vrijdag 28 juni 2019

Thượng đỉnh G20 khai mạc ở Osaka (Nhật) trong bối cảnh xung khắc thương mại + Thương chiến Mỹ-Trung : Donald Trump gặp Tập Cận Bình trong thế mạnh

Thượng đỉnh G20 khai mạc trong bối cảnh xung khắc thương mại

mediaThượng đỉnh G20 Osaka, Nhật Bản ngày 28/06/2019Brendan Smialowski / AFP
Thượng đỉnh 20 nước có sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới đã khai mạc ngày 28/06/2019 tại Osaka, Nhật Bản. Đây là một hội nghị với nhiều bất trắc, vì các lập trường đối chọi từ thương mại đến môi trường khó có thể được dung hoà. Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe long trọng kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên giúp cho hội nghị thành công trong tinh thần « hài hòa », như niên hiệu « Lệnh Hoà » của tân vương Naruhito.
Giới quan sát đặc biệt theo dõi phản ứng của những nhân vật được xem có thể làm rạn nứt nhóm G20, do lập trường cứng rắn trên các hồ sơ quốc tế : Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin và Emmanuel Macron.
Từ Osaka, đặc phái viên Mounia Daoudi tường thuật :
"Một trong những hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng tại thượng đỉnh Osaka là thủ tướng Shinzo Abe chủ tọa cuộc họp G20 đầu tiên có mặt Donald Trump và Tập Cận Bình. Thủ tướng nước chủ nhà gần như là đóng vai trọng tài trước trận võ đài thương mại khó tránh khỏi giữa hai đại cường kinh tế hàng đầu thế giới.
Dấu hiệu căng thẳng hiện rõ với tuyên bố đầu tiên của chủ tịch Trung Quốc tố cáo chính sách bảo hộ mậu dịch và dọa nạt gây tác hại cho trật tự thế giới.
Thế nhưng, thương mại không phải là hồ sơ duy nhất gây bất đồng tại Osaka. Một trận chiến khác đang diễn ra bên trong hậu trường về biến đổi khí hậu. Trước giờ khai mạc, Liên Hiệp Châu Âu, được Canada ủng hộ, phối hợp hành động chung. Đối với các nước này, không có lý do gì xét lại đường hướng của Hiệp định Paris COP21.
Hiện giờ chỉ có Hoa Kỳ là thành viên duy nhất của G20 thông báo từ bỏ COP21. Phái đoàn Mỹ đang tìm cách lôi kéo Brazil, Úc, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng theo xu hướng hoài nghi biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp thấy rõ điều này. Emmanuel Macron cảnh báo là nếu G20 không đủ khả năng thống nhất một tiếng nói dứt khoát về khí hậu, Pháp sẽ không ký vào bản thông cáo chung."
Theo AFP, dường như tổng thống Mỹ Donald Trump đã lắng nghe lời kêu gọi « hài hòa » của thủ tướng Nhật Bản. Trước khi chụp bức ảnh lưu niệm với các đồng nhiệm G20, tổng thống Mỹ tiếp xúc vui vẻ với Vladimir Putin và thái tử Mohammed Ben Salmane. Tổng thống Nga tìm cách biện giải cho lập trường của Teheran, trong khi thái tử Ả Rập Xê Út ủng hộ chiến lược của Mỹ gây sức ép với Iran.
Chưa rõ G20 sẽ kết thúc như thế nào, nhưng theo giới quan sát, có bốn hồ sơ được xem là « những ngòi thuốc nổ ».
Abe đề cập đến Hồng Kông
Trong cuộc trao đổi với ông Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, thủ tướng Nhật Bản kêu gọi chủ tịch Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do, nhân quyền, nhà nước thượng tôn pháp luật và các giá trị phổ quát khác tại Hoa lục nói chung. Riêng về tình hình Hồng Kông, trong bối cảnh dân chúng biểu tình chống luật dẫn độ, thủ tướng Nhật khuyến cáo lãnh đạo Trung Quốc tôn trọng lời cam kết « một quốc gia hai chế độ » và bảo đảm cho Hồng Kông được sống trong tự do, điều kiện để lãnh địa này tiếp tục được phồn vinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190628-osaka-g20-khai-mac-trong-boi-canh-xung-khac-thuong-mai

Thương chiến Mỹ-Trung : Donald Trump gặp Tập Cận Bình trong thế mạnh

mediaẢnh tư liệu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Đại sảnh đường nhân dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017.REUTERS/Thomas Peter/File Photo
Giống như cách nay hơn nửa năm tại Buenos Aires, xứ Achentina, cuộc gặp song phương ngày mai, 29/06/2019 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được xem là cái « đinh » của Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Với mục tiêu là tìm thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên, cuộc tiếp xúc được cho là một cuộc đấu mới giữa hai lãnh đạo. Theo một số chuyên gia phân tích được báo Le Monde hôm nay 28/06 trích dẫn, thì lần này, ông Trump đến Osaka trong thế thượng phong.
Trước lúc lên đường sang Nhật Bản dự hội nghị, như thông lệ, tổng thống Mỹ không ngần ngại khẳng định : « Nền kinh tế Trung Quốc đang suy sụp, họ muốn có một thỏa thuận ». Và cũng như thông lệ, tổng thống Mỹ đe dọa là trong trường hợp Trung Quốc không chịu thỏa thuận, ông đã có sẵn một « kế hoạch B », đó là áp thuế ồ ạt trên hàng hóa Trung Quốc !
Theo các nhà quan sát, sau một thời gian coi thường ông Trump và cuộc tấn công do ông khởi động chống Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được rằng thâm hụt thương mại chỉ là một phần trong một cuộc tấn công toàn diện hơn mà chính phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã loan báo công khai vào tháng 10 năm 2018, theo đó Hoa Kỳ cần phải chống lại « các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phá vỡ lợi thế địa chính trị của Mỹ và trật tự quốc tế ».
Với Donald Trump, nước Mỹ đã từ bỏ hẳn chiến lược thuyết phục lôi kéo Trung Quốc, với hy vọng là thông qua việc mở cửa ra thế giới bên ngoài và tiếp nhận đầu tư ngoại quốc, Bắc Kinh sẽ áp dụng các quy tắc, chuẩn mực quốc tế. Và sau đó, Mỹ đã cứng rắn với Trung Quốc trên mọi phương diện, từ vấn đề Đài Loan, Tân Cương, cho đến Biển Đông, và mới đây là Hồng Kông, với những quyết định hầu như lúc nào cũng được cả hai đảng tại Mỹ hậu thuẫn.
Bắc Kinh từng lầm tưởng rằng kinh tế Mỹ có thể gặp khó khăn do chiến tranh thương mại, khiến ông Trump gặp khó khăn chính trị. Thế nhưng, theo bà Valérie Niquet, chuyên gia Pháp về Trung Quốc, hiện nay có « hai điều rất đáng ngại cho Trung Quốc là nền kinh tế Mỹ tiếp tục hoạt động tốt. Và ông Trump có khả năng được bầu lại. »
Trong chiều hướng đó, theo bà Niquet Bắc Kinh sẽ phải « gồng mình chịu đựng các biện pháp trừng phạt đang đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và nêu bật mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và Châu Âu ».
Trung Quốc cũng nghĩ rằng họ có thể khai thác sự chia rẽ giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Châu Âu cùng Nhật Bản, thế nhưng, thực tế lại khác. Theo chuyên gia Niquet, Trung Quốc đang phải đối phó với một mặt trận, vì Châu Âu và Nhật Bản có cùng một đánh giá với Mỹ về Trung Quốc, cho dù phương pháp hành động khác nhau : Châu Âu muốn cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, trong khi Hoa Kỳ chỉ muốn hành động đơn phương.
Trước những đòn tấn công của Mỹ, Trung Quốc vẫn sử dụng những chiêu bài xưa cũ : Bộ máy tuyên truyền của chế độ cố kích động tinh thần dân tộc, thi nhau lên án chủ nghĩa đế quốc Mỹ, đồng thời ca tụng « sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc".
Trong bối cảnh đó, ông Tập Cận Bình đã phải cố gắng hòa hoãn để tìm đồng minh, như sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản, từng bị ông làm khó dễ trước đây, hay hòa dịu hơn với Liên Hiệp Châu Âu, mà gần đây đã thể hiện một lập trường phê phán hơn với Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên cũng đột nhiên được nâng cấp trở lại thành một nước anh em, trong lúc tình hữu nghị Nga - Trung thì được ca ngợi đến tận mây xanh.
Nhìn chung, cuộc tấn công của Mỹ đã khiến niềm tin của Trung Quốc vào sức mạnh của mình bị lung lay. Đối với chuyên gia Valérie Niquet, « vấn đề tế nhị đối với ông Tập Cận Bình là để lộ vẻ bị buộc phải chiều theo áp lực từ nước ngoài. Các cuộc tấn công của Mỹ đã tác hại đến lập luận về tự hào dân tộc và xoáy vào những điểm yếu của Trung Quốc ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190628-thuong-chien-my-trung-donald-trump-gap-tap-can-binh-trong-the-manh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten