Trên quảng trường Thiên An Môn ngày 16/05/2019.REUTERS/Thomas Peter
Cách nay 30 năm, cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp đẩm máu. Sự kiện chế độ huy động quân đội nổ súng vào thanh niên là bằng chứng đảng Cộng Sản Trung Quốc cố bám quyền lực bằng mọi giá và không dung thứ hay hoà giải với mọi khuynh hướng cải cách ở trong hay ngoài đảng. Ba mươi năm sau, họ vẫn còn nơm nớp lo sợ.
Kiểm duyệt mạng xã hội, câu lưu các nhà hoạt động nhân quyền, ngăn chận tự do thông tin : chính phủ Trung Quốc áp đặt một bức màn sắt nhân 30 năm vụ đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn. Tưởng niệm nạn nhân bị quân đội đàn áp đêm mùng 03 rạng sáng mùng 04 tháng sáu năm 1989 là một điều cấm kỵ tại Trung Quốc.
AFP đương cử hai trường hợp cụ thể xảy ra vào sáng nay : một phóng viên của hãng tin Pháp muốn đến quảng trường Thiên An Môn thu hình lễ thượng kỳ mỗi ngày đã bị công an chận lại. Một phóng viên khác thuê phòng khách sạn có cửa sổ nhìn ra quảng trường bị đổi phòng vào phút chót với lý do phải sơn sửa lại.
Ai cũng có thể là kẻ thù
Bầu không khí còn căng thẳng hơn vì năm 2019 không phải chỉ có sự kiện 30 năm Thiên An Môn, mà còn trùng hợp với sinh nhật 70 năm chế độ Cộng sản, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ. Hàng loạt công dân bị xem là thuộc loại « nhạy cảm » bị đưa ra khỏi thủ đô. Trong số này có luật sư nhân quyền Phố Chí Cường, cựu giáo sư Đinh Từ Lâm, người phụ nữ đứng đầu hiệp hội các bà mẹ mất con trong vụ đàn áp 1989, nhà báo Cao Du, hay ông Bào Đồng, cựu thư ký của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, dù đã 86 tuổi, vẫn bị canh chừng 24 giờ trên 24 giờ.
Tuy huy động mọi biện pháp khống chế toàn diện, chính quyền Trung Quốc vẫn không yên tâm. Các phương tiện truyền thông hoàn toàn im lặng, trừ một bài trên Hoàn Cầu Thời Báo biện minh cho cuộc thảm sát, nhưng bằng tiếng Anh. Còn tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Ngụy Phượng Hoà ở Singapore, cũng để biện minh cho quyết định dùng vũ lực, không được loan tải hay trích dẫn tại Hoa lục.
Trong biến cố lịch sử phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, sinh viên và công nhân Trung Quốc hưởng ứng xu hướng cải cách trong đảng với hai nhân vật biểu tượng là tổng bí thư Hồ Diệu Bang và người kế nhiệm là Triệu Tử Dương. Cuối cùng là Hồ Diệu Bang bị cách chức và chết vì lên cơn đau tim. Triệu Tử Dương sau đó cũng bị phe Lý Bằng và Đặng Tiểu Bình cáo buộc « nhu nhược » và cách chức.
Theo nhận định của Bào Phác, con trai của nhà ly khai Bào Đồng, mà một thời là cánh tay mặt của cố tổng bí thư Triệu Tử Dương, sau cuộc đàn áp đẩm máu và truy bức đó, người dân Hoa lục không còn chấp nhận rủi ro xuống đường đòi dân chủ. Nhưng chế độ vẫn luôn cảm thấy bị đe dọa và không ngừng tăng cường các biện pháp khống chế xã hội.
Cả nước bị theo dõi
Một nhà tranh đấu có kinh nghiệm tù đày cho biết là đảng Cộng Sản tấn công vào bất cứ người nào bị xem là mối đe dọa cho chế độ. Xu hướng này tăng tốc kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hơn 200 luật sư và nhà hoạt động bị bắt trong năm 2015 là một bằng chứng.
Nạn nhân được quốc tế biết đến nhiều nhất là Lưu Hiểu Ba, người chủ xướng « Hiến chương 2008 », khôi nguyên Nobel Hoà Bình 2010, chết vì bệnh ung thư gan vào năm 2017, vài ngày sau khi tạm ra khỏi nhà tù.
Biện pháp khống chế mới nhất là thiết lập mạng camera nhận diện và thu âm phát hiện quan điểm « trái luồng ».
Câu hỏi then chốt là chính sách trấn áp từ trong trứng nước có mang lại kết quả tuyệt đối hay không ? Trả lời Le Figaro, một giáo sư đại học Thanh Hoa, nguyên là sinh viên Thiên An Môn, e rằng Tập Cận Bình, với quy chế « hoàng đế mãn đời » sẽ tung ra một cuộc « cách mạng văn hóa » mới, lần này nhằm khống chế thành phần trí thức, học giả.
Trái lại, nhà hoạt động công đoàn Hàn Đông Phương, tị nạn ở Hồng Kông, tỏ ra lạc quan. Sự kiện trong năm 2017, hơn 50 sinh viên ban triết học Mác bị bắt giam vì tội đem « kiến thức » ra giúp công nhân thành lập công đoàn là dấu hiệu cho thấy thế hệ trẻ ở Hoa lục không phải ai cũng bị khẩu hiệu « làm giàu trước đã » đánh lừa.
Suốt 30 năm, sự kiện Thiên An Môn trở thành cụm từ « húy » tại Trung Quốc. Càng đến ngày 04/06 kỉ niệm vụ thảm sát những người đấu tranh đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc càng hoạt động hết công suất. Âm nhạc không phải là trường hợp ngoại lệ !
Lý Chí (Li Zhi), một ca sĩ nổi tiếng trong làng nhạc rock Trung Quốc, biến mất một cách bí ẩn từ tháng 02/2019 mà theo một bài viết của AP ngày 03/06, « những nghệ sĩ dám nói về Thiên An Môn bị đẩy vào bóng tối ». Sau hai ca sĩ nhạc rock đàn anh Thôi Kiện (Cui Jian) và Hà Dũng (He Yong), Lý Chí dám đề cập về vụ thảm sát Thiên An Môn trong một số bài hát của mình.
Vẫn hãng tin AP, vào đầu tháng 04/2019, đưa tin « Một nghệ sĩ bị Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Tứ Xuyên cấm lưu diễn 23 buổi » trên địa bàn tỉnh vì có « các hành động không phù hợp ». Công chúng bắt đầu chú ý và liên hệ đến việc Lý Chí mất tích từ hồi tháng Hai sau khi anh đăng một tấm ảnh chụp đang được truyền nước trong một bệnh viện.
Theo Hermine Roumilhac, phóng viên của ban tiếng Hoa đài RFI, Lý Chí chỉ nổi tiếng và có ảnh hưởng trong giới nhạc rock tại Trung Quốc, nhưng chính nhờ lệnh cấm trên, ca sĩ sinh năm 1978 được công chúng biết đến nhiều hơn :
« Người ta khám phá ra rằng đây là một ca sĩ dấn thân và dám hát nhiều bài hát về vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn. Vì thế người ta cũng hiểu hơn về « các hành động không phù hợp » mà Lý Chí bị cáo buộc. Từ một ca sĩ không tên tuổi, Lý Chí bỗng trở thành một ngôi sao dù bị cấm biểu diễn ở Trung Quốc.
Như nhận xét của nhiều nhà báo, các biện pháp kiểm duyệt, cấm đoán của chính quyền Trung Quốc lại càng giúp các nghệ sĩ bị kiểm duyệt trở nên nổi tiếng hơn. Lý Chí là một trường hợp như vậy. Nếu không có quyết định kiểm duyệt trên, rất ít người biết rằng ca sĩ nhạc folk rock đã sáng tác nhiều ca khúc về sự kiện Thiên An Môn ».
Ba bài hát gợi nhắc Thiên An Môn trong vòng kiểm duyệt
Ba bài hát của Lý Chí đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về Thiên An Môn thường được nhắc đến là Dân tộc không cần tự do, Quảng trường, Mùa Xuân 1990...
Trong bài thứ nhất Dân tộc không cần tự do, Lý Chí hát : « Một người anh em đến tìm tôi, mang tiền và những câu chuyện tới. Cậu ấy vừa cười vừa nói : dân tộc không cần tự do vì chúng ta đang sống trong thời kỳ đẹp nhất, trong giai đoạn đẹp nhất. Có những người thầm lặng theo dõi, lại có những người chồng chất hoài nghi về cuộc đời, nhưng tôi nghe thấy họ đồng thanh hô : Dân tộc không cần tự do ».
Hermine Roumilhac nhấn mạnh : « Nếu như nghe kỹ lời bài hát và âm điệu, chúng ta thấy bài hát mang vẻ chế giễu, mỉa mai. Đó là lời nói đùa khi cho rằng « Dân tộc không cần đến tự do ». Thực ra đó là cách Lý Chí nói rằng « người dân cần tự do ».
Bài hát thứ hai, Mùa Xuân 1990, nhắc đến kỷ niệm một năm ngày mất của một nữ sinh 17 tuổi :« Tối nay, chị gái của em, em nghĩ tới chị. Bạn bè của chị già đi, còn chị mãi ở tuổi 17 ».
Hermine Roumilhac cho rằng « lời bài hát hẳn nhắc đến cái chết của một ai đó trên quảng trường Thiên An Môn. Đó là cách để thể hiện tình yêu đối với những người đến quảng trường rồi không trở về. Trong bài hát, Lý Chí không nói chính xác về chuyện gì nhưng người nghe có thể đoán được qua tựa đề bài hát Mùa Xuân 1990 rằng ai đó đã chết trên quảng trường Thiên An Môn ».
Bài hát thứ ba, Quảng trường, trực tiếp nhắc đến quảng trường Thiên An Môn và phong trào sinh viên 1989. Lý Chí cố tình sử dụng những từ ngữ rất mạnh, gây sốc cho người nghe, nhưng để cảnh tỉnh thế hệ trẻ.
« Hôm nay, quảng trường này là mồ chôn tôi, bài hát này dành tưởng nhớ bạn. Bạn sẽ được giáo dục và bạn sẽ thành một người xấu, chỉ biết ăn, uống, tiểu tiện, đại tiện. Bạn sẽ như một con vật, sẽ không biết cứu những người đang dần chết ».
Trong điệp khúc, có đoạn : « Giết nó đi ! Đâm cho nó thêm phát nữa ! Còn tôi, tôi không hề tin về điều này ! »Có thể là Lý Chí bắt chước giọng của một quân nhân quát những người biểu tình có mặt trên quảng trưởng Thiên An Môn.
Hermine Roumilhac kể tiếp : « Trong một buổi biểu diễn, khi bắt đầu đến bài Quảng trường, một người nào đó trong thính phòng hét lên : « Gọi xe cứu thương ! Gọi cứu thương ngay ! » Hình ảnh này làm liên tưởng tới đoạn video rất nổi tiếng về vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn, trong đó người ta thấy nhiều học sinh, sinh viên vừa kêu « Cứu thương ! Cứu thương ! » vừa mang người bị thương đến các xe cấp cứu nhưng hẳn đó có người bị chết trước khi được cấp cứu ».
Cả ba bài hát trên của Lý Chí xuất hiện vào khoảng năm 2015 và vẫn được hát trong các buổi biểu diễn nhỏ. Bỗng nhiên từ tháng 04/2019, tất cả các tài khoản mạng xã hội Weibo và WeChat của ca sĩ bị đóng. Các trang nghe nhạc trực tuyến xóa hết tất cả các bài hát của Lý Chí… không để lại bất kỳ dấu vết nào như Lý Chí chưa từng tồn tại. Hermine Roumilhac giải thích :
« Vì vào đúng đợt 30 năm sự kiện Thiên An Môn, hoặc là vì ca sĩ bị ai đó tố cáo, hoặc do Lý Chí bắt đầu có chút tiếng tăm. Nếu như chỉ hát trên sân khấu nhỏ khoảng 30 người, ca sĩ không có vẻ gì là nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhưng giới trẻ bắt đầu biết đến anh. Ca sĩ nhạc rock có ít nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ.
Trong một đoạn video mà tôi xem được, một số thanh niên đến xem Lý Chí biểu diễn, họ nói là nhờ Lý Chí, họ học được cách hiểu cuộc sống. Họ ủng hộ anh vì Lý Chí giúp họ nhận ra cuộc sống thực. Đúng là nhờ sự chân thành, với những ca từ trong bài hát của mình, Lý Chí dần trở thành người quan trọng đối với những người ủng hộ anh ».
30 năm Thiên An Môn, 30 năm nhạc rock bị cấm ở Trung Quốc
Xuất hiện tại Trung Quốc vào thời kỳ cải cách kinh tế trong những năm 1980 sau 10 năm khổ nhục dưới thời Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), nhạc rock gắn liền với một phần lịch sử Trung Quốc. Hermine Roumilhac giải thích tiếp :
« Có nhiều người đi nước ngoài về hoặc sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc du học đã mang vào đất nước nhiều dòng nhạc nước ngoài. Vì thế, trong các trường đại học, sinh viên được tiếp xúc với nhạc rock và bắt chước phong cách này, thành lập các nhóm nhạc rock. Ngay từ năm 1979 đã xuất hiện những nhóm rock đầu tiên trong nhiều trường đại học ở Bắc Kinh (Wan Li Ma Wang, Bu Dao Weng), sau đó là nhiều nhóm rock khác (Dalu Yuedui của người nước ngoài) ».
Trong một bài viết về « Lịch sử chính trị của dòng nhạc punk-rock Trung Quốc », nhà nghiên cứu Pháp Nathanael Amar nhận định nhạc rock trở thành công cụ phản kháng của sinh viên và thể hiện niềm hy vọng dân chủ cho cả một thế hệ trẻ.
Thôi Kiện (Cui Jian, sinh năm 1961), là một trong những ca sĩ dấn thân thể hiện khát khao tự do của giới trẻ. Được mệnh danh là « người đỡ đầu cho nhạc rock Trung Quốc », chính Thôi Kiện giúp nhạc rock trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc. Theo Hermine Roumilhac, các bài hát của anh rất nổi tiếng, trong đó phải kể đến bài Tôi chẳng có gì(1986), ghi dấu ấn trong làng nhạc rock Trung Quốc :
« Trong bài hát này, ông nói đến chuyện tình của một chàng trai và một cô gái. Chàng trai kể : « Tôi hỏi một cô gái, em có muốn đến với anh không ? » Cô gái cười trả lời tôi : « Ồ, anh chẳng có gì. Không tiền, không tự do ! ».
Thực ra, người ta có thể hiểu câu chuyện này theo nhiều cách khác nhau. Theo nghĩa đen, đó là một câu chuyện tình, nhưng cũng có một số phân tích cho rằng « cô gái » trong bài hát được ví như Trung Quốc, kiểu : Tôi sẵn sàng cống hiến hết mình cho đất nước, nhưng đất nước lại nói rằng tôi chẳng có gì để trao cho đất nước, vì thế đất nước không cho tôi gì hết, kể cả tự do ».
Qua những lời ca, Thôi Kiện gián tiếp thể hiện quan điểm của anh về cuộc sống và xã hội, về chính trị và tự do trong những năm 1980. Điều đặc biệt là Thôi Kiện đã hát ca khúc này, cùng với nhiều bài khác, trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 05/1989 khi phong trào sinh viên bắt đầu. Từ đó, Tôi chẳng có gì trở thành bài ca của cả một thế hệ trẻ Trung Quốc.
« Cũng từ đó, Thôi Kiện bị cấm, như nhiều nhóm nhạc rock khác. Lịch sử nhạc rock Trung Quốc chấm dứt cùng với sự kiện Thiên An Môn. Họ bị cấm biểu diễn trước công chúng. Vì thế, họ chỉ biểu diễn nhỏ lẻ trong những quán bar hoặc tại sân khấu tư nhân. Rất nhiều nhóm bị tan rã. Thôi Kiện tiếp tục hát nhưng bị cấm tổ chức những chương trình biểu diễn lớn ».
Hàng trăm ngàn người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn ngày 17/05/1989.REUTERS/Ed Nachtrieb
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi những chiếc xe tăng của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc nghiền nát phong trào biểu tình phong trào đòi dân chủ của sinh viên Bắc Kinh, các nhà ly khai Trung Quốc nhìn lại sự kiện này như thế nào ? Hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của một số người.
Trên đài RFI, nhà văn Thái Sùng Quốc (Cai Chongguo), một sinh viên từ Vũ Hán lên thủ đô tham gia phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, nhớ lại không khí lạc quan vào thời ấy :
« Sau vụ thảm sát, người ta cho đó là những sinh viên mơ đến nền dân chủ và chỉ muốn lật đổ chế độ cộng sản. Sự thật không phải như thế. Đa số sinh viên chỉ đòi những cải tổ. Chúng tôi đã tin rằng đảng, các lãnh đạo và nhà nước sớm muộn gì cũng sẽ lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn cải tổ chính trị, chứ không làm cách mạng.
Vào năm 1989, chúng tôi có phần nào lạc quan, vì đã có một cải tổ chính trị, đã có một cải tổ kinh tế rộng lớn. Kể từ những năm 1978-1979, Đặng Tiểu Bình đã từ bỏ chính sách của Mao Trạch Đông, ông ấy đã mở cửa Trung Quốc, đưa tư bản nước ngoài vào, cho phép người dân lập công ty.
Giới sinh viên chúng tôi nghĩ rằng một lãnh đạo Cộng Sản như Đặng Tiểu Bình đã tiến hành những cải tổ kinh tế triệt để, như vậy ông ấy có thể tiến hành luôn cải tổ chính trị. Thế mà cuối cùng ông ấy lại bắn vào sinh viên. Chẳng khác gì ông nội bắn vào những đứa cháu của mình. »
Là một trong những lãnh đạo phong trào Thiên An Môn cách đây 30 năm, nhà bất đồng chính kiến hiện sống lưu vong Ngô Nhĩ Khai Hy ( Wu’er Kaixi ) không giấu vẻ cay đắng :
« Vào năm 1989, chúng tôi đã rất hy vọng, nhưng rốt cuộc phong trào lại kết thúc với một vụ thảm sát. Trong 30 năm qua, tôi đã phải sống lưu vong, nhưng tôi không muốn mất hy vọng. Tuy vậy, thế hệ trẻ hiện nay rất khó mà huy động lực lượng để chiếm quảng trường Thiên An Môn một lần nữa, bởi vì trong thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã trở thành một trong những chế độ toàn trị và tàn bạo nhất trong lịch sử thế giới.
Tôi lên án thế giới và nhất là phương Tây đã giúp cho Trung Quốc trở thành một chế độ như thế. Hiện nay ta có thể tự hỏi không biết nhân dân Trung Quốc có dám nổi dậy lần nữa hay không, nhưng ai cũng thấy là tình hình bây giờ khó khăn hơn rất nhiều. Phương Tây có lỗi một phần và lẽ ra phải thúc đẩy Trung Quốc đi theo con đường dân chủ.
Thế mà trong 30 năm qua, cộng đồng quốc tế lại đối xử với Trung Quốc như là với một chính phủ có trách nhiệm. Vào thời đó, chúng tôi nghĩ rằng, đối thủ của chúng tôi, tức nhà nước, sẽ chọn đi theo con đường đúng đắn. Chúng tôi tin tưởng như thế, chúng tôi tin tưởng như thế. Nhưng rất đáng buồn là chế độ này đã chọn phương án tệ hại nhất cho Trung Quốc. »
Về phần nhà thơ Liêu Diệc Vũ ( Liao Yiwu ), trả lời phỏng vấn RFI, ông đưa nhận định:
« Vụ thảm sát Thiên An Môn đã là điểm khởi đầu của mọi tiến triển của Trung Quốc trong 30 năm qua. Chính vì vậy mà rất cần nhớ lại sự kiện này. Chúng ta cần phải nhớ rằng vào lúc đó một viên tướng đã nói với Đặng Tiểu Bình điều này : "Giết 200 ngàn người sẽ mang lại cho chúng ta 20 năm ổn định".
Tôi nghĩ là ông đã hiểu quá rõ chế độ này và chúng ta cũng vậy, cũng cần phải hiểu điều đó. Rồi người dân và chính phủ đã thỏa thuận với nhau như thế này : các người có thể làm bất cứ điều gì, kể cả làm giàu, nhưng các người sẽ không có tự do ngôn luận, lẫn nhân quyền và dân chủ.
Nói như thế chẳng khác gì : Chúng tôi đã nổ súng và việc này là hoàn toàn đúng đắn. Cần phải đàn áp để duy trì chế độ hiện hành. Và đúng là chính phủ vẫn tiếp tục nghĩ như thế : Nếu không có vụ thảm sát Thiên An Môn, sẽ không có một đất nước Trung Quốc thịnh vượng, với những thành công kinh tế như hiện nay.
Tóm lại, phương Tây đã không thể xuất khẩu nền dân chủ của họ sang Trung Quốc, nhưng bây giờ có nguy cơ là Trung Quốc xuất khẩu chế độ toàn trị của mình sang các nước khác trên thế giới. »
"Trung Quốc tiếp tục chối bỏ Thiên An Môn, nhưng chúng tôi sẽ không để thế giới lãng quên", đó là đề tài một bài viết của ông Hà Tiểu Thanh ( Rowena Xiaqing He ) đăng trên tờ nhật báo Anh The Guardian ngày 03/06/2019. Hà Tiểu Thanh là tác giả cuốn sách “ Những người Thiên An Môn lưu vong : Những tiếng nói đấu tranh cho dân chủ ở Trung Quốc" (Tiananmen Exiles : Voices of the Struggle for Democracy in China)
Tác giả bài viết kể lại câu chuyện của Liane, một sinh viên từ Hồng Kông sang Bắc Kinh để ủng hộ các cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn. Vào đêm 03/06/1989, khi 200 ngàn binh lính Trung Quốc tàn sát những thường dân trong tay không một tấc sắt, Liane đang đứng kế bên Viện Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc, nằm ở một góc của quảng trường. Cô đã bất tỉnh sau khi không thể ngăn được một thanh niên liều chết xông về phía các binh lính. Người Liane dính đầy máu của thanh niên này.
Khi Liane tỉnh dậy, những người xung quanh định đưa cô lên xe cứu thương, nhưng khi biết rằng Liane không bị thương, một nữ bác sĩ tuổi trung niên bèn nắm tay cô và nói : “ Này cháu, cháu nên trở về Hồng Kông, cháu cần phải sống để nói cho thế giới biết rõ chính phủ của chúng tôi đêm nay đã đàn áp chúng tôi như thế nào."
Theo Hà Tiểu Thanh, do lúc đó công dân Hồng Kông còn được hưởng các quyền tự do trước khi vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, cho nên người dân Bắc Kinh đã hy vọng là những người như Liane sẽ là nhân chứng dùm cho họ. Mà đúng như thế : Vào đêm hôm ấy, đa số người dân Trung Quốc cứ lo rằng máu đã đổ một cách vô ích.
Tác giả bài viết nhắc lại rằng, trong 30 năm qua, chế độ Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy nhà nước để xóa bỏ hoặc bóp méo ký ức về hai ngày 03 và 04/06. Ban lãnh đạo của thời kỳ hậu Thiên An Môn mô tả phong trào này là một âm mưu của phương Tây nhằm làm suy yếu và chia rẽ Trung Quốc, đồng thời biện minh cho cuộc đàn áp của quân đội là cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của đất nước.
Nhưng những người sống sót và gia đình các nạn nhân vẫn bác bỏ quan điểm chính thức nói trên. Chính vì vậy mà những người mẹ vẫn không được phép mở miệng để công khai khóc than cho con mình, và yêu cầu của họ đòi mở điều tra độc lập để khôi phục sự thật và công lý vẫn luôn bị khước từ.
Đối với Hà Tiểu Thanh, "di sản của Thiên An Môn không chỉ thuộc về Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc, mà là của cả thế giới. Nỗi khao khát tự do, công lý, sự thật của nhân loại là không biên giới. Cuộc đàn áp ngày 04/06 đã phá vỡ cái nền tảng chung đó của nhân loại. Chính vì vậy mà trong suốt ba thập niên qua, các thành phố lớn trên thế giới vẫn tưởng niệm sự kiện này."
Cũng trên nhật báo The Guardian, nghệ sĩ và cũng là nhà hoạt động chính trị Ngải Vị Vị ( Ai Weiwei ) thẳng thừng lên án phương Tây đồng lõa trong việc che giấu sự kiện Thiên An Môn trong 30 năm qua. Ông Ngải Vị Vị nhắc lại rằng 30 năm sau, vụ thảm sát này vẫn chính thức được gọi là « Sự cố Bốn tháng Sáu » và chính phủ sử dụng đủ mọi cách để trấn áp, bắt bớ và giam cầm bất cứ ai nói đến « Bốn tháng Sáu ».
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị nhấn mạnh : « Những gì xảy ra ngày 4 tháng 6 không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Đó không chỉ là một sự kiện đã xảy ra cách đây 30 năm. Sự bất công không có thời hạn. Nó vẫn ám ảnh chúng tôi và tác động đến suy nghĩ của chúng tôi cho đến khi nào công lý được thực thi. Nhưng dung thứ sự bất công và bóp méo thông tin là một hành động khuyến khích và đồng lõa. Chính sự dung thứ này khiến cho các chế độ toàn trị thoải mái vượt qua những lằn ranh đỏ. Đó chính là điều đã xảy ra sau sự kiện « Bốn tháng Sáu », khi phương tây viện cớ rằng xã hội Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ hơn sau khi trở nên giàu hơn. Trung Quốc nay đã trở nên thịnh vượng hơn và hùng mạnh hơn trên trường quốc tế, nhưng vẫn chưa phát triển thành một quốc gia dân chủ đa nguyên. Chế độ này vẫn tiếp tục bác bỏ mọi giá trị căn bản : công bằng xã hội, cạnh tranh bình đẳng và tự do. Tất cả chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho sự thất bại này. »
Biểu tình tại Hồng Kông tưởng niệm Thiên An Môn.Reuters
AFP hôm nay 02/06/2018 đưa tin, nhân kỷ niệm 29 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, gia đình các nạn nhân đòi hỏi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải phục hồi danh dự cho những người bị sát hại. Chủ đề này luôn là cấm kỵ tại Trung Quốc.
Trong đêm 3 rạng 4 tháng Sáu năm 1989, quân lính đã nổ súng và xe tăng tràn lên tàn sát các sinh viên biểu tình, đã chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn suốt một tháng rưỡi. Con số thanh niên biểu tình bị quân đội thảm sát đến nay vẫn chưa ai biết rõ, nhưng được ước tính hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người. Sự kiện này đã khiến cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án, và Trung Quốc bị cô lập trong một thời gian dài.
Một trong những « bà mẹ Thiên An Môn » than thở : « Hàng năm, mỗi khi định tưởng niệm những người thân, chúng tôi đều bị kiểm soát, bị quản thúc hoặc đưa đi xa ».
Hiệp hội « Những bà mẹ Thiên An Môn » tập hợp những bậc cha mẹ đã bị mất con trong cuộc đàn áp trong lá thư ngỏ gởi ông Tập Cận Bình, được tổ chức phi chính phủ Human Rights in China công bố tuần này, đã viết : « Là nhà lãnh đạo một nước lớn, chắc chắn là ông không vô cảm trước vụ thảm sát xảy ra cách đây 29 năm ».
Đảng Cộng Sản Trung Quốc luôn chính thức coi những người biểu tình Thiên An Môn là « một thiểu số gây rối phản cách mạng ».
Lá thư của « Những bà mẹ Thiên An Môn » viết tiếp : « Đang ở giai đoạn cuối đời, chúng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó trước khi chết đi, những người thân chúng tôi được phục hồi danh dự. Chúng tôi luôn có ba yêu sách : sự thật, bồi thường và truy cứu trách nhiệm ».
Thiên An Môn luôn là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại Hoa lục, không hề được nhắc đến trong sách báo, sách giáo khoa, phim ảnh, và bị kiểm duyệt trên các mạng xã hội. Hồng Kông là nơi duy nhất vẫn công khai tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát, diễn ra vào ngày 4 tháng Sáu hàng năm.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten