Thứ ba, 27/10/2015 | 20:54 GMT+7
Người Trung Quốc tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài
Trong quầy đồ ăn vặt nhỏ xíu dưới khu chung cư cũ kỹ, một người đàn ông trung niên đang loay hoay tìm cách chuyển 100.000 USD cho khách hàng.
Con số này lớn gấp đôi lượng tiền người Trung Quốc được phép chuyển ra nước ngoài mỗi năm. Các ngân hàng chính thức sẽ không nhận thực hiện việc này. Nhưng những người trung gian như ông Chen thì có thể, thông qua mạng lưới chuyển tiền và đổi tiền ngầm.
"Chẳng có việc gì là chắc chắn 100% cả. Nhưng thường thì việc càng khó, phí càng cao", ông tiết lộ trên Wall Street Journal.
Khi thị trường chứng khoán lao dốc và kinh tế trong nước yếu đi, rất nhiều người Trung Quốc đang cố chuyển tiền ra nước ngoài. Chưa có số liệu chính thức theo dõi dòng tiền ngầm, nhưng quan chức ngân hàng trung ương (PBOC) cho rằng các ngân hàng ngầm mỗi năm xử lý tới 800 tỷ NDT (125 tỷ USD), và năm nay còn nhiều hơn.
Một dấu hiệu cho thấy hoạt động ngân hàng ngầm cao bất thường là sự sụt giảm trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, cho thấy nhu cầu ngoại tệ mạnh đang rất lớn. Con số này đã giảm kỷ lục 93,9 tỷ USD hồi tháng 8 và 43 tỷ USD vào tháng 9, dù một phần mức giảm này là do PBOC bán ngoại tệ để hỗ trợ nội tệ.
Một người bị bắt vì chuyển tiền lậu từ Trung Quốc sang Hong Kong. Ảnh: Reuters
|
Núp bóng các cửa hàng tiện lợi và quán trà, những người trung gian như ông Chen cung cấp dịch vụ cho đủ kiểu khách hàng, từ các quan chức tham nhũng đến giới trung lưu Trung Quốc muốn mua nhà nước ngoài. Tất cả họ đều tin rằng tiền chuyển ra nước ngoài sẽ an toàn hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Tâm lý này càng trở nên phổ biến sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi quý III.
Jiang Jinjin – một nhân viên môi giới bất động sản cho biết cô đã xử lý gần 2.000 thương vụ mua nhà ở năm nay cho các gia đình Trung Quốc có con học đại học ở nước ngoài. "Tôi gần như chẳng thể ngủ được hè này. Có quá nhiều sinh viên muốn tìm nhà", cô cho biết.
Nhiều khách hàng nhờ người thân và bạn bè vận chuyển tiền mặt qua những chuyến ra nước ngoài liên tục. Một số thì mở công ty tại Mỹ. Jiang cho biết công ty của cô phải kiểm tra cả nguồn gốc tiền dùng để mua nhà nữa.
Dòng tiền chảy khỏi quốc gia đã khiến các ngân hàng ngầm tại Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý tài chính. Các quy định kiểm soát vốn được thắt chặt để ngăn dòng tiền ra nước ngoài, trong bối cảnh nước này khát đầu tư. Giới chức lo ngại nếu còn tiếp diễn, các nền kinh tế đang phát triển có thể lại gặp cú sốc như khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Bên cạnh đó, quá nhiều tiền rời khỏi biên giới sẽ khiến nỗ lực kích thích kinh tế thông qua giảm lãi suất càng khó.
"Đây là dấu hiệu mất niềm tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc, và chắc chắn việc này sẽ khiến PBOC càng khó đạt mục tiêu cải tổ", Julian Evans-Pritchard - nhà kinh tế học tại hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết.
Khu phố đi bộ Xixiang nổi tiếng với dịch vụ ngân hàng phi truyền thống. Ảnh: WSJ
|
Từ nhiều năm nay, hệ thống ngân hàng ngầm đã rất phát triển tại Shantou và Chaozhou – các thành phố ven biển khét tiếng với nạn buôn lậu, hàng giả, súng và ma túy. Phần lớn các hoạt động này đang chuyển dần về gần biên giới với Hong Kong và Macau (Trung Quốc) – những nơi có hệ thống tài chính cởi mở hơn. Một khi tiền từ Trung Quốc chuyển được sang Hong Kong, nó có thể đi bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Thi thoảng, các khoản lớn được chia nhỏ để hợp pháp hóa, sau đó rời khỏi Trung Quốc qua hàng trăm tài khoản ngân hàng kiểm soát bởi những người trong hệ thống tài chính ngầm. Những tổ chức này có thể khớp một lượng tiền gửi bằng NDT trong nước với khoản tương đương bằng ngoại tệ, trả vào tài khoản của khách hàng ở nước ngoài. Mạng lưới không chính thức này cũng giúp công nhân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài chuyển tiền về quê. Do không phải ai cũng có thể mở tài khoản ngân hàng.
Một dấu hiệu khác của việc hoạt động ngầm gia tăng là đầu tư vào bất động sản thương mại ở nước ngoài sắp tăng vượt năm ngoái (10,5 tỷ USD), theo hãng tư vấn bất động sản CBRE. Hồi tháng 8, Bộ An ninh Nội địa Trung Quốc cho biết họ đang mở chiến dịch truy quét ngân hàng ngầm.
Chiến dịch này phần nào có hiệu quả, nhất là tại khu phố đi bộ Xixiang ở Thâm Quyến. Hồi tháng 6, cảnh sát thành phố này đã bắt 31 người và phong toả hơn 1.000 tài khoản chứa 12 tỷ NDT.
Khi việc chuyển tiền trực tiếp đang bị rà soát kỹ, biện pháp khớp tiền lại được ưa chuộng. Khách hàng chỉ cần đưa tiền cho người môi giới, và một lượng tiền tương ứng sẽ xuất hiện ở Hong Kong, trừ phí khoảng 0,3%-3%. Như vậy, tiền không cần chuyển trực tiếp hay qua máy tính. Việc khớp tiền này được thực hiện trong mạng lưới, từ cả 2 bên, và được kiểm soát bởi ngân hàng ngầm.
Mạng lưới này tận dụng triệt để mối quan hệ trong gia đình và làng xóm, một nhà nghiên cứu tại PBOC cho biết. "Người ta tạo ra hàng trăm tài khoản bằng cách đến các ngôi làng để mua chứng minh thư từ những người nghèo", ông cho biết. Trong một vụ lừa đảo tại Hong Kong, một người đàn ông tên Yang Sigai bị kết tội mở 3 tài khoản, thực hiện hơn 1.000 giao dịch với tổng giá trị lên tới 60 triệu USD.
Hệ thống ngân hàng ngầm gần ga tài hỏa Thâm Quyến giờ đã thận trọng hơn, nhưng vẫn chưa biến mất. Khi được hỏi về khả năng đưa 100.000 USD ra khỏi Trung Quốc, chủ một cửa hàng bán thuốc lá đã nói ngay là chuyển điện tử không thể được, và gợi ý chia nhỏ để nhờ người mang trực tiếp. "Chính sách năm nay thắt chặt rồi, nên rủi ro cũng cao lắm. Trừ khi anh có quen biết thôi", người này kết luận.
Hà Thu
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/nguoi-trung-quoc-tim-cach-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-3302774.html
Thứ sáu, 30/11/2012 | 00:28 GMT+7
67.000 tỷ USD chảy trong các ‘ngân hàng ngầm’
Được định nghĩa là các hoạt động tín dụng ngoài nhà băng, "ngân hàng ngầm” đang ngày một lan rộng trên thị trường tài chính thế giới và VN. Theo Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, đây có thể là căn nguyên cho một cuộc khủng hoảng tiếp theo.
> Seabank từ chối chứng thư bảo lãnh 150 tỷ đồng
> ‘Nhà băng Việt Nam còn cách xa chuẩn an toàn quốc tế’
> Seabank từ chối chứng thư bảo lãnh 150 tỷ đồng
> ‘Nhà băng Việt Nam còn cách xa chuẩn an toàn quốc tế’
Hội nghị Ổn định tài chính Đông Á vừa kết thúc tại Hà Nội dành nhiều thời gian đề cập tới khái niệm “ngân hàng ngầm” (Shadow Banking), một vấn đề thu hút sự chú ý của thị trường tài chính quốc tế đặc biệt ngay sau sự sụp đổ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, của ngân hàng Lehman Brothers.
Lúc sơ khai, khái niệm ngân hàng ngầm được hiểu là việc các ngân hàng chuyển từ huy động vốn trong dân cư, doanh nghiệp… sang huy động từ các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm hoặc các hình thức phát hành giấy tờ có giá khác. Số tiền này sau đó lại được nhà băng đầu tư vào một số loại chứng khoán có tính an toàn tương đối cao (trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, thương phiếu…). Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, việc các tổ chức tín dụng ngoài ngân hàng huy động vốn, rồi cho vay lại hoặc cung cấp các dịch vụ khác như một ngân hàng đã tạo nên rủi ro chéo trong hệ thống. Đây là vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại nhất.
Cùng với đó, bên cạnh các giao dịch hợp phát (nhưng chưa được chế tài chặt chẽ nêu trên), hoạt động ngân hàng ngầm ở nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam còn bao gồm nhiều hình thức vốn được cho là “ngoài luồng” như tín dụng đen, cầm đồ… vốn rất khó kiểm soát bởi các cơ quan quản lý.
Giữa tháng 11 vừa qua, báo cáo của Ủy ban Ổn định tài chính quốc tế (FSB) cho biết giá trị giao dịch năm 2011 của thị trường ngầm này lên tới 67.000 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ (lớn hơn tổng GDP của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) nhưng cũng không quá bất ngờ bởi tính đến năm 2007, mức giao dịch đã đạt khoảng 62.000 tỷ USD, sau khi tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm trước đó. Hiện Mỹ là nước có hệ thống ngân hàng ngầm lớn nhất, với giá trị đạt khoảng 23.000 tỷ USD, khu vực đồng euro là 22.000 tỷ trong khi con số tại Anh là 9.000 tỷ USD.
Tại Việt Nam, lo ngại lớn nhất mà giới nghiên cứu cũng như quản lý đặt ra hiện nay là những hoạt động ngầm nêu trên có thể gây ra rủi ro chéo giữa thị trường chứng khoán và ngân hàng. Theo Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán - Nguyễn Đoan Hùng hiện các công ty chứng khoán tại Việt Nam đang thực hiện khá nhiều nghiệp vụ có bản chất giống với hoạt động tín dụng.
Ví dụ tiêu biểu nhất là nghiệp vụ repo (cho phép nhà đầu tư mua - bán lại chứng khoán có kỳ hạn). Theo đó, mặc dù bản chất của hoạt động này là công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay tiền (thế chấp bằng chứng khoán), giống với hoạt động của ngân hàng nhưng các quy định liên quan lại hết sức lỏng lẻo. “Luồng tiền mà công ty chứng khoán cho vay nhà đầu tư thông qua repo hiện khá lớn, nếu để phát triển mà thiếu sự kiểm soát thì đến lúc nào đó sẽ không quản lý được”, ông Hùng cảnh báo.
Tương tự như repo, việc các công ty chứng khoán cho vay nhà đầu tư thông qua đòn bẩy tài chính (margin) cũng được đánh giá là tiềm ẩn rủi ro, mặc dù đã được quy định chặt ngay trong luật các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các hình thức chuyển tiền từ ngân hàng qua công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, sau đó chuyển qua các công ty khác hiện cũng diễn ra phức tạp khó kiểm soát. “Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, các nước khác cũng đang mắc phải khó khăn này”, ông Hùng nói thêm.
Khó tiếp cận ngân hàng là lý do khiến doanh nghiệp phải đi tìm vốn "ngầm".
|
Không chỉ lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng ngầm, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các ngân hàng chính thống. Là thành viên Hội đồng quản trị của một ngân hàng thương mại, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho biết nhà băng của ông thường xuyên nhận được lời đề nghị phát hành chứng thư bảo đảm. Theo đó, một doanh nghiệp hoặc một tổ chức sẵn sàng cho một doanh nghiệp khác vay nếu ngân hàng đứng ra phát hành chứng thư bảo đảm. “Việc làm này tương đối mạo hiểm bởi ngân hàng, trong nhiều trường hợp, sẽ không thẩm định kỹ doanh nghiệp, dự án như chính mình cho vay. Khi đối tác không trả được nợ thì tranh chấp dễ xảy ra. Thực tế vừa qua đã có vài trường hợp như vậy”, ông Hiếu cho biết.
Theo chuyên gia này, sở dĩ doanh nghiệp đang có xu hướng tìm nhiều hơn tới kênh tín dụng ngầm là bởi kênh cung cấp vốn chính thức bị co hẹp khá nhiều trong thời gian qua. Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam. Cũng theo ông Nguyễn Chí Hiếu, cùng với các công cụ “ngoài luồng” như cho vay nặng lãi, cầm đồ…, ngân hàng ngầm phát triển sẽ là cơ hội cho một loạt hoạt động phi pháp khác, mà tiêu biểu là rửa tiền. “Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê về vấn đề này, nhưng chắc chắn số tiền phi pháp, cả trong nước và quốc tế, được rửa thông qua ngân hàng ngầm là không nhỏ”, chuyên gia này nhận định.
Trước những hệ lụy của hoạt động ngân hàng ngầm, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Vũ Viết Ngoạn cho biết, Ủy ban Ổn định tài chính quốc tế đã khuyến cáo rằng nếu các cơ quan quản lý không sớm coi trọng và có giải pháp xử lý vấn đề này, một cuộc khủng hoảng tài chính mới rất có thể xảy ra trong vòng 5 - 10 năm tới.
Tại hội thảo ổn định tài chính vừa kết thúc, thành viên các nền kinh tế Đông Á cũng thống nhất đưa việc xử lý vấn đề ngân hàng ngầm là một trong số những nội dung cơ bản của quá trình cải cách tài chính quốc tế, đồng thời khuyến cáo các nhà làm luật lưu tâm hơn đến các chế tài điều tiết hoạt động này. Chia sẻ quan điểm nêu trên, chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho rằng để giải quyết vấn đề, không thể thiếu vai trò của cơ quan an ninh kinh tế. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý và người hoạt động trực tiếp, các nhà làm luật, định chế tài chính, doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài quá trình xử lý rủi ro không mới, nhưng rất đáng lưu tâm này.
Nhật Minh
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/67-000-ty-usd-chay-trong-cac-ngan-hang-ngam-2724340.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten