vrijdag 30 oktober 2015

Hoàng cung Versailles (Paris) có nguy cơ thành... Disneyland ? + Vườn cam thơ mộng + trưng bày tác phẩm Murakami (Nhật)

Versailles có nguy cơ thành Disneyland ?



Versailles có nguy cơ thành Disneyland ?
Lâu đài Versailles - REUTERS/Charles Platiau

    Với hơn 7 triệu lượt khách tham quan hàng năm, lâu đài Versailles là một trong những quần thể xây dựng thuộc vào hàng lớn nhất châu Âu. Kết hợp lối kiến trúc cổ điển hài hoà với những đường nét chấm phá nghệ thuật baroque, cung điện Versailles từng được tổ chức UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1979. Điều đó có thể giải thích vì sao đang có một cuộc tranh luận khá sôi nổi tại Pháp về dự án biến đổi một phần trong quần thể kiến trúc lâu đài Versailles thành khách sạn năm sao.

    Từ đây cho tới hạn chót là ngày 14 tháng 9 năm 2015, các tập đoàn khách sạn quốc tế phải nộp hồ sơ đấu thầu cho Cơ quan Quốc gia quản lý lâu đài Versailles. Đây là một dự án có tầm cỡ đặc biệt, vì tập đoàn khách sạn trúng thầu sẽ phải đầu tư khoảng 7 triệu euro để trùng tu một quần thể nhỏ gồm ba dinh thự, nằm trong khuôn viên của cung điện Versailles.
    Thời xưa, ba dinh thự này (Pavillon du Grand Contrôle, Hôtel du Petit Contrôle và Pavillon des Premières Cent Marches) gồm một phần là văn phòng làm việc của các quản đốc hành chính, toà đại sảnh ở dinh thự lớn nhất (Grand Contrôle) là phòng nghỉ dành cho các vị khách mời thường là quan thần triều đình hay là quan chức ngoại giao khi họ đến Versailles để xin yết kiến nhà vua.
    Cả ba dinh thự này tọa lạc trong khuôn viên ở phía đông nam của quần thể Versailles. Các cửa sổ nhìn ra khu vườn thượng uyển, nơi có đặt hàng trăm chậu cây cam trồng để làm kiểng. Một khi được trùng tu phục hồi, thì ba dinh thự này sẽ được gọi là “Khách sạn của Vườn cam” (Hôtel de l’Orangerie).
    Cơ quan Quốc gia điều hành lâu đài Versailles đồng ý chuyển nhượng quyền khai thác ba dinh thự này cho một tập đoàn khách sạn tư nhân trong vòng 60 năm, với điều kiện là phải dựa vào lối kiến trúc sẵn có và nhất là phải tôn trọng mọi quy định nghiêm ngặt của toàn bộ quần thể xây dựng, và như vậy hẳn chắc là không có chuyện xây phòng xông hơi hay hồ tắm ở ngoài trời, bằng không lâu đài Versailles sẽ mất danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới dễ như chơi.
    Cho dù diện tích rất nhỏ, chưa tới 5% quần thể kiến trúc Versailles, nhưng sự kiện một cơ quan nhà nước đem một phần của Versailles, ra đấu thầu để biến thành một dịch vụ thương mại cho thấy được một điều khá nhức nhối : chính phủ Pháp không còn đủ ngân sách để trang trải cho các chi phí bảo tồn các di sản văn hóa. Chính quyền thành phố Versailles cũng không thể nào tăng thêm thuế đánh trên đầu dân cư địa phương, bởi vì làm như vậy, thì trong các cuộc bầu cử sắp tới, các cử tri này sẽ bỏ phiếu cho phe cam kết không tăng thuế.


    Với hơn 7 triệu lượt du khách tham quan Versailles hàng năm, trong đó có một nửa (3 triệu rưỡi) mua vé vào thăm Phòng Gương ở bên trong cung điện, nhưng doanh thu vẫn không đủ để chi trả cho toàn bộ chi phí vận hành cũng như sửa sang lâu đài này, vậy thì lấy tiền ở đâu ra để bảo tồn công trình. Trước bài toán nan giải ấy, Cơ quan điều hành Versailles dường như chỉ tập trung vào quần thể chính gồm Phòng Gương đại sảnh, Nhà Nguyện, hai cung điện Grand Trianon và Petit Trianon, trong khi các dinh thự nhỏ ở xung quanh thì lại muốn nhờ đến sự hợp tác của các tập đoàn tư nhân. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều ý kiến bênh và chống một dự án như vậy.
    Theo lời ông Jean-Michel Raingeard, chủ tịch liên đoàn các tổ chức Bảo tồn Di sản quốc gia (FFSAM), dự án tái tạo một phần quần thể Versailles gây tranh cãi có lẽ là vì nhà nước muốn nhượng quyền khai thác cho một công ty tư nhân qua một hợp đồng cho thuê dài hạn, trong khi đa số dân Pháp vẫn quan niệm rằng một công trình xếp vào hàng di sản quốc gia cần có sự giám sát chặt chẽ từ phía nhà nước, chứ không nên để cho một công ty tư nhân độc quyền khai thác. Dự án tái tạo một phần Versailles làm cho ông liên tưởng đến kế hoạch khai thác dinh thự Hôtel de la Marine nằm ngay trên quảng trường Concorde, sát bên toà lãnh sự Mỹ ở Paris, nằm trên đường Florentin.
    Dinh thự Hôtel de la Marine trước đây Bộ Tổng Tham mưu của Hải quân Pháp, và kể từ đầu năm 2015, bộ này sẽ dời cơ sở hoạt động về một nơi khác. Lúc đầu, nhà nước Pháp lên kế hoạch giao cho một tập đoàn tư nhân khai thác thành khách sạn sang trọng, nhưng trước sự phản đối khá mạnh mẽ của công luận, chính phủ Pháp đã nhượng bộ một bước và ủy thác quyền điều hành dinh thự này cho Trung tâm Di sản Văn hóa Quốc gia (CMN).
    Theo ông Jean-Michel Raingeard, nếu phải so sánh về vai trò và tầm cỡ, thì ba dinh thự ở Versailles không có nhiều ý nghĩa và biểu tượng lịch sử bằng ‘’Dinh thự Hải quân’’ ở quảng trường Concorde, thế nhưng sự phản đối của dư luận y hệt như nhau trong cả hai trường hợp. Điều đó cho thấy là ở Pháp, việc kinh doanh toàn phần hay một phần di sản quốc gia là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Theo ông thì trước khi tiến hành những dự án tái tạo như vậy, nên chăng thăm dò hay tham khảo ý kiến của người dân, nhất là một phần tiền thuế của dân được đưa vào ngân sách của bộ Văn hóa cũng như của các cơ quan nhà nước.
    Trong số những người lên tuyến đầu bênh vực cho dự án biến một phần quần thể Versailles thành khách sạn năm sao, có ông Francis Mazière, thị trưởng đương nhiệm của thành phố Versailles. Theo ông, cả ba dinh thự ở Versailles bị bỏ trống kể từ năm 2008, và giờ đây có nhu cầu được sửa chửa và nâng cấp. Quần thể này tuy không quan trọng như Phòng Gương hay Thư phòng của Nhà Vua Louis XIV, nhưng vẫn cần được trùng tu. Theo ông Francis Mazière, bằng cách này hay cách khác, các cơ quan có trách nhiệm buộc phải tìm cách tài trợ dự án bảo tồn, hầu làm sống lại các dinh thự chứ không thể nào bỏ hoang để cho các tòa nhà dần xuống cấp đến nỗi phải phá hủy.
    Phe ủng hộ dự án tái tạo còn đi xa hơn nữa khi đưa ra lập luận : ba dinh thự ở Versailles xây vào những năm 1680, từng là nhà nghỉ dành cho một số nhân vật lịch sử nổi tiếng (trong đó có Turgot, Calonne hay Necker ….) Việc biến nhà nghỉ thành khách sạn năm sao là một dự án khả thi. Trong bối cảnh nhà nước cắt giảm trợ cấp bảo tồn, kế họach này cũng đáp ứng được hai mục tiêu.
    Thứ nhất, tập đoàn khách sạn trúng thầu sẽ phải chi tổng cộng là 11 triệu euro để nâng cấp khôi phục ba dinh thự, trong đó có gần 2 phần ba chi phí (gần 7 triệu euro) để sửa chửa mái nhà và các mặt tiền. Thứ nhì, một kế hoạch như vậy sẽ tạo thêm việc làm cho các công ty Pháp, nhất là các công ty chuyên trách về các công trình kiến trúc lịch sử, chuyên tuyển dụng các thợ có tay nghề cao, được đào tạo theo kiểu Pháp.
    Việc chuyển nhượng quyền khai thác, một khi được quyết định, sẽ kéo dài trong 60 năm. Tập đoàn khách sạn Accor Hotels của Pháp hiện là một trong những ứng cử viên nặng ký nhất tham gia đấu thầu. Nhưng liệu điều đó có đủ để làm cho dư luận Pháp bớt hoang mang trước câu hỏi : cơ quan nhà nước Pháp có thể làm được gì trong trường hợp một công ty ngoại quốc trúng thầu nhưng sau đó không tuân thủ luật chơi đã định.
    Trường hợp này đã từng xẩy ra không phải trong ngành khách sạn mà là trong ngành hàng không dân dụng, khi các hãng hàng không giá rẻ nước ngoài (low coast) áp đặt điều kiện của mình sau khi ký hợp đồng khai thác các sân bay nhỏ với cấp chính quyền địa phương. Dĩ nhiên là các sân bay này vẫn được duy trì hoạt động, nhưng về mặt thành quả thì chưa chắc gì người dân địa phương sẽ được hưởng lợi.
    "Đừng nhầm lẫn giữa lịch sử văn hóa và kinh doanh du lịch"
    Xây khách sạn năm sao phải chăng là một cơ hội tốt để khôi phục các dinh thự ở Versailles. Câu trả lời dường như là không, theo quan điểm của ông Alexandre Gady, sử gia người Pháp chuyên nghiên cứu về kiến trúc thế kỷ XVII. Theo ông, nhà nước Pháp không thể nào viện cớ rằng do không còn đủ tiền trong ngân quỹ, mà đem đi bán đổ bán tháo các tài sản chung của quốc gia, hoặc là chuyển nhượng quyền khai thác các dinh thự lâu đời cho giới kinh doanh và đầu tư tư nhân.
    Đa phần các dự án tư nhân cho tới nay thường là một khách sạn năm sao hoặc là một nhà hàng sang trọng dành cho giới có tiền, tức là chỉ phục vụ cho một đối tượng khách hàng, trong khi một công trình di sản quốc gia dù là phải mua vé để vào xem, vẫn là dành cho đại đa số, càng có nhiều người vào tham quan càng tốt. Theo ông vấn đề không phải là giao cho tư nhân khai thác, nếu dự án khai thác ấy hợp lý và khả thi thì tại sao không. Vấn đề cốt lõi vẫn là phục vụ cho đối tượng nào, cho thiểu số hay cho đa số.
    Tranh luận về việc Cơ quan điều hành Versailles gọi thầu để biến ba dinh thự thành khách sạn hạng sang, đã tăng thêm một bậc với việc thành lập Hiệp hội bảo vệ lâu đài Versailles (Coordination Défense de Versailles) do ông Arnaud Upinsky đứng đầu. Hiệp hội này chơi chữ bằng cách mượn lại tên của một chương trình truyền hình (J'irai dormir chez vous) để tung ra khẩu hiệu đấu tranh ‘’Tôi sẽ không ngủ ở nhà của vua Louis XIV’’ (Non, je n’irai pas dormir chez Louis XIV). Hiệp hội này đã mở ra một cuộc đánh động dư luận khá mạnh mẽ trên các mạng xã hội và thông qua các kênh truyền thông như báo chí truyền hình.
    Tổ chức này đã viết thư lên cả hai bộ Văn hóa và Du lịch để nhắc nhở là công việc bảo tồn các di sản văn hóa trước hết là trách nhiệm của nhà nước và kế đến là của chính phủ do dân bầu lên. Và liệu chính phủ có thể nào tiếp tục tiến hành một dự án như vậy khi theo thăm dò dư luận có đến 57% ý kiến cho biết là bị sốc khi họ biết rằng đang có kế hoạch biến một phần Versailles thành dịch vụ khách sạn năm sao. Vả lại trong hợp đồng chuyển nhượng vẫn chưa thấy có điều kiện nào hạn chế việc kinh doanh các dòng sản phẩm có liên quan, tức là không có gì bảo đảm việc khai thác hình ảnh của Versailles theo kiểu công viên giải trí Disneyland.
    Trường hợp của Versailles không phải là cá biệt lẻ loi. Tại Pháp hiện có ít nhất là 4 dự án trùng tu tái tạo tương tự ở các vùng miền khác nhau. Trước hết là dự án xây dựng quần thể khách sạn sát cạnh lâu đài Chambord, ở thung lũng vùng sông Loire. Dự án này sẽ được đưa vào hoạt động kể từ năm tới (2016) và hiện giờ đang có tranh chấp kiện tụng giữa một bên là các hiệp hội dân sự và một bên là chính quyền địa phương. Một dự án khác là bệnh viện Hôtel Dieu ở thành phố Lyon, một quần thể kiến trúc có từ thế kỷ XII và nay được xây dựng lại thành một quần thể khách sạn. Theo dự kiến, quần thể này sẽ mở cửa đón du khách vào năm 2018, nhưng vẫn có kẻ bênh, người chống.
    Tuy vẫn chưa ngã ngũ, nhưng các cuộc tranh luận sôi nổi liên quan tới việc trùng tu tái tạo các di sản kiến trúc, thật ra phản ánh hai lối tư duy đối chọi nhau ở Pháp. Một bên là những người quan niệm rằng bất cứ hình thức văn hóa nào cũng có thể biến thành một sản phẩm nhằm mục đích kinh doanh và tại sao không nếu như nhờ vào công việc kinh doanh ấy người ta có thể hái ra tiền để duy trì và nuôi dưỡng văn hóa. Còn bên kia là những người quan niệm rằng văn hóa là một món quà hầu như là vô giá, không nên đổi chác và mua bán, nhưng lại nên mở rộng cho mọi người.
    Bằng chứng là ngay cả viện bảo tàng Louvre thuộc vào hàng bảo tàng lớn nhất thế giới, kể từ năm 1793 cho tới nay, vẫn dành riêng ra một số ngày trong năm cho phép mọi người vào cửa miễn phí (ngày lễ Quốc khánh 14/07 và 6 ngày chủ nhật trong năm), cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho một số thành phần trong xã hội vào xem triển lãm.
    Qua hình thức này, nước Pháp muốn duy trì quan niệm về văn hóa có từ thế kỷ XVIII, còn được gọi là thế kỷ ánh sáng : quyền lợi khi chỉ dành cho một thiểu số chỉ là đặc ân, khi dành cho đa số mới thật sự phục vụ cho ‘’tiến bộ xã hội’’. Không phải vì tôi nghèo hay tôi không có tiền mà tôi không được quyền tiếp cận văn hóa. Tranh luận về Versailles có sôi nổi mạnh mẽ, một phần là cũng xuất phát từ đó.


    Cùng chủ đề
    • PHÁP - VĂN HOÁ

      Vườn cam thơ mộng trong kỳ quan điện Versailles
    • PHÁP - VĂN HÓA

      Các bảo tàng Paris ăn khách kỷ lục
    • PHÁP - VĂN HÓA

      Kapoor, tranh cãi về tác phẩm bị phá hỏng
    • TẠP CHÍ VĂN HÓA

      Điện Versailles trưng bày tác phẩm Murakami
    http://vi.rfi.fr/van-hoa/20150828-versailles-co-nguy-co-thanh-disneyland



    Vườn cam thơ mộng trong kỳ quan điện Versailles


    mediaVườn cam Orangerie, sân thượng phía nam lâu đài Versailles (DR)
    Tại Pháp, nếu cung điện Versailles là một viên ngọc quý, thì hạt trân châu ấy phải được khảm trên một xâu chuỗi tột cùng cân đối, tuyệt đỉnh hài hoà.
    Câu nói này có lẽ cũng không quá đáng khi mà hàng năm có đến hơn 7 triệu lượt du khách đến thăm lâu đài của vua Louis 14. Kiến trúc bên trong cực kỳ tráng lệ, phong cảnh bên ngoài quá đỗi hữu tình.
    Du khách đến thăm Versailles chủ yếu để chiêm ngưỡng nội thất hoàng cung, ngoài thư phòng và tư dinh còn có các gian đại sảnh, đặc biệt là Galerie des Glaces, một sảnh đường lợp đầy bóng gương soi. Các tấm gương ở đây tạo ra một vẻ đẹp khác thường tùy theo mức độ phản chiếu ánh sáng. Sáng trong như pha lê theo ánh nắng tự nhiên ban ngày, sáng ngời ánh kim quang, khi thắp đuốc về đêm.
    Nếu bạn đến Versailles vào một ngày đẹp trời, thì chuyến viếng thăm của bạn sẽ càng thêm lý thú, bởi vì cung điện này chỉ thật sự bộc lộ trọn vẹn vẻ đẹp khi được ngắm từ xa, theo lối chụp hình toàn cảnh thay vì cận ảnh. Đứng trên sân thượng hướng nhìn về phía nam, mở ra trước mắt bạn khung cảnh nên thơ của góc vườn thượng uyển.
    Gọi là vườn nhưng thật ra là không gian xanh này tuân thủ một cách sắp đặt tinh tế. Các giống cây ở đây chủ yếu là quýt cam nên mới được gọi là Orangerie (Vườn Cam). Cây không mọc trong đất mà lại được trồng trong chậu, bố trí theo hình cung xung quanh hồ nước. Do kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart dựng lên vào năm 1688, tức là trước khi công trình tái tạo điện Versailles được tiến hành, ý tưởng ban đầu là đan kết một xâu chuỗi màu xanh để làm nổi bật màu cát ngà do công trình Versailles được xây bằng đá.
    Vào thời xưa, các triều đình Pháp có truyền thống tái tạo vườn cam, coi trọng các loại hoa quả quý hiếm, bởi vì cam quýt cũng như chanh bưởi chỉ được du nhập vào châu Âu từ thế kỷ thứ 15 trở đi. Vương triều Pháp cho trồng vườn cam đầu tiên tại lâu đài Amboise (dưới thời vua Charles VIII). Cung điện Louvres thì có một vườn cam riêng biệt vào cuối thế kỷ thứ 16 dưới thời vua Henri IV.
    Đến thời vua Louis XIV, ông cho tạo dựng khu vườn Orangerie lớn nhất châu Âu với hơn 1.500 gốc cây cam. Bên cạnh đó, vườn còn được trồng thêm các loài hoa thơm cỏ lạ như thạch lựu, nguyệt quế, kim nhưỡng. Cam quýt được trồng để lấy trái, còn chanh bưởi thì để lọc tinh dầu làm hương thơm. Hoàng gia quý tộc Pháp thời xưa yêu chuộng loại cây này đến nổi, hoa cam trở thành một họa tiết không thể thiếu trong các ngành nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thi ca, một món quà cao sang tặng cho nhau nhân ngày cưới.
    Hơn ba thế kỷ đã trôi qua, vườn Orangerie vẫn y nguyên như thuở nào, chỉ có điều là các giống cây trồng ở đây không còn quý hiếm như xưa. Du khách nào có lối quan sát tinh tế, sẽ nhận thấy là vườn cam chẳng những được đặt ở phiá nam để có nhiều ánh nắng nhất, mà các chậu cây còn được dựng theo hình chữ U, biểu tượng cho chiếc huyền ly cầm tức là cây đàn lya của Apollon, thần ánh sáng và nghệ thuật trong huyền thoại Hy Lạp. Điều đó chẳng có gì là ngẫu nhiên cả.
    Sinh thời, vua Louis 14 là người trị vì lâu nhất trong lịch sử Châu Âu. Nhà vua còn nổi tiếng say mê nghệ thuật : các bộ môn như múa ballet, hội họa, kiến trúc, chế biến nước hoa và thậm chí ẩm thực đều phát triển vượt bực (bộ phim Pháp Le Roi Danse nói rất rõ điều này). Ngoài việc xây cung điện Versailles để khẳng định vương quyền, vua Louis 14 còn muốn lưu lại cho hậu thế hình ảnh của một đấng minh quân, xây dựng những kỳ quan lịch sử. Chính cũng vì ông tôn sùng sức mạnh lan truyền của nghệ thuật tỏa sáng, mà Louis 14 còn được mệnh danh là Vua Mặt Trời (Le Roi Soleil).

    http://vi.rfi.fr/tong-hop/20110810-vuon-cam-tho-mong-trong-ky-quan-dien-versailles

    Điện Versailles trưng bày tác phẩm Murakami


    Điện Versailles trưng bày tác phẩm Murakami
    Versailles trưng bày lần này 22 tác phẩm của Murakami (Reuters)

      Trong ba năm liền, điện Versailles ở Pháp tiếp đón nghệ thuật đương đại. Sau Jeff Koons (Mỹ) và Xavier Veilhant  (Pháp), nay Versailles tổ chức triển lãm các bức điêu khắc của nghệ sĩ Nhật Bản Takashi Murakami từ 14/9 đến 12/12. Một lần nữa, việc trưng bày các tác phẩm cực kỳ hiện đại trong không gian cổ kính của Versailles lại châm ngòi tranh luận.

      Năm nay 48 tuổi, Takashi Murakami sinh trưởng tại Tokyo. Anh nổi danh từ hơn 10 năm qua như là một trong những cánh chim đầu đàn của phong trào neo-pop của Nhật với các nghệ sĩ cùng thời như Yoshitomo Nara et Aya Takano, mang nhiều ảnh hưởng của bậc đàn anh Andy Warhol thuộc trường phái nghệ thuật đại chúng Pop Art. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật Tokyo, Murakami ban đầu chọn ngành hội họa trước khi chuyển sang điêu khắc. Tại Nhật Bản, tên tuổi của Murakami khá quen thuộc với giới ghiền đọc truyện tranh vì nghệ thuật của anh gợi hứng rất nhiều từ thế giới của manga.
      Năm 37 tuổi, uy tín của Murakami đạt đến tầm vóc quốc tế khi các tác phẩm của anh được trưng bày tại nhiều phòng triển lãm cũng như viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, trong đó có Fondation Cartier của Pháp (2001), Trung tâm Rockefeller của Mỹ (2003), viện bảo tàng Nghệ thuật đương đại Los Angeles, Museum fur Moderne Kunst Frankfurt bên Đức và viện bảo tàng Guggenheim tại Bilbao, Tây Ban Nha. Năm 2004, nhà thiết kế Marc Jacobs đã mời Murakami cộng tác cho bộ sưu tập mùa hè của hiệu thời trang hạng sang Louis Vuitton. Lần đầu tiên, ký tự viết tắt của Louis Vuitton thường là màu nâu, bỗng nhiên rực rỡ màu sắc như thể được vẽ cho phim hoạt hình. Năm 2008, Murakami được tạp chí Time liệt vào danh sách 100 nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới.
      Qua danh hiệu này, Murakami được công nhận là một trong những nghệ sĩ có đóng góp đáng ghi nhận vào làng nghệ thuật đương đại. Phong trào mà anh khai phóng còn được gọi là SuperFlat, hiểu theo nghĩa ‘‘cực kỳ bằng phẳng’’, kết hợp các loại hình mỹ thuật truyền thống của Nhật Bản với kỹ thuật sáng chế tân kỳ, thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại. Nói cách khác, Murakami tận dụng các hình thức nghệ thuật hai chiều lấy từ truyện tranh manga, phim hoạt hình anime, trò chơi video hoặc từ các bức phác họa trên vạt lụa, khung giấy để rồi đối chiếu khái niệm ‘‘bằng phẳng’’ với lối sắp đặt trong không gian ba chiều.


      Một khi chuyển thể qua điêu khắc, Murakami làm sống lại các nhân vật thường được thấy trong manga, nhưng chủ yếu theo khuynh hướng kawaii, tức là các nhân vật dễ thương, chẳng hạn như các con quái vật tí hon Pokemon. Chúng rất tinh nghịch quái dị nhưng lại dễ trìu mến vì sống trong một thế giới trẻ thơ nhẹ nhàng đầy dẫy màu sắc. Trong nhãn quan của Takashi Murakami, nghệ thuật SuperFlat là một cách để anh chất vấn xã hội Nhật Bản, với cung cách tiêu thụ các sản phẩm văn hóa theo bề rộng (bằng phẳng) nhưng lại thiếu bề sâu (ba chiều). Không phải ngẫu nhiên mà anh chọn thế giới truyện tranh, vì trong mắt của nghệ sĩ này, do áp lực của gia đình xã hội, giới trẻ xứ hoa anh đào không bao giờ muốn lớn. Họ có thể gánh vác nhiều trách nhiệm khi bước ra ngoài xã hội, nhưng trong nội tâm, các thú đam mê tiêu khiển thường lại hướng về tuổi thơ. Nói nôm na là người lớn mà lại giống như con nít.
      Để hiểu được phần nào thông điệp mà Murakami muốn truyền đạt, người xem triển lãm tại điện Versailles buộc phải tìm hiểu, tham khảo tài liệu liên quan đến nghệ sĩ này. Vấn đề ở đây là đa số khách tham quan đến Versailles trước hết là để viếng thăm một công trình nghệ thuật lâu đời với lối kiến trúc nguy nga. Do vậy, khi thấy xuất hiện nhiều hình thù ‘‘quái gỡ’’ trong cái không gian cổ kính của Versailles, rất nhiều du khách tự đặt câu hỏi phải chăng đây là nơi thích hợp để trưng bày những tác phẩm như vậy. Một khách tham quan người Pháp cho biết :
      Theo tôi, các bức điêu khắc theo kiểu này không nên đặt ở nơi đây. Những tác phẩm như vậy đáng lẽ ra phải được trưng bày ở các viện bảo tàng dành cho nghệ thuật đương đại, chứ không ăn nhập gì với khung cảnh bề thế và hoành tráng của Versailles. Màu sắc của tác phẩm quá lòe loẹt, hình thù dị hợm, kích thước thì ngoại cỡ, tất cả đều không hài hòa và cân xứng với lối kiến trúc của cung điện hoàng gia. Điều làm cho tôi ngạc nhiên sửng sốt là cách sắp đặt trưng bày. Một số bức điêu khắc cao đến gần 3 thước rưỡi, đặt ngay ở giữa phòng, chiếm gần hết không gian. Nó che khuất tầm nhìn của khách tham quan, từ đầu phòng này nhìn sang phòng bên kia, người ta sẽ không thấy gì khác ngoài các bức tượng nằm ở chính giữa, che khuất các bức họa cổ điển treo trên tường, các nét chạm trỗ tinh xảo trên trần nhà. Tôi đến đây trước hết là để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Versailles chứ không phải để xem triển lãm đương đại.
      Một sinh viên người Canada, đi theo một đoàn du khách đến từ vùng Québec thì có một cách nhìn thông thoáng cởi mở hơn. Đây là lần thứ nhì tại Paris, cô được dịp xem các tác phẩm đương đại chẳng có liên quan gì với không gian trưng bày. Điều đó gây ra nhiều phản ứng trái ngược nơi người xem.
      Không, tôi không bị sốc bởi cuộc triển lãm này. Hôm qua, chúng tôi đã có dịp đến thăm viện bảo tàng nghệ thuật trang trí ở Paris, chủ yếu là để xem các bộ sưu tập những thập niên đầu thế kỷ 20. Tại viện bảo tàng này, cách trưng bày các vật dụng có từ một trăm năm về trước được sắp đặt xen kẽ với các bức điêu khắc trừu tượng và hiện đại. Điều đó tạo ra một cảm giác rất lạ nơi người xem. Tôi tự hỏi phải chăng đây là một khuynh hướng mới trong cách tổ chức triển lãm, lựa chọn một địa điểm trưng bày nổi tiếng và quen thuộc, để rồi lái hẳn nội dung sang một hướng khác. Trong cả hai cuộc triển lãm mà tôi vừa xem, rõ ràng là có một sự tương phản ngoạn mục, như thể ban tổ chức muốn khách tham quan tự mình so sánh hai hình thức nghệ thuật khác biệt, đối chiếu cái xưa với cái nay. Rất tiếc là trong cuộc triển lãm lần này tại Versailles, tôi không biết gì nhiều về tác giả Murakami, tôi thật sự không hiểu ý nghĩa của các tác phẩm, nhưng nhiều người đi cùng với tôi thì tỏ vẻ không thích cho lắm.
      Về phần mình, một cặp vợ chồng người Pháp thì nói thẳng là họ không tán thưởng cuộc triển lãm Murakami tại Versailles. Trong mắt họ, việc trưng bày các bức điêu khác đương đại chẳng khác gì một trò ‘‘đánh lạc hướng’’.
      Trước hết, tôi rất bất bình vì khách tham quan không được tôn trọng. Du khách từ xa đến đây là để thăm điện Versailles, để tìm hiểu về lịch sử nước Pháp qua những câu chuyện về các triều đại vua chúa nói chung, về cuộc đời của vua Louis 14 hay của hoàng hậu Marie Antoinette nói riêng. Nhưng khi đến đây rồi thì họ lại nghe kể một câu chuyện khác hẳn, chẳng ăn nhập gì với cung điện Versailles. Nước Pháp không có dầu hỏa, mà cũng chẳng sở hữu nhiều nguồn tài nguyên. Di sản quý báu nhất vẫn là văn hóa. Bạn thử đi ra nước ngoài mà xem, đi đâu thì cũng nghe người ta nói : nước Pháp là một vành nôi nghệ thuật, là một trung tâm của nền văn hóa ở châu Âu. Du khách từ xa đến đây trước hết là để chứng kiến tận mắt cái danh hư bất truyền đó, nếu họ thật sự muốn xem nghệ thuật đương đại thì họ sẽ bỏ tiền mua vé đi xem các viện bảo tàng có liên quan. Theo tôi nghĩ, ở Paris không thiếu gì các không gian triển lãm dành cho hình thức nghệ thuật này. Chỉ sợ rằng du khách không đủ thời gian để xem cho hết, chứ không thể nói rằng Paris không đa dạng về mặt văn hóa. Ban điều hành điện Versailles thay vì nâng cao giá trị của công trình lịch sử này, lại áp đặt cuộc triển lãm với khách tham quan. Đối với tôi, đây chỉ là một thủ thuật để làm tăng giá trị của các tác phẩm Murakami. Một nghệ sĩ đương đại càng được trưng bày, thì tác phẩm lại càng lên giá. Việc Versailles tổ chức triển lãm Murakami chỉ có lợi cho tác giả cũng như cho các nhà đầu tư, chuyên sưu tầm nghệ thuật vì đơn thuần xem đó là một sản phẩm dễ bán có lời, chứ không nhằm mục đích phục vụ cho công chúng.


      Kể từ ngày khai mạc cho đến nay, nếu như trong giới phê bình có cả hai phe : người binh kẻ chống, thì dường như từ phía người xem, đa số đều không tán thưởng cuộc triển lãm Murakami. Trong cuộc họp báo tổ chức tại điện Versailles, ngay cả tác giả Murakami thừa nhận là trên các diễn đàn internet hay thông qua các mạng xã hội, đang có một sự phản ứng khá gay gắt về các tác phẩm của anh.
      Không phải chỉ riêng gì ở Pháp mà ngay tại Nhật Bản, tôi cũng gặp phải những lời chỉ trích tương tự. Theo tôi được biết thì trên các mạng xã hội, hiện đã có hơn 3 ngàn ý kiến chê bai các tác phẩm của tôi. Tôi nghĩ mọi chuyện đều bắt đầu từ một sự hiểu lầm vì tôi có cảm tưởng rằng đa số người phát biểu ý kiến, không hiểu gì nhiều về cá nhân tôi hay về những điều mà tôi muốn diễn đạt, nếu có biết thì chỉ là biết một cách hời hợt. Tôi tôn trọng mọi ý kiến cá nhân và không vì thế mà tôi phải bực mình.
      Vả lại tôi quan niệm rằng nhiệm vụ của một nghệ sĩ trước hết là nói lên quan điểm của mình, phản ánh môi trường xã hội mà mình đang sống, chứ không phải là chiều ý mọi đối tượng, làm hài lòng người này hay người. Đối với công chúng Âu Mỹ, tôi muốn đưa ra một nhãn quan khác hẳn về xã hội Nhật Bản, cách tiếp cận với thế giới manga trong mắt của một người Nhật rất khác với góc nhìn của người từ bên ngoài. Qua việc đối chiếu truyền thống với hiện đại, tôi chỉ có thể hy vọng rằng cuộc triển lãm có thể làm nảy sinh tính hiếu kỳ, và từ sự tò mò ấy, người xem có thể tìm hiểu sâu hơn về thế giới truyện tranh cũng như cái quan hệ khá lạ kỳ giữa người Nhật với manga.
      Về phần mình, cựu bộ trưởng văn hóa Jean Jacques Aillagon, hiện là giám đốc điều hành Versailles, cho rằng cung điện này là một tụ điểm văn hóa sinh động, có thể đón tiếp nhiều hình thức và nội dung khác nhau, chứ không phải là một lâu đài cổ xưa chỉ dành cho nghệ thuật có từ lâu đời.
      Khi khách tham quan đến Versailles, thì họ không có nhiều thời gian để viếng thăm. Họ đi rất nhanh, xem lướt qua lối thiết kế xây dựng hay cách trang trí công trình cổ kính này. Tôi nghĩ rằng việc trưng bày các tác phẩm đương đại trong một khung cảnh gắn liền với lịch sử thế kỷ 17 và 18, cũng là một cách để tạo ra sự tò mò ngạc nhiên nơi người xem, và như vậy có thể mời gọi khách tham quan dừng chân lâu hơn, để quan sát rồi từ đó họ có thể so sánh, suy ngẫm. Chúng tôi đã từng thực hiện điều này với các tác phẩm của Jeff Koons, của Xavier Vailhant, nay đến lượt các bức điêu khắc nghệ sĩ Nhật Murakami được giới thiệu với công chúng. Dĩ nhiên là sẽ có người khen kẻ chê, nhưng cũng từ đó mà Versailles sẽ có được một hình ảnh, khác với những gì mà người ta thường nghe hay thường thấy về cung điện này.
      Quả thật là bất ngờ đầu tiên đối với công chúng chính là cái cảm tưởng đi ‘‘sai đường’’, đến thăm hoàng cung mà cứ ngỡ như mình đang bước vào thế giới của đồ chơi và truyện tranh. Rất nhiều người cho rằng điện Versailles nên mở ra một không gian khác để tổ chức triển lãm thay vì trưng bày ngay ở chính điện. Do được sắp đặt bên cạnh nhau, nên phong cách hiện đại của các bức điêu khắc đối chọi ngay với khung cảnh cổ điển của Versailles.
      Đối với những người không có chủ đích đến xem Murakami, thì các tác phẩm đưong đại, đánh lạc hướng nhãn quan khách thăm viếng, làm mất đi nét hài hòa của quần thể khi nhìn theo toàn cảnh. Nguyệt san Tribune de l’art (Diễn đàn nghệ thuật) đả kích rất mạnh cái khuynh hướng tổ chức triển lãm tại Versailles trong những năm gần đây, so sánh các bức điêu khắc hiện đại như "những nốt ruồi vô duyên, đặt không đúng chỗ". Cuộc triển lãm Murakami kéo dài trong ba tháng liền. Trong bối cảnh đó, tranh luận chỉ vừa được châm ngòi, chứ chưa thể ngã ngũ.

      http://vi.rfi.fr/van-hoa/20100917-dien-versailles-trung-bay-tac-pham-murakami

      Geen opmerkingen:

      Een reactie posten