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” về dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Giám Mục Cosma Hoàng Văn Ðạt, tổng thư ký Ban Thường Vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, người thay mặt Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam ký tên vào thư góp ý cho dự luật tín ngưỡng, tôn giáo. (Hình: giaophanbacninh.org)

Trước đây, trong nhiều cuộc đối thoại với Liên Hiệp Quốc, đại diện chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế về nhân quyền tại Việt Nam, các viên chức đại diện chính quyền Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh, việc soạn thảo dự luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang cố gắng cải thiện tình trạng nhân quyền và càng ngày càng tôn trọng tự do tôn giáo.
Tuy nhiên thư góp ý của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, gửi chủ tịch Quốc Hội Việt Nam và trưởng Ban Tôn Giáo chính phủ cho thấy, nội dung dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền Việt Nam “quảng cáo” trong thời gian vừa qua là một nỗ lực đáng ngại.
Theo Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, dự luật tín ngưỡng, tôn giáo mà chính quyền Việt Nam mời lãnh đạo và tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam “góp ý” đã “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.”
Trong phần nhận định chung về dự luật này, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam nhận định, dự luật bao gồm “những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền mà quên đi quyền lợi của người dân.” Thiếu sót quan trọng nhất của dự luật là không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân,” điều đó đồng nghĩa với việc không xác nhận tổ chức tôn giáo có quyền “tồn tại hợp pháp trước pháp luật Việt Nam.”
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam phân tích 14 điểm bất hợp lý, không khả thi, mâu thuẫn với cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc lẫn Hiến Pháp của Việt Nam thể hiện ở nhiều chương, nhiều điều trong dự luật.
Do dự luật tín ngưỡng, tôn giáo trái ngược với cả tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền lẫn Hiến Pháp mới của Việt Nam, thậm chí còn có sự thụt lùi so với pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 bởi “tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở,” Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khẳng định rằng, Công Giáo Việt Nam “không đồng ý với dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.” Ðồng thời đề nghị “soạn lại một dự luật khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.”
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khuyến cáo, dự luật được việt lại cần phải được tham khảo ý kiến của các tổ chức tôn giáo và đặc biệt là chính quyền Việt Nam phải “công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo” để những pháp nhân này được bảo vệ bằng luật pháp.
Trong chuỗi thông tin ban đầu về thư góp ý cho dự luật tín ngưỡng, tôn giáo của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, truyền thông quốc tế nhận định, đây là một phản ứng quả cảm. (G.Ð)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=206809&zoneid=1


Việt Nam : Dự luật tôn giáo cản trở tự do tín ngưỡng?

mediaGiáo dân người Hmong dự thánh lễ tại một nhà thờ ở vùng cao Sapa, miền Bắc Việt Nam.REUTERS/Kham
« Tại Việt Nam, người công giáo được yêu cầu phải thỏa hiệp với chính quyền », đó là tựa đề bài viết của đặc phái viên Le Monde Bruno Philips tại Hà Nội. Chính quyền cộng sản muốn áp đặt một đạo luật đưa các tôn giáo vào khuôn phép, mà theo các vị giám mục Việt Nam thì đó là một bước thụt lùi « bóp nghẹt tự do ».
Tác giả mô tả trong gian phòng đơn sơ của Tòa Tổng giám mục Hà Nội – một công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc, Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thận trọng từng từ ngữ trước sự hiện diện của người phiên dịch chính thức. Nhưng điều này không ngăn trở ngài chỉ trích thẳng thừng một dự luật về tín ngưỡng và tôn giáo mới đây. Dự luật này cho thấy ý định của chính quyền muốn đưa ra các quy định trong quan hệ giữa Nhà nước cộng sản và các cộng đồng tôn giáo.
Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn giải thích bằng một thứ tiếng Pháp chải chuốt : « Một mặt, chính quyền Việt Nam tỏ ra ngày càng cởi mở hơn đối với tôn giáo, mặt khác lại đề nghị một dự luật thực sự là một bước lùi đối với những tiến bộ đã đạt được trước đây ».
Vị giáo phẩm 77 tuổi người miền Nam được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong Hồng y hồi tháng Giêng, cho biết thêm : « Tại các thành phố lớn Việt Nam, mọi việc khá tốt đẹp giữa các tín đồ và chính quyền. Nhưng tại các tỉnh lẻ, lại là chuyện khác : đôi khi các cuộc họp của Hội đồng giáo xứ bị chính quyền địa phương cấm đoán. Ngoài ra, chúng tôi còn mong muốn được nhận lại các tài sản của Giáo hội bị tịch thu sau khi những người cộng sản lên nắm quyền, năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 tại miền Nam ».
Giáo hội công giáo Việt Nam đã bị bất ngờ khi dự luật trên đột ngột được loan báo hồi tháng Tư. Hội đồng Giám mục phản đối ý tưởng về một đạo luật « bóp nghẹt tự do » trong một đất nước mà quyền tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp. Theo đó, dự luật này không nhìn nhận sự hiện diện thực tế một cách hợp pháp của các tổ chức tôn giáo ; gây phức tạp thêm cho người công giáo đối với việc đấu tranh chống hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính chẳng hạn, và rất mơ hồ nhất là về vấn đề tài sản nhà đất.
Tất nhiên là Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, ông Dương Ngọc Tấn không đồng ý. Ông nói : « Luật này nhìn nhận các tổ chức tôn giáo, mang lại cho các tổ chức này một sự tự do rộng rãi. Hẳn là phải xác định điều gì có thể làm và điều gì không thể ».
Giới công giáo Việt Nam vẫn là một lực lượng quan trọng, với 6,6 triệu tín đồ trên tổng số 95 triệu dân, tương đương 6,93% dân số, cho dù số lượng không tăng. Đây là một cộng đồng mà chính quyền không thể làm lơ, và đôi khi họ là một thử thách đối với quyền lực của đảng Cộng sản.
Tâm trạng nghi ngờ cũng liên quan đến các tôn giáo khác ở Việt Nam như Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài…ở những mức độ khác nhau. Nhà nghiên cứu Trần Thị Liên đã viết : « Để cản trở tôn giáo trở thành lực lượng cạnh tranh chính trị, Nhà nước do Đảng lãnh đạo muốn duy trì kiểm soát toàn bộ các hoạt động tín ngưỡng. Cũng như truyền thống Khổng giáo trước đây, chính quyền cộng sản luôn tìm cách khống chế qua việc tấn phong hàng giáo phẩm ».
Tình hình này hiện nay vẫn mang tính thời sự. Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo thuộc giáo phận Xuân Lộc nói : « Các quy định đã được giảm nhẹ, nhất là việc tấn phong linh mục, nhưng các buổi lễ phong chức vẫn phải được ủy ban nhân dân địa phương cho phép ».
Nhận định này nói lên nhiều điều về ý định kiểm soát của chính quyền tại một địa phương mà một phần ba dân số là tín đồ công giáo. Càng đi về gần phía Saigon, những tháp chuông nhà thờ liên tiếp hiện ra dọc theo tuyến đường. Xuân Lộc là một địa phương quan trọng đối với hàng giáo phẩm : sau trận Điện Biên Phủ năm 1954, hàng trăm ngàn giáo dân miền Bắc đã vào đây tị nạn. « Tự do tín ngưỡng dần dà từng bước có tiến bộ hơn » - vị giám mục thận trọng nói.
Tương tự với Giám mục Phêrô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh. Ngài nói : « Chúng tôi sống trong một xã hội đang thay đổi, và Giáo hội cũng thay đổi, cho dù bản thể của thông điệp vẫn vậy. Cần phải xây dựng các cầu nối giữa chúng tôi và Nhà nước, chứ không phải dựng lên những bức tường. Cần có lòng kiên nhẫn ».
Về phần nhà sử học Đỗ Quang Hưng, một trong những người soạn thảo dự luật thì cho rằng văn bản này đã « mở rộng các lãnh vực tự do, chẳng hạn lần đầu tiên chấp nhận tù nhân có quyền hành đạo ». Tuy nhiên ông cũng nói thêm : « Nhưng điều quan trọng là dành tư cách pháp nhân cho các tôn giáo và giảm bớt sự kiểm soát của Nhà nước ».
Tập Cận Bình : Chán ngắt tại Quốc hội Anh, hồ hởi trước doanh nhân
Cũng về châu Á, thông tín viên Le Monde tại Luân Đôn nhận xét : « Tập Cận Bình thích trung tâm tài chính City hơn là Quốc hội », với 55 tỉ euro hợp đồng thương mại được ký kết trong chuyến viếng thăm lần này.
Khi Tập Cận Bình lên phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Anh hôm thứ Ba 20/10 – một vinh dự hiếm hoi – ông ta chỉ dành một nỗ lực tối thiểu. Bài diễn văn của ông Tập chỉ dài có 15 phút, nói vài điều nhạt nhẽo và nhắc đến William Shakespeare. Ngược lại, hôm sau tại Dinh thự Mansion House, ông ta sôi nổi hẳn lên trước hai trăm doanh nhân Anh. Tập Cận Bình tràng giang đại hải về toàn cảnh nền kinh tế thế giới cả nửa tiếng đồng hồ.
Giữa Nghị viện và túi tiền, sự chọn lựa đã rõ. Buổi tiếp tân tại dinh thự Đô trưởng là điểm chính trong chuyến công du, và kéo dài đến tận thứ Năm. Luân Đôn đã trải ra tấm thảm đỏ đẹp nhất cho vị khách. Trước đó Bộ trưởng Tài chính George Osborne trong chuyến đi tiền trạm đã hứa rằng Anh quốc sẽ là nền kinh tế châu Âu mở ra cánh cửa rộng nhất cho đầu tư Trung Quốc.
Một loạt các hợp đồng trị giá 40 tỉ bảng Anh (55 tỉ euro) đã được ký kết, phân nửa là từ việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử EPR do tập đoàn EDF của Pháp và CGN của Trung Quốc đồng tài trợ. Một hợp đồng lớn khác liên quan đến dầu khí : tập đoàn BP sẽ cung cấp khí hóa lỏng trị giá 9 tỉ euro trong 20 năm cho tập đoàn năng lượng Hoa Năng (Huadian). Legoland loan báo mở một công viên giải trí tại Thượng Hải, công ty du lịch đường biển Carnival tiến vào thị trường Trung Quốc và hãng xe hơi sang trọng Roll-Royce ký được một hợp đồng lớn cung cấp động cơ.
Thủ tướng David Cameron không giấu sự hài lòng : « Rất tốt cho Trung Quốc và Anh quốc ». Nhưng tác giả bài báo mỉa mai, cứ thử đi mà nói điều đó với các công nhân nhà máy thép Tata ở miền bắc nước Anh xem sao ! Cũng hôm thứ Ba, nhà máy này đã loan báo sa thải 1.200 công nhân ; còn tuần trước, một nhà máy thép khác đã phải đóng cửa do thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường. « Ông Osborne coi trọng Bắc Kinh hơn nền kỹ nghệ nước Anh » - một biểu ngữ của người biểu tình cay đắng lên án.
Phụ nữ Bắc Triều Tiên đi đầu trong cách mạng tiêu thụ
Còn tại Bắc Triều Tiên, trong « Lá thư từ Bình Nhưỡng », tác giả Philippe Pons ghi nhận « Phụ nữ đi tiên phong trong cuộc cách mạng tiêu dùng ». Thủ đô đất nước khép kín này đã thay đổi phần nào, mà ấn tượng nhất là sự thay đổi trong cách ăn mặc của một bộ phận người dân.
Tác giả ghi nhận, trong khi cách phục sức của nam giới không thay đổi mấy, trang phục của một số phụ nữ Bắc Triều Tiên đã đa dạng, lịch lãm hơn. Giày cao gót, quần bó sát, áo chẽn kim tuyến, váy ngắn hay những bộ váy mặc với áo vét, đi kèm túi xách hàng hiệu đã xuất hiện tại thủ đô Bình Nhưỡng. Các phụ nữ gia đình khá giả bắt chước theo Đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju, vợ của lãnh tụ Kim Jong Un, khác hẳn cách ăn mặc kiểu mao-ít khắc khổ trước đây.
« Tình nguyện quân » Nga tại Ukraina chính thức xuất đầu lộ diện
Nhìn sang châu Âu, thông tín viên Le Monde tại Matxcơva nói về « Các ‘‘tình nguyện viên’’ Nga quay lại Ukraina ». Các cựu chiến binh Nga đã thành lập Liên minh các tình nguyện viên Donbass để đòi hỏi quyền lợi.
Như vậy là một năm rưỡi sau khi khởi đầu cuộc xung đột với trên 8.000 nạn nhân, Matxcơva đã dấn thêm một bước khi công nhận sự hiện hữu của các « tình nguyện quân ». Chủ tịch liên minh này, Alexandre Borodai, « Thủ tướng » đầu tiên của nước cộng hòa tự phong Donetsk, một trong những người Nga có tên trong danh sách trừng phạt của châu Âu và Hoa Kỳ, cho biết đây chỉ mới là bước khởi đầu.
Quân nổi dậy ôn hòa Syria và hỏa tiễn TOW của CIA
Liên quan đến Nga và Syria, thông tín viên Le Monde tại Beyrouth cho biết « Quân đội Syria Tự do (ASL) chống chọi được các cuộc tấn công của Damas ». Được CIA trang bị, quân nổi dậy ôn hòa là mục tiêu cho các cuộc không kích của Nga.
Bị cho là đang sa sút nặng nề thậm chí có nguy cơ « tiệt chủng », nhưng trên thực địa hiện nay, một phần lớn nỗ lực chống lại các cuộc pahrn công của chế độ Assad và các đồng minh Nga, Iran của ông ta, được APL đảm nhận. Các hỏa tiễn chống tăng BGM-71 TOW được CIA cung cấp cho các nhóm nổi dậy chọn lọc, đóng vai trò chính yếu trong việc ngăn trở các cuộc tấn công của quân chính phủ Damas và giúp ASL giành lại được uy tín.
Cách đây hai tuần khoảng hai chục xe bọc thép của quân chính phủ đã bị phá hủy chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Sau chiến công này, các hỏa tiễn TOW của phe nổi dậy ôn hòa đều đặn mỗi ngày lại tiêu diệt năm đến mười mục tiêu, từ xe tăng, giàn pháo đến xe vận tải quân sự. Cứ mỗi lần bắn đi, trên video lại cho thấy người ngắm bắn, tiếng nổ, đường bay của hỏa tiễn trên không, rồi tác động của vụ nổ, sau đó là những tiếng reo « Allahou Akbar ! ». Đó là vũ khí đáng sợ nhất của quân nổi dậy ôn hòa hiện nay.
Một nhà báo nhận xét, người Mỹ cấp cho ASL một số hỏa tiễn tối tân này đủ để cản bước Matxcơva, nhưng chưa đủ để làm cho Assad sụp đổ. Hiểu được điều này, các vị trí của ASL đã trở thành mục tiêu ngay những ngày đầu tiên không kích của Nga. Một nhà phân tích cho rằng Matxcova đang theo chiến lược của Damas. Đó là phá tan tất cả những nhóm vũ trang có thể tham gia một giải pháp chính trị tương lai, với mục đích giúp chế độ Assad xuất hiện như thành lũy duy nhất chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20151023-viet-nam-du-luat-ton-giao-bop-nghet-tu-do-tin-nguong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten