vrijdag 21 juni 2019

Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng: Kinh tế và hạt nhân, trọng tâm đối thoại Trung-Triều

Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng: Kinh tế và hạt nhân, trọng tâm đối thoại Trung-Triều

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, tại Bắc Kinh, ngày 10/01/2019. (Ảnh do truyền hình Trung Quốc CCTV công bố)AFP
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên tiếp đón trọng thể nguyên thủ Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình và phu nhân bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước Bắc Triều Tiên trong hai ngày 20 và 21/06/2019. Một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân Trung Quốc tháp tùng ông Tập đến Bình Nhưỡng.
Theo hãng tin Pháp AFP, bốn giờ sau buổi làm việc đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước, báo chí Bắc Kinh chỉ đưa tin chủ tịch Trung Quốc và phu nhân được tiếp đón rất trọng thể. Bắc Triều Tiên bắn 21 phát đại bác chào mừng sự kiện này. 10.000 người dân Bắc Triều Tiên được huy động tại sân bay để đón chào ông Tập. Nhưng cho đến trưa nay, đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc vẫn chưa đăng tải hình ảnh chuyến viếng thăm lịch sử này.
Còn Tân Hoa Xã đưa tin ngay sáng nay, chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Kim Jong Un đã bắt đầu một loạt các cuộc đối thoại, nhưng không đi sâu vào chi tiết.
Ông Tập Cận Bình là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến Bình Nhưỡng kể từ năm 2005. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang đọ sức với Washington về thương mại và đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về hạt nhân rơi vào bế tắc. Theo giới phân tích kinh tế và hạt nhân sẽ là trọng tâm các cuộc hội đàm luận giữa hai nhà lãnh đạo.
Tập Cận Bình và Kim Jong Un muốn gì ?
Đây không phải là lần đầu tiên mà hai lãnh đạo Trung-Triều gặp nhau, thế nên câu hỏi được các nhà quan sát đặt ra là hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un muốn gì vào thời điểm này.
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Ojardias giải thích :
« Chủ tịch Trung Quốc đến Bình Nhưỡng nhắc nhở rằng ông là người đóng vai trò không thể bỏ qua trong bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Tập Cận Bình muốn cho thấy rõ uy lực cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Điều đó sẽ giúp ông có thêm lợi thế khi đàm phán với Mỹ nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại song phương.
Ông Tập Cận Bình đã không chọn thời điểm công du Bình Nhưỡng một cách ngẫu nhiên : Vào tuần tới đây, hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ mở ra tại Osaka (Nhật Bản), nơi ông sẽ gặp tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về phần mình, ông Kim Jong Un muốn phô trương liên minh với Trung Quốc để củng cố vị thế đàm phán của chính ông trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Donald Trump.
Lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng cần hỗ trợ của Bắc Kinh để hạn chế các lệnh trừng phạt quốc tế. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc mới đây đã bác bỏ một yêu cầu của Mỹ muốn nghiêm cấm hoàn toàn việc chuyển giao dầu hỏa cho Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh cũng có thể viện trợ thực phẩm cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đồng minh Bắc Triều Tiên vẫn có giới hạn, và nhân chuyến công du này, khó có khả năng ông Tập Cận Bình đạt được những nhượng bộ lớn từ Kim Jong Un. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190620-tap-can-binh-va-kim-jong-un-muon-gi

Bắc Kinh, đối tác nặng ký giúp Bình Nhưỡng nối lại đàm phán với Mỹ về hạt nhân

mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh. (Ảnh Tân Hoa Xã công bố ngày 28/03/2018)REUTERS
Sau Seoul đến lượt Bắc Kinh trở thành trung gian để Bình Nhưỡng nói chuyện với Washington. Theo giới phân tích, trong nhãn quan của chính quyền Kim Jong Un, tiếng nói của ông Tập Cận Bình với Donald Trump sẽ có trọng lượng hơn so với những nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Ông Tập Cập Bình đến Bình Nhưỡng lần này để đáp lễ Kim Jong Un đã bốn lần sang Bắc Kinh trong 15 tháng vừa qua. Đây là một chuyến công du mang nặng tính biểu tượng. Lần gần đây nhất một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng là hồi năm 2005 và thân phụ của ông Kim Jong Un, là Kim Jong Il, cũng đã dành cho ông Hồ Cẩm Đào những nghi lễ trang trọng nhất. Vào lúc đó, Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín nhất hành tinh. Giờ đây, quốc gia đông bắc Á này là một trong những địa điểm du lịch được người Trung Quốc ưa chuộng.
Khác với thời đại của hai thế hệ lãnh đạo trước, (Kim Nhật Thành/Kim Il Sung và Kim Jong Il) đương kim chủ tịch Bắc Triều Tiên đã hai lần bắt tay tổng thống Hoa Kỳ sau hàng loạt vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Về phía Bắc Kinh, từ khi lên cầm quyền năm 2012 ông Tập Cận Bình liên tục củng cố địa vị. Trung Quốc dưới năm tháng của ông Tập Cận Bình đã khẳng định là một siêu cường trên thế giới, cạnh tranh quyết liệt với Mỹ về kinh tế, ngoại giao và cả về quân sự. Lần này nguyên thủ Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân đến Bình Nhưỡng. Hơn thế nữa, ông Tập là nhà lãnh đạo quốc tế đón tiếp Kim Jong Un nhiều nhất, kể từ khi ông này lên kế nghiệp cha, cuối năm 2011.
Nhìn từ Bắc Triều Tiên, trong 9 năm qua, Kim Jong Un đã ba lần bắt tay tổng thống Hàn Quốc, hai lần họp thượng đỉnh với nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump, thăm Hà Nội và gặp các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam... Nếu tính luôn chuyến công du Bình Nhưỡng lần này của ông Tập Cận Bình thì đây là lần thứ năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Trung Quốc gặp nhau.
Các hoạt động đối ngoại kể trên của Kim Jong Un được giới quan sát đánh giá là rất quan trọng, thể hiện sự năng động và tinh tế trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Kể từ khi chuyển hướng, ngừng khiêu khích cộng đồng quốc tế để chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ, chính quyền Bình Nhưỡng đã xích lại gần với Seoul. Bởi Hàn Quốc vừa là đồng minh thân cận của Mỹ tại đông bắc Á vừa là nước láng giềng anh em với Bắc Triều Tiên. Nhưng vài tuần trước khi đến Singapore bắt tay Donald Trump, ông Kim Jong Un và phu nhân đã đáp tàu hỏa từ Bình Nhưỡng đến thẳng Bắc Kinh.
Chế độ Kim Jong Un từ tháng 4/2018 liên tục thúc đẩy quan hệ Liên Triều, cởi mở với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhưng không bao giờ lơ là với Bắc Kinh, kể cả sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 02/2019.
Điều này khiến giới quan sát khẳng định rằng trong đàm phán Mỹ- Bắc Triều Tiên về hạt nhân, Bắc Kinh là "kênh trên đối thoại ưu tiên" của Bình Nhưỡng, bởi Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài hơn là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Thứ nhất, về chiến lược và kinh tế, từ giữa thế kỷ 20, Bắc Kinh là điểm tựa an toàn cho gia đình họ Kim.
Thứ hai, trên cương vị thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào chế độ Kim Jong Un và lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với nước láng giền này không nhỏ.
Điểm thứ ba, là ông Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài để thuyết phục tổng thống Trump ở Nhà Trắng hơn Moon Jae In.
Donald Trump vừa khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, nên cũng cần lấy điểm với cử tri Mỹ. Khi cả hai ông Trump và Tập cùng muốn nhanh chóng tạm khép lại cuộc chiến thương mại thì rõ ràng lãnh đạo Bắc Kinh mới chính là chìa khóa giúp Bình Nhưỡng nhanh chóng đạt được mục tiêu mong muốn.
Không biết có một sự tình cờ hay không, mà vào hôm nay, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng để tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân, cả Washington lẫn Bình Nhưỡng cần có thái độ "uyển chuyển".
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190620-bac-kinh-doi-tac-nang-ky-giup-binh-nhuong-noi-lai-dam-phan-voi-my-ve-hat-nhan

Chủ tịch Trung Quốc ca ngợi Bắc Triều Tiên chọn ‘‘hướng đi đúng’’

mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh do KCNA công bố ngày 10/01/2019.KCNA via REUTERS
Ngày mai, 20/06/2019, chủ tịch Trung Quốc công du Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Trung Quốc đến Bắc Triều Tiên kể từ 14 năm nay.
Báo chí chính thống của Bình Nhưỡng hôm nay, 19/06/2019, đăng tải một bài viết của nguyên thủ Trung Quốc ngay trên trang nhất. Theo nhiều nhà quan sát, đây là một động tác ngoại giao hiếm có của chính quyền Bình Nhưỡng.
Thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình từ Seoul :
« Rất hiếm khi báo chí chính thống Bắc Triều Tiên lại dành một ‘‘vinh hạnh’’ như vậy cho một nguyên thủ nước ngoài : Tờ Rodon Sinmun trang trọng dành trang nhất cho một bài viết của chủ tịch Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với hướng đi đúng mà chế độ Bình Nhưỡng lựa chọn để giải quyết các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ các nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, nhằm phát triển kinh tế nước này.
Chuyến công du Bắc Triều Tiên của lãnh đạo Trung Quốc được hưởng ứng tại Seoul. Nhật báo Joongang Ilbo, theo xu hướng bảo thủ, nhận định là cuộc hội kiến Tập – Kim mang lại một tia hy vọng cho việc nối lại tiến trình đối thoại. Nhật báo Joongang Ilbo cũng nhắc lại là sự sống còn của chế độ Kim Jong Un phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Về phần mình, nhật báo Hankyorech cho rằng thượng đỉnh ngày mai có thể là điểm xuất phát cho những thay đổi lớn trên bán đảo. Niềm lạc quan này cũng được phủ tổng thống Hàn Quốc chia sẻ. Chính quyền Seoul hy vọng là chủ tịch Trung Quốc sẽ gây áp lực để lãnh đạo Bắc Triều Tiên mở lại các đàm phán về hạt nhân ».
Ngăn BTT nhập thêm dầu : Trung Quốc và Nga bác yêu cầu của Mỹ
Thêm một dấu hiệu ủng hộ của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng : Tại Liên Hiệp Quốc hôm qua, 18/06/2019, Trung Quốc và Nga đã bác bỏ một sáng kiến của Mỹ nhằm ngăn chặn việc cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế cho Bắc Triều Tiên. Theo một số nguồn tin ngoại giao, Washington khẳng định lượng dầu mỏ nhập vào Bắc Triều Tiên đã vượt quá hạn định cho phép trong năm 2019. 25 quốc gia, trong đó Pháp, Đức, Nhật, ủng hộ sáng kiến của Mỹ. Bắc Kinh và Matxcơva cho rằng cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu khiếu nại của Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190619-truoc-chuyen-di-binh-nhuong-chu-tich-trung-quoc-ca-ngoi-che-do-btt-chon-‘‘huong-di-d

Geen opmerkingen:

Een reactie posten