woensdag 5 juni 2019

Giới trẻ Trung Quốc "âm thầm"... mơ tự do và dân chủ + Thiên An Môn : Mỹ hoàn toàn thất vọng về nhân quyền tại Trung Quốc

Giới trẻ Trung Quốc "âm thầm" mơ tự do và dân chủ

mediaSinh viên Trung Quốc giương biểu ngữ "Trao cho tôi tự do hay giết tôi " trong cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 14/05/1989REUTERS/Dominic Dudouble/File Photo
Đêm mồng 3 rạng sáng ngày 04/06/1989, phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh bị nhận chìm trong biển máu. 2600 người thiệt mạng theo thẩm định của Chữ Thập Đỏ Trung Quốc. Nhưng với chính quyền Bắc Kinh, số người chết không vượt quá 300. Đâu là sự thật ?
Ba thập niên đã trôi qua, với Bắc Kinh, Thiên An Môn vẫn là một đề tài cấm kỵ. Giới bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc "trải qua một mùa đông băng giá". Thanh niên nước này "im lặng mơ về tự do và dân chủ". Hồ sơ chính của Le Monde và Les Echos cùng trở lại với sự kiện "Thiên An Môn".
Ngược dòng thời gian, Le Monde đưa độc giả trở về với mùa xuân năm 1989 : ngày 15/04/1989 sinh viên Trung Quốc xuống đường sau cái chết đột ngột của cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang, biểu tượng của phe cải tổ. Ngày 26 cùng tháng, xã luận của Nhân Dân Nhật Báo – cơ quan ngôn luận của Đảng, lên án một cuộc xuống đường mang tính "phản cách mạng". Theo Le Monde, bài xã luận đó đổ thêm dầu vào lửa. Ngày 13/05/1989, sinh viên tuyệt thực. Một tuần lễ sau chính quyền của Đặng Tiểu Bình ban hành thiết quân luật, triển khai 200.000 lính. Quân đội nhập cuộc, giành lại quyền kiểm soát tình hình. Hậu quả kèm theo là cuộc đàn áp trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng 6 năm 1989.
Bắc Kinh : "Thiên An Môn là một sự cố"
Hàng triệu người xuống đường, ít nhất 2.600 người chết, nhưng Bắc Kinh vẫn xem đó chỉ là một "sự cố" trong dòng lịch sử êm ả của đảng Cộng Sản nước này
"30 năm sau Thiên An Môn, bộ máy kềm kẹp của chính quyền không thuyên giảm". Theo thông tín viên báo kinh tế Les Echos tại Bắc Kinh, chính quyền cộng sản Trung Quốc "nỗ lực xóa hết vết tích Thiên An Môn trên các trang mạng internet, trên các mạng xã hội, cấm mọi cuộc tập họp kỷ niệm các nạn nhân Thiên An Môn". Càng gần đến cái ngày nhậy cảm mồng 4 tháng 6, "cỗ máy đàn áp của đảng Cộng Sản Trung Quốc càng lợi hại, nhắm vào từ nhà trí thức đến giới bất đồng chính kiến, từ hiệp hội các Bà Mẹ Thiên An Môn đến gia đình các nạn nhân miệt mài đi tìm sự thật" về chuyện gì đã xảy ra trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng 6 năm 1989.
Với chính quyền, phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh là một "cuộc nổi dậy chống cách mạng". Như bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vừa trình bày tại diễn đàn an ninh châu Á Shangri-la vừa qua, Thiên An Môn là một "sự cố, một sự rối loạn về mặt chính trị và chính quyền trung ương đã đưa ra những quyết định đúng đắn để điều chỉnh sự rối loạn đó".
"Mùa đông băng giá"
Với các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc, "Mùa Xuân Bắc Kinh đã chóng tàn để nhường chỗ cho mùa đông băng giá", như tựa bài báo của Frédéric Lemaitre trên Le Monde. Mùa đông ấy còn trở nên khắc nghiệt hơn nữa kể từ khi ông Tập Cận Bình ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo tối cao ở Bắc Kinh. Tháng 07/2015, khoảng 200 luật sư bảo vệ nhân quyền bị bắt trong một chiến dịch quy mô chưa từng thấy. Phần lớn trong số này đã được trả tự do hai năm sau, nhưng bị tước quyền hành nghề.
Dù vậy, từ cột mốc 1989, nhiều nhà trí thức Trung Quốc đã chọn đứng về phía những thành phần thấp cổ bé miệng, những con người bị cỗ máy kinh tế bỏ rơi.
Đành rằng, người ta không còn trông thấy một phong trào phản kháng rầm rộ và quy mô như ở Thiên An Môn năm nào, nhưng ở một mức độ khiêm tốn hơn, vẫn có những tiếng nói lên án những bất công trong xã hội.
Thời gian từ giữa thập niên 1990 cho đến sau Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, được các nhà đấu tranh Trung Quốc đánh giá là "thời gian dễ thở nhất". Để rồi, chính quyền "thắt lại" tất cả dưới thời ông Tập Cận Bình. Bộ máy kềm kẹp và kiểm duyệt của chính quyền len lỏi vào mỗi ngõ ngách trong xã hội, từ các trường đại học đến những hiệp hội bảo vệ nữ quyền ...
Khát vọng tự do và dân chủ của thanh niên
Một tài liệu lưu hành trong nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc hồi năm 2013 được Le Monde trích dẫn ghi rõ : khái niệm xã hội dân sự là một thứ "công cụ của phương Tây dùng để chống phá Trung Quốc". Hai năm sau, hàng loạt các luật sư, các nhà bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường bị tống giam. Năm 2017 giải Nobel Hòa Bình đầu tiên của Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba chết trong tù : Bắc Kinh chưa bao giờ tha thứ cho nhà lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn này về cái tội soạn thảo Hiến Chương 08 đòi Trung Quốc dân chủ hóa đất nước.
Nhưng trong toàn cảnh đen tối ấy đối với những nhà đấu tranh vì dân chủ Trung Quốc, vẫn có một tia hy vọng. Một nghiên cứu mà theo Le Monde là đáng tin cậy cho thấy giới trẻ tại Trung Quốc vẫn rất quan tâm đến đời sống xã hội chung quanh, đến sự cấp bách bảo vệ môi trường thiên nhiên, đến các vấn đề về giới tính, và thậm chí là cả đến đời sống chính trị tại đất nước rộng lớn này.
Tài liệu nói trên chỉ ra rằng "thanh niên Trung Quốc không lý tưởng hóa mô hình dân chủ, không xem đó là chiếc đũa thần cho phép giải quyết tất cả những khó khăn trong cuộc sống, nhưng ít ra đó là một phương tiện để đem lại những đổi mới trong xã hội, những đổi mới cho đất nước".
Trong bài viết mang tựa đề "Tại Trung Quốc, giới trẻ âm thầm mơ ước tự do", báo Les Echos trích lời một cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An Môn, ông Ngô Nhĩ Khai Hy (Wuer Kaixi), người Duy Ngô Nhĩ : "Khát vọng tự do của thanh niên Trung Quốc vẫn nguyên vẹn. Không vì cuộc sống sung túc hơn mà họ quên đi khát vọng dân chủ hay và tự do. Nhưng số này im lặng vì sợ hãi". Về phía chính quyền, cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Trung Quốc này cho rằng, "Bắc Kinh liên tục gia tăng đàn áp mà vẫn luôn trong trạng thái lo âu". Les Echos bình luận : cũng vì nỗi ám ảnh đó, mà 30 năm đã trôi qua, Trung Quốc vẫn nỗ lực xóa đi mọi dấu vết trong ký ức tập thể hình ảnh một thanh niên gầy gò, đứng trước họng súng của bốn chiếc chiến xa ngay giữa quảng trường Thiên An Môn.
Đi tìm sự thật đến hơi thở cuối cùng
Cũng Les Echos có bài phóng sự rất cảm động về những Bà Mẹ Thiên An Môn. Frédéric Schaeffer đã tìm đến với một bà mẹ 82 tuổi. Bà đã mất đi đứa con trai duy nhất năm 1989 : 30 năm trước, con trai bà bị bắn một viên đạn vào đầu.
Từ đó đến nay, bà không ngừng đi tìm sự thật. Bà kể lại, khi Đặng Tiểu Bình ban hành thiết quân luật, không một ai tin rằng Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân lại chĩa súng bắn vào tuổi trẻ, vào những đứa con của đất nước. Cũng bà mẹ già này kể lại hành trình đầy chông gai của khoảng ba trăm người cùng cảnh ngộ. Với năm tháng, nhóm của những người mẹ khát khao sự thật ấy thưa dần. Riêng bà cụ già tiếp phóng viên báo Les Echos cho biết "đến hơi thở cuối cùng vẫn đi tìm sự thật về cái chết của con trai" bà. Mỗi ngày bà cố gắng tập thể dục, cố giữ gìn sức khỏe, với hy vọng sống được cho đến ngày "sự thật về Thiên An Môn được phơi bày ".
Trung Quốc tấn công Liên Hiệp Quốc
Trong những tuần lễ sau vụ thảm sát Thiên An Môn, cộng đồng quốc tế đồng loạt trừng phạt Bắc Kinh. Nhưng trong ba thập niên qua, nhân quyền không còn là ưu tiên trong mắt của thế giới.
Trong bài viết mang tựa đề "Trung Quốc tấn công Liên Hiệp Quốc" trên Le Monde, các phóng viên của tờ báo chỉ ra rằng, Bắc Kinh không chỉ tìm cách ém nhẹm các cuộc thảo luận về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà còn chuyển sang thế tấn công, bằng cách áp đặt một số những "chuẩn mực" của mình với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc phần nào thành công trong mục tiêu đó.
Là nước đông dân nhất địa cầu, là cường quốc quân sự, kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, Trung Quốc muốn không bao giờ bị chỉ trích vì nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc. Hơn thế nữa, phô trương những thành tích kinh tế để bịt miệng những người muốn chỉ trích chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Le Monde tiếc rằng người đầu tiên ở Liên Hiệp Quốc để cho Trung Quốc đạt được mục tiêu đó chính là tổng thư ký Antonio Guterres : tháng Giêng 2017 ông đã trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Đơn giản vì vài tháng trước đó, nhờ có tiếng nói của Trung Quốc mà nhà ngoại giao Bồ Đào Nha này được chỉ định để thanh thế nhà ngoại giao Hàn Quốc Ban Ki Moon.
Tháng 06/2018, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết do Bắc Kinh đề xuất. Tài liệu mang tên "Đóng góp cho phát triển vì lợi ích của tất cả các quyền con người". Một trong những điều khoản được nêu bật trong văn bản quy định, các bên phải "tôn trọng chính sách và những ưu tiên quốc gia". Thuật ngữ ngoại giao dùng để chỉ khái niệm "không can thiệp vào công việc nội bộ" của các nước thành viên. Khái niệm này luôn là một kim chỉ nam trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Chưa hết, vẫn theo Le Monde, để chuẩn bị cho cuộc họp định kỳ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 2019, Bắc Kinh đã sách nhiễu Hội Đồng Nhân Quyền để biết xem liệu các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc bị Bắc Kinh đưa vào "danh sách khủng bố" có được mời đến Genève lần này hay không.
Tháng 10/2018 nhiều tổ chức phi chính phủ đã bất ngờ khám phá ra rằng, những báo cáo về tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc đã bị "rút khỏi" trang mạng internet của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Vài tuần lễ sau, một phiên bản "gọn gàng hơn" và đương nhiên là ít khắt khe với Bắc Kinh hơn, đã được đăng lại trên trang này !
Pháp khẳng định sự hiện diện tại châu Á
Với sức mạnh kinh tế, Trung Quốc tự cho phép mình áp đặt luôn cả luật chơi trên biển. Le Monde và Les Echos cùng chú ý đến thái độ cứng rắn của Pháp tại diễn đàn an ninh châu Á Shangri-La vừa khép lại hôm 02/06/2019. "Đối mặt với Bắc Kinh, Paris bảo vệ quyền tự do lưu thông trên biển" tựa một bài báo ngắn trên Les Echos. Le Monde phân tích về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Paris vừa được bộ trưởng Quân Lực Florence Parly công bố tại Singapore. Đáng chú ý nhất là phát biểu của bà Parly về Biển Đông : Pháp sẽ tăng cường các chiến dịch tuần tra và Paris không chấp nhận để Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này, buộc cộng đồng quốc tế chấp nhận trước "chuyện đã rồi".
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20190603-gioi-tre-trung-quoc-am-tham-mo-tu-do-va-dan-chu

Thiên An Môn : Mỹ hoàn toàn thất vọng về nhân quyền tại Trung Quốc

mediaMột xe cảnh sát trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 04/06/2019.REUTERS/Thomas Peter
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua, 03/06/19, phát biểu rằng Hoa Kỳ hoàn toàn mất hy vọng về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc, 30 năm sau sự kiện Thiên An Môn. Ông Pompeo đồng thời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị và người Duy Ngô Nhĩ.
Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu đánh dấu ngày tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn cách nay 30 năm, ngoại trưởng Mỹ ca ngợi « phong trào biểu tình rất anh hùng » vẫn còn có tiếng vang trong lòng « những người yêu tự do trên thế giới ».
Ông Pompeo,nói thêm : « Trong những thập niên sau đó, Hoa Kỳ đã hy vọng rằng việc Trung Quốc hòa nhập với cộng đồng quốc tế sẽ dẫn đến một xã hội cởi mở, bao dung hơn. Thế nhưng, các hy vọng đó đã sụp đổ ». Ngoài ra, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhắc tới nạn đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và tố cáo chính quyền Bắc Kinh « đang dần dần xóa bỏ phong tục, văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ và Đạo Hồi ». Ông kêu gọi trả tự do cho bất kỳ ai bị bắt vì « mong muốn hành xử những quyền tự do cơ bản ».
Chính quyền Trung Quốc đã phản đối gay gắt phát biểu của ngoại trưởng Mỹ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng ông Pompeo chủ ý tấn công hệ thống chính trị, bôi nhọ tình hình nhân quyền và tôn giáo ở Trung Quốc », và xét cho cùng thì « những phát ngôn lố bịch này sẽ bị ném bỏ vào thùng rác của lịch sử ». Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng đưa ra hàng loạt lập luận bác bỏ từng phát biểu của ông Pompeo, và cho rằng « nhân quyền tại Trung Quốc đang ở thời kỳ tốt nhất từ trước tới giờ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190604-30-nam-sau-thien-an-mon-my-hoan-toan-that-vong-ve-tinh-trang-nhan-quyen-tai-trung-qu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten