Triển lãm tranh "Paris trong mắt các danh họa ấn tượng"
Paris au temps des impresionnistes(Paris vào thời các danh họa ấn tượng) là tựa đề cuộc triển lãm miễn phí tại Tòa Đô chính Paris với sự hỗ trợ của Viện bảo tàng Orsay. Từ ngày 12/4 đến 30/7/2011, cuộc triển lãm khá đồ sộ này trưng bày hơn 100 bức tranh, trong đó có gần 65 tấm của các nghệ sĩ nổi danh cuối thế kỷ thứ 19.
Đối với tất cả những ai chưa từng được dịp đi vào bên trong Tòa Đô chính Paris thì việc đi xem triển lãm là một công hai chuyện. Phần lớn cũng vì không gian của phòng triển lãm Saint Jean tự nó đã là một công trình nghệ thuật. Lối kiến trúc tân cổ điển nhưng không quá chạm trổ cầu kỳ, những phiến đá hành lang chỉ một màu nhưng lại làm nổi bật lớp gạch nền hoa cương, xếp theo hình con thoi với những họa tiết cực kỳ tinh xảo.Ở đây hầu như toàn bộ không gian triển lãm được đơn điệu hóa đến mức tối thiểu với gam màu chủ đạo là nâu thuốc lá, để làm nổi bật màu sắc các tác phẩm được trưng bày. Mà đó lại là những tác phẩm lớn của các danh họa rất nổi tiếng như Manet, Degas, Renoir, Caillebotte, Pissarro, Gauguin, Monet. Điều đáng ghi nhận là có khoảng 30 tác phẩm ít khi nào được trưng bày trước công chúng. Hầu hết các bức tranh là do Tòa Đô chính mượn từ viện bảo tàng Orsay. Bà Caroline Mathieu, giám đốc ban tổ chức triển lãm Paris au temps des impressionnistes cho biết lý do :
Viện bảo tàng Orsay hiện được trùng tu và đặc biệt là chúng tôi đang tân trang các phòng triển lãm dành cho các bức tranh ấn tượng. Do vậy mà khách tham quan không thể xem các tác phẩm hội họa thuộc trường phái này. Để cho du khách nước ngoài không bị thiệt thòi, chúng tôi đã nhận lời mời của Tòa Đô chính Paris, đem các bức họa này ra trưng bày tại phòng triển lãm Saint Jean, trực thuộc Tòa Đô chính. Nhưng lần này chúng tôi không chỉ dừng lại ở các bức tranh gọi là kiệt tác của các danh họa tiêu biểu nhất của trường phái ấn tượng, mà còn mở rộng ra cho nhiều tác phẩm khác. Các bức vẽ ấy do các họa sĩ thực hiện cuối thế kỷ thứ 19.
Đó là trường hợp của các nghệ sĩ như Vuillard, Béraud, Jacques Émile Blanche, Devambez hay Carrière. Sinh thời, họ khá nổi tiếng qua các cuộc Triển lãm Toàn cầu tổ chức tại Paris, nhưng qua lăng kính lịch sử cũng như sự sàng lọc của thời gian, tiếng tăm của những họa sĩ này không còn vang lừng cho đến thời nay như các danh họa Monet, Degas hay Pisarro. Tuy nhiên không phải vì thế mà góc nhìn của họ kém phần độc đáo. Ngược lại, nhãn quan của họ tạo thế cân bằng với các tên tuổi lớn. Điều đó cho thấy là Paris không chỉ là chủ đề ưng ý của một vài họa sĩ trứ danh, mà còn gợi hứng cho cả một thế hệ nghệ sĩ.
Paris thay đổi diện mạo, nguồn cảm hứng các họa sĩ
Về phần mình, cô Isabelle Julia, quản đốc làm việc cho Viện bảo tàng Orsay cho biết là trong số hàng ngàn tác phẩm mà Viện bảo tàng đang có trong kho lưu trữ, thì triển lãm có thể được tổ chức theo nhiều góc độ khác nhau. Nhưng chủ đề Paris trong mắt các họa sĩ ấn tượng vẫn là chủ đề thích hợp nhất với phòng triển lãm của Tòa Đô Chính, mà cô gọi là Nhà văn hóa của Paris :
Trong vòng khoảng 40 năm, thành phố Paris hoàn toàn thay đổi diện mạo. Đó là giai đoạn mà thủ đô nước Pháp không ngừng phát triển với hàng loạt dự án xây cất. Thời kỳ kỹ nghệ hóa cũng thay đổi một cách sâu rộng cung cách sinh hoạt, di chuyển của người dân thủ đô. Đường xá xây rộng hơn dành cho xe cộ qua lại, vỉa hè thì rợp bóng cây hai bên đường dành cho khách bộ hành. Cuối thế kỷ thứ 19 cũng là thời kỳ mà Paris đào đường hầm để xây dựng hệ thống xe điện ngầm. Ở trong nhà người ta bắt đầu sử dụng điện, còn ở ngoài phố thì được thắp sáng với những cột đèn chạy bằng khí đốt.
Trong cuộc triển lãm Paris vào thời các danh họa ấn tượng, chúng tôi đã chọn các bức tranh sáng tác từ những năm 1848 đến 1914. 1848 là thời mà hoàng đế Napoleon đệ tam lên nắm quyền, mở ra giai đoạn hiện đại hóa thủ đô Paris với các công trình xây cất theo đề xướng của nam tước Haussmann. Còn năm 1914 khép lại chương sách lịch sử, vì chu kỳ phát triển của Paris sẽ bị khựng lại với sự bùng nổ của Đệ nhất Thế chiến. Ngành hội họa cũng có dấu hiệu chuyển hướng rõ rệt, với sự khai sinh của nhiều trường phái khác. Nhưng một điều chắc chắc là diện mạo và khung cảnh của thủ đô Paris đã được định hình vào giai đoạn 1848 - 1914, và có thể nói là mặt tiền của các dãy phố Paris tồn tại từ thời đó cho đến tận bây giờ.
Thủ đô văn hóa, xưởng vẽ lộ thiên
Theo bà Caroline Mathieu, cuộc triển lãm tại Tòa Đô chính có thể đơn thuần được xem như một cuộc trưng bày các tác phẩm hội họa. Nhưng bên cạnh đó, có một phần quan trọng không kém, tập hợp các tác phẩm nặng tính kỹ thuật hơn là nghệ thuật, bởi vì qua đó khách tham quan có thể hiểu thêm về cái bối cảnh lịch sử cũng như quá trình phát triển thủ đô Paris.
Cuộc triển lãm Paris vào thời các danh họa ấn tượng được chia ra thành nhiều phần. Phần đầu tiên mang tên là Xây dựng một thủ đô mới (Construire un nouveau Paris), bao gồm các bức phác họa, những tấm sơ đồ, các mô hình kiến trúc thu nhỏ để cho khách xem triển lãm hình dung ra tất cả các dự án xây cất của Paris thời đó. Chẳng hạn như không ai mường tượng được rằng vào thế kỷ thứ 19, Montmartre chỉ là một ngôi làng nhỏ bé, nằm trên một ngọn đồi. Ngoại trừ Vương cung Thánh đường của nhà thờ Thánh Tâm Sacré Cœur (Vương cung Thánh đường được xây vào năm 1891, nhà thờ Thánh Tâm được hoàn tất vào năm 1914), thì xung quanh chỉ có một một ngôi làng trồng nho, chứ không nhiều lớp nhà nằm san sát nhau. Khu vực nằm ở xung quanh Khải hoàn môn hay quảng trường Iéna cũng vậy, chỉ toàn là những vùng đất trống lợp cỏ hoang trước khi các dãy phố được dựng lên. Do vậy, qua phần đầu cuộc triển lãm, khách tham quan sẽ thấu hiểu phần nào là thủ đô Paris đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quy hoạch tầm cỡ để hiện đại hóa đô thị.
Phần thứ hai của cuộc triển lãm mang tên là Một xưởng vẽ lộ thiên (Un atelier à ciel ouvert) tập trung khá nhiều các bức tranh của các hoạ sĩ sống vào thời này. Sự kiện Paris tân trang diện mạo đã gợi hứng sáng tác cho rất nhiều nghệ sĩ. Ở đây, chúng ta có thể phân biệt loại tranh quang cảnh tổng thể. Lối vẽ này giống như các bức ảnh chụp toàn cảnh, và khi nhìn vào người ta biết ngay đó là khung cảnh của Paris. Bên cạnh đó cũng có những bức vẽ chi tiết hơn. Chẳng hạn như bức tranh Nhà thờ Thánh Tâm nhìn từ khung cửa sổ (Le Sacré Coeur vu de la fenêtre du peintre) của hoạ sĩ Édouard Vuillard. Cảnh Paris ở đây chỉ là phông nền chứ không phải là điểm nhấn. Phần thứ ba cho thấy Nếp sống và sinh hoạt của Paris vào thời đó (Scènes de vie Parisienne). Đó là trường hợp của tấm tranh Xong giờ xem kịch (La sortie de théâtre) của họa sĩ Jean Béraud cho thấy một cách chi tiết cảnh khán giả đang lần lượt ra về.
Thành phố khiến cho tâm hồn ngất ngây
Khi nhắc đến tranh ấn tượng về Paris, người xem triển lãm chủ yếu nghĩ tới các tên tuổi lớn của trường phái này, chẳng hạn như bức vẽ nhà ga Saint Lazare của Claude Monet, hay là phong cảnh đồi Montmartre của Édouard Vuillard. Nhưng theo cô Isabelle Julia, có nhiều nghệ sĩ khác đến từ nước ngoài, xứng đáng có một chỗ đứng trong cuộc triển lãm này. Họ chỉ sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp một khoảng thời gian, nhưng lại vẽ khá nhiều tác phẩm về Paris. Và điều đó lại giúp nâng cao uy tín của thủ đô Pháp.
Paris trong nửa cuối thế kỷ thứ 19 được xem như là thủ đô của châu Âu trên rất nhiều phương diện. Paris không chỉ là vành nôi của sáng tạo nghệ thuật : hội họa âm nhạc thời trang sân khấu mà còn nổi tiếng là tụ điểm giải trí, nếu không nói là khét tiếng ăn chơi. Có lẽ cũng vì thế mà các nghệ sĩ thời ấy dều muốn đến Paris để tầm sư học đạo hay để tôi luyện tay nghề. Rất nhiều họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng và hậu ấn tượng thường phản ánh sức sống của Paris qua các tác phẩm của họ, và không phải chỉ có các tác giả người Pháp, mà ngay cả các họa sĩ người nước ngoài cũng vậy. Trong cuộc triển lãm lần này, khách tham quan được dịp khám phá một số họa sĩ ngoại quốc sống và làm việc tại Paris vào thời đó như Giuseppe De Nittis hay Boltini người Ý, Théophile Steinlen người Thụy Sĩ hay Johan Bartold Jongkind người Hà Lan. Các tác phẩm của họ vẽ về thủ đô nước Pháp đã góp phần không nhỏ trong việc nâng Paris lên hàng thủ đô văn hóa. Những tác phẩm hội họa đôi khi phản ánh những chi tiết nhỏ nhặt đời thường, chẳng hạn như khung cảnh của một quán cà phê vỉa hè ban đêm với những cột đèn thấp thoáng ở đằng sau, nhưng lại nắm bắt được cung cách sinh hoạt tại Paris thời ấy.
Theo bà Caroline Mathieu, trên phương diện nghệ thuật, thủ đô nước Pháp tựa như đá nam châm thu hút giới nghệ sĩ cuối thế kỷ thứ 19 - đầu thế kỷ 20. Không phải ngẫu nhiên mà Paris được mệnh danh là kinh đô ánh sáng trong cái giai đoạn gọi là Belle Époque, còn được xem như là thời hoàng kim của châu Âu. Còn danh họa Claude Monet thì gọi Paris là thành phố khiến cho tâm hồn bị ngất ngây. Bà Caroline Mathieu giải thích vì sao.
Trong mắt của các nghệ sĩ thời đó, Paris càng khoác thêm nét lộng lẫy, vẻ hào nhoáng. Về điểm này, danh họa Claude Monet, cha đẻ của trường phái ấn tượng, gọi thủ đô nước Pháp là thành phố làm cho hồn người ngất ngây (ville étourdissante) do cái nhịp sống cuồng nhiệt về đêm, cũng như do môi trường sáng tạo nghệ thuật phong phú và dồi dào, gieo nhiều cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ.
Theo tôi thì giới nghệ sĩ qua các thời kỳ khác nhau, đã vẽ rất nhiềuvề Paris, nhưng nhìn chung chỉ có giai đoạn cuối thế kỷ 19, thì mới có nhiều bức vẽ khung cảnh Paris về đêm. Sự thay đổi của thủ đô Pháp trong thời kỳ kỹ nghệ hóa có thể giải thích cho điều này. Dưới thời quy hoạch của nam tước Haussmann, thì đường xá Paris chẳng những trở nên thông thoáng quang đãng hơn, mà các dãy phố còn được thắp sáng vào ban đêm. Đây có thể nói là một chủ đề lý tưởng cho những họa sĩ nào thích cọ xát thử nghiệm trong việc thể hiện mức độ ánh sáng trong các tác phẩm hội họa của họ. Về điểm này, có thể xem bức tranh Phụ nữ ngồi trong quán cà phê (Femmes à la terrasse d’un café) của họa sĩ Edgar Degas là một bức kiệt tác.
Các bức tranh phong cảnh trưng bày tại phòng triển lãm Saint Jean của Toà Đô chính làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh của thủ đô nước Pháp mà ta băt gặp trong tiểu thuyết của văn hào Emile Zola, các bức chân dung khiến cho ta nghĩ tới tác phẩm độc đáo (A rebours) của nhà văn Joris-Karl Huysmans hay vở nhạc kịch của Jacob Offenbach (La vie Parisienne - Nếp sống của Paris). Một khi được cộng hưởng lại, các tác phẩm ấy giúp cho hình ảnh của Paris càng ăn sâu vào tiềm thức của công chúng : phố cổ nhưng không xưa cũ, tưởng chừng như mơ mà lại rất sinh động.
Các lưu trữ
- 1
- 2
- 3
- ...
- trang sau >
- trang cuối >
-
Tiểu thuyết Millenium 4 : Đào mồ đi tìm mỏ vàng ?
Với hơn 80 triệu bản bán trên toàn cầu, ba tập sách Millenium là một trong những bộ trường thiên tiểu thuyết ăn khách nhất … -
Hồ Trung Dũng và hoài bão nhạc jazz
Với phong cách lịch lãm, với chất giọng sâu lắng, tuy chỉ mới tách ra hát solo cách đây khoảng hơn 6 năm, nhưng Hồ Trung … -
Versailles có nguy cơ thành Disneyland ?
Với hơn 7 triệu lượt khách tham quan hàng năm, lâu đài Versailles là một trong những quần thể xây dựng thuộc vào hàng … -
1000 năm Nhà thờ Đức Bà Strasbourg
Vào mùa hè này, hàng chục triệu du khách nước ngoài sẽ đến thăm nước Pháp. Có một nơi mà có … -
Sex web Ngoại tình : gãi đúng chỗ ngứa, đánh trúng tim đen
Cuộc sống quá ngắn ngủi, tội gì mà không ngoại tình. Đó là khẩu hiệu quảng cáo ‘’độc chiêu bá … -
François-Henri Schneider và tờ Lục-tỉnh Tân-văn
Gần bẩy năm sau khi Nông-cổ mín-đàm, tờ báo kinh tế đầu tiên, ra đời, tại Nam Kỳ có thêm một tờ báo mới, Lục-tỉnh … -
"Nông-cổ mín-đàm", tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam
Tại Nam Kỳ, trước năm 1881, các thể loại báo chí đều phải được chính quyền cho phép trước khi phát hành. Điều kiện tiếp … - http://vi.rfi.fr/van-hoa/20110422-cuoc-trien-lam-paris-trong-mat-cac-danh-hoa-an-tuong
Geen opmerkingen:
Een reactie posten