maandag 10 juni 2019

Thuyền trưởng Anh Healey Martin đã cứu hơn 1000 thuyền nhân Việt trên Biển Đông: 'Tôi có nghĩa vụ cứu người cần cứu giúp'

Thuyền trưởng Anh trên Biển Đông: 'Tôi có nghĩa vụ cứu người cần cứu giúp'

  • 2 giờ trước
Captain Healey Martin in 1979
Image caption Trả lời phỏng vấn của BBC vào thời điểm còn đang neo đậu ngoài khơi Hong Kong, Thuyền trưởng Martin nói nhiều trẻ tỵ nạn trên hai con tàu sẽ chết trong vòng 48 tiếng nếu không được tàu Sibonga vớt lên kịp thời
Ngày 21/5/1979, thủy thủ phát hiện ra một chiếc thuyền chở hàng trăm người đang trong tình trạng kiệt sức.
Nhận được tin báo, Thuyền trưởng Healey Martin lập tức ra lệnh cứu người.
Saigon Sam: Từ lênh đênh trên biển đến Middlesbrough, Anh Quốc
Ký ức của một thuyền nhân
Thuyền nhân Việt: 'Tôi đã tìm thấy người cứu mình'
Rồi họ lại phát hiện được một tàu nữa, cũng chở hàng trăm người. Đói. Khát. Suy kiệt. Nhiều em nhỏ đang hấp hối.
"Nhiều đứa trẻ có thể sẽ chết trong vòng 48 giờ," Thuyền trưởng Martin nói với BBC trong lúc đang neo đậu ngoài khơi Hong Kong. "Có một số cháu, khi chúng tôi đưa được lên tàu thì đã bất tỉnh, hoàn toàn kiệt sức."
Dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Martin, tàu hàng SS Sibonga mang quốc tịch Anh đã vớt lên tổng số 1.003 người.
Họ là những thuyền nhân ra đi từ Việt Nam.
Vào tới cảng Hong Kong nhưng Sibonga không được cập cảng, và người tị nạn không được phép lên bờ, khiến hành trình của tàu Sibonga bị cản trở.
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem

Gia đình người Việt tị nạn hội ngộ ân nhân sau 40 năm

Gia đình người Việt tị nạn hội ngộ ân nhân sau 40 năm
Chiếc tàu Anh đã phải neo lại hơn hai tuần ở vùng biển quốc tế, cho tới khi London và Hong Kong đạt thỏa thuận tạm thời để thuyền nhân lên bờ trước khi được đưa tới Anh.
'Chuyến đi kinh hoàng' của thuyền nhân Việt
Chuyện một thuyền nhân Việt mất con
Hành trình đến Mỹ của thuyền nhân VN
Tuy nhiên, những khó khăn tàu Sibonga gặp phải không làm vị thuyền trưởng đổi ý.
"Với vai trò một thuyền trưởng tàu Anh, tôi có nghĩa vụ phải cứu bất kỳ ai cần được cứu," ông nói.
Thuyền trưởng Healey Martin nay đã ngoài 80 tuổi và hiện sống tại một nhà dưỡng lão ở Dungannon, Bắc Ireland. Ông vừa có cuộc hội ngộ đặc biệt với những người được ông cứu 40 năm trước.

Nỗi kinh hoàng trên biển

Gia đình Lê Thị Thụy Linh, khi đó mới 7 tuổi, gồm cha mẹ và bốn chị em cô, nằm trong số 1.003 thuyền nhân trên hai tàu cá ọp ẹp được tàu SS Sibonga của Anh cứu khẩn cấp trên Biển Đông năm ấy.
Giờ đây, Linh có một cuộc sống riêng yên bình ở Anh Quốc, bên bố mẹ, em trai và gia đình nhỏ.
Nhưng cho đến tận bây giờ, từng chi tiết về những ngày kinh hoàng trên biển cũng như cuộc gặp gỡ định mệnh với con thuyền của thuyền trưởng Healey Martin vẫn hằn sâu trong ký ức của những người sống sót.
BBC
Image caption Bà Lê Thị Trinh: "Ngay cạnh tôi có một bà mẹ bế con nhỏ. Thằng bé lả đi vì đói, hấp hối"
"Rất kinh khủng! Đó chỉ là con tàu đánh cá nhỏ nhưng chở hơn 300 người," bà Lê Thị Trinh, mẹ của Linh kể lại. "Ngay cạnh tôi có một bà mẹ bế con nhỏ. Thằng bé lả đi vì đói, hấp hối. Tôi thì bế đứa con trai năm tuổi trên tay. Chẳng có gì để ăn, cho nên khi nhìn thấy có thuyền đến cứu, chúng tôi mừng lắm."
"Thuyền ấy to lắm, hẳn là thuyền thương mại. Chúng tôi bám vào thang dây thừng để leo lên thuyền. Các con tôi thì họ cho vào cái giỏ đan bằng thừng rồi kéo lên."
Sống ở Sài Gòn, nhưng ông Lê Văn Huỳnh, ba của Linh, nói gia đình họ phải ra đi vì 'gặp những khó khăn do thay đổi chế độ'.
Cuộc chiến Việt Nam mới kết thúc chưa lâu, lại nổ ra cuộc xung đột ở biên giới phía Bắc với Trung Quốc, gia đình họ nằm trong làn sóng hàng trăm ngàn thuyền nhân đánh cược với mạng sống, lao ra biển trên những con tàu mong manh.
Gia đình Linh ra đi với sự cho phép của nhà nước.
"Ba thuyền cá đăng ký, chúng tôi lên chiếc thuyền thứ hai rời bến vào đêm 18/5/1979," Linh nói với BBC Tiếng Việt.
Ngay đêm sau, nước tràn vào thuyền. Cha cô và những người khác thay nhau tát nước ra.
Đêm tiếp theo, nước uống, thực phẩm trên thuyền cạn kiệt, tàu chết máy.
"Một trong những điều tôi không thể quên là ba bóc một trái cam cho chúng tôi ăn. Không có thực phẩm gì khác, chúng tôi ăn múi, còn ba ăn vỏ cam," Linh kể.
Đã có người chết, có những em nhỏ hấp hối.
Thật may mắn, sang đến ngày 21/5, họ gặp được tàu Sibonga.
"Tôi ra đi với một vợ và bốn đứa con. Nếu không được Thuyền trưởng Martin vớt lên thì chỉ một, hai ngày nữa là thuyền chúng tôi chìm," ông Huỳnh nói. "Chắc chắn là bị xuống đáy biển hết."
Rescue of refugees
Image caption Gia đình cô Lê Thị Thụy Linh nằm trong số 1.003 'thuyền nhân' được tàu SS Sibonga vớt lên vào ngày 21/5/1979

Cảm tạ ân nhân

Được gặp lại ân nhân để trực tiếp nói lời biết ơn là điều mà gia đình cô Linh mong muốn từ nhiều năm.
"Không có từ ngữ nào có thể để diễn tả lòng biết ơn của chúng tôi đối với ông ấy," Lê Minh Tuấn, em trai cô, đứa trẻ mới bốn tháng tuổi khi được vớt lên tàu Anh, nói với BBC.
Ông Martin đã cảm ơn những người tới thăm và nói: "Tôi rất vui khi thấy các bạn rất thành công, đã tiến được những bước dài qua năm tháng."
"Các bạn đã rất xuất sắc. Giờ đây trong số các bạn có những bác sỹ, những nhà phẫu thuật, các kiểm toán viên, dược sỹ... Tôi nghĩ rằng các bạn đã chứng tỏ mình là những con người tuyệt vời."
Câu chuyện về cuộc hội ngộ của Thuyền trưởng Martin với người tỵ nạn đã được giới thiệu trên trang tiếng Anh nội địa của BBC: Vietnamese refugees thank rescuer 40 years on

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten