zaterdag 31 oktober 2015

Nga : Một cường quốc... yếu ?

Nga : Một cường quốc yếu ?

Nga : Một cường quốc yếu ?
 
Tổng thống Nga chụp ảnh chung với một số lãnh đạo tôn giáo nhân Ngày thống nhất quốc gia 04/11/2014, kỷ niệm sự kiện giải phóng Matxcơva khỏi quân Ba Lan năm 1612.REUTERS/Michael Klimentyev


    Can thiệp tại Syria đưa Nga trở lại vị trí trung tâm sân khấu chính trị quốc tế. Việc dùng vũ lực sáp nhập bán đảo Crimée trước đó khiến Matxcơva hơn bao giờ hết trở nên một nguy cơ thực sự đối với Phương Tây kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Tham vọng của Nga là gì ? Nỗ lực tìm lại sức mạnh của một siêu cường quân sự như Liên Xô trước đây, hay một đối trọng chính trị, kinh tế, văn hóa với Phương Tây ? Nước Nga có thực sự là một cường quốc mạnh ?

    Tham gia chương trình « Ngã tư Châu Âu » của RFI, có nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean, phụ trách Trung tâm Nga/NEI của IFRI, người điều hợp số chuyên đề của tạp chí Chính trị quốc tế/Politique étrangère với chủ đề «Nước Nga, phải chăng là một cường quốc yếu ? Russie, une puissance faible ?», bà Isabelle Facon, giảng viên, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược/Fondation pour la recherche stratégique, nhà báo Zoïa Svetova, trang mạng « Nước Nga mở/Russie ouverte », có trụ sở tại Matxcơva.
    Sức mạnh quân sự và truyền thông : Thắng lợi hiệp đầu
    Cuộc chiến tại Syria là một thực tế mang lại nhiều thông tin vén lộ sức mạnh thực sự của nước Nga. Theo nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean, Nga có rất nhiều mục tiêu mang tính khu vực và toàn cầu, khi can thiệp vào Syria. Nhưng một điều có thể thấy rất rõ ràng là, Matxcơva hành động như vậy để tránh bị cô lập về ngoại giao, vì can dự trong khủng hoảng Ukraina. Nếu chúng ta so sánh với thời điểm đầu năm 2014, khi nước Nga khá bị cô lập tại Liên Hiệp Quốc, vào thời điểm bỏ phiếu một nghị quyết về Ukraina, chúng ta ở trong một cục diện hoàn toàn khác vào tháng 9, khi Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Liên Hiệp Quốc. Nhìn chung vào thời điểm đó, ông Putin đã đưa Nga trở lại vị trí trung tâm sân khấu chính trị quốc tế.
    Trong cuộc can thiệp quân sự hỗ trợ chế độ Damas, khởi sự vào ngày 30/09/2015, ông Putin đang ở thế thượng phong, tuy nhiên chúng ta mới chỉ ở điểm khởi đầu, như nhận định của nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean :
    « Hiện nay chúng ta chỉ mới ở đầu của một lộ trình, mà chúng ta chưa biết toàn thể sẽ như thế nào. Một mặt, chiến tranh không trực tiếp liên quan đến đời sống các gia đình Nga. Người Nga xem chiến tranh qua truyền hình, trầm trồ trước những chiến tích của quân đội Nga, trước các phương tiện quân sự tối tân. Có thể thấy ở đây các kết quả của cuộc cải cách quân sự. Khi quân đội Nga bắn tên lửa hành trình từ biển Caspi. 26 tên lửa đã được bắn đi. Ta có thể đặt câu hỏi về cái giá của các hỏa tiễn, và tương quan giữa phí tổn vật chất và hiệu quả thực sự.
    Điều dễ thấy là vụ bắn tên lửa này cho thấy quân đội Nga đang tiến hành một chiến dịch có ý nghĩa đặc biệt, với các phương tiện đầy ấn tượng, hơn hẳn phía Hoa Kỳ.
    Trong can thiệp quân sự của Nga, ông Putin muốn làm nổi rõ ba điều khác biệt so với Hoa Kỳ. Thứ nhất, hành động của Mỹ là không chính đáng, vì không được chính quyền Syria mời. Thứ hai đây là một chiến dịch không hiệu quả, như những gì cho thấy sau một năm, và cuối cùng đây là một chiến dịch không có tính hợp tác. Phía Mỹ đã nhận được yêu cầu từ Nga là hợp tác, chia sẻ thông tin, tham gia vào liên quân, nhưng không hưởng ứng. Trên bình diện tuyên truyền, ông Putin hiện tại hoàn toàn chiếm ưu thế ».
    Ám ảnh chiến tranh và văn hóa sùng bái sức mạnh
    Nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean nhận thấy trong tâm thức của người Nga xuyên qua các thời kỳ, nỗi ám ảnh về đe dọa chiến tranh, khủng bố.
    « Tôi đã tìm hiểu nhiều thăm dò dư luận trong giai đoạn hậu-Liên Xô. Trong giai đoạn này, không có bất cứ thời điểm nào, mà tỉ lệ người Nga, công dân Nga cho rằng tình hình đã hoàn toàn yên ổn, hoàn toàn không có đe dọa chiến tranh, lại xuống dưới 50%. Điều đó có nghĩa là luôn luôn có khoảng 50% người Nga cho rằng thường xuyên có mối đe dọa chiến tranh ở đâu đó.
    Kinh nghiệm chiến tranh tại Gruzia, Tchetchenia, hay ở Pristina, Kosovo (Nam Tư), và gần nhất là đe dọa khủng bố. Nga xếp thứ 11 trên thế giới về các nước bị thiệt hại nặng nhất vì khủng bố ».
    Trong khi đó, nhà nghiên cứu Isabelle Facon chú ý đến việc quân đội trở lại với vai trò hàng đầu trong quan niệm xã hội, được coi là một chỉ dấu sức mạnh trong quan hệ quốc tế.
    « Nói về thống kê, điều rất đáng quan tâm trong thời gian gần đây là : chúng ta thấy có một sự củng cố niềm tin rất mạnh ở người Nga về ‘‘những gì liên quan đến sức mạnh’’, như người ta vẫn nói như vậy tại đây. Đây là điều thực sự khác biệt so với trước : khi quân đội Nga trong quá trình tan rã, để lại những hình ảnh tiêu cực. Quân đội cũng như ngành nội vụ, công an, v.v.
    Thực sự là, về mặt cấu trúc xã hội mà nói, sức mạnh quân sự vẫn luôn có một vị trí trung tâm tại Nga, nếu xem xét trên thang bậc các phương tiện thể hiện sức mạnh. Hiện tại, theo tôi, một bộ phận lớn người Nga, về các phương tiện dành cho quân đội, quyết tâm chính trị mà người ta nhận thấy đằng sau cuộc cải cách quân sự được tiến hành kể từ năm 2008, tôi cho rằng, đó là một cái gì đó khá bình thường, nằm trong một quan điểm chung về sức mạnh Nga. Bất chấp điều này có thể có một tác động đến nền kinh tế. Có nghĩa là, những điều mà chúng ta tranh luận với nhau về tương quan giữa chi phí cho quốc phòng, xã hội, không giống với Nga. Chi phí cho quân sự có một vị trí quan trọng, được coi như là một phương tiện để Nga có một vị thế quốc tế ».
    Trong thời gian thập niên đầu thế kỷ XXI, cùng với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế liên tục cao, xấp xỉ 5% đến 10%, Nga gia tăng gấp bội chi phí quân sự, với ngân sách cao gấp bốn lần so với mức trung bình của các thành viên NATO, tính theo tỉ lệ phần trăm GDP (với 84 tỷ đô la năm 2014, chi phí quân sự Nga đứng thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm International Peace Research Institute, từ 2004 đến 2013, chi phí quân sự của Nga tăng hơn gấp đôi (tương tự như Trung Quốc và Ả Rập Xê Út, trong bối cảnh chi phí quân sự của thế giới nhìn chung giảm, hoặc tăng ít). Thậm chí, năm 2015, khi kinh tế Nga rơi vào suy thoái nặng nề, chi phí cho quốc phòng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
    Khống chế công luận
    Theo một số thăm dò dư luận của Viện thăm dò dư luận Levada (một viện nghiên cứu độc lập tại Nga), sự kiện thể thao toàn cầu Thế Vận Hội màu đông tại Sotchi tháng 2/2014 – được tổ chức hết sức hoành tráng và tốn kém – và nhất là can thiệp quân sự tại Ukraina với việc sáp nhập bán đảo Crimée, gần một tháng sau đó, là các biến cố dẫn đến mức ủng hộ Tổng thống Nga tăng vọt (với khoảng 80% người ủng hộ), trong bối cảnh mức được lòng dân của ông Putin liên tục sụt giảm kể từ cuộc bầu cử cuối năm 2011.
    Sau sự kiện này, ông Putin được hâm mộ tới mức gần 50% người Nga sẵn sàng bầu lại cho ông ta, trong khi cách đó chỉ 6 tháng, đa số đã từng mong muốn có một sự thay đổi. Mức độ ủng hộ ông Putin còn lên đến gần 90% vào mùa hè năm nay, theo một điều tra khác của Viện Leveda.
    Theo nhà xã hội học Lev Goudkov, giám đốc Viện Levada, uy tín tăng vọt đến mức gần như tuyệt đối này của Tổng thống Nga, bên cạnh các biến cố khách quan đã nêu trên, còn đặc biệt là hệ quả của một hệ thống tuyên truyền hùng hậu, nơi quyền tự do ngôn luận bị hạn chế nặng nề, cũng như áp lực gia tăng lên xã hội dân sự, và các đàn áp nhằm vô hiệu hóa đối lập chính trị.
    Nhà xã hội học Lev Goudkov nhấn mạnh đến mối quan hệ mang « tính gia trưởng » cao độ giữa dân chúng và Putin – nhà lãnh đạo. Mức độ được lòng dân vô cùng lớn của ông Putin xuất phát từ chỗ ông ta biết khơi dậy một sức mạnh của « lòng yêu nước » ở bên trong mỗi con người (« lòng yêu nước » bắt rễ từ truyền thống đế chế Nga hàng thế kỷ), và cùng lúc đó là việc vô hiệu hóa mọi cơ hội ra đời một lực lượng chính trị khác đủ sức thay thế. Có thể nói, đại đa số dân chúng Nga không có khả năng tưởng tượng ra cho mình một hệ thống chính trị khác. Đây là một đặc điểm cơ bản làm nên truyền thống bảo thủ Nga.
    Sợ đối lập là một chính quyền yếu
    Đối với nhà báo Zoïa Svetova, làm việc cho trang mạng « Nước Nga mở/Russie ouverte », có một sự tương phản rất lớn giữa tình cảm sùng bái sức mạnh quân sự của nước Nga, quyền uy của Tổng thống Nga, ở một bộ phận lớn dân chúng, và sự thức tỉnh của một số người hiểu rõ tính chất độc tài của nhà nước Nga. Phải trấn áp đối lập, chứng tỏ chính quyền rất lo sợ :
    « Nói về những người Nga bình thường, truyền thông Nga hàng tối đầu độc khán thính giả với hàng loạt tuyên truyền. Tất nhiên người dân Nga như thế nghĩ rằng Nga là một quốc gia hùng mạnh, bởi Nga có thể tiến hành chiến tranh tại Ukraina, có thể tham chiến tại Syria. Matxcơva có thể đối đầu với một đại cường là Mỹ.
    Những người Nga ấy cho rằng Nga là một cường quốc, cho dù đời sống của họ rất khó khăn, cho dù lương của họ không cho phép mua được một chiếc xe hơi, hay ra nước ngoài du lịch, nhiều người phải trông cậy vào mảnh vườn nhỏ của gia đình, để có được thực phẩm trong mùa đông.
    Nhưng hiển nhiên là cũng có những người Nga tìm hiểu sâu hơn, họ biết rằng chính quyền Nga ngày càng trở nên độc tài, tại Nga có rất nhiều vấn đề về nhân quyền, về tự do… Không có tự do báo chí, không có bầu cử tự do. Trên truyền hình, các nhà đối lập không được phép phát biểu, vì bị chính quyền cho vào sổ đen.
    Những người Nga ấy hiểu rằng nước Nga không mạnh, không những thế mà còn là một nước yếu. Bởi vì, để cho thấy sức mạnh của mình, chính quyền Nga phải liên tục tiến hành các trấn áp. Trong hai năm trở lại đây, chúng ta ghi nhận sự tăng vọt của các vụ án chống lại những người (và những tổ chức) bị vu là ‘‘gián điệp’’ ».
    Suy thoái kinh tế chỉ mới bắt đầu ?
    Về phương diện kinh tế, Nga tiếp tục suy thoái, nhưng ảnh hưởng cụ thể đến đời sống người dân ra sao ? Không giống với đánh giá của nhiều người về suy thoái kinh tế đe dọa nghiêm trọng và phổ biến cuộc sống của người Nga, bà Tatiana Kastouéva-Jean cho biết một nghịch lý :
    « Một nhận định khác mà tôi muốn đưa ra là cảm nhận của người Nga về tình hình kinh tế đất nước. Tôi có tham khảo các thăm dò dư luận của trung tâm Levada, mà tôi cho rằng đáng tin cậy. Điều khá nghịch lý là, trong khi 80% người Nga nói rằng nền kinh tế nước này đang khủng hoảng, thì trong số 80% này, 50% khẳng định khủng hoảng không ảnh hưởng trực tiếp đến họ, họ vẫn hoàn toàn giữ nguyên lối mua sắm, tiêu thụ như trước. 30% khác cho biết, lối tiêu thụ của họ có thay đổi chút ít, cuộc sống của họ không đến mức bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
    Như tôi đã nói, chúng ta chỉ mới đang ở vào điểm đầu của một giai đoạn, chưa biết điều gì sẽ xảy ra trong vài tháng, trong một năm tới ».
    Trong một trả lời phỏng vấn truyền thông Pháp hồi tháng 6/2015, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga thời ông Putin (2000-2011), ông Alexei Koudrine, nhận xét : « kinh tế Nga đang ở trong tâm bão », khủng hoảng Nga sẽ tiếp tục kéo dài, và điều cần phải làm khẩn cấp là phải gia tốc các cải cách, và thậm chí tổ chức bầu cử sớm. [Cựu Bộ trưởng Tài chính Koudrine bị cách chức năm 2011, khi ông phản đối chi phí quá lớn dành cho ngân sách quân sự]. Tuy nhiên, để cải cách thực sự trước hết phải có một chính quyền biết chịu trách nhiệm trước dân chúng.
    Một chế độ chính trị không viễn kiến tương lai
    Đặt câu hỏi vì sao quan điểm bảo thủ ngự trị trong xã hội Nga, nhà nghiên cứu Tatiana Kastouéva-Jean nhận xét :
    « Chủ đề tư tưởng bảo thủ là điều rất đáng chú ý. Vũ trụ của người Nga là vũ trụ mang tính khu vực, một vũ trụ không liên hệ với toàn thế giới. Nhưng các giá trị bảo thủ lại là chuyện khác, chính các giá trị này lại cho phép chính quyền Nga nối kết được với các vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này cho phép xây dựng một ý thức hệ, liên kết được với các lực lượng chính trị tại chính các nước Phương Tây. Chúng ta thấy có rất nhiều thành phần, thuộc cánh cực hữu, cũng như cực tả ở nhiều nơi, quan tâm đến quan điểm của Nga. Ví dụ như vấn đề chống hôn nhân của người đồng tính, được coi là ngọn cờ của tư tưởng bảo thủ Nga.
    Tuy nhiên, khi được hỏi, liệu có thể trách cứ Phương Tây về những điểm gì khác, trên bình diện các giá trị ? Phía Nga đã không đưa ra được câu trả lời.
    Theo tôi, tư tưởng chính thức hiện nay của chính quyền Nga không thực sự là một ý thức hệ. Có một sự quay trở lại nhiều với quá khứ, có một sự mắc kẹt trong hiện tại, trong khi đó Nga không đưa ra được một viễn cảnh tương lai. Chúng ta muốn một xã hội tương lai nào ? Tại sao Nga muốn đối đầu với Phương Tây ? Để áp đặt một quan điểm nào với thế giới ?
    Tôi đã không tìm thấy những yếu tố trả lời cho câu hỏi này.
    Thời Liên Xô, đó là giai đoạn của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, xây dựng ‘‘con người mới’’ cho một xã hội tương lai. Dù sao thì chúng ta cũng thấy rõ một ý định tương lai. Còn hiện tại, với phương thức tiêu thụ giống như phương Tây, phần lớn người Nga đã lựa chọn cuộc sống này, và rất khó để họ từ bỏ.
    Tôi không thể hiểu nổi : nước Nga có quan điểm như thế nào về thế giới ? Nga mong muốn xây dựng một xã hội tương lai thế nào ? Một hình ảnh tương lai lý tưởng nào khiến Nga có thể thu hút được, liên kết được nhiều lực lượng xã hội, chính trị, trên toàn thế giới ? ».
    Một chính quyền không chịu trách nhiệm với xã hội
    Đi sâu tìm hiểu cội rễ sâu xa của tư tưởng chính trị Nga, về quan hệ giữa Nhà nước và xã hội, những gì cản trở Nga hội nhập với thế giới, xin giới thiệu quan điểm của chuyên gia về Nga Laurent Chamontin, tác giả cuốn « Đế chế không biên giới – Quyền lực và xã hội trong thế giới Nga » (nxb l’Aube, 2014). Khác với nhiều người, Laurent Chamontin không lý giải sức mạnh của nước Nga qua con người Tổng thống Putin, mà muốn giải mã « sức mạnh xã hội nào đã bảo đảm cho ông ta sự thành công » (Bài « Nước Nga hậu Putin : những kịch bản thay đổi nào ? », tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Kryynica-Zdroj lần thứ XXV, Ba Lan, ngày 10/09/2015) :
    « Tính chất đại lục địa của nước Nga là nổi bật. Cụ thể là những vùng trung tâm của Nga, như đồng bằng Volga cách xa biển đến cả ngàn cây số. Bởi tính chất này, có thể nhận thấy Nga là một khu vực tách khỏi phần còn lại của thế giới. Về mặt lịch sử, Nga gần gũi với Châu Âu, các quan hệ bắt đầu trở nên mật thiết từ thế kỷ XVII, nhưng nước Nga nằm ngoài Châu Âu về phương diện văn hóa, trao đổi tư tưởng, và tất nhiên là trên bình diện kinh tế, vì khoảng cách rất lớn.
    Nếu chúng ta so sánh Nga với lịch sử phát triển ở Châu Âu. Từ thời trung cổ, tại Châu Âu đã bắt đầu xây dựng vai trò của cá nhân, sở hữu cá nhân, luật pháp… trong những điều kiện đặc biệt, đó là Châu Âu có mật độ dân cư đông đúc hơn. Nước Nga thì ngược lại : diện tích rộng lớn, và dân cư thưa thớt. Trên nền tảng địa lý – dân số này, tại Nga đã hình thành một chính quyền hoàn toàn khác với Châu Âu, một chính quyền trung ương đứng ngoài xã hội không chịu trách nhiệm với bất cứ một ai, hay một điều gì » (trích tọa đàm của RFI giới thiệu cuốn « Đế chế không biên giới – Quyền lực và xã hội trong thế giới Nga »).
    (Chuyên gia Laurent Chamontin cũng nhấn mạnh : giả thiết về tính chất khép kín của nước Nga dựa trên rất nhiều bằng cớ lịch sử vững chắc. Trong lòng nước Nga, có thể diễn ra nhiều điều rất khó tin, hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát. Tại Châu Âu, trong thế kỷ XVIII chẳng hạn, một nhà triết học Pháp, Anh hay Thụy Sĩ, nếu bất bình với chính quyền nước mình, có thể đi sang nước khác, nhưng ở Nga thì vô cùng khó, khoảng cách quá lớn đã ngăn trở việc này).
    Đối với nhiều người, chính quyền của Tổng thống Putin đã thành công khi xây dựng lại được một Nhà nước, một quân đội hùng hậu, sau thời gian một thập niên bê bối ; nhưng với nhiều người khác, Nga đã thất bại trong việc hướng đến hội nhập cùng Phương Tây, trên cơ sở các giá trị nền tảng tự do, dân chủ, hòa bình và thịnh vượng. Chính quyền Nga có thể rất mạnh về quân sự, tiếp tục chi phối nhiều quốc gia láng giềng, vốn nằm trong quỹ đạo Liên Xô cũ, nhưng về mặt chính trị, Matxcơva đã tỏ ra rất yếu, khi lựa chọn con đường đàn áp đối lập.
    Theo nhà nghiên cứu Laurent Chamontin, nếu như khả năng « tái định hướng nhanh chóng trở lại của Matxcơva trên lộ trình hiện đại hóa nền kinh tế và đời sống chính trị là điều rất khó xảy ra », rất có thể nước Nga tương lai hoặc sẽ bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc, hoặc sẽ tiếp tục dấn sâu vào các phiêu lưu quân sự như hiện nay, cho dù ông Putin có tiếp tục cầm quyền hay không.
    ***
    Chương trình « Ngã tư của Châu Âu » về chủ đề « Nước Nga là một cường quốc mạnh hay yếu ? » kết thúc với lời giới thiệu tác phẩm « Sự kết liễu của con người đỏ (tức con người Xô Viết) hay thời của sự giải ảo » (xuất bản năm 2013, được dịch qua Pháp văn cùng năm), của nữ văn sĩ Belarus Svetlana Aleksievitch, người vừa được trao giải Nobel văn học. Thiên hồi ức « Sự kết liễu của con người đỏ hay thời của sự giải ảo » ghi lại giai đoạn chuyển biến vô cùng kịch tính và đau đớn, khi Liên bang Xô viết giải thể, qua rất nhiều nhân chứng Liên Xô cũ. Biến cố được Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá, với hoài niệm, như « một đại họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX ». Tác phẩm có thể giúp hiểu hơn về nước Nga của ngày hôm nay.
    Tin bài liên quan
    Nga can thiệp tại Syria : Cơ hội hòa bình hay thêm dầu vào lửa ?
    Chiến lược của Nga tại Syria : vốn ít lời nhiều
    Ngòi bút nhỏ máu Svetlana Alexievitch
    Kinh tế Nga trong cơn bão tố
    Nền tư pháp trong bóng tối của Putin
    Các đối tác không cân xứng: Trung Quốc và Nga tại vùng Âu-Á
    Phim Leviathan : Ác quỷ thời Putin
     Bị Âu-Mỹ trừng phạt, Nga vẫn thách thức phương Tây
    Tổng thống Putin : Nga đã qua giai đoạn « khó nhất »
    Sau một năm chiến tranh Ukraina, Putin thắng nhiều hơn thua
    Putin : Người kế nghiệp Sa hoàng Nicolas I
    Trừng phạt kinh tế Nga : nước đổ lá khoai
    Viễn cảnh đen tối cho kinh tế Nga
    Kinh tế Nga u ám, Putin cô độc
    Nga : hàng nghìn người biểu tình chống Putin tại St. Petersburg 

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten