woensdag 12 juni 2019

Báo Mỹ: Kim Jong Nam từng làm việc cho CIA + Hồi kết vụ án Kim Jong Nam: Bình Nhưỡng lại vô sự dù bị tố là chủ mưu

Báo Mỹ: Kim Jong Nam từng làm việc cho CIA

mediaÔng Kim Jong Nam tại sân bay Bắc Kinh. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/02/2007.Kyodo/via REUTERS
Nhật báo Mỹ Wall Street Journal ngày 10/06/2019 cho rằng Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã là một người cung cấp thông tin cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA.
Theo một nguồn thạo tin, được nhật báo Mỹ trích dẫn, dường như giữa CIA và Kim Jong Nam có một mối quan hệ, dù không rõ chi tiết. Tuy nhiên, theo nhiều cựu lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ, do « không sống ở Bắc Triều Tiên trong vòng nhiều năm và không có ʺcơ sởʺ trong nước nên dường như Kim Jong Nam không cung cấp được những thông tin chi tiết về cơ chế hoạt động nội bộ của quốc gia khép kín này ».
Không chỉ hợp tác với CIA, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn liên lạc với tình báo của nhiều nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Reuters chưa thể kiểm chứng được độ xác thực của những thông tin trên, còn CIA không đưa ra bình luận.
Chuyến đi đến Malaysia năm 2017 của Kim Jong Nam được cho là để gặp người liên lạc của CIA, dù đây có thể không phải là lý do duy nhất của chuyến đi. Sau đó, ông Kim Jong Nam bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Bình Nhưỡng luôn bác bỏ thông tin cho họ là chủ mưu vụ ám sát này.
Bình Nhưỡng lên án « chính sách thù nghịch » của Mỹ
Ngày mai 12/06/2019 đánh dấu tròn một năm thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ nhất tại Singapore để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hôm nay, 11/06/2019, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington chấm dứt « chính sách thù nghịch » vì « sự kiên nhẫn của Bắc Triều Tiên có hạn », đồng thời khẳng định « chính sách hung hăng và đơn phương của Mỹ sẽ không bao giờ có tác dụng với Bắc Triều Tiên ».
Hãng tin AFP nhắc lại rằng các cuộc thảo luận hiện vẫn gặp bế tắc dù lãnh đạo hai nước đã gặp lại nhau lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 02/2019. Cũng do đàm phán thất bại tại Hà Nội, Kim Jong Un cho tiếp tục bắn thử tên lửa. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 11/06, những vụ thử vào đầu tháng Năm là nhằm cải thiện hệ thống nhiên liệu rắn và dẫn đường của các loại tên lửa tầm ngắn.
Về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, ngày 11/06, Tổ Công tác Tư pháp Chuyển tiếp (Transitional Justice Working Group, TJWG), một tổ chức bảo vệ nhân quyền, có trụ sở ở Seoul, tố cáo chính quyền Bình Nhưỡng đã tổ chức xử tử công khai tại ít nhất 323 địa điểm để gieo rắc nỗi sợ trong dân. Bản báo cáo của tổ chức này là kết quả điều tra trong vòng 4 năm và trao đổi với hơn 600 người Bắc Triều Tiên đào thoát.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190611-kim-jong-nam-kim-jong-un-cia-btt

Mỹ khẳng định Kim Jong Nam đã bị Bình Nhưỡng sát hại

mediaKim Jong Nam khi đến sân bay Bắc Kinh ngày 11/02/2007.Kyodo/via REUTERS
AFP dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Mỹ ra ngày 06/03/2018 cho biết, Hoa Kỳ đã xác định rằng Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, đã bị chế độ Bình Nhưỡng sát hại bằng chất độc thần kinh VX.
Trong thông cáo, phát ngôn viên Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố : « Hoa Kỳ kiên quyết lên án việc sử dụng vũ khí hóa học để ám sát » Kim Jong Nam. Người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un đã bị hạ sát ngay giữa sân bay Kuala Lumpur, Malaysia ngày 13/02/2017.
Các nhà điều tra ngay sau đó đã phát hiện các dấu vết chất độc thần kinh VX, bị xếp vào loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt, trên mặt và trong mắt nạn nhân Kim Jong Nam.
Bà Nauert nói rõ là từ ngày 22/02/2018, Washington đã « xác định » chất độc trên « đã được chính phủ Bắc Triều Tiên » sử dụng để hạ sát Kim Jong Nam.
Kết luận này đã dẫn tới việc áp dụng ngay lập tức các trừng phạt mới của Washington đối với Bắc Triều Tiên vì sử dụng vũ khí hóa sinh học bị cấm.
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên hiện đã bị quá nhiều trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Nếu có trừng phạt vì sử dụng vũ khí hóa học thì Bình Nhưỡng cũng không bị tác động thêm là bao nhiêu.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180307-bo-ngoai-giao-my-khang-dinh-kim-jong-nam-bi-che-do-binh-nhuong-sat-hai

Hồi kết vụ án Kim Jong Nam: Bình Nhưỡng lại vô sự dù bị tố là chủ mưu

mediaẢnh camera sân bay Kuala Lumpur: Kim Jong Nam (P) được các nhân viên an ninh tháp tùng đến trạm y tế sân bay, sau khi bị bôi chất độc lên mặt, 13/02/2017.FUJITV/via Reuters TV
Với Đoàn Thị Hương, nghi phạm cuối cùng được trả tự do ngày 03/05/2019 tại Kuala Lumpur, vụ ám sát Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, kể như bắt đầu chìm vào quên lãng.
Một số chuyên gia phân tích được đài truyền hình Mỹ CNN trích dẫn đã tỏ ý tiếc rằng, một lần nữa, một hành vi sát nhân rõ ràng với nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng là chủ mưu, lại không bị trừng phạt.
Vụ ám sát Kim Jong Nam vào tháng 2 năm 2017 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đã gây sốc do tính chất táo bạo, liều lĩnh và tàn nhẫn, được thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt đám đông cũng như camera giám sát rất nhiều trong sân bay.
Hai nữ nghi phạm - Đoàn Thị Hương, người Việt Nam, và Siti Aisyah, quốc tịch Indonesia – cùng với 4 người đàn ông Bắc Triều Tiên đã bị buộc tội bôi chất độc thần kinh VX lên mặt Kim Jong Nam khi ông này đi vào sân bay thủ đô Malaysia, khiến nạn nhân bị chết sau vỏn vẹn vài phút.
Bốn người Bắc Triều Tiên đã trốn thoát, chỉ có hai nữ nghi phạm bị bắt và đưa ra xét xử. Trước tòa, hai người nhất mực cho rằng họ đã bị đặc vụ Bắc Triều Tiên đánh lừa bằng cách nói là họ chỉ tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Bình Nhưỡng đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm, bất chấp việc nhà chức trách Mỹ, Hàn Quốc và Malaysia đều cho rằng Bắc Triều Tiên có trách nhiệm trong vụ ám sát Kim Jong Nam.
Theo CNN, với việc bà Đoàn Thị Hương ra khỏi nhà tù Malaysia và trở về Việt Nam ngày 03/05/2019, sẽ không còn ai bị xét xử trong một vụ ám sát táo bạo, công khai giữa ban ngày bằng loại vũ khí hóa học thuộc loại kinh khủng nhất hiện nay. Thế mà kẻ tình nghi chủ mưu là Bắc Triều Tiên lại lọt lưới.
Ồng Evans Revere, nguyên là quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Á và Thái Bình Dương, hiện là cố vấn cho nhóm Albright-Stonebridge, đã cho rằng « các nhà hoạch định kế hoạch, tổ chức và giám sát vụ ám sát Kim Jong Nam thực sự đã thoát tội… Không một ai phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công khủng khiếp này, trong đó vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được sử dụng để giết chết một con người tại một sân bay quốc tế.»
Đối với các nhà phân tích, trong vụ này, Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc đẩy vụ việc xuống hàng thứ yếu, tránh bị lên án.
CNN nêu bật là vụ ám sát Kim Jong Nam xẩy ra trong bối cảnh các vụ thử tên lửa đạn đạo năm 2017 của Bắc Triều Tiên đã khiến nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập. Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã biết mở một cuộc phản công ngoại giao vào năm sau, và thu hút được sự chú ý của quốc tế.
Euan Graham, giám đốc điều hành chương trình châu Á của Đại Học La Trobe tại Úc, đánh giá là Bắc Triều Tiên đã rất thành công trong một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới – từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đến Singapore, Việt Nam và Nga – lái dư luận quốc tế rời xa vụ Kim Jong Nam.
Trả lời CNN bằng e-mail, chuyên gia người Úc này khá chán ngán khi cho rằng « giờ đây, có vẻ như là quốc tế không còn muốn điều tra xa hơn về vụ Kim Jong Nam ». Theo ông, « Bắc Triều Tiên không chỉ thoát tội, mà các nước Đông Nam Á đã xếp hàng để đón tiếp Kim Jong Un, trong đó có Việt Nam ».
Đối với giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại Học Kookmin ở Seoul, vụ ám sát Kim Jong Nam sẽ dần dần phai nhạt trong trí nhớ mọi người, tương tự như các vụ khủng bố hay giết người ở nước ngoài trước đây mà chế độ Bình Nhưỡng bị cho là thủ phạm.
Bình Nhưỡng đã bị cáo buộc bắt cóc các công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Xô, ám sát các chính trị gia Hàn Quốc và thậm chí phá nổ một chiếc phi cơ chở hành khách của hãng máy bay Hàn Quốc Korean Air nhằm phá hoại Thế Vận Hội mùa hè 1988 ở Seoul. Đã có 115 người chết trong vụ nổ này.
Những sự cố trên đây hiếm khi được các nước khác, ngoại trừ Nhật Bản, nêu lại trong những cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Khi nhắc lại vụ phá nổ phi cơ của hãng Korean Air, ông Lankov nhận định : « Một vụ khủng bố mù quáng, với hàng loạt nạn nhân vô tội bị chết mà còn bị lãng quên, thì nói chi đến một vụ ám sát chính trị, mà về cơ bản không có ai bị vạ lây ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190504-hoi-ket-vu-an-kim-jong-nam-binh-nhuong-lai-vo-su-du-bi-to-la-chu-muu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten