woensdag 24 augustus 2016

Báo Pháp : "Mao Trạch Ðông là... Tội phạm lớn nhất của lịch sử vì...giết oan hàng chục triệu người dân, hơn cả Hitler hay Stalin"

Mao: Tội phạm lớn nhất của lịch sử, hơn cả Hitler hay Stalin

mediaChân dung Mao Trạch Đông trước Thiên An Môn, 16/05/2016.REUTERS/Kim Kyung-Hoon
Một tấm hình của Mao Trạch Đông màu đỏ máu chiếm trọn trang bìa với hàng tựa lớn « Mao, tội phạm lớn nhất lịch sử » : Tạp chí L’Obs tuần này (18-24/08/2016) đã không ngần ngại dành hồ sơ chính cho nhân vật lãnh đạo Trung Quốc đã khiến hàng chục triệu người dân của mình bị chết oan, nhưng ngày nay vẫn được chế độ Bắc Kinh tôn thờ. Điểm độc đáo trong hồ sơ của L’Obs chính là phần so sánh « tội ác » của Mao với hai nhà độc tài khét tiếng khác là Hitler và Stalin để đi đến kết luận : kẻ đứng đầu chính là Mao Trạch Đông.
L’Obs đã dành hơn 10 trang trong cho hồ sơ Mao Trạch Đông, một mặt tổng kết di sản thực sự mà Mao để lại 40 năm sau khi qua đời, một mặt khác cũng tìm hiểu tại sao Trung Quốc ngày nay vẫn tôn thờ kẻ gây tội ác này. Bài viết nêu bối cảnh năm nay là kỷ niệm đúng 40 năm ngày người « Cầm Lái Vĩ Đại » qua đời (09/09/1976) và 50 năm Cách Mạng Văn Hóa.
Stalin và Hitler còn thua xa Mao về số người bị thiệt mạng
Trả lời phỏng vấn về tội ác của Mao, sử gia Frank Dikotter, giải thích với phóng viên của L’Obs là Mao đã lấy Stalin làm gương và không chỉ làm y như Stalin mà còn muốn vượt qua nhà độc tài Xô Viết, muốn vượt lên trên cả Lê Nin. Theo sử gia này thì Mao phải chịu trách nhiệm về cái chết của hơn 50 triệu người ở Trung Quốc.
Nếu dựa trên số người tử vong thì Mao cùng với Hitler, là hai kẻ vô địch phạm tội ác. Hitler đã gây ra cái chết của 55 triệu người, nhưng con số đó bao gồm cả nạn nhân những vụ thảm sát (người Do Thái) lẫn những người đã nằm xuống trong cuộc Thế Chiến Thứ II. Trong lúc đó, ở Trung Quốc, Mao đã gây ra số tử vong tương đương, hơn 50 triệu, thậm chí còn hơn thế : Nạn đói mà Mao đã gây nên và để kéo dài suốt 3 năm từ 1959 đến 1962 đã làm 45 triệu người chết, cộng thêm với hàng triệu người khác trong các thời kỳ bạo lực khác - ít nhất 5 triệu nữa.
Là tấm gương của Mao, nhưng Stalin vẫn còn thua xa Mao tính về số người bị hy sinh. So sánh 3 nhân vật này, Hitler, Mao và Stalin, sử gia Dikotter cho là điểm chung của họ là họ rất thông minh, không hề có cảm giác tội lỗi, có tài thao túng tuyệt đỉnh – cả con người lẫn tình thế.
Mao đã noi gương Stalin như các cuộc thanh trừng cho thấy ngay từ lúc còn chiến tranh du kích trong những năm 1930 – tháng 12/1930 700 sĩ quan nổi dậy đã bị giết, từ 1942 đến 1944, 10.000 trí thức theo ông đến Diên An bị hành quyết. Mao còn lại muốn vượt qua Stalin và cả Lê Nin, tham vọng này của Mao đã dẫn đến hai thảm họa cho Trung Quốc, bước Đại Nhảy Vọt và cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Mao thật ra muốn chứng tỏ cho thế giới thấy ông là lãnh đạo thật sự của khối xã hội chủ nghĩa, là thiên tài có tầm nhìn xa và thắng được chủ nghĩa tư bản.
Phải nói là Mao đã đưa được 1/4 nhân loại đến với chủ nghĩa xã hội. Mao đã rất hãnh diện với thành tích này.
Dùng bạo lực làm phương pháp củng cố quyền lực
Các tài liệu lưu trữ của đảng Cộng Sản Trung Quốc được cho tham khảo gần đây, cho thấy là Mao đã chọn một chính sách bạo lực thật sự và triệt để làm phương pháp củng cố quyền lực.
Một ví dụ cụ thể là cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu ở Mãn Châu, từ năm 1947 - song song với cuộc chiến giànhchính quyền - và kết thúc năm 1952 : Với hơn một nửa nông dân làm chủ ruộng đất của họ, một phần khác thi chia nhau khai thác ruộng đất gia đình, chỉ khoảng 6% là thuê đất, không dễ dàng có đia chủ bóc lột dưới tay để nhân dân trút giận. Thế là đảng Cộng Sản đã « chế tạo ra » thành phần này, và kết quả là có 2 triệu người chết theo các báo cáo nội bộ của đảng.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Tưởng Giới Thạch, chính sách vây hãm thành phố của các tướng lãnh của Mao - dồn binh lính, dân chúng vào nạn đói, những ai bỏ chạy bị bắn tại chỗ - để buộc đối thủ đầu hàng, đã làm hàng trăm ngàn thường dân chết như ở Trường Xuân. Phương thức này cũng được áp dụng ở các thành phố khác như Bắc Kinh, Thượng Hải…
Sau khi chiếm chính quyền, từ năm 1950, những cuộc thanh trừng tiếp diễn, Mao còn đưa ra quota về số người bị hành quyết 1/1000 hay hơn nếu cần thiết. Trong vòng một năm, có 2 triệu người bị hành quyết trước công chúng. Những cuộc thanh trừng về sau cũng không đếm xuể, cộng thêm nạn nhân nạn đói do sai lầm chính sách Đại Nhảy Vọt, cuộc Cách Mạng Văn Hóa… Mao đã để lại một hình ảnh thật đen tối.
Mao vẫn là trụ cột của chế độ Tập Cận Bình
Nhưng ngày nay Trung Quốc mặc dù đã thay đổi, hiện đại hóa, kinh tế phát triển nhảy vọt, trở nên nền kinh tế thứ nhì thế giới nhưng Mao, vẫn là một trụ cột của chế độ Tập Cận Bình.
Để chứng minh Mao vẫn ngự trị trên đời sống Trung Quốc, phóng viên của l’Obs Pierre Haski đã nêu một số ví dụ đập mắt như hình ảnh Mao vẫn hiện diện khắp nơi, từ Quảng Trường Thiên An Môn cho đến các ngôi nhà ở thôn quê, ngay cả trên một số xe taxi. Lăng của Mao ở Thiên An Môn vẫn là nơi mà dân chúng, chính khách địa phương đều viếng thăm. Bài báo cũng trích lời của con trai một người từng là nạn nhân của Mao, giải thích : Khi nghe tin Mao qua đời, ông có cảm giác như « trời đang sập xuống ». Khác với Liên Xô thời hậu Stalin, Trung Quốc đã không « gột rửa dấu ấn của Mao ».
L’Obs cũng nhắc lại vụ đấu đá tranh quyền với nhóm « tứ nhân bang », trong đó có Giang Thanh, vợ của Mao. Khi phe này bị dẹp, vào đầu năm 1981, người ta cứ tưởng rằng đó sẽ là một dịp lên án Mao, thế nhưng đã có một sự thỏa hiệp giữa phe gọi là theo chủ nghĩa Mao « mềm », bỏ bớt đi những khía cạnh thái quá, và phe theo chủ thuyết thực tiễn, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình, đã bị Mao thanh trừng hai lần.
Rốt cuộc trong Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 6 vào tháng 6/1981, đảng Cộng Sản Trung Quốc đánh giá như sau về thành tích và sai lầm của Mao : 70% tích cực – 30% tiêu cực. Như vậy là dẹp qua một bên những sai lầm của người Cầm Lái Vĩ Đại. Những người còn sống sót của các thảm kịch chính trị đã được phục hồi sau năm 1976, nhưng không ai đặt lại vấn đề trách nhiệm các lãnh đaọ, điều này là cấm kỵ.
Ém nhẹm tội ác của Mao để bảo vệ Đảng Cộng Sản
Sử sách thì vẫn ca ngợi Mao, người đã mang lại lòng tự hào cho một đất nước chịu ô nhục trong hơn một thế kỷ. L’Obs nhận thấy là tính toán chính trị các lãnh đạo Trung Quốc trong những năm 1980, và tiếp tục đến hôm nay, là phải duy trì sự liên tục lịch sử với thời kỳ Cách Mạng, nhưng xóa nhòa những khía cạnh tiêu cực để bảo vệ tính chính đáng của đảng Cộng Sản.
Từ 35 năm qua, hình ảnh hiền hòa của Mao Trạch Đông, « vị cha già dân tộc » vẫn được gìn giữ ở Trung Quốc, cho dù người dân không hề bị lừa và vẫn chỉ trích Mao khi nói chuyện riêng. Có điều trong thời đại mất phương hướng hiện nay trên mặt tư tưởng, và với thời gian đã xóa mờ các vết thương, người dân Trung Quốc đã tìm về người trong mắt họ đã bảo vệ người dân « bình thưòng » trước những kẻ mạnh. Nhiều người Trung Quốc cũng không hiểu tại sao người nước ngoài lại có ác cảm với Mao, xem cố lãnh đạo của họ như một kẻ độc tài ghê rợn.
Tập Cận Bình hiện nay đã sử dụng phong cách Mao, những phương thức từ thời Mao như tôn thờ cá nhân, đàn áp ly khai. Thường ngày ông vẫn mặt âu phục, thắt cà vạt, nhưng trong lễ duyệt binh thì lại mặc áo cổ Mao. Phong cách Mao này được sử dụng để củng cố quyền lực của ông.
Tập Cận Bình : Kẻ hủy diệt các "phe nhóm"
Không hẹn mà gặp, Courrier International cũng chú ý đến đường lối của Tập Cận Bình được cho là mang nặng ảnh hưởng của Mao Trạch Đông. Dưới tựa đề « Tập Cận Bình, người triệt hạ các phe nhóm », tuần báo Pháp đã giới thiệu một bài phân tích trên mạng nanzao.com của tờ Nam Tảo, xuất bản tại Hồng Kông.
Bài viết trở lại sự kiện ông Tập Cận Bình muốn triệt hạ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, mà một số biện pháp đã được Tân Hoa Xã nêu chi tiết vào đầu tháng 8 này : Cải tổ cơ cấu lãnh đạo ; giảm một nửa ngân sách năm nay ; có thể sắp đóng cửa một trường đại học do Đoàn Thanh Niên quản lý. Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương đã có những lời chỉ trích nghiêm khắc nhắm vào Đoàn Thanh Niên : Hành chánh quan liêu, phân biệt đối xử, kén chọn chủ nghĩa, quá chuộng vui chơi v.v...
Nhiều quan sát viên cho rằng các lệch lạc của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc là một cái gai trong mắt ông Tập Cận Bình, vì lẽ điều đó sẽ làm ảnh hưởng của Đoàn bị sa sút, không còn là con đường tiến thân chính của cán bộ trẻ trong Đảng, ít ra là trong tương lai trước mắt.
Đối với tờ Nam Tảo, đằng sau việc uốn nắn hoạt động của Đoàn Thanh Niên, còn có mục tiêu diệt trừ các phe nhóm trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc : Vào lúc Tập Cận Bình nỗ lực củng cố quyền lực trước Đại Hội Đảng lần thứ XIX vào năm tới, việc « cải tổ » Đoàn Thanh Niên – mà cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào đặc biệt chăm sóc - là một giai đoạn bắt buộc.
Sau Đại Hội XIX, một ê kíp hoàn toàn mới sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc, ngồi lại chỉ còn hai nhân vật Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (mà người ta cũng chưa biết là sẽ còn trụ lại ở vị trí thủ tướng hay không). Ai cũng biết là Lý Khắc Cường bắt đầu con đường chính trị trong Đoàn Thanh Niên và được ông Hồ Cẩm Đào nâng đỡ.
Tác giả bài viết nhắc lại là thời ông Hồ Cẩm Đào là thời vàng son của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc, có ảnh hưởng tăng vọt, đông đảo cán bộ được đưa vào những vị trí quan trọng cấp quốc gia cũng như địa phương. Theo bài viết, ông Hồ Cẩm Đào đã dựa vào thế lực Đoàn Thanh Niên để chống lại « Bang Thượng Hải » của ông Giang Trạch Dân.
Trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì « bè lũ Đoàn Thanh Niên » và « Bang Thượng Hải » chi phối chính trường Trung Quốc. Nhưng với chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã làm cho cả hai phe bị lung lay.
Tập Cận Bình thuộc phe « Chiết Giang » hay « Thái Tử Đảng » ?
Câu hỏi được tờ Nam Tảo đặt ra là ông Tập Cận Bình thuộc phe nhóm nào ? Với tư cách là cựu bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, người ta nghĩ rằng Tập Cận Bình có thể cất nhắc người của tỉnh mình lên và lập nên nhóm Chiết Giang. Nhưng theo tờ báo, điều đó chưa thấy rõ, và phải chờ thêm xem lãnh đạo Trung Quốc sẽ chọn ai cho ê kíp cầm quyền trong năm năm sắp tới. Có điều là giống như Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình có vẻ rất ghét tình trạng phe nhóm trong Đảng, nguồn gốc gây chia rẽ. Đây là điều mà ông thường nhấn mạnh trong các diễn văn của mình.
Một ví dụ : Tập Cận Bình từng đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo trong suốt 17 năm tại tỉnh Phúc Kiến. Thế nhưng, trong ba năm trở lại đây, ông không hề cất nhắc một số lượng cán bộ đông đảo nào đến từ tỉnh đó. Tập Cận Bình cũng từng làm bí thư Chiết Giang và Thượng Hải. Nhưng thời gian ông làm việc ở đó qua ngắn để có thể đào tạo ra những người thân cận với mình.
Còn phe « Thái Tử Đảng » mà Tập Cận Bình là một thành viên thì sao ? Theo tờ báo, khái niệm này rất rộng, và chưa có gì chứng tỏ rằng các « thái tử đảng » sẽ thực sự được đề bạt vào các chức vụ then chốt trong chính quyền hay trong Đảng.
Có thể hiểu như thế nào về tình trạng như kể trên ? Theo tác giả bài viết, rất có thể là đối với Tập Cận Bình, một quân vương chuyên chế không cần đến hậu thuẫn của bất kỳ một phe nhóm nào.
Nhật Hoàng muốn nghỉ hưu cũng không được !!!
Về Châu Á, Courrier International còn nhìn sang Nhật Bản. Với một tựa đề hóm hỉnh, tờ báo khẳng định : « Nhật Hoàng không được quyền nghỉ ngơi ».
Tuần báo Pháp đã trích dịch bài viết trên tờ báo Nhật Asahi Shimbun, phân tích thông điệp bất ngờ ngày 08/08/2016 vừa qua, trên truyền hình của hoàng đế Nhật Bản Akihito, 82 tuổi, nói đến ý của ông muốn nhường ngôi lại cho con trai của ông, thái tử Naruhito. Có điều Hiến Pháp Nhật cấm vị hoàng đế rút lui như thế.
Bài báo một mặt ca ngợi Nhật Hoàng đã có ý thức sâu rộng về trách nhiệm của mình, khi nêu lên vấn đề sức khỏe của ông có thể suy sụp nghiêm trọng hơn, gây ra ảnh hưởng không tốt, nhưng một mặt khác lại chỉ trích giới chính trị Nhật thụ động và bất cẩn, dẫn đến tình trạng ngày nay. Theo bài báo, ai cũng thấy rõ gánh nặng đè lên vai một vị hoàng đế cao niên, ngày càng yếu sức, trong lúc những người trong hoàng tộc có thể hỗ trợ cho ông ngày càng ít đi. Điểm này cũng rất đáng lo ngại.
Nếu những thủ tướng trước đây như ông Koizumi hay Noda đều quan tâm đến hoàng gia, nêu lên những vấn đề cụ thể như nghiên cứu xem một phụ nữ có thể lên ngôi hay không chẳng hạn, thì đương kim thủ tướng Abe hầu như không làm gì cả. Thông điệp của hoàng đế là một lời cảnh báo nghiêm trọng, không biết là thủ tướng Nhật có ý thức được vấn đề và tìm ra giải đáp hay không.
Theo bài báo, giải pháp dựa trên các cuộc thảo luận ở Quốc Hội về quy chế biểu tượng của hoàng đế, và đã đến lúc phải thảo luận một cách nghiêm chỉnh. Bài báo cũng nhìn thấy là trong một nước Nhật ngày càng già đi, dư luận rất thông cảm với hoàng đế, vì thế việc cho là một hoàng đế phải ngồi trên ngôi cho đến lúc chết sẽ đi ngược lại với dư luận. Cũng như thế, phớt lờ nguyện vọng của hoàng đế vì cho là vấn đề nhân quyền không áp dụng đối với ông, ông không được phép hành động theo ý của mình, điều đó sẽ khó được dư luận chấp nhận.
Trong phần kết luận bài báo cho là phải tổ chức thảo luân một cách cụ thể trên giải pháp tốt nhất để đạt được đồng thuận trong dư luận, đồng thời phải suy nghĩ về tương lai hoàng gia.
Trang bìa các tạp chí khác
Tạp chí L’Express, tuy trang đầu vẫn dành cho thời sự trước mắt với việc cựu tổng thống Pháp Sarkozy quyết tâm « tái chinh phục » lòng dân và quyền lực, nhưng cũng đã xoay nhìn về quá khứ với hai hồ sơ lớn trang trong : « Số phận Sa Hoàng », và nghi án Malthide Carré, nữ điệp viên Pháp thời Đệ Nhị Thế Chiến. Là một gương mặt có trọng lượng trong mạng lưới gián điệp Pháp, cuối cùng bà đã bị Đức mua chuộc vào năm 1941, và câu hỏi dai dẳng đến nay là phải chăng bà là đầu mối việc hệ thống tình báo Đồng Minh bị phá hủy.
Le Point, cũng như đồng nghiệp L’Express, dành trang bìa cho sân khấu chính trị Pháp, nói lên tâm sự của đương kim tổng thống Hollande dưới tựa đề « Lời thú nhận » : Nếu không thành công trong việc tái đắc cử thì ông rời bỏ chính trị. Tuy nhiên, ở trang trong, tạp chí cũng đã dành 4 trang cho thỏa thuận Evian năm 1962, về chiến tranh Algérie.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20160820-mao-toi-pham-lon-nhat-cua-lich-su-hon-ca-hitler-hay-stalin

Simon Leys, người cả gan đánh tan huyền thoại Mao Trạch Đông

mediaNhà văn, nhà nghiên cứu Simon Leys, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch".DR
Tuần san Le Point kỳ này đăng bài phê bình sách của giải Nobel văn chương Pháp Mario Vargas Llosa. Ông đã đọc cuốn sách mới xuất bản của Pierre Boncenne, viết về Simon Leys, tác giả cuốn « Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch » - người đã nói lên sự thật và dũng cảm đối đầu với giới trí thức khuynh tả Pháp trong thập niên 60 đang say sưa với những huyền thoại xung quanh Mao Trạch Đông.
Nhà văn đoạt giải Nobel văn chương năm 2010 nhận xét, trong thập niên 60 đã diễn ra một hiện tượng là một bộ phận quan trọng trong giới trí thức Pháp ủng hộ và lý tưởng hóa Mao Trạch Đông cũng như cuộc Cách mạng văn hóa của ông ta.
Trong khi đó ngay tại Hoa lục, hồng vệ binh đang sỉ nhục các giáo sư, nhà nghiên cứu, khoa học gia, nghệ sĩ, nhà báo…trong đó nhiều người sau khi phải tự kiểm thảo do bị tra tấn, đã tự sát hay bị sát hại. Cơn điên tập thể này, được Mao cổ vũ trên toàn quốc, đã dẫn đến việc hủy hoại các tác phẩm nghệ thuật và công trình lịch sử, đàn áp thẳng tay những người bị quy là phản động. Xã hội Trung Quốc chìm trong làn sóng bạo lực, khiến hàng triệu người vô tội phải chết.
Trong tác phẩm « Chiếc dù của Simon Leys » do nhà xuất bản Philippe Rey ấn hành vừa ra mắt, Pierre Boncenne cho thấy trong khi đất nước khổng lồ châu Á phải chịu đựng thảm họa, tại Pháp những nhà trí thức nổi tiếng như Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Michel Foucault…lại coi Cách mạng văn hóa như một phong trào thanh lọc, có thể chấm dứt chủ nghĩa Stalin, tránh cho chủ nghĩa cộng sản khỏi nạn quan liêu, giáo điều, để thiết lập một xã hội cộng sản tự do không còn giai cấp.
Nhà Trung Quốc học người Bỉ Pierre Ryckmans, với bút danh Simon Leys, cho đến lúc đó không chú tâm đến chính trị lắm. Ông chuyên nghiên cứu về thi ca, hội họa Trung Quốc cổ điển và truyền thống Khổng giáo. Nhưng bức xúc trước tình trạng giới trí thức Pháp tán dương tai họa do Người cầm lái vĩ đại gây ra, Simon Leys đã quyết định đánh tan sự lầm lẫn này, qua việc cho ra đời một loạt sách tiểu luận. Có thể kể : « Những bộ quần áo mới của Mao chủ tịch », « Bóng đen Trung Hoa », « Những hình ảnh tan vỡ », « Rừng cháy »…Ông tiết lộ sự thật về những gì đang diễn ra tại Hoa lục, và đánh tan huyền thoại với lòng can đảm lớn lao và kiến thức thực tế về đề tài.
Cuốn sách của Pierre Boncenne kể ra những cuộc tấn công đáng xấu hổ vào Simon Leys, người dám đi ngược lại xu hướng chung. Những nhà văn khuynh tả cũng như khuynh hữu, các tờ báo uy tín như Le Nouvel Observateur, Le Monde lao vào thóa mạ, thậm chí tố cáo ông là nhân viên tình báo Mỹ. Không ít người coi Mao Trạch Đông là « thiên tài không thể tranh cãi của thế kỷ 20 », « một vị thần Prométhée mới ». Trong những năm ấy, rất ít trí thức như Jean-François Revel giữ được cái đầu lạnh, đứng lên bảo vệ Simon Leys.
Một mình chống lại tất cả, con người chính trực ấy can đảm đối đầu cả một tập thể, và cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức.
Thế giới phương Tây cuối cùng đã nhận ra rằng Cách mạng văn hóa chỉ là một cơn lên đồng tập thể, bị Mao lợi dụng để trừ khử các kẻ thù chính trị, củng cố quyền uy tối thượng. Những gì còn lại sau đó ? Hàng triệu người chết - những con người vô tội phải bỏ mạng trước một lớp trẻ say máu, nhìn thấy kẻ thù của giai cấp vô sản khắp nơi. Và một Trung Quốc ngày nay là một nước tư bản độc tài, tôn sùng tiền bạc.
Theo tác giả bài điểm sách, « Chiếc dù của Simon Leys » giúp cho người đọc hiểu được vì sao cuộc sống tinh thần đang trở nên nghèo nàn, giới trí thức không còn nhiều ảnh hưởng lên xã hội vì ảo tưởng, thiếu thực tế - như sự mê muội trước Cách mạng văn hóa. Điều này có nghĩa là các giá trị cần thiết đã bị giảm giá, như việc định ra ranh giới rõ ràng giữa sự thật và dối trá. Một nền văn hóa mà các ý tưởng không được coi trọng có thể khiến xã hội vắng bóng phản biện, và các nền dân chủ có nguy cơ sụp đổ.
Giải Nobel Mario Vargas Llosa cho rằng, cần phải cám ơn tác giả Pierre Bonnenne đã viết ra cuốn sách nhằm trả lại công bằng cho Simon Leys, hình mẫu của người trí thức lương thiện, chưa bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh cho sự thật.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150718-simon-leys-nguoi-ca-gan-danh-tan-huyen-thoai-mao-trach-dong

Từ Mao đến Khổng, những tượng đài ''giấc mơ Trung Hoa'' của Tập Cận Bình

mediaBức tượng Khổng Tử tại khu nghỉ dưỡng ven biển của ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc - DR
Đôi tay vươn lên như bức tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro, tượng Khổng Tử khổng lồ tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển của ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đối diện với một tháp đá còn bề thế hơn, dựng lên « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình.
Cả hai công trình được mạ vàng lấp lánh là ngôi sao của khu công viên văn hóa được một tướng về hưu, ông Vương Điện Minh (Wang Dianming) đầu tư đến 8 triệu đô la. Theo ông, gia tài mình có được là do thu nhập từ một liên hiệp các công ty trong ngành du lịch và giáo dục.
Là đảng viên cộng sản, ông Vương muốn nhấn mạnh dự án của ông được khai sinh mà không có sự bật đèn xanh của chế độ, dù nó minh họa cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, tuân theo truyền thống như quan điểm của Tập Cận Bình.
Khổng giáo, ý thức hệ chính thức của nước Trung Hoa phong kiến thời xưa, là một hệ thống đạo đức và triết lý đặc biệt đề cao sự tuân phục thượng cấp và vâng lời lớp người đi trước.
Sau khi những người cộng sản lên nắm quyền năm 1949, đạo Khổng là mục tiêu bị đả kích dữ dội trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976) do Mao Trạch Đông khởi xướng. Nhưng Tập Cận Bình không cho điều này là quan trọng, ông ta thường trích dẫn những lời nói của nhà hiền triết mà ông đã khôi phục danh dự, trong khi vẫn vinh danh Mao.
Khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình đã lăng-xê « Giấc mơ Trung Hoa », một công thức phối hợp các khái niệm « tái sinh tinh thần dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân, thịnh vượng, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn và tăng cường quân sự ».
Dưới đôi tay Khổng Tử rộng mở, Vương Điện Minh, 61 tuổi, giải thích với AFP : « Giấc mơ Trung Hoa có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống Trung Quốc và trong lời dạy của Khổng Tử. Việc áp dụng các ý tưởng của ngài sẽ cứu rỗi nhân loại ».
Cao đến 19 mét, bức tượng Khổng Tử nhìn thẳng vào một cột tháp chỉ hơi cao hơn một chút, phía trước có khắc dòng chữ « Giấc mơ Trung Hoa », và phía sau là chữ « các giá trị căn bản của chủ nghĩa xã hội ». Trên bệ tháp, một câu phát biểu dài của Tập Cận Bình chào đón khách đến thăm : « Chúng tôi muốn thực hiện Giấc mơ Trung Hoa, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc, mà còn cho tất cả mọi dân tộc ».
Còn trên cả ba mặt của tháp đá, là các bức bích họa vẽ những người lính, nông dân hay công nhân với phong cách « hiện thực xã hội chủ nghĩa » của những áp-phích tuyên truyền thập niên 1950.
Xa hơn một chút, một bức tượng nhỏ màu trắng của Mao Trạch Đông khẳng định không có ý tưởng cơ bản nào của chế độ bị quên lãng.
Đối với Mao Trạch Đông, Khổng giáo là điều tệ hại nhất trong truyền thống Trung Hoa, biểu tượng của một thời kỳ « phong kiến » mà ông ta cùng với vợ là Giang Thanh đã tung ra một chiến dịch dữ dội để chống lại vào năm 1974.
Nhưng gần đây, ban lãnh đạo cộng sản Trung Quốc lại sử dụng Khổng giáo để chống lại văn hóa phương Tây đang được ngày càng ưa chuộng hơn, cũng như các tôn giáo, khi quảng bá cho một di sản Trung Hoa được tôn tạo kỹ lưỡng.
Đồng điệu với quan điểm của Tập Cận Bình, công viên Bắc Đới Hà và các công trình điêu khắc tại đây cũng phối hợp giữa chủ thuyết cộng sản và các giá trị Khổng giáo. Bắc Đới Hà (Beidahe), khu nghỉ mát bên bờ biển Trung Quốc mỗi mùa hè lại tiếp đón hội nghị bí mật các lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ.
Ngay trước khi trở thành Chủ tịch nước, các câu châm ngôn và trích dẫn Khổng tử đã hiện diện trong các bài diễn văn của Tập Cận Bình. Đối với các chuyên gia, đây là bằng cớ cho thấy ông ta thực sự ngưỡng mộ triết lý thời xưa. Nhiều lời tuyên bố của ông Tập khai thác quá khứ để vẽ nên tương lai Trung Quốc, và việc cầu viện đến nhà hiền triết nổi tiếng đối với ông ta là đặc thù Trung Hoa cần phải bảo vệ.
Nhân dân Nhật báo hồi tháng 10/2014 trên trang nhất trích dẫn câu : « Từ hàng ngàn năm trước, Nhà nước Trung Hoa đã vận dụng một con đường hoàn toàn khác với nền văn hóa và sự phát triển của các nước khác ». Tờ báo kêu gọi : « Hãy tôn trọng hơn và quan tâm hơn đến nền văn hóa Trung Hoa đã tồn tại từ hơn 5.000 năm qua ».
Hồi tháng 9/2014, trong khuôn viên trang trọng của Đại lễ đường Nhân dân, trước Hiệp hội Khổng giáo Quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc đã mừng sinh nhật thứ 2.565 của Khổng Tử. Tập Cận Bình tuyên bố : « Văn hóa truyền thống tuyệt vời của Trung Hoa, trong đó có cả Khổng giáo, chứa đựng những giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề của nhân loại ngày nay ».
Cũng như các giáo điều cộng sản, các tuyên bố Khổng giáo của ông chủ tịch cũng không được đưa ra bàn thảo, và để chỉ trích thì lại càng hiếm hoi hơn – theo nhận xét của Jyrki Kallio, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc tế Phần Lan. Ông nói với AFP : « Tập Cận Bình có vẻ tin rằng Khổng giáo có thể củng cố vị thế của ông ta tại Trung Quốc. Đảng dường như đã đưa ra một dự án nhằm hình thành các giá trị mới để định hướng người dân, và các tư tưởng cổ điển cung cấp một nền tảng tốt cho việc ấy ».
Trong khu giải trí của ông Vương Điện Minh, sinh viên Feng Jin và người bạn của anh là những khách thưởng ngoạn duy nhất trong cái ngày mùa đông này. Có vẻ thích chụp hình kỷ niệm trước các tượng đài của « Giấc mơ Trung Hoa » hơn là nghiên cứu các lời dạy được khắc trên đá, anh sinh viên nói : « Tôi có nghe nói đến ‘’Giấc mơ Trung Hoa’’ trên tivi. Nhưng thật tình mà nói, tôi chẳng cảm thấy mình có liên quan chút nào cả !».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150124-nhung-tuong-dai-giac-mo-trung-hoa-cua-tap-can-binh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten