vrijdag 7 juni 2019

Thân phận Đài Loan trong quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung + Mỹ bán 2 tỷ đô la vũ khí + bán công nghệ chế tạo tàu ngầm

Thân phận Đài Loan trong quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung

mediaTổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trước cuộc tập trận mô phỏng cuộc xâm lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 28/05/2019.Military News Agency /Handout via REUTERS
Chiến tranh thương mại với Trung Quốc càng gay gắt, Hoa Kỳ lại càng gần gũi với Đài Loan. Về mặt chính thức, Lầu Năm Góc chưa bình luận về tin Đài Bắc đặt mua 2 tỷ đô la xe thiết giáp và vũ khí của Mỹ, nhưng việc trong thời gian gần đây, Washington điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, một điểm nhậy cảm với Bắc Kinh, cho thấy có lẽ chính quyền của tổng thống Donald Trump sẽ không ngần ngại sử dụng lá bài Đài Loan để đàm phán với Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Là nguồn cung cấp vũ khí chính của Đài Loan, Mỹ đã liên tục gửi đến Trung Quốc những tín hiệu mạnh : vào lúc máy bay của quân đội Trung Quốc bay ngang qua Đài Loan để tập trận ở vùng Tây Thái Bình Dương hồi trung tuần tháng 4/2019, Lầu Năm Góc thông báo kế hoạch đào tạo phi công và bảo dưỡng chiến đấu cơ F16 cho Đài Bắc. Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, John Bolton đã tiếp đại diện của Cơ Quan An Ninh Đài Loan David Lee tại Washington từ ngày 13 đến 21/05/2019. Cuối tháng 4/2019 hai tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan nhằm "thực hiện cam kết bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải" trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Về phía tổng thống Thái Anh Văn, từ khi lên cầm quyền năm 2016, bà luôn bày tỏ quyết tâm tăng cường khả năng phòng thủ của đảo quốc này, tăng 13 tỷ đô la ngân sách quốc phòng từ nay cho đến năm 2027. Trong khi đó, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục và nhắc lại nguyên tắc "Một nước Trung Hoa" là nền tảng của mối bang giao Mỹ-Trung. Trong bài diễn văn kết thúc diễn đàn an ninh châu Á tổ chức tại Shangri La hôm 02/06/2019 bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc không từ bỏ ý định thống nhất Đài Loan, kể cả bằng vũ lực.
Đài Loan là một trong ba điểm nóng trong cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Washington hiện nay. Riêng tổng thống Trump, ông liên tục xoáy vào lá bài Đài Loan khiến Bắc Kinh giận dữ. Từ trước khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump từng điện đàm với tổng thống Thái Anh Văn. Chính ông đã "không loại trừ khả năng" gặp lãnh đạo Đài Loan. Tháng 3/2018, cũng ông Trump ban hành đạo luật Taiwan Travel Act, cho phép các quan chức Hoa Kỳ ở mọi cấp được đến Đài Loan. Không chỉ có bên hành pháp, mà ngay cả lập pháp Hoa Kỳ cũng ngày càng tỏ thái độ ủng hộ Đài Loan.
Chính sách ngoại giao rất khó dự báo của chủ nhân Nhà Trắng lại càng khiến Đài Loan trở thành một đề tài nhậy cảm đối Bắc Kinh và lại càng làm dấy lên câu hỏi liệu hai siêu cường kinh tế và quân sự thế giới là Mỹ và Trung Quốc có khai chiến với nhau vì Đài Loan hay không. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Kent Wang, Trung Tâm Nghiên Cứu quan hệ Mỹ-Đài Loan (ITAS), trụ sở tại Washington, thì câu trả lời là Không.
Mỹ bảo vệ Đài Loan trước hết là vì quyền lợi và an ninh của bản thân Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, một lần nữa, mức độ quan hệ tốt đẹp giữa Washington và Đài Bắc tùy thuộc vào sự trồi sụt trong đối thoại Mỹ-Trung. Có điều Trung Quốc càng hiện đại hóa quân đội, chính quyền Hoa Kỳ và Đài Loan lại càng thuận thảo với nhau hơn. Dù vậy Đài Bắc cũng chớ ngây thơ tin rằng, trong trường hợp bị Bắc Kinh tấn công, Washington sẽ vội vàng điều quân đến hỗ trợ đảo quốc nhỏ bé này. Trước mắt cả Trung Quốc lẫn Mỹ cùng chơi trò mèo vờn chuột. Bắc Kinh hô hào ý định thống nhất Đài Loan, còn Washington thì lên giọng để chứng minh với quốc tế và 23 triệu dân Đài Loan rằng Hoa Kỳ đứng về phía dân chủ, và là một đối tác đáng tin cậy để bảo đảm ổn định cho khu vực eo biển Đài Loan.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190606-than-phan-dai-loan-trong-quan-he-cang-thang-my-trung

Đài Bắc xác nhận yêu cầu Mỹ bán 2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan

mediaHải quân Mỹ diễn tập bắn thử tên lửa Stinger tại bãi biển Onslow, bắc Carolina, Hoa Kỳ, tháng 04/2000.Wikimedia Commons
Bộ Quốc Phòng Đài Loan ngày 06/06/2019 xác nhận tin Đài Bắc yêu cầu Mỹ cung cấp xe thiết giáp, hệ thống phòng không nhằm tăng cường khả năng tự vệ.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn bốn nguồn thạo tin cho biết Hoa Kỳ đang xem xét dự án bán cho Đài Loan các loại xe thiết giáp và các loại vũ khí chống tăng cũng như là đạn pháo phòng không, với tổng trị giá hợp đồng lên đến 2 tỷ đô la.
Tuy chính quyền Mỹ chưa bình luận về tin này, nhưng bộ Quốc Phòng Đài Loan trong thông cáo ngày 06/06/2019 xác nhận thông tin và nêu chi tiết kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ: Ngoài việc đặt mua 108 xe thiết giáp Abrams, Đài Bắc còn yêu cầu Mỹ cung cấp cho 1.200 đầu đạn phòng không TOW, 409 tên lửa chống tăng Javelin và 2050 tên lửa phòng thủ Stinger.
Vẫn theo thông cáo này, thủ tục đang diễn ra theo quy trình thông lệ, có nghĩa là phía Hoa Kỳ có 120 ngày để trả lời Đàl Loan về đề nghị nói trên.
Thông tin này được đưa ra sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc tuyên bố « không từ bỏ ý định đánh chiếm Đài Loan bằng sức mạnh ».
Hãng tin Mỹ AP cho biết thêm, Đài Loan còn có kế hoạch trang bị thêm 66 chiến đấu cơ F16 của Mỹ. Tổng thống Thái Anh Văn từ tháng 03/2019 đề ra mục tiêu mua thêm xe tăng và chiến đấu cơ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan trong bối cảnh hiện tại có khoảng 1.500 tên lửa của Trung Quốc đang chĩa vào Đài Loan.
Tin Đài Bắc đặt mua vũ khí và trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ được đưa ra vào lúc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc leo thang. Về mặt quân sự đôi bên cùng cảnh cáo nhau là « chớ xem thường » địch thủ.
Trung Quốc hôm nay đã có phản ứng. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, đề nghị Washington « ngưng » kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, tránh làm cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xấu đi thêm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190606-dai-bac-yeu-cau-my-ban-2-ty-do-la-vu-khi

Mỹ đồng ý bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan

mediaCờ Mỹ (P) và Đài Loan được thấy tại Nghị Viện Đài Loan (Đài Bắc) ngày 27/03/2018.REUTERS/Tyrone Siu
Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc nổi giận, bộ Ngoại Giao Mỹ đã phê chuẩn giấy phép bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan, qua đó bật đèn xanh cho giới công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ giúp Đài Bắc tự chế tạo tàu ngầm. Chính quyền Đài Bắc vào hôm nay, 08/04/2018 đã lên tiếng hoan nghênh một quyết định sẽ cho phép Đài Loan xây dựng được một hạm đội có sức chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc.
Phủ tổng thống Đài Loan đã chuyển ngay thông điệp hết sức biết ơn tới Washington về việc phê duyệt giấy phép.
Trong một tuyên bố công bố hôm nay, văn phòng của bà Thái Anh Văn ghi nhận : « Quyết định của chính phủ Hoa Kỳ sẽ không chỉ giúp Đài Loan nâng cao năng lực phòng thủ, mà còn mang lại lợi ích to lớn cho an ninh và ổn định trong khu vực ».
Trả lời hãng tin Pháp AFP, tướng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi), phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Đài Loan, cho rằng quyết định của Mỹ là một « bước đột phá » trong cả một tiến trình mà Đài Loan sẽ « từng bước thực hiện ».
Phát ngôn viên Đài Loan không cho biết thêm chi tiết, nhưng theo AFP, từ năm ngoái, vào lúc quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc, Đài Loan đã đề ra một kế hoạch tự đóng tàu ngầm sau khi thấy rằng không thể mua được tàu ngầm đóng sẵn từ Mỹ.
Đài Loan đã tìm mua công nghệ chế tạo tàu ngầm của các tập đoàn vũ khí Mỹ, nhưng thương vụ này cần phải được bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phê duyệt, điều vừa được thực hiện.
Đối với AFP, quyết định của Mỹ rất có thể là sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, vì Trung Quốc luôn luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và không loại trừ việc dùng võ lực để sát nhập.
Về phía Mỹ, việc cho phép chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan được đưa ra chỉ một tháng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật mới về Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao Hoa Kỳ sang thăm Đài Loan. Trung Quốc đã phản đối động thái đó, đòi Mỹ cắt đứt các trao đổi chính thức với Đài Loan để tránh « gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ ».
Đài Bắc từ lâu vất vả tìm mua thiết kế tầu ngầm mà không được. Tháng 4 năm 2001, tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush đã phê chuẩn việc bán 8 tàu ​​ngầm quy ước cho Đài Loan, nhưng hồ sơ không hề tiến triển, buộc Đài Loan phải nghĩ đến việc tự chế tạo.
Phải nói là từ hơn 40 năm nay, Mỹ đã không còn đóng tàu ngầm thông thường, Đài Loan cũng từng muốn mua thiết kế tàu ngầm của Đức và Tây Ban Nha, nhưng không thành công vì hai nước đó từ chối để khỏi đụng chạm Trung Quốc.
Hải Quân Đài Loan hiện đang điều hành một đội tàu ngầm gồm 4 chiếc, đều mua từ nước ngoài, nhưng chỉ có hai trong số này là có năng lực tác chiến, hai chiếc còn lại thuộc loại được Mỹ sản xuất từ những năm 1940, và chỉ được dùng để huấn luyện vì đã quá cũ.
Nếu mọi việc suôn sẻ, thì phải chờ thêm 10 năm nữa thì Đài Loan mới có được chiếc tàu ngầm tự chế tạo đầu tiên.
Tư lệnh Mỹ: Biển Châu Á quan trọng với Mỹ
Động thái hỗ trợ Đài Loan cũng được Mỹ thể hiện cùng lúc với việc Hải Quân Hoa Kỳ cho hải đội tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông, cùng thao diễn trong hai ngày 06-07/04 với Hải Quân Singapore ở khu vực phía nam.
Phát biểu vào hôm qua, 07/08 với một số nhà báo trên tàu sân bay Theodore Roosevelt, chuẩn đô đốc Steve Koehler, tư lệnh Hải Đội Tác Chiến Tàu Sân Bay số 9 của Hải Quân Mỹ, đã khẳng định rằng hoạt động của Hoa Kỳ trên Biển Đông hay bất kỳ nơi nào trong vùng biển quốc tế, đều nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, tự do thương mại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tư lệnh Mỹ không nói cụ thể đến các căng thẳng ở Biển Đông, nhưng cho rằng sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng để gởi đi thông điệp theo đó các « vùng biển chung » phải được rộng mở cho thương mại tự do.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180408-my-dong-y-ban-cong-nghe-che-tao-tau-ngam-cho-dai-loan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten