donderdag 29 oktober 2015

Robot Philae trên sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko lần đầu tiên phát hiện oxy tồn tại trong đám mây khí bao quanh sao chổi

Thứ năm, 29/10/2015 | 09:53 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 29/10/2015 | 09:53 GMT+7

Lần đầu tiên phát hiện oxy trên sao chổi

Robot thăm dò sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko lần đầu tiên phát hiện oxy tồn tại trong đám mây khí bao quanh sao chổi, khiến giới khoa học bất ngờ và đặt giả thuyết mới về sự hình thành và tiến hóa của hệ Mặt Trời.
lan-dau-tien-phat-hien-oxy-tren-sao-choi
Sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko chụp từ tàu vũ trụ Rosetta hôm 3/5. Ảnh: ESA
Theo IB Times, dữ liệu robot thăm dò Philae của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đáp xuống sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko 67P tháng 11 năm ngoái gửi về cho thấy có oxy trong các đám mây khí bao quanh sao chổi này. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện có O2 trên sao chổi, và là lần thứ ba phát hiện phân tử oxy tồn tại ngoài hệ Mặt Trời. Điều này đặt ra câu hỏi mới về cách thức hệ Mặt Trời hình thành và tiến hóa.
"Đây là phát hiện đáng ngạc nhiên nhất mà chúng tôi từng thấy trên 67P vì chúng tôi không ngờ sẽ tìm thấy phân tử oxy", Kathrin Altwegg, đại học Bern, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm nay.
Altwegg cho biết, ban đầu, nhóm nghiên cứu "cố gắng phủ nhận" phát hiện này. Nhưng cuối cùng, sau khi chắc chắn nó đúng, họ bắt đầu tìm hiểu cách O2 tồn tại ở đó.
Andre Bieler, đại học Michigan cho biết, quan sát liên tục của nhóm cho thấy tỷ lệ O2 duy trì liên tục qua nhiều tháng. Khi sao chổi mất đi lớp vỏ ngoài, lớp vỏ mới lộ ra, nhưng tỷ lệ O2 vẫn ổn định, nên có thể suy ra, O2 có mặt ở toàn bộ sao chổi.
Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng, làm thế nào mà O2 lại ở đó được, và tại sao có thể tồn tại trong thời gian dài như vậy. Các nhà nghiên cứu đưa ra hai giả thuyết, một liên quan đến phân ly phóng xạ (radiolysis), nơi bức xạ năng lượng cao phá vỡ liên kết trong băng chuyển H2O thành O2; một giả thuyết khác là khi sao chổi mới hình thành, O2 đã tích hợp vào trong đó và được làm lạnh nhanh chóng.
lan-dau-tien-phat-hien-oxy-tren-sao-choi-1
Robot thăm dò Philae. Ảnh: ESA
Bất luận làm thế nào mà O2 xuất hiện và tồn tại được ở sao chổi, các nhà khoa học cho rằng, phát hiện này chứng tỏ hiểu biết hiện tại của chúng ta về cách hệ Mặt Trời hình thành cần được xem xét lại, vì mô hình hình thành hệ Mặt Trời hiện tại không cho phép tinh thể băng chứa oxy.
"Một khi băng đến gần Mặt Trời, nó sẽ bốc hơi và mất oxy ngay lập tức. Vật chất sẽ không bao giờ pha trộn được", Altwegg nói. "Mô hình dữ liệu về hệ Mặt Trời hiện này không dự đoán được việc đó xảy ra trong điều kiện nào".
"Phát hiện này cho thấy, quá trình hệ Mặt Trời tiến hóa có thể rất nhẹ nhàng, tinh thể băng có lẽ chưa bao giờ bị nóng đến mức tan chảy. Sao chổi là những thiên thể ít tiến hóa nhất trong hệ Mặt Trời và giờ chúng ta có bằng chứng cho thấy, chí ít là một phần sao chổi trên thực tế có thể có tuổi đời lâu hơn hệ Mặt Trời, khiến chúng trở thành những vật thể rất hoang sơ".
Các nhà khoa học cho biết, họ sẽ lật lại dữ liệu về sao chổi Halley cách đây 30 năm để tìm hiểu xem có phát hiện oxy trên đó không.
Hồng Hạnh
13
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên google+ Email cho bạn bè
http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/lan-dau-tien-phat-hien-oxy-tren-sao-choi-3303532.html

Thứ hai, 15/6/2015 | 09:19 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ hai, 15/6/2015 | 09:19 GMT+7

Robot trên sao chổi bất ngờ hồi sinh sau 7 tháng mất tín hiệu

Robot thăm dò Philae vừa đột ngột liên lạc trở lại với Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sau 7 tháng mất tín hiệu, mang lại niềm phấn khích tột bậc cho các nhà khoa học. 
150614164202-01-roseetta-phila-8215-3654
Những hình ảnh cuối cùng về robot Philae tháng 11/2014. Ảnh: ESA
Tháng 11 năm ngoái, Philae hạ cánh trên sao Chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko và hoạt động trong 60 giờ, liên lạc và truyền thông tin về mặt đất. Tuy nhiên sau đó nó bị kẹt trong một vách đá, không thu đủ năng lượng và "ngủ đông".
Các nhà khoa học đã cố gắng xác định vị trí của nó nhưng thất bại. Tuy nhiên, tối ngày 13/6, trụ sở ESA ở Đức bất ngờ nhận được tín hiệu từ Philae, với hơn 300 gói dữ liệu truyền về trung tâm. Các nhà khoa học gọi đó là "lời chào từ vũ trụ."
"Hello ESA Rosetta! Tôi tỉnh rồi! Tôi ngủ trong bao lâu thế?" Philae gọi Rosetta, tàu vũ trụ đã thả nó xuống sao Chổi. "Ồ, ESA Rosetta, đó quả là quãng thời gian dài, đã đến lúc tôi trở lại làm việc rồi." Tàu vũ trụ Rosetta đi vào quỹ đạo sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko (sao Chổi 67P) từ tháng 8/2014 sau hành trình dài hơn 6 tỷ km trong 10 năm từ Trái Đất.
Nhiều tháng sau khi Philae mất tín hiệu, kỹ sư hệ thống đổ bộ Laurence O'Rourke cho biết, nó cần khoảng 6 watt điện để tái khởi động, 9 watt để nhận thông tin và 19 watt để kết nối hai chiều với tàu thăm dò khác. Các nhà khoa học ESA hy vọng rằng, nếu hứng đủ ánh sáng Mặt Trời, Philae sẽ hồi sinh.
"Chúng tôi vô cùng mừng rỡ, Philae đã sống sót qua mùa đông dài," O'Rouker nói. Các nhà khoa học đang háo hức chờ Philae truyền dữ liệu xuống. Bộ nhớ của nó có thể chứa đến 8.000 gói dữ liệu và việc phân tích dữ liệu sẽ cho họ biết chuyện xảy ra trên sao Chổi 67P.
Cú hạ cánh thất bại của Philae tháng 11 năm ngoái khiến nó mắc kẹt vào vách đá tối và lạnh. Tuy nhiên, điều này tình cờ giúp nó tránh khỏi bị Mặt Trời đốt cháy khi sao Chổi tiến gần Mặt Trời tháng 8 tới, O'Rouker cho biết. "Tôi cho rằng, chúng ta sẽ được thấy nhiều hình ảnh tuyệt vời tại thời điểm đó."
Robot Philae nặng 100 kg, gần như phi trọng lượng trên bề mặt sao chổi. Nó hạ cánh ở vị trí cách Trái Đất khoảng 500 triệu km, 7 giờ sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta tháng 11 năm ngoái. Các nhà khoa học hy vọng, robot Philae sẽ giúp nghiên cứu và tìm hiểu về các vật liệu, bao gồm hợp chất của cacbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,6 tỷ năm trước.
150514154819-rosetta-comet-67-6023-4156-
Sao Chổi 67P Churyumov-Gerasimenko chụp từ tàu vũ trụ Rosetta hôm 3/5. Ảnh: ESA
Hồng Hạnh

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/robot-tren-sao-choi-bat-ngo-hoi-sinh-sau-7-thang-mat-tin-hieu-3233801.html

Thứ năm, 13/11/2014 | 07:41 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 13/11/2014 | 07:41 GMT+7

Robot thăm dò lần đầu tiên đáp xuống sao chổi

Robot thăm dò Philae của châu Âu hôm qua ghi dấu trong lịch sử khi đáp xuống bề mặt của một sao chổi.
ro-7752-1415838422.jpg
Hình ảnh đầu tiên khi robot hạ cánh. Ảnh: AP
Robot thăm dò của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào khoảng 16h05 giờ GMT, (tức 23h05 giờ Hà Nội).
Robot Philae nặng 100 kg, gần như phi trọng lượng trên bề mặt sao chổi. Nó hạ cánh ở vị trí cách Trái Đất khoảng 500 triệu km, 7 giờ sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta.
"Thật táo bạo, thật phấn khích, không thể tin được robot thăm dò hạ cánh xuống sao chổi", Jim Green, Giám đốc NASA về Khoa học Hành tinh, thốt lên.
Trong quá trình rơi tự do xuống bề mặt sao chổi, thiết bị giúp robot neo đậu không hoạt động. Các nhà điều hành đang xem xét khả năng robot bị đẩy trở lại không gian. "Robot có thể bị đẩy trở lại. Có thể chúng tôi không hạ cánh một lần mà là hai. Hy vọng chúng tôi đang ở trên bề mặt sao chổi và tiếp tục công tác thăm dò", Stefan Ulamec, người phụ trách robot tại Trung tâm Không gian vũ trụ Đức DLR, nói với phóng viên.
Nếu neo đậu thành công, hoạt động này có thể mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về các vật liệu, bao gồm hợp chất của cacbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,6 tỷ năm trước.
Tàu vũ trụ Rosetta đã đi vào quỹ đạo sao chổi 67P Churyumov-Gerasimenko từ tháng 8 tới nay sau hành trình dài hơn 6 tỷ km trong 10 năm từ Trái Đất. 

(Video)

Linh Anh - Khánh Lynh (Video: Reuters)

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/robot-tham-do-lan-dau-tien-dap-xuong-sao-choi-3106453.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten