vrijdag 30 oktober 2015

Paris vinh danh Monet, cha đẻ trường phái ấn tượng


Paris vinh danh Monet, cha đẻ trường phái ấn tượng

Paris vinh danh Monet, cha đẻ trường phái ấn tượng
 
Tác phẩm Femme au jardin ( Người phụ nữ trong vườn) của danh họa Claude Monet (Musée de l’Ermitage)


    Nếu từ đây cho đến cuối tháng giêng, bạn có dịp viếng thăm Paris; và nếu vì lý do thời gian, bạn chỉ có thể xem một cuộc triển lãm duy nhất : vậy thì bạn nên ghé thăm Grand Palais. Từ ngày 22/9 đến 24/1 năm tới, viện bảo tàng này trưng bày trên dưới 170 bức tranh của Claude Monet, bậc thầy vĩ đại của trường phái ấn tượng.

    Cuộc triển lãm các tác phẩm của Claude Monet (1840 – 1926) được xem như là sự kiện văn hóa hàng đầu tại Paris mùa thu năm nay. Lần trước, nước Pháp tổ chức một cuộc triển lãm lớn về Monet là cách đây vừa đúng 30 năm (1980), cũng tại Grand Palais. Sự khác biệt lần này là số lượng các tác phẩm mà Paris đã mượn được từ các viện bảo tàng nước ngoài cũng như từ các nhà sưu tầm tư nhân. Trong số khoảng 170 bức tranh, có gần 20 tấm được liệt vào hàng cực kỳ hiếm thấy, bởi vì các tác phẩm này ít khi nào được đem ra trưng bày trước công chúng.
    Ông Guy Cogeval hiện là giám đốc của hai viện bảo tàng Orsay và Orangerie tại Paris, được xem là nơi lưu trữ khá nhiều bức tranh của Claude Monet. Ông cho biết là vào những năm cuối đời, danh họa Monet đã tặng một số tác phẩm nổi tiếng cho nhà nước Pháp, trong đó có bộ tranh Nymphéas (Hoa súng). Ông Guy Cogeval giải thích vì sao ông đã muốn tổ chức một cuộc triển lãm bề thế, đồ sộ như vậy :
    ‘‘Tôi đã sống nhiều năm ở Bắc Mỹ. Trước khi trở về Paris để điều hành viện bảo tàng Orsay, tôi từng làm giám đốc viện bảo tàng Mỹ thuật tại Montreal. Trong thời gian này, tôi đã được dịp xem nhiều cuộc triển lãm về Monet ở Hoa Kỳ cũng như ở Canada, trong đó, có việc trưng bày các tác phẩm cuối đời của danh họa Monet do viện bảo tàng Tate Gallery cho mượn. Tôi lúc đó thật sự bị choáng ngợp và tôi ý thức được một điều : Monet chẳng những là một trong những gương mặt tài ba nhất ngành hội họa hậu bán thế kỷ thứ 19, mà ông còn là danh họa người Pháp được yêu quý nhất ở nước ngoài. Chỉ cần đi sang các nước Anh Mỹ, ta sẽ thấy các tác phẩm của Monet được tôn vinh và được trưng bày khá thường xuyên tại các viện bảo tàng lớn. Trở về Pháp, tôi tự hỏi vì sao Paris không vinh danh một tên tuổi mà người ngoại quốc hằng ngưỡng mộ, những tác phẩm mà các nước ngoài xem là tiêu biểu cho văn hóa Pháp. Nếu như trong những năm tháng đầu đời, Monet bị chỉ trích vì ông có tư tưởng tiên phong, đi trước một số nghệ sĩ cùng thời, thì từ những năm 1880 trở đi, ông được công nhận là cha đẻ của trường phái ấn tượng. Vào thập niên đầu thế kỷ 20, ông không chỉ nổi danh ở Pháp, mà còn được công chúng ở nước ngoài ngưỡng mộ, thay đổi hẳn cục diện của ngành hội họa ở phương Tây, và dự báo cho ngành nghệ thuật đương đại. Cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Grand Palais lần này là một cách để nhìn lại (retrospective) 60 năm sáng tác của danh họa Claude Monet’’.
    Monet : người truy tìm bí mật của ánh sáng
    Tại Grand Palais, các tác phẩm của Monet được trưng bày trên một diện tích rộng khoảng 2500 thước vuông. Các bức tranh được sắp đặt một cách tinh tế theo trình tự thời gian và theo chủ đề. Những gian phòng triển lãm ở đây được thiết kế một cách trang nhã, hầu như tối thiểu, ngoài hàng ghế dài hình vòng cung nằm ngay ở giữa phòng, để cho khách tham quan nào muốn dừng chân lại, ngồi ngắm các bức tranh, thì hầu như không có một vật dụng nào khác. Qua cách sắp đặt này, ban tổ chức dường như chỉ muốn đề cao các tác phẩm của Monet, khách bước vào phòng sẽ không nhìn thấy gì khác ngoài các bức kiệt tác của danh họa người Pháp. Qua audioguide, tức là máy đeo tai để nghe hướng dẫn về các tác phẩm, người xem học hỏi được nhiều điều thú vị. Cô Sylvie Patin, một trong những ủy viên đặc trách triển lãm cho biết một trong những chi tiết hấp dẫn đó :
    ‘‘Nhân một chuyến ghé thăm danh họa Monet tại nhà riêng của ông ở Giverny, ông Paul Cézanne (1839 – 1906) một trong những họa sĩ danh tiếng thuộc trường phái ấn tượng, đã thốt lên một câu nói để đời. Theo Cézanne, không phải chủ đề làm nên một bức họa, mà chính là con mắt của người hoạ sĩ. Về điểm này, Cézanne cho rằng không có nhãn quan nào có thể sánh bằng con mắt của Monet. Chính cũng vì thế mà các nghệ sĩ cùng thời đã mệnh danh Monet là Con Mắt (L’Oeil), ý muốn nói là danh họa này có một nhãn quan vô cùng độc đáo. Cũng cần phải nói là sinh thời, Monet là người đầu tiên vẽ tranh theo từng bộ (série). Chẳng hạn như các bộ tranh với chủ đề Bó rơm (Meules) hay Hoa súng (Nymphéas), mỗi bộ như vậy có trên dưới 20 tác phẩm vẽ cùng một chủ đề, lặp đi lặp lại một mô-típ. Khi đặt các bức tranh này bên cạnh nhau, người ta có cảm tưởng là Monet chỉ vẽ một phong cảnh, khi thì một bó rơm đặt ở ngoài đồng cỏ, lúc thì một hồ nước nở đầy hoa súng, nhưng khác biệt hay chăng là ở trong mức độ của ánh sáng, thay đổi vào lúc ban mai, giữa trưa hay xế chiều. Chỉ với những nét chấm phá, mà Monet gieo vào lòng người xem cái ấn tượng đầy cảm xúc đó. Người ta có cảm tưởng là Monet vẽ các bộ tranh tùy theo sự biến đổi của ánh nắng trong cùng một ngày, hoặc là vẽ cùng một phong cảnh nhưng qua bốn mùa, mỗi mùa có một độ sáng khác nhau. Rất nhiều nghệ sĩ cùng thời rất ngưỡng mộ tư duy sáng tạo của Monet, từ nhà thơ Stéphane Mallarmé cho đến nhà văn Octave Mirbeau. Về phần mình, danh hoạ người Nga Kandinsky (1866 – 1944), cho biết ông đã gợi hứng từ cách pha màu của bậc thầy Monet, để khai phóng trường phái hội họa trừu tượng. Sinh thời Kandinsky đã mệnh danh Monet là nhà thám hiểm khoảnh khắc cảm xúc, người truy tìm bí mật của ánh sáng."
    Thủ pháp ấn tượng : ánh sáng thăng hoa
    Qua lời hướng dẫn của viện bảo tàng Grand Palais, người xem hiểu được phần nào tư tưởng sáng tạo của Monet. Sinh thời, ông sống trong một môi trường nghệ thuật phong phú. Không phải chỉ có một mình ông, mà nhiều nhân tài khác cũng tự mình đi tìm một lối tiếp cận mới trong nghệ thuật. Theo lời ông Richard Thomson, giáo sư mỹ thuật trường đại học Edinburgh, từ những bước đầu khởi nghiệp cho đến giai đoạn sáng lập trường phái ấn tượng, danh họa Monet đã đồng hành và trao đổi với nhiều nghệ sĩ cùng thời.
    ‘‘Lúc còn sống, danh họa Monet có khá nhiều bạn hữu trong giới nghệ sĩ, trong đó có thể kể đến các họa sĩ như Bazille, Pisarro, Manet hay Sisley. Sau khi Bazille qua đời, Monet trở thành bạn thân của danh họa Auguste Renoir. Đôi bạn đồng hành với nhau ít nhất là trong hai thập niên liền. Có thể nói là cả hai gương mặt Bazille và Renoir không thuộc trường phái ấn tượng, nhưng họ rất ủng hộ phong trào này, mà Monet là cánh chim đầu đàn. Danh họa Monet cũng là bạn của nhà điêu khắc Rodin, cho dù hai bên không có cùng quan điểm sáng tác, và từng tranh cãi nhau đến mức cắt đứt quan hệ, không còn lui tới thăm viếng nhau trong vòng nhiều năm. Nhưng điều đó cho thấy là luồng sáng tạo nảy sinh từ sự cọ xát, va chạm giữa các nghệ sĩ cùng thời, tuy bất đồng quan điểm, nhưng vẫn biết tôn trọng lẫn nhau. Về ảnh hưởng, có thể nói là Monet thời còn trẻ rất ngưỡng mộ tài năng của họa sĩ Gustave Courbet (1819 -1877), người dẫn đầu trường phái hiện thực, và nhất là danh hoạ người Anh Joseph Turner, mà cách dùng ánh sáng thăng hoa trong các bức tranh màu nước. Vì thế mà giới phê bình cho rằng các bức họa của Turner báo trước cho thủ pháp của trường phái ấn tượng. Tất cả những điều đó còn lưu lại qua thư từ mà sinh thời Monet đã gửi cho người vợ hay cho bạn hữu’’.
    Những bức tranh cực kỳ quý hiếm
    Cuộc triển lãm về Monet tại Grand Palais dễ hấp dẫn người xem vì nó nhắm cùng lúc vào nhiều đối tượng. Đây cũng là dịp để cho công chúng khám phá những bức tranh quý hiếm. Ngoài các tác phẩm rất quen thuộc của ông như bộ phác họa của bức tranh Déjeuner sur l’herbe (Buổi ăn trưa trên cỏ), phong cảnh biển động ở vùng Haute Normandie qua bức tranh Grosse mer à Etretat, hoặc là cảnh phố Venise và Luân Đôn trong sương mù, còn có hai bộ sưu tập mà lần đầu tiên được tập hợp lại : đó là bộ tranh với chủ đề Meules (Đống rơm) và Cathédrales vẽ về Nhà thờ Đức Bà thành phố Rouen. Theo lời ông Guy Cogeval, giám đốc viện bảo tàng Orsay, êkíp của ông đã mất gần 3 năm trời để có thể tập hợp khoảng 170 tác phẩm của Monet.
    ‘‘Bộ sưu tập của Monet mà chúng tôi đã tập hợp gồm khoảng 200 tác phẩm, trong đó có đến 150 bức tranh tranh đến từ khắp nơi trên thế giới, mà các viện bảo tàng như Pouchkine ở Nga, Pinakothek ở Đức, Metropolitan của Mỹ, vân vân…đã đồng ý cho chúng tôi mượn để tổ chức cuộc triển lãm này. Ba tháng trước ngày khai mạc, chúng tôi vẫn còn ráo riết thương lượng với viện bảo tàng Pouchkine để mượn bộ sưu tập Déjeuner sur l’herbe (Buổi ăn trưa trên cỏ). Cũng cần biết rằng, đây là một tác phẩm còn dang dở. Sinh thời, Monet muốn vẽ bức tranh này ở khổ cực lớn : 6 thước chiều ngang, 4 thước rưỡi chiều cao, và trong tranh có đến 12 nhân vật cao to y hệt như người thường. Trước khi thực hiện bức tranh này, Monet đã vẽ các bức phác họa với kích thước nhỏ hơn, để sắp đặt các nhân vật và nghiên cứu cách pha màu. Rốt cuộc, ông đã bỏ ý định này. Cho nên bức tranh Buổi ăn trưa trên cỏ với kích thước ngoại cỡ không được hoàn tất, và chỉ có bộ phác họa cỡ nhỏ mới được trọn vẹn. Theo tôi được biết thì đây là lần đầu tiên toàn bộ phác họa này được trưng bày tại Pháp, và ngoại trừ những người đã từng viếng thăm viện bảo tàng Pouchkine ở Nga, đa số khách xem triển lãm đều chưa bao giờ chứng kiến tận mắt tác phẩm này. Ngoài ra có một tác phẩm cực kỳ quý hiếm là bức tranh Terrasse à Sainte Adresse (1867) của viện bảo tàng Metropolitan ở New York. Tác phẩm này nằm trong danh sách 25 bức tranh cấm được lưu hành, di chuyển, vì lý do bảo tồn tác phẩm. Chúng tôi đã mất gần 6 tháng để thuyết phục viện bảo tàng Metropolitan cho chúng tôi mượn bức tranh này. Đổi lại, chúng tôi đã hứa là sẽ đền bù bằng cách sẽ cho Metropolitan mượn các tác phẩm quý nhất của viện bảo tàng Orsay, trong tương lai. Với các tác phẩm hiếm thấy như vậy, tôi hy vọng rằng cuộc triển lãm tại Grand Palais sẽ được công chúng đón nhận nồng nhiệt’’.
    Danh họa Claude Monet, khi qua đời đã để lại khoảng hai ngàn tác phẩm. Nhiều bức tranh của ông đã được nhiều viện bảo tàng mua lại, vì thế cho nên bộ sưu tập của Monet nằm rải rác ở khắp nơi. Đâu đó, nỗ lực tập hợp 170 bức tranh về trưng bày tại Grand Palais đã là một kỳ công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, người đến xem triển lãm không khỏi ngạc nhiên vì cuộc triển lãm lần này thiếu vắng bức tranh Impression, soleil levant (Ấn tượng khi mặt trời mọc).
    Được vẽ vào năm 1872, tác phẩm này được xem là một cột mốc lịch sử của ngành hội họa, đặt tên cho trường phái ấn tượng của Monet. Một cách tương tự, bộ sưu tập Nymphéas (Hoa súng) cũng không được trọn vẹn. Các viện bảo tàng như Marmottan hay Jeu de Paume của Pháp không cho mượn vì đây là những tác phẩm chủ chốt, thu hút được khán giả chỉ nhờ vào một bức tranh duy nhất. Điều này có lẽ sẽ không làm chùn bước khách đến xem triển lãm. Trong vòng bốn tháng, ban tổ chức tại Grand Palais dự trù sẽ lôi cuốn 700 ngàn lượt người xem.
    Để xem các bức tranh của danh họa Monet tại Grand Palais, mời quý vị truy cập địa chỉ http://www.monet2010.com/fr

    http://vi.rfi.fr/van-hoa/20100924-paris-vinh-danh-monet-cha-de-truong-phai-an-tuong


    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten