Hiệp định mậu dịch với Liên Âu giúp Hà Nội độc lập với Bắc Kinh
Cờ Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họacopy d'ecran www.just-style.com
Thượng đỉnh khối G20 ở Nhật Bản khai mạc hôm nay, 28/06/2019, là chủ đề quốc tế lớn. La Croix ghi nhận cơ chế hợp tác quốc tế hàng đầu lâm vào khủng hoảng trầm trọng với hàng tựa đầy lo ngại « Một thế giới không người cầm cương ». Thương chiến Mỹ - Trung phủ bóng lên hội nghị G20. Hàng loạt hồ sơ hệ trọng, đứng đầu là khí hậu, có nguy cơ bị gạt sang lề. Tuy nhiên, báo chí Pháp cũng chú ý đến một điểm sáng : Việt Nam – Liên Âu sẽ ký hiệp định thương mại ngày 30/06/2019.
Les Echos có bài phân tích « Hiệp định tự do mậu dịch với Liên Âu : Một món quà trời cho với Việt Nam ». Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu là điều mà chính quyền Hà Nội chờ đợi từ lâu. Hiệp định tự do mậu dịch cho phép giảm đến 99% mức thuế nhập khẩu song phương, trong những năm tới (sau 7 năm nữa đối với hàng xuất khẩu Việt Nam). Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng có ưu thế, như hải sản, dệt may, hay nông phẩm.
Các đàm phán về mặt kỹ thuật đã hoàn tất từ năm 2015. Tuy nhiên, các cáo buộc về những vi phạm nhân quyền, quyền của người lao động, về bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã làm chậm lại tiến trình phê chuẩn.
Theo nhà nghiên cứu Benoit de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược của trường Quân Sự Pháp (Irsem), hiệp định cho phép Hà Nội thoát khỏi thế kẹt trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngay trước thềm thượng đỉnh G20 ở Osaka, tổng thống Mỹ thậm chí còn lên án Việt Nam « còn tồi tệ hơn Trung Quốc về phương diện thương mại ». Wahington cáo buộc Việt Nam là thủ phạm tình trạng nhập siêu trong thương mại song phương, với khoảng 4 tỉ đô la/tháng. Nhiều luồng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, mượn ngả Việt Nam, để tránh thuế, làm tăng vọt số lượng hàng Việt Nam xuất sang Mỹ trong những tháng gần đây.
Hiệp định tự do thương mại với Liên Âu rơi đúng vào một thời điểm quan trọng với Việt Nam. Năm 2020, Hà Nội sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, cùng lúc đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean). Theo Les Echos, nhờ ở lợi thế này, Hà Nội có thể trụ được tốt hơn trước các áp lực từ Trung Quốc tại khu vực.
Hiệp định thương mại « tầm cỡ nhất » với một nước đang phát triển
Cũng về chủ đề này, Le Figaro có bài « Hiệp định mở cửa thị trường đầy hứa hẹn của Việt Nam cho châu Âu ». Nhìn từ phía châu Âu, Le Figaro nhấn mạnh là cho dù Việt Nam vẫn được coi là « một nước nhỏ », nhưng « con hổ châu Á » này là đối tác thương mại thứ hai của Liên Âu tại khu vực, với khoảng 50 tỉ euro trao đổi thương mại năm 2017. Cùng với Singapore, Việt Nam là cánh cửa để châu Âu tiếp cận với các nước Asean. Ký kết hiệp định với Việt Nam là một giai đoạn quan trọng cho phép Liên Âu tính đến một hiệp định thương mại với toàn khối Asean.
Theo ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom, đây là « hiệp định thương mại tầm cỡ nhất được ký kết từ trước đến nay với một quốc gia đang phát triển ». Cùng với hiệp định mậu dịch tự do, Bruxelles cũng sẽ ký kết với Hà Nội một hiệp định về bảo hộ đầu tư. Một khi được thông qua, hiệp định cho phép đầu tư châu Âu vào Việt Nam tăng vọt, trong đó đặc biệt đáng kể có các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Để đạt được một hiệp định với Liên Âu, Việt Nam đã phải cam kết phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền tổ chức nghiệp đoàn của người lao động, quyền thương lượng tập thể, cũng như tuân thủ các cam kết về Khí hậu.
Hai hiệp định nói trên còn phải đợi sự phê chuẩn của Nghị Viện Châu Âu (hiệp định mậu dịch tự do) hoặc của Quốc Hội từng quốc gia thành viên (hiệp định bảo hộ đầu tư). Hiện tại, chưa có thời điểm biểu quyết chính thức. Không ít dân biểu các nước châu Âu và thành viên Nghị Viện Châu Âu tuyên bố chống. Lý do là các nỗ lực không đủ về nhân quyền, cũng như về môi trường của Hà Nội. Nhiều người lo ngại, một khi các hiệp định kinh tế được thông qua, chính quyền sẽ không tiếp tục nỗ lực.
Thượng đỉnh G20 : « Khoảng lặng » trong một thế giới hỗn loạn
Thượng đỉnh của khối 20 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/06, được La Croix ghi nhận là « một khoảng lặng » trong một thế giới đang ngày càng hỗn loạn hơn, với sự lên ngôi của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân tộc.
Với sự thúc đẩy của tổng thống Mỹ Donald Trump, hàng loạt thành tựu của cơ chế đa phương, như Thỏa thuận Paris về khí hậu, Thỏa thuận Hạt nhân với Iran 2015, các thỏa thuận của UNESCO, hay Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, lần lượt bị thách thức.
G20 được coi là một cơ chế quốc tế, một diễn đàn quốc tế toàn cầu, mở cửa cho nhiều quốc gia đang phát triển tham gia, kể từ năm 2008. Tuy nhiên, bất đồng tại G20 lần này hiện rõ ngay từ trước khi thượng đỉnh khai mạc. Hôm qua, tổng thống Pháp cảnh báo Paris sẽ không ký tuyên bố chung G20 năm nay, nếu mục tiêu Khí hậu, theo Thỏa thuận 2015, không được tôn trọng. Trên thực tế, thượng đỉnh G20 cách nay hai năm đã đánh dấu bất đồng không thể vượt qua, khi tổng thống Mỹ thông báo quyết định rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris.
Trước diễn đàn G20, lãnh đạo quốc gia đang phát triển Đông Timor nhỏ bé ở Đông Nam Á, lên tiếng tố cáo tình trạng bùng phát các luồng người di cư, tị nạn « chưa từng có trong lịch sử hiện đại ».
Hội kiến Trump – Tập độc chiếm công luận
Trong khi đó, theo Les Echos, trước thềm thượng đỉnh, tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đả kích và đe dọa nhiều quốc gia, bất kể đồng minh hay không, từ Nhật, Đức cho đến Ấn Độ, và dĩ nhiên là Trung Quốc.Cuộc hội kiến Trump – Tập được La Croix đánh giá là thu hút gần như toàn bộ sự chú ý trong dịp diễn đàn G20, cho dù đây chỉ là một sự kiện bên lề. Việc Washington và Bắc Kinh trả đũa nhau bằng các đòn tăng thuế đơn phương, đặt nền kinh tế toàn cầu trong tình trạng đầy bất trắc. Theo Laurence Boone, kinh tế gia trưởng của OCDE, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể gây thiệt hại 0,6% cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đối mặt với chiến lược công phá của Mỹ, Liên Âu cố gắng tập hợp các quốc gia nào ủng hộ cơ chế đa phương, như Nhật, Canada, Úc hay Mêhicô. Tuy nhiên, Brazil hay Ấn Độ chưa chắc đã ngả theo « quan điểm tỉnh táo » này.
Về quan hệ Mỹ - Trung, Le Monde có bài phân tích « Ông Trump đứng ở thế thượng phong so với Tập Cận Bình tại G20 ». Nhà phân tích Valérie Niquet nhận định : Chính quyền Trung Quốc lo ngại hai điểm, một là kinh tế Mỹ vận hành tốt và hai là Trump có nhiều cơ hội tái đắc cử. Tổng thống Trump tin tưởng kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ nếu không đạt thỏa thuận với Mỹ. Vẫn theo chuyên gia Valérie Niquet, chiến lược của Trung Quốc hiện nay là tìm cách chia rẽ Mỹ với Liên Âu và Nhật Bản, nhưng điều này khó xảy ra bị cả Washington, Tokyo và Bruxelles đều có cách hiểu giống nhau về Trung Quốc, cho dù biện pháp hành động là rất khác nhau.
Trung – Nhật hòa dịu
Les Echos chú ý đến dấu hiệu hòa dịu giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong dịp thượng đỉnh Osaka. Lần đầu tiên chủ tịch Trung Quốc đến Nhật, kể từ khi lên cầm quyền 6 năm nay. Lãnh đạo hai bên liên tục đưa ra các tuyên bố hữu nghị trước thềm thượng đỉnh. Tuy nhiên, theo Les Echos, sự xích lại gần nhau này hoàn toàn chỉ mang tính « nhất thời », bởi các bất đồng Nhật – Trung là sâu sắc, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Cứu di dân : Một con tàu phi chính phủ thách thức nước Ý
Về tình hình châu Âu, báo chí Pháp hôm nay đặc biệt chú ý đến vụ chiếc tàu cứu nạn trên biển « Sea Watch 3 », của một tổ chức phi chính phủ, đưa 42 người tị nạn đến hòn đảo Lampedusa (Ý), bất chấp việc chính quyền Roma đe dọa bắt giữ. Xã luận Le Monde ca ngợi quyết định dũng cảm của nữ thuyền trưởng người Đức Carola Rackete, sau hai tuần chờ đợi tại hải phận quốc tế. Lời kêu gọi gửi đến Tòa án Nhân quyền Châu Âu rút cục đã không được hồi đáp.
Le Monde cũng lên án thái độ giả dối và bất hợp tác với Liên Âu trong vấn đề tị nạn, của bộ trưởng Nội Vụ Ý Salvini, trên thực tế là người lãnh đạo chính phủ Ý : Một mặt tỏ ra ủng hộ cơ chế tái phân bổ tự động số người tị nạn được tiếp nhận, mặt khác lại đứng về phía các nước thuộc nhóm Visegrad (bốn nước trung và đông Âu), có lập trường phản đối dự án này.
Tranh luận sơ bộ đảng Dân Chủ Mỹ : Thượng nghị sĩ Warren nổi bật
Cuộc tranh luận đầu tiên trong nội bộ đảng Dân Chủ Mỹ để chọn ứng viên tranh cử tổng thống 2020, chống lại tổng thống Trump, là một đề tài của Le Monde. Theo nhật báo Pháp, người áp đảo cuộc tranh luận đầu tiên này là thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. Chính trị gia 70 tuổi này được khoảng 15% ý định bầu theo các thăm dò dư luận. Trong cuộc tranh luận hôm thứ Tư, thượng nghị sĩ Warren chưa phải đối mặt với hai ứng viên nặng ký khác, cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sĩ cánh tả trong đảng Bernie Sanders.
Bóng đá nữ : Hồi hộp trước trận cầu Pháp – Mỹ
Báo chí hôm nay tràn ngập bài viết về cuộc đọ sức sắp diễn ra tối nay trong vòng tứ kết Giải vô địch thế giới bóng đá nữ tại Pháp, giữa đội tuyển Pháp với đội Mỹ tại sân vận động Parc des Princes, Paris. Theo Libération, nếu đội tuyển Áo xanh lam chiến thắng đội Mỹ, đương kim vô địch, thì đây sẽ là một vinh quang vang dội, trong một giải vô địch mà nước Pháp đăng cai, vốn đã được coi là thành công về truyền thông.
Đội tuyển bóng đá nữ Mỹ đang đứng ở thế thượng phong, đặc biệt với chiến thắng 13-0 trước đội Thái Lan. Đội Mỹ cũng phục thù với chiến thắng trước Thụy Điển, mà Mỹ từng thua cách nay ba năm tại Thế vận hội Brazil.
La Croix có bài viết về nữ huấn luyện viên đội tuyển Pháp Corinne Diacre, nguyên là hậu vệ. Bà cũng là người phụ nữ Pháp đầu tiên dẫn dắt một đội tuyển bóng đá nam địa phương. Với tư cách huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Pháp, Corinne Diacre giành 21 trận thắng, 3 trận thua và 3 trận hòa. Thắng nhiều, nhưng đội tuyển do bà lãnh đạo lại chưa từng giành được huy chương nào.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190628-hiep-dinh-voi-lien-au-giup-ha-noi-doc-lap-voi-bac-kinh
Geen opmerkingen:
Een reactie posten