Bờ biển Việt Nam đang rơi dần vào tay Trung Quốc
Thế thân vạc
Một người đàn ông tên Hiệu, sống ở thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: “Bắt đầu qua Phạm Văn Đồng, đầu tiên là khu ông Thanh giao cho các ủy viên xây vila, nghỉ dưỡng vậy đó. Người Hà Nội họ vào đây mua đất nhiều lắm. Từ Phạm Văn Đồng chạy thẳng ra Furama, dân Hà Nội mua với giá cao lắm. Mà tui nghĩ sau lưng họ phải là người Trung Quốc bởi vì người Hà Nội đứng tên nhưng người Trung Quốc mở sóng bạc, mở dịch vụ… Khu An Thái cũng có thể nói là cái rốn có nhiều người Trung Quốc”.
Theo ông Hiệu, chỉ riêng thành phố Đà Nẵng nơi ông ở, cái nơi được xem là tiến bộ nhất về vấn đề vệ sinh môi trường và văn minh thành phố. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, chứ trong thực tế, nếu xét theo chiều sâu về văn hóa, chính trị và xã hội, đây cũng là thành phố có người Trung Quốc mua đất theo dạng núp bóng người Việt Nam khá nhiều.
Các chiêu thức núp bóng của người Trung Quốc cũng có lúc khá tinh vi nếu như đó là một tập đoàn kinh tế hoặc là ông chủ lớn, phần còn lại, những ông chủ Trung Quốc rất dễ dàng mua đất ở Việt Nam bởi dường như họ đã có một kế hoạch từ rất lâu mà người Việt không nhìn thấy hoặc nhà cầm quyền đã nhìn thấy nhưng bỏ lơ, xem như không có gì.
Nói về cách núp bóng đơn giản nhất, ông Hiệu cho rằng chính những cuộc hôn nhân xuyên lục địa, các cô gái lấy chồng Đài Loan hoặc lấy chồng Trung Quốc là cầu nối cho chuyện này. Một người Trung Quốc muốn mua đất tại Việt Nam để kinh doanh làm ăn một cách ung dung, ăn trên ngồi trốc, việc đầu tiên là anh ta tìm cách cưới một cô gái Việt Nam thuộc diện nghèo, ít chữ nghĩa, gia đình và họ hàng cô ta nghèo, ít chữ nghĩa thì càng tốt.
Sau khi cưới, chú rể sẽ cho gia đình vợ một số tiền khá lớn và sai vợ giúp đỡ những gia đình bà con để tạo tình cảm, tạo mối dây ràng buộc. Sau khi cặp vợ chồng Việt – Tàu này đã bén rễ trong dòng tộc, họ hàng. Anh chồng người Tàu sẽ đi tiếp bước thứ hai, rủ gia đình phía vợ kinh doanh làm ăn, điều kiện anh ta đặt ra là phía vợ phải vào làm những chức danh trong công ty của anh ta, chính cô vợ sẽ làm chủ mảnh đất và nhà cửa. Cách này, chỉ cần kéo dài cuộc hôn nhân càng lâu thì càng có lợi, nếu cô vợ giở quẻ, hai bên li hôn, chú rể Tàu cũng lấy lại được 50% tài sản sau khi thực hiện một số việc vì đây là tài sản của hai vợ chồng sở hữu sau khi đăng ký kết hôn theo luật hôn nhân Việt Nam hiện hành.
Thường thì những mảnh đất mà chú rể người Trung Quốc chọn mua, sau đó chỉ đạo gia đình vợ đến mua là những mảnh đất nằm dọc bờ biển, mua để xây dựng khách sạn cao cấp, nhà nghỉ sinh thái và sòng bạc hoặc nhà hàng, quán nhậu. Và có vẻ như các chú rể người Trung Quốc sau khi kinh doanh, chỉ đạo cho họ hàng bên vợ thực hiện những gì anh ta muốn, anh ta đạt được mục đích khá tốt và chưa có cặp nào li dị, nghĩa là người Trung Quốc vẫn cứ làm chủ trên đất Đà Nẵng dài dài.
Cách thứ hai, theo ông Hiệu, đó là thế chân vạc trong chính trị, trong kiểu mua đất này, phải có trung tâm đầu não. Thường thì một số tay tài phiệt người Trung Quốc đã được ủy nhiệm sang Việt Nam để làm mưa làm gió. Ông Hiệu nói rằng sở dĩ ông dám khẳng định họ đã có ủy nhiệm là do khi sang Việt Nam, hầu như không có bất kì sự quen biết nào ở địa phương nhưng họ lại tha hồ tác oai tác quái, ngồi trên đầu các ông chủ Việt Nam. Bởi đã có một thế chân vạc quyền lực đủ vững chãi để họ có thể làm bất cứ chuyện gì.
Thế chân vạc mà ông Hiệu muốn nói đến ở đây chính là một ông chủ người Trung Quốc được ủy nhiệm, một quan chức cấp trung ương và một ông chủ Việt Nam. Ông chủ Trung Quốc sẽ đứng ra đầu tư tiền bạc, đứng sân sau làm đạo diễn, ông chủ Việt Nam sẽ đứng tên trong dự án và để đảm bảo ông chủ Việt Nam không quỵt tiền của ông chủ Trung Quốc, phải có một quan chức cấp trung ương đứng sau lưng ông chủ Trung Quốc để chống lưng, lo mọi việc.
Một khi thế chân vạc này đã vào nề và hoạt động thì mọi chuyện sẽ mau chóng tạo mưa tạo gió trên đất Việt Nam. Ông Hiệu cho rằng hiện tại, có rất nhiều tập đoàn kinh tế, đặc biệt là một vài tập đoàn khách sạn nổi tiếng do người Việt làm chủ trên danh nghĩa nhưng trên thực tế, ông chủ đích thực của nó là người Trung Quốc.
Bờ biển đang hẹp dần
Một người dân Hà Tĩnh, đang làm ăn, kinh doanh tại Đà Nẵng, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm: “Người Trung Quốc họ sang Việt Nam thuê đất ngon hết rồi, họ thuê lâu dài. Mình cạnh tranh không nổi đâu vì mình chỉ đủ tiền thuê ngắn hạn, chừng hai năm. Nếu năm thứ hai mà mình ăn nên làm ra, tạo được thương hiệu thì họ lại lấy đất, Trung Quốc lại nhảy vào thuê… Mình không chịu nổi đâu!”.
Vị này cho rằng từ Hà Tĩnh cho đến Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đều có người Trung Quốc làm ăn, kinh doanh và tạo ảnh hưởng không nhỏ ở đây. Nói rộng ra, hầu hết các tỉnh có bờ biển tại Việt Nam đều có những cái vòi bạch tuộc Trung Quốc thò sang để làm mưa làm gió. Và nơi nào họ xây dựng, làm ăn, nơi đó tất nhiên phải có những sự cố đáng tiếc.
Nếu không phải là sự cố đáng tiếc về con người như tai nạn lao động, người lao động bị ép giờ làm việc, ép tiền công và ăn uống thiếu thốn… thì cũng là chuyện cứ nơi nào có người Trung Quốc thì y như rằng sau đó không bao lâu, hàng loạt tệ nạn xã hội vây bủa khu vực đó và nhiều thế hệ bị sa đọa, trở thành tay chân cho người Trung Quốc trong các đường dây xã hội đen. Đương nhiên là các thành phần người Việt Nam hư hỏng hoặc một số quan chức địa phương rất sùng bái những ông chủ người Trung Quốc.
Và có một chuyện lạ là khu vực bờ biển nào có người Trung Quốc xây dựng thì liền sau đó không lâu, bờ biển bị xâm thực nặng nề. Hầu hết các vùng bờ biển trên cả nước đều bị như thế, không riêng gì miền Trung.
Hiện tại, bờ biển trên cả nước đã có mặt các ông chủ người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam để mua đất, làm ăn kinh doanh. Và nơi nào họ đến làm ăn, nơi đó trở thành một biệt khu và là một ẩn số về tai họa lâu dài cho người Việt Nam.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten