vrijdag 30 oktober 2015

Ấn Độ chiêu dụ Châu Phi trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc

Ấn Độ chiêu dụ Châu Phi trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc

mediaThủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất muốn đẩy mạnh quan hệ với châu Phi.Reuters/Stringer/Files
Kể từ thứ Hai 26/10/2015, thủ đô Ấn Độ sẽ đón tiếp hàng chục nguyên thủ quốc gia Châu Phi nhân một Hội nghị Thượng đỉnh hiếm hoi giữa lục địa « đen » và cường quốc Nam Á. Sự kiện này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong nỗ lực của New Delhi nhằm thiết lập cơ sở trên một lục địa mà đối thủ Bắc Kinh đã hiện diện mạnh mẽ từ lâu.
Lẽ ra Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-Châu Phi này đã mở ra từ tháng 12 năm ngoái (2014), nhưng do việc dịch bệnh ebola bùng lên tại châu Phi, cuộc họp thượng đỉnh đã được dời lại, và sẽ diễn ra trong những ngày 26-29/10. Với hơn 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ đã nhận lời mời đến dự, Hội nghị sắp mở ra sẽ là cuộc tập hợp đông đảo lãnh đạo nước ngoài nhất tại Ấn Độ từ năm 1983 đến nay.
Đối với Ấn Độ, châu Phi có một tầm quan trọng rất lớn vì có thể là nguồn cung ứng nguyên liệu và nhiên liệu mà nền kinh tế Nam Á này rất cần. Theo hãng tin Pháp AFP, tương tự như trong trường hợp của Trung Quốc, tài nguyên thiên nhiên châu Phi đã khơi dậy sự thèm khát của Ấn Độ, nước phải nhập khẩu đến 80% lượng dầu sử dụng, và đang nhắm đến Nigeria và Angola để giảm sự phụ thuộc vào dầu hỏa Trung Đông. Ấn Độ cũng nhập khẩu từ châu Phi các loại khoáng sản, kim loại, đá quý và hóa chất.
Vấn đề là tại châu Phi, Ấn Độ đã bị lép vế hẳn so với Trung Quốc. Vào năm ngoái 2014 chẳng hạn, trao đổi mậu dịch Trung Quốc-Châu Phi lên đến 200 tỷ đô la, tức là cao hơn cả GDP của 30 quốc gia nhỏ nhất châu Phi gộp lại. Trong khi đó thì thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi chỉ ở mức 70 tỷ đô la. Điều an ủi cho New Delhi là trao đổi thương mại với châu Phi đang trong chiều hướng tăng lên rõ rệt vì vào năm 2000, mậu dịch song phương chỉ là vỏn vẹn 3 tỷ đô la mà thôi năm 2000 đã lên 70 tỷ năm 2014.
Chính trong bối cảnh như trên mà Ấn Độ quyết định phát triển mạnh hơn nữa quan hệ với châu Phi, mà biểu hiện cụ thể là Hội nghị Thượng đỉnh sắp mở ra.
Tranh thủ cơ hội Trung Quốc bị cho là kẻ bóc lột
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bị mang tiếng là đi bóc lột các nước châu Phi, Ấn Độ đã cố gắng cho thấy mình là một người bạn của lục địa da đen, nhấn mạnh trên lịch sử chung với Châu Phi, từ lúc bắt đầu buôn bán với nhâu từ thế kỷ XVI hay từ cuộc đấu tranh chung chống thực dân. Giới chính trị Ấn cũng dựa vào cộng đồng Ấn Độ khoảng 2,7 triệu, đặc biệt rất đông ở Nam Phi, nơi mà ông Ghandi bắt đầu công cuộc đấu tranh đòi độc lập.
Phải nói là trong hàng thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường tài trợ cho rất nhiều công trình ở châu Phi như sân vận động, bệnh viện, đường cao tốc, để đổi lấy các hợp đồng cung ứng nguyên liệu.
Thế nhưng, nhiều nhà phân tích đã phê phán rằng chiến lược đó đã khiến các nước châu Phi ngày càng thêm mang công mắc nợ, và có lợi cho các tập đoàn Trung Quốc hơn là các công ty địa phương.
Về phần mình, Ấn Độ vì không có năng lực tài chánh dồi dào như Trung Quốc, cho nên đã nhấn mạnh trên vấn đề chia sẻ kiến thức và công nghệ, cũng như đặt nặng vấn đề viện trợ phát triển, được tăng lên thành 5,4 tỷ đô la.
Chiến lược của Ấn Độ cũng là dựa trên các nhà đầu tư tư nhân cỡ nhỏ, chứ không đi theo hướng của Trung Quốc, vung tiền ồ ạt với hậu thuẫn của Nhà nước vào các công trình quy mô trong lãnh vực khai thác quặng mỏ hay công nghệ chế biến.
Vấn đề đang dặt ra là phải chăng sự thức tỉnh của Ấn Độ đã quá muộn. Một ví dụ cụ thể là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Ấn Phi chỉ diễn ra cách đây 7 năm mà thôi, tức là sau khá lâu các hội nghị do Trung Quốc, Châu Âu hay Nhật Bản tổ chức.
Mặt khác, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thường đi thăm Châu phi, thì Ấn Độ giữ khoảng cách hơn. Ông Modi, nổi tiếng công du nhiều, nhưng chưa hề ghé Châu Phi. Một chuyên gia ở Nam Phi Sanusha Naidu đã nhận xét : « Ấn Độ nhập vào cuộc chơi hơi muộn màng ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151024-an-do-chieu-du-chau-phi-trong-no-luc-canh-tranh-voi-trung-quoc

Châu Phi : địa bàn tranh hùng giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Châu Phi : địa bàn tranh hùng giữa Ấn Độ và Trung Quốc
 
Thủ tướng Ân Độ Manmohan SinghReuters/Press Information Bureau of India


    Châu Phi, lục địa nổi tiếng là nghèo, đang một lần nữa chứng minh sức quyến rũ đối với hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Vì chậm chân hơn Bắc Kinh, New Delhi đang nỗ lực thu ngắn khoảng cách.
    Điều này vừa được thể hiện qua Hội nghị Thượng đỉnh Châu Phi - Ấn Độ tại Addis Abbeba, thủ đô Ethiopia, trong hai ngày 24-25/05/2011.

    Cuộc họp thượng đỉnh Ấn–Phi lần thứ hai này - lần đầu là vào tháng tư 2008 tại New Delhi - tập hợp khoảng 15 nguyên thủ quốc gia Châu Phi cùng với thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, đã quyết định mở rộng hợp tác, với hai văn kiện được thông qua : Tuyên bố Addis Abbeba và Thoả thuận khung hợp tác kinh tế, phác thảo ra những đề án kinh tế chung hai bên.
    Ngay hôm khai mạc, thủ tướng Ấn đã thông báo cho Châu Phi vay 5 tỷ đô la trong vòng 3 năm để giúp phát triển. Cộng vào đấy, New Delhi còn cung cấp 700 triệu đô la để góp phần thiết lập những trung tâm huấn nghệ : Một viện công nghệ học thông tin ở Ghana, một viện kế hoạch giáo dục ở Burundi, một trung tâm đào tạo ngoại thương ở Uganda và một trường dậy kỹ thuật xử lý kim cương ở Botswana. Ấn Độ còn góp thêm 300 triệu đô la vào việc xây dựng tuyến đường sắt nối liền Djibouti và Ethiopia.
    Như thủ tướng Manmohan Singh đã tuyên bố, những văn kiện ký kết không đơn thuần là hợp đồng thương mại kinh tế, mà là nền tảng của một « công cuộc đối tác mới, không riêng về kinh tế và chính trị, mà còn trong các lãnh vực khoa học, công nghệ, nghiên cứu và phát triển. » Đánh đổi lại những chương trình trên, Ấn Độ được quyền mua đất và nguyên liệu của Châu Phi.
    Như thế là sau Trung Quốc, đến lượt Ấn Độ chen chân vào Châu Phi, một vùng đất giầu tài nguyên thiên nhiên, đồng thời là một thị trường to lớn cho các sản phẩm của Ấn.
    Về mặt số liệu, thì chàng khổng lồ vùng Bắc Á đã nhanh chân hơn cường quốc Nam Á rất nhiều. Trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và Châu Phi hiện chỉ đạt khoảng 50 tỷ đô la, thua xa Trung Quốc đã lên đến gần 127 tỷ đô la. Thế nhưng, New Delhi có thể tranh thủ được mối thiện cảm có sẵn của người Phi châu đối với Ấn Độ để tăng cường giao thương, nhất là khi cách tiếp cận của Ấn Độ được coi là đúng đắn hơn, không mang hơi hướm tân thuộc địa như Trung Quốc.
    Ông Sekou Sylla, tổng thư ký Ngân hàng Phát triển Tây Phi đã đưa ra một so sánh cụ thể : Người Trung Quốc đến châu Phi để lấy của cải, tài nguyên, mà không chuyển giao công nghệ. Khi sự hợp tác của Ấn Độ thực sự được triển khai, thì mối quan hệ này sẽ bền vững và có kết quả hơn.
    Trung Quốc tập trung vào các ngành khai thác khoáng sản, dầu lửa, xây dựng cơ sở hạ tầng, bang giao song phương chủ yếu dựa trên quan hệ cấp Nhà nước, trong lúc Ấn Độ chú trọng nhiều hơn đến đầu tư tư nhân, đặc biệt trong các lãnh vực thường được công nhận là thế mạnh của Ấn như công nghệ thông tin, viễn thông, tân dược, nhất là các loại thuốc generic chống Sida, hay nông nghiệp và chế biến nông sản…
    Tư nhân Ấn Độ đi đầu trong công cuộc chinh phục châu Phi
    Khu vực tư nhân Ấn Độ đã không chờ chính phủ bật đèn xanh để lao vào châu Phi. Các công ty, tập đoàn Ấn Độ đã chú ý đến lục địa này từ lâu, và trong 5 năm gần đây, họ đã mua lại 80 công ty Phi châu trong các lĩnh vực khác nhau, đầu tư vào đó khoảng 16 tỷ đô la.
    Các công ty Ấn Độ đã đánh giá rằng châu Phi là một thị trường tiềm năng, sẽ phát triển mạnh trong trung hạn hay xa hơn một chút. Họ rất chú ý đến các tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông ở châu Phi. Theo số liệu mới nhất của ​Proparco, chi nhánh của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) chuyên trách khu vực tư nhân, vào năm 2020 châu Phi sẽ có khoảng 132 triệu người tiêu dùng có khả năng thanh toán cao, có thể chi tiêu đến 584 tỷ đô la.
    Tập đoàn Tata hiện là lá cờ đầu trong chiến lược châu Phi của Ấn Độ. Họ đã có mặt trên lục địa này từ những năm 1960. Gần đây đã đầu tư hơn một tỷ đô la vào lãnh vực viễn thông, vào ngành ô tô ở Kenya, Zambia, Algeria... Tổng thống Sénégal Abdoulaye Wade đã công khai ca ngợi các đầu tư của tập đoàn Ấn Độ vào địa hạt chỉnh trang đô thị chẳng hạn – nhất là với việc hiện đại hóa hệ thống xe buýt - và chuyển giao kiến ​​thức.
    Airtel, thương hiệu của tập đoàn viễn thông Bharti, đứng số một về điện thoại di động ở Ấn Độ, hiện là nhà khai thác điện thoại di động lớn thứ ba trên lục địa châu Phi, sau MTN của Nam Phi (90 triệu thuê bao), nhưng trên Orange của Pháp (50 triệu). Mạng của Airtel hiện bao phủ 17 nước châu Phi.
    Viện bào chế dược phẩm Cipla và các loại thuốc generic, điều trị từ bệnh bất lực đến tiểu đường, và nhất là bệnh SIDA/AIDS đã cải thiện rõ rệt tình trạng y tế tại các nước như Uganda, Togo, Cameroon, Nigeria và các nước châu Phi khác.
    Thuốc gốc trị SIDA/AIDS của Ấn : Cứu tinh cho châu Phi
    Phải nói các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ đã chiếm lĩnh một phần không nhỏ thị trường thuốc men ở châu Phi nhờ đã thiết lập địa bàn chiến lược ở Nam Phi và nhờ loại thuốc chữa trị Sida mà họ cung cấp với giá rẻ cho lục điạ đang bị căn bệnh hiểm nghèo này tàn phá.
    Nhờ loại thuốc gốc giá hạ của Ấn hàng triệu ngưòi bị bệnh Sida đã có thể được chữa trị, giá chữa trị cho một người, một năm chỉ còn độ 400 đô la, thay vì hơn 10.000 đô la nếu dùng thuốc đặc hiệu của các hãng dược phẩm quốc tế lớn khác.
    Theo nhận định của bác sĩ François Venter, thuộc Hiệp hội Y sĩ Nam Phi phòng chống Sida, các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ đã đóng vai trò then chốt trong việc giảm giá chữa trị bệnh Sida. Và kết quả là vùng châu Phi phía Nam Sahara, nơi có hơn 22 triệu người bị nhiễm HIV, nhờ thuốc của Ấn Độ mà lượng người được chữa trị tăng lên rất nhiều : 2% vào năm 2003, lên 37% năm 2009.
    Riêng Nam Phi có hơn 5 triệu bệnh nhân Sida trên tổng số khoảng 48 triệu dân cũng đã dành một ngân sách hơn nửa tỷ đô la trong năm 2008 mua thuốc của Ấn Độ để phân phát cho các bệnh viện.
    Hiện nay châu Phi là thị trường lớn đối với ngành dược phẩm Ấn, chiếm 14% xuất khẩu của họ vào năm 2009.
    Vấn đề uy tín các tập đoàn dược phẩm Ấn Độ không chỉ nằm trong thuốc gốc giá rẻ. 3 tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Ấn, Ranbaxy, Cipla và Dr Reddy’s có mặt ở Nam Phi đã có chính sách đưa người tại chỗ đứng đầu chi nhánh của họ tại đây, một điều hiếm thấy trong các tập đoàn quốc tế lớn có mặt tại Nam Phi.
    Một ví dụ khác: tập đoàn Karuturi Global, một trong những nhà sản xuất hoa hồng hàng đầu trên thế giới, dang chuẩn bị huy động khoảng hơn 100 triệu đô la để thuê đất ở Ethiopia và sản xuất thực phẩm cho thị trường Đông Phi.
    Trên đây là những tập đoàn khổng lồ của Ấn, nhưng bên cạnh đó, dĩ nhiên còn nhiều công ty ít được biết đến hơn như công ty Kir Los Kar Brothers, mà bà Shipra Tripathy là một trong những lãnh đạo mà phần lớn là phụ nữ. Trả lời RFI bà giới thiệu công ty của mình và đánh giá về thị trường châu Phi :
    Chúng tôi đã xác định rằng Châu Phi chính là thị trường có tiềm năng phát triển mạnh nhất hiện nay. Việc chế biến nguyên liệu tại chỗ đã trở thành một nhu cầu cấp thiết.
    Tập đoàn của chúng tôi hoạt động trong ngành nước và quản lý nguồn nước cho việc sản xuất điện, cho ngành công nghiệp đường, cho thủy lợi. Đó là những lãnh vực sẽ phát triển rất nhanh chóng vì các quốc gia Châu Phi mong muốn phát triển hạ tầng cơ sở của họ và trong lãnh vực đó, họ tiến bước rất nhanh.
    Rõ ràng là so với Trung Quốc, các tập đoàn Ấn Độ có một điểm vượt trội. Họ không chỉ là người cung cấp vốn, mà còn mang đến cho châu Phi kỹ năng sản xuất. Họ chủ trương tổ chức sản xuất tại chỗ, tạo ra công ăn việc làm cho người bản xứ, chứ không ồ ạt đưa nhân công người Ấn qua tranh việc của người Châu Phi như Trung Quốc thường làm.
    Hơn nữa, các công ty Ấn Độ tin chắc rằng họ có thể tái tạo tại châu Phi mô hình sản xuất của Ấn Độ rất hiệu quả và chi phí thấp. Và không giống như các công ty Trung Quốc, các tập đoàn Ấn Độ thường thiết lập quan hệ đối tác với các công ty châu Phi - một phương pháp được xem là mang tính xây dựng hơn so với chiến lược của Trung Quốc.
    Nhận định chung về quan hệ hợp tác Ấn-Phi, ông Ajay Dubey, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi ở New Delhi nhấn mạnh đến khái niệm chia sẻ để hai bên cùng có lợi : Ấn Độ và Phi Châu rất cần đến nhau :
    « Ấn Độ có một điều độc nhất vô nhị để đóng góp cho châu Phi. Đó là kinh nghiệm của một nước đã tiến xa trên con đường phát triển. Điều mà Ấn Độ có thể chia sẻ với các nước châu Phi là kỹ năng xây dựng đất nước, từ việc cải thiện đời sống người dân, xây dựng nền công nghiệp, đến việc phát triển các định chế, cả về thị trường lẫn dân chủ, và phát huy nguồn nhân lực.
    Lẽ dĩ nhiên là Ấn Độ cũng có những lợi ích kinh tế tại châu Phi. Tất cả các đại công ty Ấn Độ đều hiện diện trên lục địa này. Ấn Độ cần đến nguồn cung ứng năng lượng từ châu Phi, cũng như cần mở rộng thị trường của mình.
    Và trong lãnh vực chính trị, Ấn Độ cần đến hậu thuẫn của các nước châu Phi trong mong muốn tìm một chiếc ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đó là những điều rất hiển nhiên ».
    Chuyên gia về Ấn Độ, Gareth Price thuộc Trung tâm nghiên cứu Chattam House, Anh Quốc, cũng có cùng một đánh giá :
    Ấn Độ đang chuyển đổi quan hệ với Châu Phi, từ lãnh vực chính trị lúc ban đầu qua địa hạt kinh tế như hiện nay. Tương tự như Trung Quốc hay các nước phương Tây, Ấn Độ chú ý đến nguồn tài nguyên thiên nhiên của Châu Phi.
    Thế nhưng Ấn Độ cũng bán cho người Châu Phi sản phẩm mà họ làm ra để cung ứng cho thị trường nội địa của họ. Các mặt hàng này rất thích hợp với những quốc gia đang phát triển. Đó là những sản phẩm giá rẻ và tiện lợi.
    Một trong những ví dụ là loại xe buýt Tata chẳng hạn. Về mặt kỹ thuật, loại xe này không đến nỗi cầu kỳ lắm, và khi bị panne, thì sửa chữa rất dễ.
    Riêng về vấn đề mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ, bà Shipra Tripathy, cho biết là các doanh nhân Ấn Độ đang nhắm về phiá Tây, tức các nước nói tiếng Pháp, chứ không chỉ còn quanh quẩn vùng nói tiếng Anh :
    Đối với Ấn Độ, các nước thuộc vùng Đông Phi luôn luôn là đối tác tự nhiên. Thế nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, chúng tôi bắt đầu nhìn về Tây Phi vì đó là một khu vực có tiềm năng tăng trưởng rất mạnh, đặc biệt là vùng Châu Phi Pháp ngữ, mà chúng tôi khó tiếp cận vì thiếu đối tác tại chỗ cũng như vì vấn đề ngôn ngữ.
    Đó là những trở ngại mà chúng tôi bây giờ đã vượt qua được. Mong muốn chúng tôi hiện nay là hiện diện mạnh mẽ ở những nước như Sénégal và các quốc gia nói tiếng Pháp khác ở Tây Phi.
    Đối với Sénégal, có lẽ sự hiện diện mạnh mẽ của Ấn Độ không phải là điều khó thực hiện. Laurent Corodec, thông tín viên RFI, tại Dakar ghi nhận sự 'gần gũi ' Ấn - Phi, cho dù có vấn đề 'ngôn ngữ' như bà Tripathy vừa nêu lên :
    Khi nói đến Ấn Độ với một người dân Sénégal bình thường, chắc hẳn là người ấy sẽ có rất nhiều chuyện để kể. Từ những năm 50, người Sénégal đã say mê phim Ấn Độ, hâm mộ nhạc Ấn, và cho đến nay vẫn yêu mến đất nước này.
    Khi một nữ minh tinh điện ảnh Bollywood ghé thăm Dakar vào đầu năm ngoái, cô đã được người dân rầm rộ đón chào, một sự tiếp đón mà có lẽ đã làm cho giới chính khách Sénégal phải ganh tị vì không bao giờ được trọng vọng như thế.
    Còn đối với giới chuyên môn tại đây, khi họ nói về Ấn Độ, chắc chắn họ sẽ phải đề cập đến loại xe buýt Tata của Ấn, nhưng được lắp ráp tại Sénégal, và xuất hiện càng ngày càng nhiều trên đường phố thủ đô.
    Đối với các doanh nhân Sénégal, mối quan hệ gắn bó họ với Ấn Độ mang một cái tên : đó là axit phốtphoric. Ấn Độ sử dụng nguyên liệu này để chế tạo phân bón và hầu như mua toàn bộ sản lượng do Sénégal làm ra.
    Theo số liệu của cơ quan thống kê NSD, trị giá khối lượng axit phốtphoric của Sénégal xuất khẩu sang Ấn Độ vào năm 2010, được ước tính lên đến khoảng 98,5 tỷ franc CFA, tương đương với 150 triệu euro.
    Châu Phi : Nguồn cung ứng năng lượng và nguyên liệu
    Bên cạnh lãnh vực đầu tư như vừa kể còn một lãnh vực khác mà Ấn Độ tìm kiếm ở châu Phi để giữ được mức tăng trưởng cao hiện nay, đó là nhiên liệu và khoáng sản .
    Phài nói là Ấn Độ cũng như Trung Quốc đều « đi chợ » ở châu Phi : New Delhi nhắm trước tiên vào nguồn than của châu Phi. Ngược lại với Trung Quốc, ngành luyện thép và nhiệt điện Ấn Độ vẫn phải lệ thuộc vào than nước ngoài. Theo dự kiến nhu cầu than của Ấn sẽ tăng lên gấp 3 lần trong 5 năm tới đây. Trong năm 2010, Ấn Độ là khách lớn hàng đầu của Nam Phi, nhập đến 1/3 lượng than xuất khẩu của quốc gia này.
    Và dĩ nhiên, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ cũng chạy tìm dầu hoả, nhập đến 70% dầu thô. Tập đoàn dầu hoả Ấn ONGC đã đầu tư hơn 2 tỷ đô la vào việc khai thác giếng dầu ở Sudan. Về khí đốt, Ấn Độ đang tìm cách ký hợp đồng dài hạn với Angola và Nigeria. New Delhi cũng thương lượng với Niger và Namibia để nhập uranium. Ấn Độ cũng là một khách hàng quan trọng mua quặng mỏ châu Phi : sắt Nam Phi, đồng Zambia, mangan Gabon.
    Không chỉ thế, New Delhi còn quan tâm đến tiềm năng trong lãnh vực nông nghiệp châu Phi. Tập đoàn Ấn Karuturi, đứng đầu thế giới về xuất khẩu hoa hồng như nói trên, thực hiện 90% hoạt động của họ ở Ethiopia. Karuturi còn tính đến chuyện khai thác 1 triệu ha đất để trồng lúa, cây cọ dầu và mía tại đây.
    Do tài chính eo hẹp hơn Trung Quốc, Ấn Độ không thể xây dựng hạ tầng cơ sở, nhưng lại góp phần phát triển trên mặt giá trị thặng dư tại chỗ. Một ví dụ là tại Botswana, nơi Ấn Độ sẽ giúp mở trung tâm mài kim cương đầu tiên tại đây. Xử lý kim cương là một lãnh vực mà Ấn Độ rất lão luyện.
    Đối với Châu Phi, các chuyên gia cũng như giới lãnh đạo nhận định là nếu công cuộc hợp tác như nói trên được thực hiện đến nơi đến chốn, kết quả sẽ tốt hơn là công cuộc hợp tác với Trung Quốc.
    Trong Hội nghị Thượng đỉnh Ấn-Phi vừa qua, chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi Teodoro Obiang Nguema Mbasogo, đã đánh giá rằng hợp tác là phương tiện để châu Phi tự giải phóng và phát triển : « Các khó khăn về kinh tế, giáo dục, y tế , các khó khăn trong việc chế biến nguyên liệu… tất cả những khó khăn đó cần đến sự hợp tác, vì Châu Phi không được hoàn toàn tự do nếu không có sức mạnh kinh tế, không có công nghệ học để thay đổi định mệnh của mình ».
    Các lưu trữ
    1. 1
    2. 2
    3. 3
    4. ...
    5. trang sau >
    6. trang cuối >
    7.  
      http://vi.rfi.fr/chau-a/20110531-chau-phi-dia-ban-tranh-hung-giua-an-do-va-trung-quoc

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten